Cây xương rồng và những điều chưa biết
Xương rồng là loài cây quá quen thuộc đối với mọi người. Không chỉ biết đến là loài cây có sức sống mãnh liệt, xương rồng còn có nhiều điều thú vị mà chúng ta chưa biết. Hãy cùng khám phá loài cây này ở ngay bài viết dưới đây.
1. Nguồn gốc cây xương rồng
Họ Xương rồng (danh pháp khoa học: Cactaceae) thường là các loài cây mọng nước hai lá mầm và có hoa. Họ Cactaceae có từ 25 đến 220 chi, tùy theo nguồn (90 chi phổ biến nhất), trong đó có từ 1.500 đến 1.800 loài.
Những cây xương rồng được biết đến như là có nguồn gốc từ châu Mỹ, nhất là ở những vùng sa mạc. Cũng có một số loại biểu sinh trong rừng nhiệt đới, những loại đó mọc trên những cành cây, vì ở đó mưa rơi xuống đất nhanh, cho nên ở đó thường xuyên bị khô. Cây xương rồng có gai và thân để chứa nước dự trữ.
Xương rồng gần như là loại thực vật ở châu Mỹ, ngoại trừ duy nhất là Rhipsalis baccifera, sinh trưởng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, chủ yếu ở châu Phi, Madagascar và Sri Lanka cũng như ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Loài này được cho là mới định cư gần đây ở các lục địa ngoài châu Mỹ (trong vài nghìn năm gần đây), có thể là do các loài chim di cư mang theo dưới dạng hạt không tiêu hóa được. Nhiều loài xương rồng khác đã thích hợp với môi trường sống mới trên các phần khác nhau của thế giới do sự đem theo của con người.
2. Đặc điểm cây xương rồng
Tuy chỉ với một tên gọi xương rồng nhưng lại được phân chia thành nhiều chi và loài khác nhau. Xương rồng có lá thân mọng chứa nhiều nước nên có thể sống ở điều kiện khô hạn. Đặc biệt cây xương rồng kể ra có đến muôn vàn hình dáng đa dạng khác nhau.
Những cây xương rồng cổ thường có dạng hình cầu hoặc hình trụ dài thường mọc thành những bụi lớn với chi chít gai mọc xung quanh. Tuy chỉ có gai, thân xù xì nhưng lại cho ra những bông hoa đẹp lôi cuốn khiến nhiều người đam mê giống cây đặc biệt này lúc nào không biết.
3. Cách trồng và chăm sóc cây xương rồng
- Nước tưới: Tưới nhiều cây dễ bị úng, nhưng để cây khô nước quá lâu cũng sẽ làm yếu cây. Loại nước tưới: nước tưới xương rồng là loại nước có độ PH trung bình như nước mưa hay nước máy.
- Ánh sáng và không khí: Cây xương rồng cần nhận ít nhất chừng 50% lượng ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào mỗi ngày (khoảng 6 giờ/ngày). Cây phát triển tốt trong điều kiện thoáng đãng của hoang mạc, đồng cỏ, sân thượng... Cây trồng trong nhà kiếng, đôi lúc cũng cần có mở cửa đề đón gió hoặc phải dùng quạt để thổi gió.
- Nhiệt độ: Trong tự nhiên hoang dã, cây xương rồng và cây mọng nước có thể tồn tại, chịu đựng trong khoảng nhiệt độ lớn, chừng 10°C - 50°C. Tuy nhiên, nhiệt độ thích hợp để cây phát triển vào khoảng 15°C - 28°C.
- Dinh dưỡng: Trong mùa phát triển, cây xương rồng và cây mọng nước đều cần chất đạm (N) để giúp sự tăng trưởng thân, chất potassium (P) cho sự phát triển của hoa và trái và chất phosphorus (P) cho sự phát triển bộ rễ. Ngoài ra, cây cũng cần một số chất vi lượng khác.
4. Ý nghĩa cây xương rồng
- Ý nghĩa trong cuộc sống
Với khả năng sống trong môi trường khắc nghiệt, cây xương rồng thể hiện sự bền bỉ, sức sống mãnh liệt, khả năng chịu đựng cao. Nó đại diện cho người mạnh mẽ, kiên định, sống bằng lý trí và có thể vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, giống như ý nghĩa của sen đá – người bạn mọng nước nhỏ bé.
Tuy nhiên, nếu chỉ mạnh mẽ và gai góc thì chưa đủ sự hấp dẫn và chiều sâu khiến người ta muốn khám phá. Cũng như thân cây xương rồng bên ngoài xù xì, gai góc nhưng bên trong mọng nước, có những người vẻ ngoài thì cứng rắn nhưng bên trong lại mềm yếu, giàu tình cảm.
- Ý nghĩa trong tình yêu
Hoa xương rồng ít nở nhưng khi nở lại có sức cuốn hút đặc biệt. Không phải vì nó ngát hương hay khoe sắc quá rực rỡ mà bởi vì nó là kết quả sau một quá trình dài gian nan, bền bỉ trong môi trường khắc nghiệt. Ý nghĩa cây xương rồng trong tình yêu cũng vậy. Nó thể hiện cho sự mãnh liệt, bền bỉ và chung thủy. Dù trải qua khó khăn, thử thách vẫn vượt qua, đâm chồi nở hoa. Ý nghĩa của hoa xương rồng biểu trưng cho một tình yêu đơm hoa kết trái, một tình yêu phi thường, trải qua sóng gió và kết thúc có hậu.
Có thể nhiều người chưa biết rằng cây xương rồng còn có nghĩa là một tình yêu chưa nói, âm thầm và lặng lẽ. Vậy nên nếu ai đó bỗng tặng cho bạn một chậu xương rồng xinh xắn thì hãy nghĩ đến khả năng người ấy có tình cảm đặc biệt với bạn.
- Ý nghĩa phong thủy
Các loại xương rồng mini đẹp vốn được ưa chuộng làm cây cảnh trồng trong các chậu nhỏ để trang trí vì nó không những đẹp lại còn dễ chăm sóc vì khả năng chịu hạn cao, ít sâu bệnh. Hẳn là không ít người trong chúng ta đã từng mua những chậu xương rồng xinh xắn để trong nhà, trên bàn làm việc, trên cửa sổ… Tuy nhiên, mọi người có thể đã không chú ý đến ý nghĩa của cây xương rồng trong phong thủy.
Theo phong thủy, tốt nhất bạn không nên đặt cây xương rồng cảnh trong nhà, nơi làm việc. Thay vào đó có thể trồng chúng ở ban công hay hàng rào trước cổng. Bởi vì khi đó, xương rồng lại như một lớp rào chắn bảo vệ ngôi nhà của bạn trước các sát khí mạnh từ bên ngoài xâm nhập.
Bình luận