Cây chuối và những kiến thức cần biết
Có thể nói, chuối là loại cây vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người từ nông thôn tới thành thị, từ già tới trẻ không ai là không biết đến cây chuối. Nó gắn liền với đời sống như một biểu tượng văn hóa của nước ta. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị về loại cây này mà nhiều người chưa biết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu:
I. Nguồn gốc cây chuối
Cây chuối còn được gọi là ba tiêu, tên khoa học Musa, thuộc họ Chuối (Musaceae). Chuối có nguồn gốc ở vùng Đông Nam Á. Các cuộc khảo cổ đã chứng minh rằng chuối là một trong những loại quả xưa nhất được người ta dùng làm thực phẩm. Di tích về khảo cổ học và môi trường cổ tại đầm lầy Kul ở tỉnh Cao Nguyên Tây, Papua New Guinea gợi ý rằng chuối được trồng ở đấy bắt đầu trễ nhất năm 5000 TCN, nhưng có thể từ 8000 TCN. Sự khám phá này có nghĩa rằng cao nguyên New Guinea là nơi mà chuối được thuần hóa đầu tiên. Có lẽ những loài chuối dại khác được trồng ở những vùng khác tại Đông Nam Á. Đến nay, người ta ước lượng có khoảng 100-300 giống chuối trên thế giới.
II. Đặc điểm cây chuối
- Rễ chuối là dạng rễ chùm, 2 – 5 rễ một chùm. Rễ có hệ thống rễ con phân bố gần phủ kín bề mặt rễ kể từ phần giáp thân chính. Rễ được hình thành và sinh trưởng, phát triển ở phần thân ngầm.
- Thân chuối có 2 phần: Phần vỏ màu sẫm và phần trung tâm củ màu nhạt hơn. Ngoài mặt củ chuối có vết của bẹ lá tạo thành vòng xoay quanh củ chuối.
- Lá chuối ra theo hình xoắn, và có thể kéo dài tới 2,7m và rộng tới 60cm. Lá chuối phát triển mạnh nhất vào khoảng tháng 5 – tháng 6, mỗi tháng có thể mọc ra 3 – 4 lá, lá chuối to, dày, màu xanh đậm và bóng. Lá mới mọc ra mỏng, có màu xanh nhạt.
- Hoa chuối: Hoa chuối thường lưỡng tính, đầu hoa thường ra một hoa đực riêng, không sinh sản, còn dược gọi là bắp chuối, nhưng đôi khi có thể ra thêm - một thân cây chuối ở Hinigaran, Negros Occidental, Philippines ra năm hoa.
- Qủa chuối: dài và hơi cong, khi non màu xanh, khi chín màu vàng.
III. Giá trị của cây chuối
- Sử dụng làm lương thực, thực phẩm
Trong chuối, hàm lượng kali (potassium) chiếm tỉ lệ rất cao, chứa nhiều loại đường thiên nhiên như: fructose, sucrose, glucose, cung cấp một năng lượng dồi dào cho cơ thể. Hai quả chuối có thể cung cấp năng lượng cho 90 phút luyện tập thể thao. Không những thế, chuối còn giúp điều trị một số bệnh, nhờ đó, chuối được xếp vào hạng “top” trong thực đơn hàng ngày.
Ở một vài quốc gia Châu Phi chuối được tiêu thụ dưới dạng nấu ăn làm thực phẩm chính và dùng để ăn tươi. Ngoài ra, chuối còn được dùng để chế biến thành các dạng thực phẩm khác như bột chuối, bánh, mứt, kẹo, chuối khô, làm rượu, làm giấm hoặc trích lấy tinh dầu
Chuối cũng còn dùng làm thức ăn gia súc, lấy sáp ở các giống chuối rừng (thuộc loài Acuminata), lấy sợi ở giống Musa textilis (chuối sợi Abaca)…
- Giá trị trong y học
Trong các loại hoa quả nói chung, chuối là loại quả “kì diệu” nhất. Chuối dùng tốt cho trẻ thơ, trẻ em đang độ lớn, cho người dưỡng sức, cho người già, cũng như cho những người lao động trí óc và chân tay. Nó giúp ích cho hệ xương, cho sự sinh trưởng, cho sự cân bằng thần kinh. Cũng dùng tốt cho những người bị bệnh khớp. Người suy nhược nên dùng ăn hàng ngày.
Các nhà dinh dưỡng cho biết không thể coi thường hàm lượng dinh dưỡng có trong chuối, bởi nó thực sự có thể giúp chữa trị một số loại bệnh (xem bài đọc thêm Giá trị y học của cây chuối)
- Giá trị kinh tế
Từ xưa tới nay, đại bộ phận các gia đình nông thôn Việt Nam coi cây chuối là một loại cây trồng rất thân thiện với cuộc sống, nhà nhà trồng chuối. Mỗi gia đình tối thiểu cũng trồng một vài khóm chuối trong góc vườn, bờ ao, bờ ruộng nương với mục đích cải thiện đời sống trong gia đình.
Vài năm gần đây, quả chuối được coi là mặt hàng nông sản ưa chuộng, có thị trường tiêu thụ trong nước và ngoài nước. Giá chuối tiêu thụ nội địa hiện nay ở mức 5.000 – 6.000đ/kg. Ngoài ra quả chuối được xuất khẩu rộng rãi sang Trung Quốc, châu Âu mang một nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Do đó từ các tỉnh Trung du miềm núi phía bắc cho đến đồng bằng Nam Bộ, diện tích trồng chuối được mở rộng.
Chuối không chỉ trồng phân tán nhỏ lẻ mà đã được trồng tương đối tập trung với diện tích lên tới hàng chục hecta. Một gia đình có 1 ha đất canh tác, mật độ trồng 1.000 – 1.100 khóm chuối, ngay năm đầu tiên đã thu lãi bình quân 60 – 70 triệu đồng/năm.
Xem đầy đủ các khác trong bộ: => Khám phá thực vật