Giải thích: Vì sao phải thay răng?

Răng sữa có vai trò quan trọng trong quá trình nhai thức ăn trong giai đoạn đầu và sự phát triển kỹ năng nói ở trẻ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của răng sữa thực ra là để bảo vệ không gian cho răng vĩnh viễn của chúng ta cho đến khi chúng mọc lên từ bên dưới.

Giải thích: Vì sao phải thay răng?

Vì sao phải thay răng?

Trong đời người ai cũng có hai bộ răng: răng sữa và răng vĩnh viễn. Sau khi sinh ra khoảng 6 tháng, trẻ bắt đầu mọc răng; khoảng 6 tuổi, răng sữa bắt đầu rung, răng vĩnh viễn sẽ dần dần thế chỗ; năm 12 tuổi, bộ răng vĩnh viễn hoàn toàn thay vào vị trí của bộ răng sữa; từ năm 17 đến 25 tuổi, răng vĩnh viễn mọc hoàn chỉnh. Bộ răng này sẽ làm bạn với chúng ta suốt đời.

Răng sữa có vai trò quan trọng trong quá trình nhai thức ăn trong giai đoạn đầu và sự phát triển kỹ năng nói ở trẻ. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của răng sữa thực ra là để bảo vệ không gian cho răng vĩnh viễn của chúng ta cho đến khi chúng mọc lên từ bên dưới.

Vậy tại sao chúng ta không đơn giản phát triển một bộ răng vĩnh viễn hoàn chỉnh? Lý do là vì hàm chúng ta chưa đủ rộng để chứa đủ số lượng (thường là 32 răng vĩnh viễn) và kích thước của răng vĩnh viễn khi chúng ta còn nhỏ (chắc chắn chúng ta không muốn hàm chúng ta phát triển đủ lớn ngay từ lúc sơ sinh vì việc sinh nở gần như là không thể).

Trong khi răng vĩnh viễn đang bận rộn hình thành bên dưới nướu trong hàm, răng sữa sẽ "giữ chỗ" để răng vĩnh viễn có thể mọc ra bình thường. Bằng cách phân phối lực nhai tác động vào hàm, răng sữa sẽ giúp xương quai hàm phát triển. Chúng cũng giúp quá trình mọc răng vĩnh viễn có tổ chức hơn và thẳng hơn vì răng sữa đã mọc trước theo hàng. Răng hàm sữa lại đặc biệt quan trọng nhất trong quá trình này vì chúng to hơn rất nhiều so với răng vĩnh viễn mọc sau thay thế chúng.

Nếu một cái răng sữa bị nhổ ra quá sớm vì sâu răng chẳng hạn, một số không gian cần thiết cho răng vĩnh viễn trong cung răng bị mất, dẫn đến răng thiếu chỗ và mọc chen chúc nhau. Cũng có thể điều này dẫn tới sự trì hoãn mọc răng vĩnh viễn.

Trình tự thay răng sữa

Một đứa trẻ có khoảng 20 răng sữa khi bé 3 tuổi. Thông thường bé sẽ bắt đầu thay răng sữa đầu tiên vào khoảng 6 tuổi. Thời gian thay răng sữa có thể thay đổi ở từng bé. Nếu bé thay răng sớm vì tai nạn hoặc sâu răng thì bố mẹ cần đưa bé đi khám nha sĩ. Vì khi răng sữa bé rụng sớm thì có thể răng vĩnh viễn cửa sẽ không có đủ chỗ để mọc lên.

Răng sữa có xu hướng bị thay theo trình tự mà chúng xuất hiện. Răng nào mọc trước sẽ thay trước. Theo Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ, thông thường hai răng cửa phía trước sẽ rụng đầu tiên.

- 6 đến 7 tuổi, trẻ em thường thay răng cửa giữa hàm dưới.

- 7 tuổi bé sẽ thay răng cửa giữa và răng cửa bên hàm trên.

- 7 đến 8 tuổi bé sẽ thay răng cửa bên hàm dưới.

- 11 đến 12 tuổi bé sẽ thay răng cối 1 hàm trên.

- 9 đến 10 tuổi bé sẽ thay răng cối 1 hàm dưới.

- 10 đến 11 tuổi bé sẽ thay răng nanh hàm trên.

- 11 đến 12 tuổi bé sẽ thay răng nanh hàm dưới.

- 11 tuổi bé sẽ thay răng cối 2 hàm dưới.

- 12 tuổi bé sẽ thay răng cối 2 hàm trên.

Thay răng sữa ở trẻ cần lưu ý gì?

Để đảm bảo cho bé có hàm răng khỏe mạnh và đẹp đẽ bố mẹ cần lưu ý các điều sau khi bé thay răng sữa:

- Theo dõi quá trình phát triển của răng sữa và răng vĩnh viễn: Bố mẹ nên theo dõi răng bé thường xuyên trong quá trình thay răng sữa. Như vậy bất cứ vấn đề bất thường nào như răng vĩnh viễn đã mọc nhưng răng sữa chưa rụng, răng vĩnh viễn mọc lệch, khoảng cách hai răng cửa lớn… thì bố mẹ đều có thể kịp thời đưa bé đi nha khoa để chữa trị. Trong thời gian bé thay răng các bậc phụ huynh cũng nên cho bé đi khám nha khoa thường xuyên để sớm phát hiện ra các dấu hiệu bất thường.

- Không nhổ răng sữa khi chúng chưa sẵn sàng rụng: Bố mẹ nên nhắc bé không tự ý nhổ răng sữa khi chúng chưa đến thời gian rụng. Việc nhổ răng sai thời điểm có thể khiến chân răng bị nhiễm trùng. Nếu bé gặp khó khăn trong việc nhổ răng sữa, bố mẹ nên đưa bé đi khám nha sĩ để được giúp đỡ.

- Nhắc bé đánh răng mỗi ngày: Đánh răng hàng ngày là một việc vô cùng quan trọng để đảm bảo bé có hàm răng khỏe mạnh. Đặc biệt khi răng sữa đã được thay bằng răng vĩnh viễn thì bố mẹ càng cần theo dõi, nhắc nhở bé đánh răng vào mỗi buổi sáng và buổi tối để ngăn ngừa sâu răng. Bố mẹ nên lựa chọn loại bàn chải đánh răng và kem đánh răng phù hợp với tuổi của bé. Thay bàn chải đánh răng mỗi 3-4 tháng/ lần để giảm các vi khuẩn có hại. Thời gian đánh răng mỗi lần khoảng 2 - 3 phút. Sau khi đánh răng bé có thể súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng để hàm răng được bảo vệ tốt hơn.

- Gặp nha sĩ thường xuyên: Bố mẹ nên cho bé đi khám nha sĩ ít nhất hai lần một năm để đảm bảo răng bé khỏe mạnh.

- Loại bỏ các thói quen xấu: Bố mẹ nên nhắc bé không được chạm tay vào lợi khi răng sữa rụng, không nên ăn đồ quá lạnh hoặc quá nóng, không dùng răng cắn các vật cứng… khi thay răng. Các thói quen xấu kể trên rất có hại cho răng bé vì vậy cần phải được loại bỏ.

 

 
Từ khóa tìm kiếm: thay răng sữa, trình tự thay răng sữa, lưu ý thay răng sữa

Bình luận

Giải bài tập những môn khác