Dưới đây là mẫu giáo án phát triển năng lực bài: Thạch Sanh. Bài học nằm trong chương trình ngữ văn 6 tập 1. Bài mẫu có : văn bản text, file PDF, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích và tham khảo cần thiết
Ngày soạn:
Ngày giảng:
Tiết :21, 22
THẠCH SANH (Truyện cổ tích)
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC
Sau bài học, HS có khả năng:
1. Kiến thức
- Hiểu, cảm nhận được những nét chính về nội dung và nghệ thuật Thạch Sanh mâu thuẫn trong đời sống; khát vọng về sự chiến thắng của cái thiện, về công bằng, hạnh phúc của nhân dân lao động, về phẩm chất và năng lực kì diệu của một số kiểu nhân vật; nghệ thuật kì ảo, kết thúc có hậu.
- Nhớ được cốt truyện, nhân vật, sự kiện, ý nghĩa và những đặc sắc nghệ thuật của từng truyện cổ tích về kiểu nhân vật dũng sĩ tiêu diệt cái ác
2. Kĩ năng
- Rèn kỹ năng đọc diễn cảm – kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình.
- Nhận diện những sự việc chính của truyện.
- Nhận diện một số chi tiết tưởng tượng kì ảo tiêu biểu trong truyện.
- Bước đầu biết nhận diện thể loại, ngôi kể; kể lại cốt truyện và nêu nhận xét về nội dung và nghệ thuật những truyện không được học trong chương trình.
3. Thái độ
- Rút ra bài học làm người và cách đối nhân xử thế.
4. Định hướng phát triển năng lực
- Năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, hợp tác, tự quản bản thân.
- Năng lực giao tiếp, thưởng thức văn học.
II. PHƯƠNG PHÁP TRỌNG TÂM
- Nêu vấn đề, gợi mở, vấn đáp, thảo luận nhóm, trình bày một phút kết quả thảo luận.
II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH
1. Giáo viên: nghiên cứu sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kĩ năng, phiếu học tập…
2. Học sinh: soạn trước bài theo hướng dẫn về nhà của GV.
IV. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC
1. Ổn định lớp(1’)
2. Kiểm tra bài cũ (3phút): GV chấm bài tập giao về nhà cho HS
3. Bài mới:
HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
- Mục tiêu: tạo tình huống/vấn đề học tập nhằm huy động kiến thức, kinh nghiệm hiện có của học sinh và nhu cầu tìm hiểu kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian: 5 phút
- GV cho HS quan sát một hình ảnh và đặt câu hỏi: Hình ảnh sau đây gợi cho em suy nghi đến câu chuyện cổ tích nào của nước ta?
GV dẫn dắt vào bài: Thạch Sanh là câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu, một giấc mơ đẹp của nhân dân ta về chân lí: Cái thiện luôn luôn thắng cái ác và người tốt sẽ luôn được đền đáp một kết quả xứng đáng. Qua đó, các tác giả dân gian cũng luôn muốn hướng người đọc tới cái thiện, hãy sống vì mình và vì những người xung quanh.Bài học hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về truyện cổ tích này.
HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
- Mục tiêu: Xác định được đặc điểm của nhân vật chính trong truyện cổ tích; nhận biết cốt truyện; kể lại được câu chuyện này; phát hiện ra các yếu tố hoang đường.
- Phương pháp: Thuyết trình, trình bày tài liệu; kể chuyện, vấn đáp, thảo luận nhóm.
- Thời gian: 75 phút
Hoạt động của giáo viên và học sinh Nội dung bài học
Hoạt động 1: Hướng dẫn HS tìm hiểu chung về chủ đề
- Bước 1:GV đặt câu hỏi: Dựa vào chú thích SGK T53, em hãy cho biết thế nào là truyện cổ tích?
- HS suy nghĩ, trả lời. GV chuẩn kiến thức
- GV giới thiệu những chuyện cổ tích sẽ được tìm hiểu trong chương trình lớp 6:
+ Thạch Sanh
+ Em bé thông minh
+ Cây bút thần
+ Ông lão đánh cá và con cá vàng I/ Giới thiệu chung
1. Cổ tích
- Là loại truyện dân gian kể về cuộc đời một số kiểu nhân vật: nv bất hạnh; nv dũng sĩ; nv thông minh; ngốc nghếch, nhân vật là động vật...
- Thể hiện ước mơ của nhân dân về công lí xã hội...
- Kết thúc có hậu
- Bước 2: GV đặt tiếp câu hỏi: Truyện cổ tích Thạch Sanh kể về cuộc đời của kiểu nhân vật nào?
- HS suy nghĩ, trả lời. GV chuẩn kiến thức.
GV bổ sung kiến thức: Tuy Thạch Sanh mồ côi, nhưng chủ yếu truyện khắc họa hình ảnh người dũng sĩ tài năng dũng cảm cứu người bị hại, vạch mặt kẻ vong ân bội nghĩa, chiến thắng quân xâm lược. Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin vào đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hoà bình của nhân dân ta. 2. Truyện Thạch Sanh
- Thuộc truyện cổ tích kể về người dũng sĩ tài năng dũng cảm.
Hoạt động 2: Hướng dẫn HS đọc – hiểu văn bản
- Bước 1: GV hướng dẫn HS đọc: to, rõ ràng, nhấn mạnh những chiến công của Thạch Sanh. Thể hiện giọng của từng nhân vật: Thạch Sanh thật thà, tin người; mẹ con Lí Thông nham hiểm, độc ác.
- GV đọc mẫu 1 đoạn - Gọi 3 HS lần lượt đọc
- GV nhận xét, sửa chữa cách đọc của HS
- Bước 2: GV yêu cầu HS thảo luận nhóm (2 phút)
Yêu cầu HS tóm tắt những sự việc chính của truyện thông qua việc hoàn thiện các miếng ghép theo đúng trình tự truyện.
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức II. Đọc hiểu văn bản
1. Đọc, kể tóm tắt, tìm hiểu chú thích
1. Thạch Sanh là thái tử do Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai làm con của hai ông bà lão nghèo ở quận Cao Bình.
- Bà mẹ mang thai TS mấy năm mới sinh. Lớn lên cậu được thiên thần dạy võ nghệ và phép thần thông.
2. Thạch Sanh kết nghĩa anh em với Lí Thông, bị Lí Thông lừa đi canh miếu thờ thế mạng, TS giết chằn tinh chặt đầu đem về, lại bị Lí Thông lừa, TS trở về gốc đa sống bằng nghề kiếm củi.
3. Lí Thông cướp công TS, được vua ban thưởng phong cho làm quận công.
4. Công chúa bị đại bàng bắt đi, vua sai LT đi tìm. LT nhờ Thạch Sanh giúp đỡ, TS xuống hang giết đại bàng cứu công chúa, bị Lí Thông lấp kín cửa hang.
5. TS cứu Thái Tử con vua Thủy Tề, được thưởng cây đàn thần.
6. Hồn chằn tinh và đại bàng lập mưu hãm hại, TS bị bắt vào ngục. Chàng gảy đàn, tiếng đàn chữa khỏi bệnh câm cho công chúa. Thạch Sanh được giải oan. TS tha tội cho mẹ con LT nhưng chúng đã bị sét đánh chết và biến thành bọ hung.
7. TS cưới công chúa, hoàng tử các nước chư hầu kéo quân tiến đánh, TS đem đàn ra gảy, quân lính ... các hoàng tử cởi giáp xin hàng.
8. TS mời cơm quân sĩ 18 nước chư hầu, niêu cơm tí xíu mà ăn mãi không hết.
9. Vua nhường ngôi cho TS.
- Bước 3: GV hướng dẫn HS tìm hiểu chú thích SGK
- Bước 4: GV đặt câu hỏi cho cả lớp: VB Thạch Sanh có thể chia làm mấy phần? Mỗi phần giới hạn thế nào? Nêu ND chính của từng phần?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức 2. Bố cục: 4 phần
- Đoạn 1: Từ đầu => mọi phép thần thông: Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh.
- Đoạn 2: Tiếp => phong cho làm quận công: Thạch Sanh chiến thắng Chằn Tinh, bị Lý Thông cướp công.
- Đoạn 3: Tiếp => Hoá kiếp thành bọ hung: Thạch Sanh đánh nhau với đại bàng, cứu công chúa và con trai vua Thuỷ Tề; Lý Thông bị trừng phạt.
- Đoạn 4: Phần còn lại: Hạnh phúc đến với Thạch Sanh.
- Bước 5: GV đặt câu hỏi: Truyện Thạch Sanh có những nhân vật nào? Nhân vật nào là chính? Vì sao em xác định như vậy?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức:
+ Nhân vật chính: Thạch Sanh
+ Nhân vật phụ: Mẹ con Lí Thông, vua, công chúa…
- GV yêu cầu HS đọc thầm phần 1 và trả lời câu hỏi: Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh có điều gì khác thường?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
- GV đặt câu hỏi kết luận vấn đề: Em có nhận xét gì về những chi tiết trên? Kể về sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh, nhân dân muốn thể hiện quan niệm gì về người anh hùng, dũng sĩ?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
- GV bổ sung kiến thức: Chi tiết khác thường: Tô đậm tính chất kỳ lạ, lớn lao, đẹp đẽ, độc đáo của mẫu người dũng sĩ trong ước mơ của nhân dân. Làm câu chuyện càng trở nên hấp dẫn, đó cũng chính là cơ sở cho những chiến công sau này của Thạch Sanh.
- GV mở rộng kiến thức: Sự ra đời kì lạ của Thạch Sanh gợi em nhớ tới nhân vật nào?
Thánh Gióng - người anh hùng dân tộc, vừa bình thường vừa khác thường… 3. Phân tích
a. Nhân vật Thạch Sanh
* Sự ra đời và lớn lên của Thạch Sanh:
- Sinh ra trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề kiếm củi.
- Là Thái Tử do Ngọc Hoàng sai xuống đầu thai.
- Mẹ mang thai nhiều năm mới sinh ...
- Được thần dạy võ nghệ và phép thần thông.
=> Chi tiết tưởng tượng kì ảo thể hiện quan niệm của nhân dân về người dũng sĩ tài năng với vẻ đẹp kỳ lạ, lớn lao, phi thường nhưng cũng rất gần gũi với nhân dân, có nguồn gốc từ nhân dân lao động.
- Bước 6: GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp đôi
và hoàn thiện bảng sau vào phiếu học tập
Những thử thách Chiến công của TS Ý nghĩa
- HS thảo luận, trả lời. Các nhóm khác bổ sung.
- GV chuẩn kiến thức
Những thử thách Chiến công của TS
- TS bị mẹ con Lý Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. TS giết chết chằn tinh
- TS xuống hang diệt đại bàng cứu công chúa, bị Lý Thông lừa lấp cửa hang TS cứu thái tử con vua Thủy tề và được vua Thủy tề tặng cây đàn thần.
- Hồn chằn tinh và đại bàng bày mưu báo thù, Thạch Sanh bị bắt hạ ngục.
Tiếng đàn của Thạch sanh chữa khỏi bệnh cho công chúa, TS được giải oan và kết hôn cùng công chúa.
- Hoàng tử 18 nước chư hầu kéo quân sang đánh. TS gảy đàn, quân 18 nước chư hầu xin hàng.
- GV đặt câu hỏi: Qua những lần thử thách ấy, em thấy TS bộc lộ những phẩm chất gì?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
GV bổ dung : Đây cũng là những phẩm chất tốt đẹp của nhân dân lao động VN xưa và nay.
- GV đặt tiếp câu hỏi: Trong truyện 2 nhân vật Thạch Sanh và Lí Thông luôn đối lập nhau về tính cách và hành động, hãy chỉ ra sự đối lập này?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
- GV yêu cầu HS tìm chi tiết cho thấy những nét tính cách của Lí Thông?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức * Những thử thách và chiến công của TS:
=> Qua các thử thách, TS đã bộc lộ nhiều phẩm chất đáng quý:
+ Thật thà chất phác,
+ Dũng cảm, tài giỏi,
+ Nhân ái, yêu hoà bình.
=> Đối lập với TS là LT, một kẻ xảo trá, hèn nhát bất tài, ích kỉ, tham lam, độc ác (biểu hiện của kẻ ác)
- Bước 7: GV yêu cầu HS suy nghĩ và trả lời câu hỏi: Trong truyện “Thạch Sanh” có rất nhiều chi tiết thần kỳ, đặc sắc nhất là chi tiết tiếng đàn và niêu cơm đãi quân sĩ 18 nước chư hầu. Nêu ý nghĩa của các chi tiết thần kỳ ấy?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức b. Ý nghĩa của một số chi tiết thần kỳ
- Tiếng đàn ... là đại diện cho công lý, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng trong xã hội và tinh thần yêu hoà bình của nhân dân ta.
- Niêu cơm dù nhỏ nhưng ăn mãi không hết thể hiện ước mơ về một cuộc sống no ấm, tượng trưng cho tấm lòng nhân ái, tư tưởng yêu hoà bình của nhân dân ta.
- Bước 7: GV đặt câu hỏi: Truyện kết thúc như thế nào? Qua kết thúc này nhân dân ta muốn thể hiện điều gì? Kết thúc này có phổ biến trong truyện cổ tích không? Hãy nêu 1 số ví dụ....
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức :Thạch Sanh được cưới công chúa, lại được vua nhường ngôi cho. Còn mẹ con Lý Thông bị sét đánh chết, biến thành bọ hung.
- GV yêu cầu HS suy nghĩa và đưa ra ý kiến: Cách kết thúc này có ý nghĩa gì?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
- GV bổ sung: Cách kết thúc truyện này cũng phổ biến trong truyện cổ tích.
- GV đặt câu hỏi: Kết truyện mẹ con Lí Thông bị sét đánh chết, rồi bị hóa kiếp thành bọ hung có ý nghĩa như thế nào?
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức
Thể hiện thái độ kiên quyết: Cái ác sẽ bị trừng trị đích đáng. Nếu chết đi, thì chưa đủ. Hai mẹ con còn bị biến thành bọ hung, loài vật... sống ở những nơi ... Những kẻ xấu xa bạc ác như mẹ con LT không chỉ bị trừng trị ở đời này kiếp này, mà mãi mãi về sau, cho dù có đầu thai kiếp khác cũng vẫn bị người đời xa lánh khinh rẻ.
- Bước 8: GV yêu cầu HS suy nghĩ và rút ra nội dung và ý nghĩa của truyện.
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức.
- GV đặt câu hỏi: Theo em, yếu tố nghệ thuật nào làm nên tính hấp dẫn cho câu chuyện?
HS suy nghĩ, trả lời
- HS thảo luận, trả lời. GV chuẩn kiến thức. c. Kết thúc truyện
- TS cưới công chúa, lên làm vua.
=> Kết thúc có hậu thể hiện ước mơ công lý xã hội (ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác) và ước mơ của nhân dân về sự đổi đời
4. Tổng kết
a. Nội dung, ý nghĩa
- Nội dung: Thạch Sanh là truyện cổ tích về người dũng sĩ diệt chằn tinh, đại bàng cứu người...
- Ý nghĩa: Truyện thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về công lý xã hội, sự chiến thắng cuối cùng của những con người chính nghĩa lương thiện.
b. Nghệ thuật
Chi tiết tưởng tượng thần kỳ độc đáo giàu ý nghĩa ....
c. Ghi nhớ: SGK/61
HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
- Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được; rèn luyện kĩ năng áp dụng kiến thức mới để giải quyết các tình huống/vấn đề trong học tập.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 10 phút-
- GV chia lớp thành 3 tổ, yêu cầu hoạt động cá nhân theo tổ
- Mỗi nhóm chọn một lá thăm trong đó có ghi lại một trong những chiến công của TS: giết chằn tinh, bắn đại bàng bị thương, đuổi giặc chư hầu bằng tiếng đàn.
- Hãy đóng vai các nhân vật kể lại những chiến công của TS.
- HS trình bày. Cả lớp lắng nghe
- Lớp bình chọn nhóm đóng vai và tái hiện tốt nhất.
- GV đánh giá, cho điểm Bài tập: Đóng vai các nhân vât để tái hiện lại chiến công của Thạch Sanh
HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
- Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian: 3p
- GV đặt vấn đề: Trong cuộc sống, đôi khi có người thốt lên câu nói:
Thời buổi của khó người khôn
Thạch Sanh thì ít, Lí Thông thì nhiều
Theo em, những người như thế nào được gọi là Lí Thông? Thái độ của em với những hạng người đó như thế nào?
- HS nêu ý kiến, GV nhận xét và bổ sung.
HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG
- Mục tiêu: tìm tòi, mở rộng thêm những gì đã được học, dần hình thành nhu cầu học tập suốt đời.
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian: 5 phút
GV tổ chức hoạt động luyện tập: Vẽ tranh theo chủ đề
Các em có thể vẽ các bức tranh tùy theo ý thích của mình, nên có những chi tiết hay và gây ấn tượng như:
- Thạch Sanh với túp lều tranh dưới gốc đa.
- Thạch Sanh diệt chằn tinh
- Thạch Sanh xuống hang diệt đại bàng, cứu công chúa.
- HS thực hiện nhiệm vụ, trình bày
- GV đánh giá, nhận xét
4. Hướng dẫn về nhà ( )
1. Hướng dẫn học sinh học bài cũ: Đọc và tập kể theo ngôi kể thứ nhất. (Nhân vật Thạch Sanh kể chuyện); Học thuộc phần ghi nhớ; Nắm chắc nội dung truyện; Đọc phần đọc thêm.
2. Hướng dẫn học sinh chuẩn bị bài tiếp theo trong chủ đề - văn bản Em bé thông minh
- Tìm hiểu đặc trưng truyện cổ tích sinh hoạt
- Soạn bài theo hệ thống đọc - hiểu trong sách giáo khoa
- Hoàn thiện phiếu học tập:
Những thử thách Kết quả Ý nghĩa
- Viết cảm nhận về em bé thông minh (5-7 câu).
- Phân biệt truyện cổ tích thần kì và truyện cổ tích sinh hoạt (điểm giống, điểm khác nhau).