Tắt QC

Trắc nghiệm ôn tập Tiếng Việt 4 Chân trời cuối học kì 2 (Đề số 3)

Bài trắc nghiệm có đáp án. Câu hỏi và bài tập trắc nghiệm Tiếng Việt 4 cuối học kì 2 đề số 3 sách Chân trời sáng tạo. Học sinh luyện tập bằng cách chọn đáp án của mình trong từng câu hỏi. Dưới cùng của bài trắc nghiệm, có phần xem kết quả để biết bài làm của mình. Kéo xuống dưới để bắt đầu.

Đọc bài dưới đây và trả lời khoanh tròn đáp án đúng từ câu 1 đến câu 8

Ngày làm việc của Tí

Trời tờ mờ sáng, trong nhà còn tối om. Bố đã thức giấc. Tí cũng thức giấc, cựa mình. Bố bảo:

- Hôm nay, Tí đi chăn nghé nhá!

Năm nay, Tí chín tuổi. Tí là cậu bé học sinh trường làng. Từ trước đến nay, ở nhà, Tí chưa phải làm công việc gì. Thỉnh thoảng, bố sai đi lấy cái điếu cày hoặc u giao phải đuổi đàn gà đừng để nó vào buồng mổ thóc. Tí chưa chăn nghé bao giờ.

U lại nói tiếp:

- Con chăn cho giỏi, rồi hôm nào u đi chợ, u mua vở cho mà đi học.

Bố mở gióng dắt nghé ra. Bố dặn:

- Nhớ trông, đừng để nghé ăn mạ đấy.

- Vâng.

Tí cầm dây kéo, con nghé cứ chúi mũi xuống. Tí thót bụng, cố hết sức lôi con nghé ra cổng. Ra đến ngã ba, Tí dừng lại. Phía cổng làng, các cô chú xã viên kéo ra ùn ùn. Có người nhận ra Tí cất tiếng gọi:

- Đi nhanh lên, Tí ơi!

Mọi người quay nhìn, cười vang, đua nhau gọi Tí.

Tí chúm miệng cười lỏn lẻn. Phải đi cho kịp người ta chứ! Tí dắt nghé men theo bờ ruộng còn con nghé ngoan ngoãn theo sau, bước đi lon ton trên bờ ruộng mấp mô. Cái bóng dáng Tí lũn cũn thấp tròn. Tí đội cái nón quá to đối với người, trông như cây nấm đang di động.

Theo Bùi Hiển

Câu 1: Sáng nay, bố giao cho Tí công việc gì?

  • A. lấy điếu cày cho bố.
  • B. dắt nghé ra khỏi cổng.
  • C. đi chăn nghé.
  • D. đuổi gà ăn vụng thóc.

Câu 2: Mẹ bảo phần thưởng dành cho Tí sẽ là gì?

  • A. Mẹ mua cho Tí nhiều quà bánh.
  • B. Mẹ mua vở cho Tí đi học.
  • C. Mẹ tặng Tí bộ đồ chơi.
  • D. Mẹ dẫn Tí đi chơi công viên.

Câu 3: Nhìn Tý dắt nghé, mọi người đã làm gì?

  • A. Mọi người khuyên Tí quay về nhà.
  • B. Mọi người chạy đến dắt nghé giúp Tí.
  • C. Mọi người quay nhìn, cười vang đua nhau gọi Tí.
  • D. Mọi người thản nhiên nhìn Tí và không nói gì.

Câu 4: Câu văn nào cho thấy bé Tý điều khiển được con nghé?

  • A.  Tí cũng thức giấc, cựa mình. 
  • B. Tí đội cái nón quá to đối với người, trông như cây nấm đang di động.
  • C. Tí dắt nghé men theo bờ ruộng còn con nghé ngoan ngoãn theo sau, bước đi lon ton trên bờ ruộng mấp mô.
  • D. Tí chúm miệng cười lỏn lẻn.

Câu 5: Chủ ngữ trong câu “Phía cổng làng, các cô chú xã viên kéo ra ùn ùn.” là:

  • A. Phía cổng làng 
  • B. Các cô chú 
  • C. Các cô chú xã viên 
  • D. Phía cổng làng, các cô chú 

Câu 6: Hãy chuyển câu kể “Cái bóng dáng Tí lũn cũn thấp tròn.” thành câu cảm:

  • A. A, cái bóng dáng Tí lũn cũn thấp tròn ngộ quá!
  • B. Sao Tí thấp quá vậy?
  • C. Kia có phải Tí không vậy?
  • D. Ôi, Tí đáng yêu quá đi mất!

Câu 7:  Tìm từ láy có trong đoạn văn “Tí chúm miệng cười…………….đang di động”.

  • A. chúm miệng, lỏn lẻn, lon ton, thấp tròn.
  • B. ngoan ngoãn, lon ton, mấp mô, di động.
  • C. lỏn lẻn, con nghé, lon ton, lũn cũn, cây nấm.
  • D. lỏn lẻn, ngoan ngoãn, lon ton, mấp mô, lũn cũn.

Đọc bài dưới đây và trả lời khoanh tròn đáp án đúng từ câu 9 đến câu 17

Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ trở về Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn, với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Theo TRẦN DIỆU TẦN và ĐỖ THÁI

Câu 8: Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy bắt đầu khởi hành vào ngày tháng năm nào?

  • A. 20 / 7/ 1519.
  • B. 20 / 9/ 1519.
  • C. 20 / 8/ 1519.
  • D. 20/ 10/ 1519

Câu 9: Ma-gien-lăng thực hiện cuộc thám hiểm với mục đích gì?

  • A. Khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.
  • B. Khám phá những loại cá mới sống ở Đại Tây Dương.
  • C. Khám phá vùng biển Thái Bình Dương.
  • D. Khám phá các hòn đảo hoang.

Câu 10: Khi trở về, đoàn thám hiểm còn bao nhiêu chiếc thuyền?

  • A. Không còn chiếc nào.
  • B. Còn 1 chiếc.
  • C. Còn 2 chiếc.
  • D. Còn 3 chiếc.

Câu 11: Vì sao đoàn thám hiểm chỉ còn 18 thuỷ thủ còn sống sót trở về?

  • A. Vì một số người đã bỏ cuộc.
  • B. Vì họ mắc bệnh nên phải đi chữa trị.
  • C. Vì họ không muốn tham gia nữa và bỏ đi giữa chừng.
  • D. Vì họ bị chết đói, chết khát và giao tranh với dân đảo.

Câu 12: Hạm đội của Ma-gien-lăng đã đi theo hành trình nào:

  • A. Châu Âu – Đại Tây Dương – Châu Mĩ – Châu Âu
  • B. Châu Âu – Đại Tây Dương – Thái Bình Dương – Châu Á – Châu Âu
  • C. Châu Âu – Đại Tây Dương – Châu Mĩ – Thái Bình Dương – Châu Á - Ấn Độ Dương – Châu Âu
  • D. Châu Âu - Châu Mĩ - Châu Á - Ấn Độ Dương

Câu 13: Đoàn thám hiểm đã đạt những kết quả gì?

  • A. Đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.
  • B. Tìm ra được loại trái cây mới ăn rất ngon và có nhiều công dụng.
  • C. Đoàn thám hiểm đã tìm ra được một hòn đảo có nhiều người dân ở. 
  • D. Không đạt được kết quả gì.

Câu 14: Một câu có trạng ngữ chỉ thời gian trong bài:

  • A. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. 
  • B. Ngày 20 tháng 9 năm 1519,  từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi.
  • C. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. 
  • D. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. 

Câu 15: Những hoạt động nào được gọi là thám hiểm?

  • A. Đi tìm hiểu về đời sống của người dân.
  • B. Đi thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ, khó khăn, có thể nguy hiểm.
  • C. Đi chơi, đi ngủ, lao động kiếm tiền.
  • D. Đi chơi xa để xem phong cảnh.

Câu 16: Câu khiến phù hợp với tình huống sau :

Em đóng vai một thủy thủ trong đoàn thám hiểm và đi xin người dân ở đảo thức ăn, nước uống.

  • A. Làm ơn hãy cho tôi xin một chút thức ăn và nước uống!
  • B. Ai có nước không ạ?
  • C. Cho tôi một cốc nước coca-cola.
  • D. Nước này có vị lạ quá!

Câu 17: Đâu là câu cảm nói về các thủy thủ tham gia đoàn thám hiểm?

  • A. Đoàn của họ có bao nhiêu người?
  • B. Chiếc thuyền này đẹp quá!
  • C. Các thủy thủ thật là gan dạ!
  • D. Ông ấy quá yếu ớt!

Đọc bài dưới đây và trả lời khoanh tròn đáp án đúng từ câu 18 đến câu 25

Con chuồn chuồn nước

Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như đang còn phân vân.

Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. Mặt hồ trải rộng mênh mông và lặng sóng. Chú bay lên cao hơn và xa hơn. Dưới tầm cánh chú bây giờ là lũy tre xanh rì rào trong gió, là bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: Cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi. Còn trên tầng cao là đàn cò đang bay, là trời xanh trong và cao vút.

Nguyễn Thế Hội

Câu 18: Bài văn miêu tả con vật gì?

  • A. Đàn trâu
  • B. Chú chuồn chuồn nước.
  • C. Đàn cò.
  • D. Chú gà con.

Câu 19: Hai con mắt của chú chuồn chuồn được so sánh với hình ảnh nào? 

  • A. Viên bi.
  • B. Thủy tinh.
  • C. Hòn than.
  • D. Giọt nước

Câu 20: Câu “Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!” là loại câu gì ?

  • A. Câu kể
  • B. Câu hỏi
  • C. Câu cảm
  • D. Câu khiến

Câu 21: Bài văn miêu tả những bộ phận nào của chú chuồn chuồn? 

  • A. Thân, cánh, đầu, mắt.
  • B. Chân, đầu, đuôi, cánh.
  • C. Cánh, mắt, đầu, chân.
  • D. Lông, cánh, chân, đầu.

Câu 22: Đoạn 2 của bài đọc miêu tả cảnh gì?

  • A. Bờ ao với những rặng dừa xanh mơn mởn.
  • B. Cảnh đẹp của lũy tre, và những mái nhà.
  • C. Cảnh đẹp của dòng sông dưới tầm cánh chú chuồn chuồn.
  • D. Cảnh đẹp của đất nước dưới tầm cánh của chú chuồn chuồn.

Câu 23: Bộ phận chủ ngữ trong câu: “Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!” là:

  • A. Chú chuồn chuồn nước.
  • B. Chú chuồn chuồn.
  • C. Mới đẹp làm sao.
  • D. Chuồn chuồn nước.

Câu 24: Câu tục ngữ có nghĩa “Hình thức thống nhất với nội dung” là:

  • A. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
  • B. Chết vinh còn hơn sống nhục.
  • C. Người thanh tiếng nói cũng thanh.
  • D. Trông mặt mà bắt hình dong.

Câu 25: (1 điểm) Tình yêu quê hương, đất nước của tác giả được thể hiện qua những câu văn nào?

  • A. Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao!
  • B. Bốn cánh khẽ rung rung như đang còn phân vân.
  • C. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ. 
  • D. Lũy tre xanh rì rào trong gió, bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh.
 

Xem đáp án

Nội dung quan tâm khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác