Cách giải bài toán dạng: Tính góc của một hình thang
Tech12h xin gửi tới các bạn bài học Tính góc của một hình thang. Bài học cung cấp cho các bạn phương pháp giải toán và các bài tập vận dụng. Hi vọng nội dung bài học sẽ giúp các bạn hoàn thiện và nâng cao kiến thức để hoàn thành mục tiêu của mình.
A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI
Ta sử dụng:
Tính chất về góc của một tam giác, tứ giác
Tính chất hai góc trong cùng phía của hai đường thẳng song song bù nhau
Định nghĩa hình thang cân
Ví dụ 1: Hình thang ABCD (AB // CD) có $\widehat{A}-\widehat{D}=20^{\circ}; \widehat{B}=2\widehat{C}$. Tính các góc của hình thang.
Hướng dẫn:
Hình thang ABCD có AB // CD nên:
$\widehat{A}+\widehat{D}=180^{\circ}$ và $\widehat{B}+\widehat{C}=180^{\circ}$ (trong cùng phía)
Ta có:
+) $\widehat{A}+\widehat{D}=180^{\circ}; \widehat{A}-\widehat{D}=20^{\circ}\Rightarrow \widehat{A}=100^{\circ};D=\widehat{80^{\circ}}$
+) $\widehat{B}+\widehat{C}=180^{\circ};\widehat{B}=2\widehat{C}\Rightarrow \widehat{B}=120^{\circ};\widehat{C}=60^{\circ}$
Ví dụ 2: Hình thang vuông ABCD có $\widehat{A}=\widehat{D}=90^{\circ}$; AB = AD = 3cm; DC = 6cm. Tính các góc B và C của hình thang.
Hướng dẫn:
Kẻ BE $\perp $ CD thì AD // BE, do cùng vuông góc với CD nên hình thang ABED có hai cạnh bên song song.
$\Rightarrow $ BE = AD = 3cm; DE = AB = 3cm. Do đó EC = DC - DE = 6cm - 3cm = 3cm
$\Rightarrow \Delta BCE$ vuông cân tại E nên $\widehat{C}=45^{\circ}$
Do $\widehat{B}$ và $\widehat{C}$ là hai góc trong cùng phía của AB // DC nên chúng bù nhau hay $\widehat{B}+\widehat{C}=180^{\circ}\Rightarrow \widehat{B}=180^{\circ}-45^{\circ}=135^{\circ}$
Bình luận