Soạn ngắn gọn văn 11 Kết nối tri thức bài 6: Độc Tiểu Thanh ký

Soạn siêu ngắn bài 6: Độc Tiểu Thanh ký ngữ văn 11 Kết nối tri thức. Với câu từ ngắn gọn, ý tứ xúc tích, dễ hiểu, học sinh nhanh chóng nắm bắt các ý chính của bài, giúp nhớ nhanh và nhớ lâu. Từ đó, việc chinh phục kiến thức trở nên dễ hơn bao giờ hết.

VĂN BẢN: ĐỘC TIỂU THANH KÝ

TRƯỚC KHI ĐỌC 

CH1. Kể tên một vài tác phẩm văn chương Việt Nam viết về thân phận bất hạnh của người phụ nữ mà em biết.

Tham khảo:

Chuyện người con gái Nam Xương, Tự tình, Bánh trôi nước, Chinh phụ ngâm, .... 

CH2. Qua nhân vật Thúy Kiều, hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

Tham khảo:

Thật hiếm có người phụ nữ nào trong văn học có một số phận "đoạn trường" như Vương Thuý Kiều trong “Truyện Kiều”. Ngay từ đầu tác phẩm, nhận định của tác giả "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã dự báo cho cuộc đời nhiều khó khăn của số phận người con gái. Thuý Kiều mang một vẻ đẹp đằm thắm, mảnh mai là thế, tài sắc lại vẹn toàn hiếu nghĩa, đáng ra nàng phải được sống hạnh phúc, êm ấm, vậy mà do một biến cố trong gia đình nên đã bị bán thân để cứu cha và em trai. Từ đây mở đầu cho hàng loạt bất hạnh khác mãi cho tới khi nàng tìm tới sông Tiền Đường để tự vẫn. Dẫu biết kết chuyện Thúy Kiều được về sum họp với gia đình nhưng cả một kiếp người trôi nỗi truân chuyên ấy đã vùi dập cả một trang sắc nước hương tài. Tác giả đã cho người đọc bao lần chia nặng lòng vì sự chia ly, những tháng ngày sống không bằng chết trong lầu Ngưng Bích. Số phận bi đát ấy của người con gái đã khiến muôn đời sau phải thốt lên "Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều". 

Phải chăng vì thế mà người xưa vẫn nói "Hồng nhan thì bạc phận". Tấm lòng trong trắng, trinh bạch của người con gái tài sắc vẹn toàn như bèo dạt mây trôi. Suốt mười lăm năm đoạn trường lưu lạc, nàng Kiều đã phải chịu biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dày vò bản thân. Nỗi đau đớn nhất của nàng là nỗi đau khi phẩm giá của con người bị chà đạp, lòng tự trọng bị sỉ nhục:

Thân lươn bao quản lấm đầu

Tấm lòng trinh bạch lần sau xin chừa.

Như cánh bèo trôi trên ngọn sóng, như cánh buồm trôi dạt trên biển khơi, cuộc đời Kiều trôi dạt, lênh đênh đến tận cùng của bến bờ khổ ải. Giữa trời cao bể rộng không có chỗ dung thân cho một con người. Dù con người ấy chỉ có một nguyện vọng đơn giản là được sống bình yên bên cạnh cha mẹ, được yêu thương chung thủy với người mình yêu. Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cao cả, Nguyễn Du đã miêu tả chân thực và đầy xót xa số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Viết về những người đàn bà bất hạnh, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Chúng ta cảm nhận được điều đó và càng thương xót cho thân phận của họ hơn bao giờ hết.

TRONG KHI ĐỌC 

CH1 Theo dõi mạch cảm xúc của tác giả trong bài thơ.     

Mạch cảm xúc của tác giả đi từ đẹp đến buồn, từ thực tại đến quá khứ rồi đến thương tiếc cho thân phận của chính mình của tác giả. 

CH2 Chú ý sự đồng cảm với bi kịch của người phụ nữ và cảm thán về thân phận của chính mình. Chú ý vào bi kịch của nhân vật trữ tình. 

 Sự đồng cảm ở đây là sự đồng cảm của những người tài hoa nhưng bạc mệnh và là lời cảm thán về sự ra đi của mình cùng với sự lãng quên của người đời. 

 SAU KHI ĐỌC

CH 1. Theo bạn, nội dung câu 1 và câu 2 của bài thơ có mối quan hệ logic với nhau như thế nào?

- Về nội dung: câu 1 nhắc đến cảnh đẹp Tây Hồ, thắng cảnh nổi tiếng ở Hàng Châu (Trung Quốc) là địa danh gắn với cuộc đời và số phận của nàng Tiểu Thanh - đối tượng được tác giả điếu viếng trong câu 2; mạch ý giữa câu 1 và câu 2 là nối tiếp.

- Về mặt cấu tứ, là sự đồng hiện của quá khứ và thực tại trong xúc cảm nội tâm của tác giả: cảnh đẹp huy hoàng trong quá khứ, trải biến thiên dâu bể, giờ đây đổ nát phôi phai; trước khung cảnh thực tại ấy, riêng ta ngậm ngùi thương xót cho số phận oan khiên của kẻ tài hoa bạc mệnh ngày trước. Cảm xúc về đời thế và sự hoài cảm về số phận con người đan xen trong hai câu thơ này.

CH 2. Chỉ ra và nhận xét mối quan hệ về ý trong hai câu thực.

- Mối quan hệ trong hai câu thực

+“son phấn” ý chỉ vẻ đẹp dung nhan - “văn chương” ý chỉ vẻ đẹp tâm hồn bên trong.

+ “có” thần thái (có hình sắc cụ thể, có thể nhìn thấy được) - “không” (văn chương vô hình, không thể nhìn thấy và chỉ có thể cảm nhận)

- Nhận xét về đối ý trong hai câu thực:

+ Vế đầu của mỗi câu có biểu hiện đối lập tương phản: “son phấn” (vẻ đẹp hồng nhan, nhan sắc bên ngoài) - “văn chương” (vẻ đẹp tinh thần, tâm hồn bên trong).

+ Vế sau có xu hướng thống nhất: cả son phấn và văn chương đều chịu số phận oan khiên, son phấn chịu nỗi đau tinh thần (đau đớn, xót xa), văn chương chịu nỗi đau thể xác (bị đốt)

CH3. Phân tích những cảm xúc và suy ngẫm của tác giả được thể hiện qua hai câu luận.

 - “Cổ kim hận sự” thể hiện mối hận xưa và nay, một mối hận truyền kiếp về số phận bất hạnh của những người tài hoa như nàng Tiểu Thanh.

- “Thiên nan vấn” thể hiện sự khó hỏi, không tìm được câu trả lời cho câu hỏi này.

→ Qua đó, ta thấy được nỗi hận về thời cuộc, về thời đại khổ đau của tác giả. Những người tài giỏi họ xứng đáng nhận được hạnh phúc, nhưng ở đây, họ lại chịu nỗi bất hạnh, đối xử bất công, vô lý từ người khác để rồi phải bỏ mạng lại. Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà ông còn thương xót cho số phận của những người tài hoa nhưng số phận bất hạnh trong xã hội cũ như tấm lòng của một người đồng cảnh ngộ. 


CH 4. Chia sẻ suy nghĩ của bạn về tâm sự của Nguyễn Du ở hai câu kết.

Ta thấy ông như đang lạc lõng giữa dòng đời vô định và dường như tác gỏa thấy trước tương lai của mình thể hiện qua câu độc thoại cuối bài. Dường như ông cũng nghĩ số phận của mình cũng chẳng khá hơn họ là bao và rồi khi chết đi, không biết người đời sau sẽ còn nhớ đến mình hay không hay tất cả sẽ chìm vào dĩ vãng như nàng Tiểu Thanh đây. 

CH 5. Qua bài thơ, tác giả đã khái quát về bi kịch chung của những người tài hoa, phong nhã trong xã hội phong kiến như thế nào?

Qua bài thơ, tác giả dường như đã khái quát chung của những người tài hoa trong xã hội phong kiến, dường như tạo hóa đang ghen tị với tài hoa của họ mà phán cho họ một cuộc đời đầy bất hạnh, khổ đau, đó là nỗi bất công, sự đau khổ truyền kiếp của những người tài hoa trong xã hội.

CH 6. Hãy tìm đọc và giới thiệu một vài tác phẩm viết về đề tài người phụ nữ của Nguyễn Du.

Bài thơ Sở kiến hành của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm nói về nỗi bất hạnh của phụ nữ trong xã hội xưa, đó là hình ảnh của một người mẹ nghèo đói, khổ cực khi phải ăn xin để nuôi những đứa con của mình. Qua đó, ta không chỉ thấy được bi kịch của người mẹ mà còn thấy được nỗi lòng của người mẹ, luôn hết lòng vì con cái của mình. 

KẾT NỐI ĐỌC - VIẾT

CH1. Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) so sánh nội dung hai câu luận của Độc Tiểu Thanh ký với nội dung:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Tham khảo:

Đau đớn thay phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Hai câu thơ này được Nguyễn Du viết - lời cảm thán của Kiều khi đứng trước nấm mồ lạnh lẽo của Đạm Tiên - một người kĩ nữ tài hoa mà bạc phận. Hai câu thơ bật lên như một lời than thở của Kiều hay cũng chính là của Nguyễn Du trước nỗi đau mà người phụ nữ trong xã hội xưa phải chịu đựng. Lời thơ như một lời thở dài đầy đau xót của tác giả, chính Nguyễn Du cũng đã có những năm tháng phiêu bạt phải chịu cảnh đói, cảnh nghèo, có lẽ vì thế ông hiểu được những số phận nghèo khó và cả hoàn cảnh đau khổ của những người phụ nữ xưa. Đó là lời thương cảm của Nguyễn Du, là tấm lòng nhân đạo đầy cao cả của ông dành cho những người phụ nữ Việt Nam xưa - những thân phận "thấp cổ bé họng" trong xã hội phong kiến đương thời. Hai câu luận của Độc Tiểu Thanh ký, nhà thơ muốn an ủi nàng Tiểu Thanh, tự nhủ với lòng mình rằng xưa nay những người tài hoa nhưng bạc mệnh cũng đã có nhiều, việc đó chỉ có trời mới hiểu. Nhưng dù trời có hiểu vẫn chẳng thể nào can thiệp được sự ganh ghét của người vợ cả, của người đời về lối sống phong lưu đài các, nhàn nhã của người có tài.  Nguyễn Du không chỉ thương xót cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời trong đó có bản thân nhà thơ. Qua đó, thể hiện sự cảm thông sâu sâu sắc đến độ “tri âm tri kỷ”.

 

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Soạn ngắn gọn ngữ văn 11 kết nối bài 6: Độc Tiểu Thanh ký, Soạn ngắn ngữ văn 11 Kết nối tri thức bài 6: Độc Tiểu Thanh ký

Bình luận

Giải bài tập những môn khác