Đề cương ôn tập Hóa học 7 kết nối tri thức học kì 2
Đề cương ôn tập môn Hóa học lớp 7 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Hóa học 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. PHÂN TỬ - ĐƠN CHẤT - HỢP CHẤT
a) Đơn chất
- Đơn chất được tạo nên từ một nguyên tố hoá học.
Ví dụ: Đồng (copper) được tạo nên từ một nguyên tố đồng; Khí oxygen được tạo nên từ nguyên tố oxygen; Khí nitrogen được tạo nên từ nguyên tố nitrogen.
- Một nguyên tố thường chỉ tạo nên một dạng đơn chất. Tuy nhiên, một số nguyên tố có thể tạo nên các dạng đơn chất khác nhau (Carbon tạo nên các dạng đơn chất như than chì, than gỗ, kim cương …; Phosphorus tạo nên các dạng đơn chất như phosphorus đỏ, phosphorus trắng; …; Oxygen tạo nên các dạng đơn chất như oxygen (O2), ozone (O3)).
- Đơn chất được phân loại thành kim loại, phi kim, khí hiếm tạo nên từ nguyên tố kim loại, phi kim và khí hiếm tương ứng.
- Ở điều kiện thường:
+ Các kim loại như đồng, sắt, nhôm … tồn tại ở thể rắn (trừ Hg tồn tại ở thể lỏng);
+ Các phi kim có thể tồn tại ở thể rắn (như sulfur, carbon, …), thể khí (như hydrogen, nitrogen, …) và thể lỏng như bromine.
+ Các khí hiếm đều tồn tại ở thể khí.
b) Hợp chất
- Hợp chất là chất được tạo nên từ hai hay nhiều nguyên tố hóa học.
Ví dụ: Nước là hợp chất được tạo nên từ hai nguyên tố H và O; Carbon dioxide là hợp chất được tạo nên từ hai nguyên tố C và O; Muối ăn là hợp chất được tạo nên từ hai nguyên tố là Na và Cl; Calcium carbonate là hợp chất được tạo nên từ ba nguyên tố Ca, C và O.
- Hợp chất được phân loại thành:
+ Hợp chất vô cơ: nước, carbon dioxide; muối ăn; calcium carbonate …
+ Hợp chất hữu cơ: glucose; protein; saccharose; …
c) Phân tử
- Phân tử là hạt đại diện cho chất, gồm một số nguyên tử liên kết với nhau và thể hiện đầy đủ tính chất hoá học của chất.
+ Phân tử đơn chất được tạo nên bởi các nguyên tử của cùng một nguyên tố hóa học. Ví dụ: Phân tử nitrogen (N2) gồm 2 nguyên tử nitrogen liên kết với nhau.
+ Phân tử hợp chất được tạo nên bởi nguyên tử của các nguyên tố hóa học khác nhau. Ví dụ: Phân tử methane (CH4) gồm 1 nguyên tử carbon (C) liên kết với 4 nguyên tử hydrogen (H).
- Khối lượng phân tử của một chất bằng tổng khối lượng của các nguyên tử trong phân tử chất đó.
- Khối lượng của một phân tử được tính theo đơn vị amu.
Ví dụ: Phân tử nước (H2O) gồm một nguyên tử oxygen liên kết với hai nguyên tử hydrogen.
=> Khối lượng phân tử của nước là: 2.1 + 16 = 18 amu.
2. LIÊN KẾT HÓA HỌC
a) Cấu trúc electron bền vững của khí hiếm
- Nguyên tử khí hiếm có lớp electron ngoài cùng bền vững.
+ Lớp electron ngoài cùng của chúng chứa 8 electron (trừ He chứa 2 electron).
- Nguyên tử của các nguyên tố khác có thể đạt được lớp electron ngoài cùng của khí hiếm bằng cách tạo thành liên kết hoá học.
b) Liên kết ion
- Liên kết ion là liên kết được hình thành bởi lực hút tĩnh điện giữa các ion mang điện tích trái dấu.
- Liên kết ion thường được tạo thành giữa kim loại điển hình và phi kim điển hình.
+ Khi kim loại tác dụng với phi kim, nguyên tử kim loại nhường electron cho nguyên tử phi kim. Nguyên tử kim loại trở thành ion dương và nguyên tử phi kim trở thành ion âm. Các ion dương và âm hút nhau tạo thành liên kết trong hợp chất ion.
c) Liên kết cộng hóa trị
- Liên kết cộng hóa trị là liên kết được tạo nên giữa hai nguyên tử bằng một hay nhiều cặp electron dùng chung.
- Các chất chỉ chứa các liên kết cộng hóa trị, được gọi là chất cộng hóa trị.
- Các chất cộng hóa trị có thể là chất rắn, chất lỏng hoặc chất khí.
Bảng so sánh một số tính chất của chất ion với chất cộng hóa trị
Tính chất | Chất ion | Chất cộng hóa trị |
Trạng thái (ở điều kiện thường) | Thể rắn | Cả ba thể (rắn, lỏng, khí) |
Nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy | Cao | Thấp |
Dẫn điện | Tan trong nước tạo dung dịch dẫn được điện | Nhiều chất không dẫn điện (đường ăn, ethanol,…) |
=> Hợp chất ion thường khó bay hơi, khó nóng chảy,... Chất cộng hoá trị thường có nhiệt độ nóng chảy và nhiệt độ sôi thấp.
3. HÓA TRỊ VÀ CÔNG THỨC HÓA HỌC
a) Công thức hóa học: gồm kí hiệu hoá học của một nguyên tố (đơn chất) hay hai, ba,... nguyên tố (hợp chất) và chỉ số ở chân bên phải mỗi kí hiệu.
- Biết công thức hóa học tính được phần trăm khối lượng của các nguyên tố trong hợp chất.
+ Bước 1: Tính khối lượng phân tử hợp chất.
+ Bước 2: Tính phần trăm khối lượng các nguyên tố trong hợp chất:
b) Hóa trị
- Hóa trị là con số biểu thị khả năng liên kết của nguyên tử nguyên tố này với nguyên tử nguyên tố khác.
- Quy tắc hóa trị: Trong công thức hóa học của hợp chất hai nguyên tố, tích của chỉ số và hóa trị của nguyên tố này bằng tích của chỉ số và hóa trị của nguyên tố kia.
Ví dụ: $P^{V}_{2}O^{II}_{5}$, ta có 2.V = 5.II
- Nguyên tố H có hoá trị I. Nguyên tố O có hoá trị II. Hoá trị của nguyên tố khác được xác định từ hoá trị của H hoặc của O.
c) Lập công thức hóa học của hợp chất:
Lập công thức hóa học của hợp chất khi biết hóa trị | Lập công thức hóa học của hợp chất theo phần trăm các nguyên tố |
Bước 1: Đặt công thức hóa học cần tìm (công thức tổng quát) Bước 2: Lập biểu thức tính dựa vào quy tắc hóa trị, chuyển thành tỉ lệ các chỉ số nguyên tử. Bước 3: Xác định số nguyên tử (những số nguyên đơn giản nhất, có tỉ lệ tối giản) và viết công thức hóa học cần tìm. | Bước 1: Đặt công thức hóa học cần tìm (công thức tổng quát); Bước 2: Tính khối lượng phân tử của hợp chất Bước 3: Lập biểu thức tính phần trăm nguyên tố có trong hợp chất. Xác định số nguyên tử của mỗi nguyên tố và viết công thức hóa học cần tìm. |
Ví dụ: Lập công thức hóa học của hợp chất tạo bởi lưu huỳnh có hóa trị IV và oxygen Bước 1: Đặt công thức hóa học của hợp chất là: $S^{IV}_{x}O^{II}_{y}$ Bước 2: Theo quy tắc hóa trị: x.IV = y.II $\Rightarrow \frac{x}{y}=\frac{II}{IV}=\frac{1}{2}$ Bước 3: Chọn x = 1 và y = 2. Vậy công thức hóa học của hợp chất là SO2 | Ví dụ: Lập công thức hóa học của hợp chất tạo bởi carbon và hydrogen, biết phần trăm khối lượng của C, H lần lượt là 75%, 25% và khối lượng phân tử của hợp chất là 16 amu. Bước 1: Đặt công thức của hợp chất là: CxHy Bước 2: Khối lượng phân tử của khí carbon dioxide là: 12.x + 1.y = 16 Bước 3: Phần trăm các nguyên tố có trong hợp chất là: $\%C=\frac{12.x.100\%}{16}=75\%\Rightarrow x=1$ $\%H=\frac{1.y.100\%}{16}=25\%\Rightarrow y=4$ Vậy công thức của hợp chất là CH4 |
Bình luận