Đề cương ôn tập Địa lí 7 kết nối tri thức học kì 2

Đề cương ôn tập môn Địa lí lớp 7 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Địa lí 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.

A, TRỌNG TÂM KIẾN THỨC

CHỦ ĐỀ 3: CHÂU PHI 

  • VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

1. Vị trí địa lí, hình dạng và kích thước

- Vị trí: kéo dài từ khoảng 370B đến 350N. Tiếp giáp với: Địa Trung Hải, biển Đỏ; Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương; châu Á, châu Âu.

- Hình dạng: có dạng hình khối rõ rệt, đường bờ biển ít bị chia cắt, có rất ít các vịnh biển, các bán đảo lớn.

- Kích thước: diện tích khoảng 30,3 triệu km2, là châu lục lớn thứ ba thế giới sau châu Á, châu Mỹ.

2. Đặc điểm tự nhiên

a) Địa hình và khoáng sản

+ Là một khối cao nguyên khổng lồ với độ cao trung bình 750m, chủ yếu là sơn nguyên và bồn địa thấp.

- Các khoáng sản và sự phân bố:

+ Các mỏ sắt, dầu mỏ và khí tự nhiên: khu vực Bắc Phi.

+ Các mỏ vàng, sắt, kim cương: ven biển vịnh Ghi-nê.

+ Các mỏ đồng, chì, cô ban, u-ra-ni-um, crôm, kim cương, phốt-pho-rít: khu vực Nam Phi.

b) Khí hậu

- Châu Phi có khí hậu nóng và khô nóng bậc nhất thế giới, nhiệt độ trung bình năm trên 200C, lượng mưa tương đối thấp.

- Đặc điểm các đới khí hậu:

+ Khí hậu xích đạo: nóng ẩm, mưa nhiều quanh năm.

+ Khí hậu cận xích đạo: chịu tác động gió mùa,, một mùa nóng ẩm, mưa nhiều; một mùa khô, mát.

+ Khí hậu nhiệt đới: ở Bắc Phi mang tính chất lục địa, rất khô và nóng; ở Nam Phi ẩm và đỡ nóng hơn.

+ Khí hậu cận nhiệt: mùa đông ấm, ẩm ướt, mưa nhiều; mùa hạ khô, trời trong sáng.

c) Sông, hồ

- Mạng lưới sông ngòi của phân bố không đều, tùy thuộc vào lượng mưa, không thuận lợi cho giao thông nhưng có trữ năng thủy điện lớn. Có nhiều hồ lớn.

d) Các môi trường tự nhiên

* Môi trường Xích đạo

- Phạm vi: Gồm bồn địa Công-gô và duyên hải phía bắc vịnh Ghi-nê.

- Khí hậu nóng và ẩm điều hoà, thảm thực vật rừng rậm xanh quanh năm.

* Hai môi trường nhiệt đới

-  Phạm vi: gần như trùng với ranh giới đới khí hậu cận xích đạo. (khoảng 20°B - 20°N).

- Có sự phân hoá ra mùa mưa và mùa khô rõ rệt.

- Thảm thực vật chủ yếu là rừng thừa và xa van cây bụi.

- Động vật: nhiều loài ăn cỏ (ngựa vằn, sơn dương, hươu cao cổ,...) và ăn thịt (sư tử, báo gấm,...).

* Hai môi trường cận nhiệt

- Phạm vi: phần cực bắc và cực nam châu Phi.

- Mùa đông ấm, ẩm và mưa nhiều; mùa hạ nóng, khô.

- Thảm thực vật là rừng và cây bụi lá cứng

3. Vấn đề môi trường trong sử dụng thiên nhiên

- Suy giảm tài nguyên rừng: tốc độ khai thác quá nhanh lại không có biện pháp khôi phục diện tích đã khai thác, khiến diện tích rừng giảm => hậu quả: hoang mạc hóa nhanh, nguồn nước bị suy giảm,…

- Nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã, lấy ngà voi, sừng tê giác làm suy giả số lượng động vật hoang dã, nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI CHÂU PHI

1. Một số vấn đề dân cư, xã hội

a) Tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên cao

- Năm 2020, số dân châu Phi khoảng 1 340 triệu người, chiếm khoảng 17% số dân thế giới.

- Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên cao nhất thế giới với 2,54% (giai đoạn 2015 - 2020).

- Gia tăng dân số quá nhanh là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, dẫn đến đói nghèo, tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, suy thoái và ô nhiễm môi trường,...

b) Nạn đói

- Tình trạng: hàng năm có hàng chục triệu người dân châu Phi bị nạn đói đe dọa, chủ yếu vùng nam hoang mạc Xa-ha-ra là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

- Nguyên nhân: do tình trạng hạn hán, bất ổn chính trị.

c) Xung đột quân sự

- Xung đột quân sự là vấn đề nghiêm trọng tại châu Phi:

- Nguyên nhân: do mâu thuẫn giữa các bộ tộc, cạnh tranh về tài nguyên thiên nhiên (tài nguyên nước),…

- Hậu quả: gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương vong về người, gia tăng dân số, bệnh tật, di dân, bất ổn chính trị, ảnh hưởng đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên,… tao cơ hội cho nước ngoài can thiệp.

2. Di sản lịch sử châu Phi

+ Chữ viết tượng hình

+ Phép tính diện tích các hình

+ Các công trình kiến trúc: kim tự tháp, tượng nhân sư

  • PHƯƠNG THỨC CON NGƯỜI KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN Ở CHÂU PHI

1. Khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở môi trường xích đạo

+ Trồng cây quanh năm, gối vụ và xen canh nhiều loại cây (nhờ nhiệt độ và độ ẩm cao).

+ Hình thành các khu vực chuyên canh cây công nghiệp (cọ dầu, ca cao,...) theo quy mô lớn

+ Tích cực trồng và bảo vệ rừng.

2. Khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở môi trường nhiệt đới

- Cách thức để con người khai thác:

+ Những vùng khô hạn như xa van ở Nam Xa-ha-ra: canh tác phổ biến theo hình thức nương rẫy. Cây trồng chính lạc, bông, kê,...; chăn nuôi dê, cừu,... theo hình thức chăn thả.

+ Những vùng khí hậu nhiệt đới ẩm như Đông Nam Phi: hình thành các vùng trồng cây ăn quả (chuối,...) và cây công nghiệp (chè, thuốc lá, bông….) với mục đích xuất khẩu.

+ Khai thác xuất khẩu khoáng sản (vàng, đồng, chì, dầu mỏ, khí tự nhiên,...), một số nước phát triển công nghiệp chế biến.

- Bảo vệ thiên nhiên ở môi trường nhiệt đới:

+ Xây dựng các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước cho nông nghiệp và sinh hoạt.

+ Một số quốc gia đã thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên, để bảo vệ hệ sinh thái cũng như phát triển du lịch.

3. Khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở môi trường hoang mạc

+ Khu vực ốc đảo: trồng cây ăn quả (cam, chanh,...), chà là và 1 số cây lương thực (lúa mạch,...) trên những mảnh ruộng nhỏ.

+ Chăn nuôi gia súc (dê, lạc đà,...) dưới hình thức du mục.

+ Nhờ tiến bộ của kĩ thuật khoan sâu, nhiều mỏ dầu khí lớn, các mỏ khoáng sản và các túi nước ngầm được phát hiện => đem lại nguồn thu lớn.

4. Khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở môi trường cận nhiệt

- Tận dụng lợi thế về khí hậu các nước đã trồng các loại cây ăn quả (nho, oliu, cam, chanh,…) và trồng cây lương thực (lúa mì, ngô).

- Hoạt động khai thác khoáng sản rất phát triển: khai thác dầu (An-giê-ri), vàng, kim cương (Cộng hòa Nam Phi).

- Biện pháp: chống khô hạn và hoang mạc hóa.

CHỦ ĐỀ 2: CHÂU MĨ

  • VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, PHẠM VI CHÂU MỸ. SỰ PHÁT KIẾN RA CHÂU MỸ

1. Vị trí địa lý và phạm vi

- Nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây và trải dài trên nhiều vĩ độ (phần đất liền khoảng 72°B - 54°N). Châu Mĩ tiếp giáp những đại dương sau: Bắc Băng Dương; Thái Bình Dương; Đại Tây Dương.

+ Châu Mỹ gồm 2 lục địa là Bắc Mỹ và Nam Mỹ, ngăn cách nhau bởi kênh đào Pa-na-ma.

- Diện tích: rộng khoảng 42 triệu km2, lớn thứ 2 thế giới sau châu Á.

2. Hệ quả địa lí - lịch sử của việc phát kiến ra châu Mỹ

- Mở ra một thời kì khám phá và chinh phục thế giới.

- Mở đường cho người châu Âu đến xâm chiếm và khai phá châu Mỹ với việc khai thác những nguồn nhiên liệu, khoáng sản quý giá và xây dựng nền văn hóa phương tây trên vùng đất mới này.

- Cuộc phát kiến cũng đẩy nhanh quá trình di dân từ các châu lục khác đến châu Mỹ.

  • ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN BẮC MỸ

1. Địa hình

Địa hình Bắc Mỹ gồm 3 khu vực rõ rệt:

- Miền núi Cooc-đi-e ở phía tây

- Miền đồng bằng ở giữa

- Dãy núi A-pa-lat ở phía đông

2. Khí hậu

- Khí hậu có sự phân hóa đa dạng theo chiều bắc - nam. => Có nhiều đới khí hậu: cực và cận cực, ôn đới, cận nhiệt và nhiệt đới.

-  Các khu vực ven biển có khí hậu điều hòa, mưa nhiều. Càng vào sâu trong lục địa biên độ nhiệt năm lớn, mưa ít hơn và khí hậu khô hạn hơn.

3. Sông, hồ

-  Mạng lưới sông dày đặc và phân bố khắp lãnh thổ. Sông nhiều nước. Chế độ nước khá đa dạng do được cung cấp nước từ nhiều nguồn mưa, băng, tuyết tan.

+ Các sông lớn: hệ thống sông Mit-xu-ri- Mit-xi-xi-pi, sông Mác-ken-đi,…

- Đặc điểm hồ của Bắc Mỹ: Là khu vực đứng đầu thế giới về số lượng các hồ có diện tích lớn (14 hồ có diện tích trên 5 000km2 .Phần lớn là hồ nước ngọt.

+ Các hồ lớn như: hệ thống Ngũ hồ, hồ Gấu lớn, hồ Nô Lệ Lớn,…

4. Đới thiên nhiên

Thiên nhiên Bắc Mỹ nằm trong đới lạnh và đới ôn hòa:

* Đặc điểm đới lạnh:

+ có khí hậu cực và cận cực, lạnh giá nên nhiều nơi có lớp băng tuyết bao phủ dày trên diện tích rộng.

+ Thực vật chủ yếu rêu, địa y, cỏ và cây bụi.

+ Động vật: nghèo nàn, có một số loài chịu được lạnh như tuần lộc, cáo Bắc Cực,… và một số loài chim di cư.

* Đặc điểm đới ôn hòa:

- Khí hậu:

+ Phía bắc: khí hậu ôn đới

+ Phía đông nam: khí hậu cận nhiệt ấm, ẩm

+ Khu vực sâu trong lục địa mưa ít

+ Miền núi Cooc-đi-e: khí hậu khô hạn

- Thực vật: rừng lá kim, rừng hỗn hợp, rừng lá rộng, thảo nguyen, hoang mạc và bán hoang mạc.

- Động vật: phong phú cả về số loài và số lượng mỗi loài gồm các loại ăn cỏ, ăn thịt, gặm nhấm và bò sát,…

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI, PHƯƠNG THỨC KHAI THÁC TỰ NHIÊN BỀN VỮNG Ở BẮC MỸ

1. Đặc điểm dân cư, xã hội

a) Vấn đề nhập cư và chủng tộc

+ Những người Anh-điêng và người E-xki-mô  di cư từ châu Á sang

+ Sau cuộc phát kiến địa lí (1492), người châu Âu thuộc chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-it (người Anh, người I-ta-li-a, Đức,…) di cư sang nhiều. Còn người da đen thuộc chủng tộc Nê-grô-it từ châu Phi bị bắt sang làm nô lệ, lao động trong các đồn điền.

+ Sau chiến tranh thế giới thứ hai, có nhiều cuộc di dân từ nhiều khu vực khác (châu Á) vào châu Mỹ.

b) Vấn đề đô thị hóa

- Tỉ lệ dân số đô thị ở Bắc Mỹ cao nhất (82,6%) so với các châu lục (châu Phi 43,5%; châu Á 51,1%; châu Âu 74,9%).

- Xuất hiện các siêu đô thị và các dải siêu đô thị

- Các đô thị lớn (2020): Niu-Oóc (18,8 triệu người), Lốt An-giơ-let (12,4 triệu người), Si-ca-gô (8,9 triệu người),…

- Phân bố:

+ Tập trung ở phía nam hệ thống Ngũ Hồ và ven Đại Tây Dương.

+ Vào sâu trong nội địa, đô thị nhỏ hơn và thưa thớt.

2. Các trung tâm kinh tế quan trọng

- Các trung tâm kinh tế:

+ Khu vực phía tây ven biển Thái Bình Dương: Van-cu-vơ, Xan-phran-xi-cô, Lốt-an-giơ-lét.

+ Khu vực phía đông ven biển Đại Tây Dương: Niu-Oóc, Oa-sinh-tơn, Tô-rôn-tô, Môn-trê-an, Si-ca-gô.

+ Khu vực phía Nam: Hau-xtơn, Niu Oóc-lin.

3. Phương thức con người khai thác tự nhiên bền vững ở Bắc Mỹ

- Phương thức khai thác bền vững tài nguyên đất:

+ Đất được khai thác từ lâu để trồng trọt và chăn nuôi.

+ Thực trạng: đất bị thoái hóa do thời gian sử dụng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

+ Biện pháp: ứng dụng khoa học-công nghệ trong quá trình sản xuất, sản xuất theo hướng “nông nghiệp xanh”.

- Phương thức khai thác bền vững tài nguyên nước:

+ Nguồn nước ngọt phong phú

+ Thực trạng: bị ô nhiễm do chất thải từ hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

+ Biện pháp: qui định xử lí nước thải, ban hành Đậo luật nước sạch,…

- Phương thức khai thác bền vững tài nguyên rừng:

+ Tài nguyên rừng giàu có: rừng lá kim, rừng hỗn hợp,…

+ Thực trạng: bị khai thác mạnh để lấy gỗ, làm giấy, lấy đất canh tác => diện tích suy giảm.

- Phương thức khai thác bền vững tài nguyên khoáng sản:

+ Tài nguyên khoáng sản phong phú, dồi dào.

+ Thực trạng: khai thác quy mô lớn và sử dụng không hợp lí => ô nhiễm môi trường, tài nguyên bị cạn kiệt.

+ Biện pháp: sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tái tạo và vật liệu thay thế.

  • ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN TRUNG VÀ NAM MỸ

1. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều bắc-nam

- Sự phân hoá thiên nhiên theo chiều bắc - nam ở Trung và Nam Mỹ (thể hiện rõ nét ở sự khác biệt về khí hậu và cảnh quan)

2. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều đông - tây

- Sự phân hóa tự nhiên theo chiều đông - tây ở Trung và Nam Mỹ:

* Ở Trung Mỹ

- Phía đông và các đảo có lượng mưa nhiều, thảm rừng mưa nhiệt đới phát triển.

- Phía tây khô hạn nên chủ yếu là xa van, rừng thưa.

 * Ở Nam Mỹ: Sự phân hóa tự nhiên theo chiều đông - tây thể hiện rõ nhất ở địa hình:

- Phía đông là các sơn nguyên bị bào mòn mạnh, địa hình chủ yếu là đồi núi thấp.

- Ở giữa là các đồng bằng rộng và bằng phẳng (Ô-ri-nô-cô, A-ma-dôn, La Pla-ta và Pam-pa).

- Phía tây là miền núi An-đét:cao trung bình 3 000 - 5 000 m, nhiều dãy núi, xen giữa là các thung lũng và cao nguyên. Thiên nhiên có sự khác biệt rõ rệt giữa sườn đông và sườn tây.

3. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều cao

- Các đai thực vật theo chiều cao của sườn đông đông An-đét qua lãnh thổ Pê-ru: Rừng nhiệt đới, rừng lá rộng, rừng lá kim, đồng cỏ, đồng cỏ núi cao, băng tuyết.

- Các đại thực vật được phân bố theo độ cao như sau:

+ Rừng nhiệt đới: từ 0 - 1000 m.

+ Rừng lá rộng: 1000 - 1300 m.

+ Rừng lá kim: 1300 - 3000 m.

+ Đồng cỏ: 3000 - 4000m

+ Đồng cỏ núi cao: 4000 - 5000m.

+ Băng tuyết vĩnh cửu: 6000 - 6500 m.

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI TRUNG VÀ NAM MỸ

1. Đặc điểm dân cư, xã hội

a) Nguồn gốc dân cư Trung và Nam Mỹ

- Các luồng nhập cư vào Trung và Nam Mỹ: Người Anh-điêng (Chủng tộc Môn-gô-lô-it), Người gốc Phi (Chủng tộc Nê-grô-it), Người Tây Ban Nha, Người Bồ Đào Nha.

- Thành phần chủng tộc của cư dân Trung và Nam Mỹ: Chủng tộc Môn-gô-lô-it, Chủng tộc Ơ-rô-pê-ô-it, Chủng tộc Nê-grô-it.

b) Vấn đề đô thị hóa

- Vấn đề đô thị hóa ở Trung và Nam Mỹ:

+ Tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới.

+ Tỉ lệ dân đô thị hóa cao khoảng 80% số dân (năm 2020).

+ Ở một số nơi quá trình đô thị hoá mang tính tự phát => nảy sinh nhiều vấn đề xã hội như thất nghiệp, ở nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tội phạm....

c) Văn hóa Mỹ La-tinh

- Chủ nhân của nhiều nền văn hoá cổ nổi tiếng: văn hóa May-a, văn hóa In-ca, văn hóa A-dơ-tếch.

- Sau khi người Âu gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sang xâm chiếm, sự pha trộn văn hoá của các tộc người đã hình thành nền văn hoá Mỹ La-tinh độc đáo.

- Nhiều lễ hội đặc sắc: Ca-na-van, Ô-ru-rô, La-ti-nô, Pa-rin-tin,..

- Ngôn ngữ chính là tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thuộc ngữ hệ La-tinh.

2. Khai thác, sử dụng và bảo vệ rừng A-ma-dôn

a) Đặc điểm rừng A-ma-dôn

- Rừng nhiệt đới rộng nhất thế giới (diện tích hơn 5 triệu km2), tập trung chủ yếu ở Bra-xin và Cô-lôm-bi-a.

- Khí hậu nóng ẩm quanh năm nên sinh vật rất phong phú: rừng phát triển nhiều tầng; động vật đa dạng về thành phần loài.

- Rừng được xem là "lá phổi xanh" của Trái Đất, là nguồn dự trữ sinh học quý giá, giúp điều hoà khí hậu, cân bằng sinh thái toàn cầu.

b) Vấn đề khai thác, sử dụng và bảo vệ rừng A-ma-dôn

- Nguyên nhân:

+ Trong nhiều năm qua, con người đã khai phá rừng A-ma-dôn để lấy gỗ, lấy đất canh tác, khai thác khoáng sản và làm đường giao thông.

+ Bên cạnh đó, các vụ cháy rừng cũng làm diện tích rừng mất đi đáng kể.

- Một số biện pháp bảo vệ rừng A-ma-dôn:

+ Tăng cường giám sát hoạt động khai thác rừng.

+ Trồng phục hồi rừng.

+ Tuyên truyền và đẩy mạnh vai trò của người dân bản địa trong việc bảo vệ rừng.

CHỦ ĐỀ 5: CHÂU ĐẠI DƯƠNG

  • CHÂU ĐẠI DƯƠNG

1. Vị trí địa lí, phạm vi châu Đại Dương

- Vị trí của lục địa Ô-xtrây-li-a và các khu vực của vùng đảo châu Đại Dương:

+ Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm phía tây nam Thái Bình Dương, thuộc bán cầu Nam.

+ Vùng đảo châu Đại Dương nằm ở trung tâm Thái Bình Dương, gồm 4 khu vực (Mê-la-nê-di, Mi-crô-nê-di, Pô-li-nê-di và Niu Di-len).

- Đặc điểm vị trí địa lí, hình dạng và kích thước của lục địa Ô-xtrây-li-a:

+ Vị trí: Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm phía tây nam Thái Bình Dương, thuộc bán cầu Nam.

+ Hình dạng: Dạng hình khối rõ rệt (do bờ biển ít bị chia cắt).

+ Kích thước: Diện tích nhỏ (khoảng 7,7 triệu km2), từ bắc xuống nam dài hơn 3 000 km, từ tây sang đông nơi rộng nhất khoảng 4 000 km.

2. Đặc điểm tự nhiên

a) Địa hình và khoáng sản

* Phía tây

- Trên bề mặt là các hoang mạc cát, hoang mạc đá, cao nguyên và núi thấp.

- Tập trung nhiều mỏ kim loại (sắt, đồng, vàng, ni-ken, bô-xít….).

* Ở giữa

- Độ cao trung bình dưới 200 m, rất khô hạn, bề mặt có nhiều bãi đá đồng bằng cát, đụn cát.

- Nhiều nơi hoang vắng, không có người sinh sống.

* Phía đông

- Sườn đông dốc, sườn tây thoải dần về phía vùng đồng bằng Trung tâm.

 Tập trung nhiều khoáng sản nhiên liệu (than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên). 

b) Khí hậu

- Hầu hết lục địa thuộc đới nóng. Tuy nhiên, có sự thay đổi theo bắc - nam, đông - tây.

- Dải bờ biển hẹp phía bắc lục địa có khí hậu cận xích đạo (nóng ẩm mưa nhiều, lượng mưa trung bình từ 1 000 - 1 500 mm/năm).

- Khí hậu nhiệt đới chiếm phần lớn diện tích lục địa, nhưng có sự khác biệt từ đông sang tây:

- Dải đất hẹp phía nam lục địa có khí hậu cận nhiệt đới (mùa hạ nóng, mùa đông ấm áp, lượng mưa dưới 1 000 mm/năm).

c) Sinh vật

- Giới sinh vật tuy nghèo về thành phần loài nhưng có nhiều nét đặc sắc và mang tính địa phương cao.

- Các loài động vật mang tính biểu tượng quốc gia là gấu túi, đà điểu Ô-xtrây-li-a, thú mỏ vịt, chuột túi.

3. Dân cư, một số vấn đề về lịch sử và văn hóa của Ô-xtrây-li-a

a) Dân cư

+ Ít dân sinh sống (số dân năm 2020 là 25,5 triệu người), mật độ dân số rất thấp (chỉ khoảng 3 người/km2).

+ Dân cư phân bố rất không đều.

+ Mức độ đô thị hóa rất cao (Tỉ lệ dân thành thị năm 2020 là 86%).

+ Đất nước của những người nhập cư, đón nhận người nhập cư (đặc biệt là lao động chất lượng cao) đến từ mọi châu lục.

+ Hầu hết các thành phố lớn đều tập trung ở ven biển phía đông và phía nam Ô-xtrây-li-a.

b) Một số vấn đề lịch sử và văn hóa của Ô-xtrây-li-a-

+ Ô-xtrây-li-a là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, đa văn hoá.

+ Có nền văn hoá độc đáo, đa dạng nhờ tồn tại cộng đồng dân cư đa sắc (hơn 150 sắc tộc cùng sinh sống).

+ Có sự dung hòa giữa nhiều nét văn hoá khác nhau trên thế giới với văn hóa bản địa.

4. Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên ở Ôxtrâylia

- Phương thức khai thác thiên nhiên:

+ Ngành chăn nuôi gia súc (đặc biệt là cừu) được chú trọng phát triển => Chăn nuôi gia súc theo hình thức chăn thả là phổ biến, ngoài ra còn hình thức chăn nuôi trong các trang trại hiện đại, sử dụng công nghệ cao.

+ Các loại cây ưa khô, có khả năng chịu hạn được trồng theo hình thức quảng canh.

+ Hình thành các nông trại trồng lúa mì, nho, cam...

+ Các cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp nằm gần các cảng biển để phục vụ xuất khẩu.

+ Giảm tốc độ khai thác khoáng sản, đồng thời phát triển các ngành công nghiệp chế tạo.

+ Phát triển du lịch để khai thác tiềm năng thiên nhiên độc đáo.

- Bảo vệ thiên nhiên ở Ô-xtrây-li-a: Một số vấn đề trong sản xuất nông nghiệp đang rất được quan tâm là bảo vệ nguồn nước, chống hạn hán, chống nhiễm mặn.

  • CHÂU NAM CỰC

1. Lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực

- Năm 1820, hai nhà hàng hải người Nga là Bê-linh-hao-den và La-da-rép đã phát hiện ra lục địa Nam Cực.

+ Từ năm 1957, việc nghiên cứu châu Nam Cực mới được xúc tiến mạnh mẽ và toàn diện.

+ Hằng năm, có khoảng 1 000 - 5 000 người thuộc nhiều quốc gia luân phiên tới sinh sống và làm việc tại các trạm nghiên cứu phân bố rải rác khắp châu lục.

2. Vị trí địa lí

- Vị trí của châu Nam Cực:

+ Đại bộ phận diện tích lục địa nằm trong phạm vi của vùng cực Nam.

+ Được bao bọc bởi ba đại dương: Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

- Ảnh hưởng của vị trí địa lí tới khí hậu của châu Nam Cực:

Do nằm ở vùng cực, nên mùa đông đêm địa cực kéo dài, mùa hạ tuy có ngày kéo dài, song cường độ bức xạ rất yếu và tia sáng bị mặt tuyết khuếch tán mạnh, lượng nhiệt sưởi ấm không khí không đáng kể => châu Nam Cực có khí hậu lạnh gay gắt.

3. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên châu Nam Cực

a) Đặc điểm tự nhiên

- Địa hình:

+ Được coi là một cao nguyên băng khổng lồ, 98% bề mặt bị phủ bởi lớp bằng dày trung bình trên 1 720 m => độ cao trung bình lên tới hơn 2 040 m.

+ Bề mặt khá bằng phẳng.

- Khí hậu: lạnh và khô nhất thế giới.

- Sinh vật: do khí hậu khắc nhiệt nên sinh vật sức nghèo nàn.

b) Tài nguyên thiên nhiên

- Nơi dự trữ nước ngọt lớn nhất Trái Đất (khoảng 60%lượng nước ngọt trên Trái Đất).

- Giàu các loại khoáng sản: than đá, sắt, đồng. Vùng thềm lục địa có tiềm năng về dầu mỏ, khí tự nhiên.

4. Kịch bản về sự thay đổi thiên nhiên châu Nam Cực khi có biến đổi khí hậu toàn cầu

- Do có tính nhạy cảm cao, thiên nhiên châu Nam Cực dễ thay đổi khi có biến đổi khí hậu.

- Theo tính toán của các nhà khoa học, đến cuối thế kỉ XXI, nhiệt độ ở châu Nam Cực sẽ tăng 0,5°C, lượng mưa cũng tăng lên mực nước biển sẽ dâng thêm 0,05 - 0,32 m.

- Nhiều hệ sinh thái sẽ mất đi nhưng lại xuất hiện các đồng cỏ ở vùng ven biển. Lớp băng phù ở vùng trung tâm sẽ dày thêm do có nước mưa cung cấp.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Trình bày về quy mô dân số và sự gia tăng dân số tự nhiên và phân tích đặc điểm khí hậu của Ô-xtrây-li-a.

Câu 2:

a. Vận dụng kiến thức đã học, em hãy nêu ý nghĩa của việc ký kết Hiệp ước Nam Cực.

b. Tại sao phải đặt vấn đề bảo vệ rừng A-ma-dôn?

Câu 3: Trình bày đặc điểm dân cư châu Đại Dương?

Câu 4: Cho bảng số liệu:

MẬT ĐỘ DÂN SỐ MỘT SỐ NƯỚC CHÂU ĐẠI DƯƠNG NĂM 2001

NướcPa-pua Niu-ghi-nêÔxtrâyliaVa-nu-a-tuNiu Di-len
MĐDS (ng/km2)10,82,516,614,4

Vẽ biểu đồ hình cột thể hiện mật độ dân số một số nước châu Đại Dương năm 2001 và nêu nhận xét.

Câu 5: Trình bày đặc điểm ngành công nghiệp Bắc Mĩ?

Câu 6: Tại sao ở châu Đại Dương: các đảo và quần đảo có khí hậu nóng, ẩm và điều hòa nhưng đại bộ phận lục địa Ô-xtrây-li-a lại khô hạn?

Câu 7: Dựa vào 2 biểu đồ nhiệt đồ và lượng mưa sau: So sánh sự khác nhau về chế độ nhiệt và lượng mưa giữa khí hậu ôn đới lục địa và ôn đới hải dương?

 So sánh sự khác nhau về chế độ nhiệt và lượng mưa giữa khí hậu ôn đới lục địa và ôn đới hải dương?

Câu 8: So sánh sự giống và khác nhau giữa địa hình Bắc Mỹ với địa hình Nam Mỹ.

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Địa lí 7 kết nối tri thức học kì 2, ôn tập Địa lí 7 kết nối tri thức học kì 2, Kiến thức ôn tập Địa lí 7 kết nối kì 2

Bình luận

Giải bài tập những môn khác