Đề cương ôn tập Công dân 7 kết nối tri thức học kì 2

Đề cương ôn tập môn Giáo dục công dân lớp 7 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức của môn Giáo dục công dân 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Ứng phó với tâm lý căng thẳng

- Căng thẳng tâm lí là tình trạng mà con người cảm thấy khi phải chịu áp lực về tinh thần, thể chất. Những người trải qua mức độ căng thẳng tâm lí cao hoặc căng thẳng trong một thời gian dài có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất.

- Một số biểu hiện của cơ thể khi bị căng thẳng: mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, đau đầu, tim đập nhanh, hoa mắt, chóng mặt, đổ mồ hôi, đau bụng,...

- Nguyên nhân gây ra căng thẳng có thể đến từ bên ngoài như: áp lực học tập, các mối quan hệ bạn bè, kì vọng của gia đình,... hoặc có thể đến từ bản thân như: tâm lí tự ti, suy nghĩ tiêu cực, lo lắng thái quá, các vấn đề về sức khỏe,...

- Tâm lí căng thẳng gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hằng ngày và sự phát triển của cơ thể; kết quả học tập giảm sút, mất tập trung, đau nhức cơ thể, suy giảm trí nhớ, cáu gắt, bạo lực,... và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ trong cuộc sống.

- Khi bị căng thẳng, em cần:

+ Nhận diện được những biểu hiện cơ thể và cảm xúc của bản thân;

+ Tìm hiểu nguyên nhân gây ra căng thẳng, sau đó có cách ứng phó tích cực.

- Một số cách ứng phó tích cực khi căng thẳng là:

+ Đối mặt và suy nghĩ tích cực, vận động thể chất, tập trung vào hơi thở, yêu thương bản thân...

+ Khi cảm thấy quá căng thẳng hay mối lo quá lớn không thể tự mình xử lí được hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đáng tin cậy như người thân, thầy cô, bạn bè....

2. Phòng chống bạo lực học đường 

- Bạo lực học đường có nhiều biểu hiện như: đánh đập, ngược đãi, chê bai, lăng mạ, chửi bới, đe đọa, khủng bố, cô lập, lan truyền những thông tin sai sự thật về người học, ... xảy ra trong cơ sở giáo dục.

- Nguyên nhân của bạo lực học đường:

+ Do đặc điểm tâm, sinh lí của lứa tuổi học sinh;

+ Do thiếu kiến thức, thiếu kĩ năng sống;

+ Do ảnh hưởng từ môi trường gia đình môi trường xa hội không lành mạnh;

+ Do sự thiếu quan tâm từ cơ sở giáo dục....

- Bạo lực học đường gây ra nhiều tác hại đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

+ Người gây ra bạo lực học đường cũng có thể bị tổn thương về thể chất, tinh thần; bị lệch lạc nhân cách; phải chịu các hình thức kỉ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Người bị bạo lực học đường có thể bị tổn thương thể chất, tinh thần, giảm sút kết quả học tập và rèn luyện.

+ Đối với gia đình, bạo lực học đường có thể gây ra không khí căng thẳng, bất an, tổn hại về vật chất; xã hội thiếu an toàn và làng mạnh.

* Cách ứng phó với bạo lực học đường

- Để phòng tránh bạo lực học đường, em cần:

+ Kết bạn với những bạn tốt.

+ Trang bị cho bản thân những kiến thức, kĩ năng liên quan đến bạo lực học đường;

+ Thông báo cho giáo viên hoặc những người lớn đáng tin cậy khi phát hiện ra nguy cơ bạo lực học đường;

+ Rời khỏi những nơi có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường;...

+ Em cần tránh: kết bạn với những bạn xấu; tỏ thái độ tiêu cực với bạn bè; tụ tập ở những nơi có nguy cơ xảy ra bạo lực học đường....

- Khi gặp bạo lực học đường, em cần phải:

+ Bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc tiêu cực; chủ động nhờ người khác giúp đỡ.

+ Quan sát xung quanh để tìm đường thoát,...

+ Em cần tránh tỏ thái độ khiêu khích, thách thức, sử dụng hành vi bạo lực để đáp trả; kêu gọi bạn bè cùng tham gia bạo lực;...

- Để xử lí hậu quả của bạo lực học đường, em cần:

+ Thông báo sự việc với bố mẹ, người thân, thầy cô, công an và nhờ họ hỗ trợ đảm bảo an toàn;

+ Nhờ sự trợ giúp từ các cơ sở chuyên môn như: bệnh viện, phòng tư vấn tâm lí học đường…

+ Tránh giấu giếm, bao che, tự giải quyết bằng các biện pháp tiêu cực,...

* Một số quy định cơ bản của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường

- Việc phòng, chống bạo lực học đường được quy định trong một số văn bản pháp luật như: Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ; Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật Dân sự năm 2015;...

3. Quản lý tiền

- Quản lí tiền là biết sử dụng tiền hợp lí, có hiệu quả.

- Quản lí tiền hiệu quả giúp em rèn luyện thói quen chi tiêu hợp lí, tiết kiệm, biết cách kiếm tiền phù hợp với khả năng của mình,... để tạo dựng được cuộc sống ổn định, tự chủ và không ngừng phát triển.

- Quản lí tiền hiệu quả, em cần:

+ Sử dụng tiền hợp lí;

+ Đặt mục tiêu và thực hiện tiết kiệm tiền;

+ Học cách kiếm tiền phù hợp.

4. Phòng chống tệ nạn xã hội

- Tệ nạn xã hội này những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, đạo đức và pháp luật mang tính phổ biến, gây hậu quả xấu về mọi mặt đối với đời sống xã hội.

- Có nhiều loại tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan, nghiện rượu, bia..

- Nguyên nhân của tệ nạn xã hội:

+ Do thiếu kiến thức; thiếu kỹ năng sống;

+ Do lười lao động; Ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ;

+ Do ảnh hưởng của môi trường gia đình, môi trường xã hội tiêu cực....

- Tệ nạn xã hội gây ra những hậu quả tiêu cực về sức khỏe, tâm lý, tính mạng, kinh tế của bản thân và gia đình; gây rối loạn trật tự xã hội; cản trở sự phát triển của đất nước

- Việc phòng chống tệ nạn xã hội được Nhà nước ta quy định trong một số văn bản luật như Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) Luật Phòng, chống ma túy năm 2021,...

- Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm tham gia dưới mọi hình thức vào các tệ nạn xã hội ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan hành,...

- Hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội sẽ bị xử lý theo nhiều hình thức như: cảnh cáo, xử phạt hành chính, phạt tù, tử hình,... tùy thuộc vào mức độ và tính chất vi phạm.

* Trách nhiệm của học sinh trong phòng, chống tệ nạn xã hội

- Chăm chỉ học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức, bổ sung kỹ năng, xây dựng lối sống giản dị, lành mạnh

Tuân thủ tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội

- Phê phán tố cáo các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội

- Tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội ở nhà trường và địa phương.

5. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

- Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống; quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

- Gia đình có các vai trò cơ bản; duy trì nòi giống, kinh tế, tổ chức đời sống gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con, cháu và góp phần phát triển xã hội.

- Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, các thành viên trong gia đình có quyền và nghĩa vụ:

+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình,...

+ Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành công dân tốt, bảo vệ quyền và lợi Ích hợp pháp của con, không phân biệt đối xử giữa các con, không ngược đãi, ép buộc con làm điều trái pháp luật, trái đạo đức,...

Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ và tham gia công việc gia đình phù hợp lứa tuổi: giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình,...

+ Anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau, nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ,...

+ Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu nuôi dưỡng cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự không có người nuôi dưỡng,...

+ Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại, ...

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Cho tình huống: Trường của C tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma tuý cho mọi người. Tuy nhiên, C lại cho rằng việc tuyên truyền phòng, chống ma tuý là trách nhiệm của người lớn, học sinh không cần tham gia.

Vận dụng kiến thức đã học ở Bài Phòng, chống tệ nạn xã hội, em hãy cho biết:

a) Em có đồng tình với suy nghĩ của C không? Vì sao?

b) Nếu là bạn của C, em sẽ làm thể nào để giúp C hiểu được trách nhiệm của mình trong phòng, chống tệ nạn xã hội?

Câu 2: Từ kiến thức đã học ở Bài Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, em hãy nhận xét việc làm của nhân vật trong các tình huống dưới đây:

a) Bác Khanh là công nhân còn vợ bác làm nghề buôn bán tự do. Hai con trai bác (đang học lớp 7 và lớp 9) khi ở lớp hay gây gổ đánh nhau với các bạn, lúc ở nhà thì thường đi chơi, không giúp đỡ bố mẹ việc nhà.

b) M đang học lớp 7, trước đây bạn rất ngoan, chăm học. Gần đây, cha mẹ bạn đi làm ăn xa, M ở cùng ông bà nội. Được ông bà chiều chuộng, M bắt đầu lười học, hay bỏ học để ở nhà xem phim, quay clip đưa lên mạng,...Trong trường hợp là bạn M em khuyên bạn điều gì?

c) Từ lúc chào đời Lan đã không biết mặt bố, mẹ bị bệnh tâm thần, Lan cứ thế lớn lên trong ngôi nhà xập xệ, dột nát của bà ngoại. Ngay từ những ngày đầu đến trường, cứ hết giờ là em chạy về phụ giúp việc nhà, chăm sóc mẹ. Tuy cuộc sống nhọc nhẵn nhưng Lan chưa bao giờ có ý định bỏ học. Cô giáo chủ nhiệm của Lan cho biết: “Năm nào, Lan cũng đạt danh hiệu Học sinh Giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ. Hằng năm, nhà trường đều dành cho Lan suất học bổng, giúp Lan mua sách vở, đồ dùng học tập”.

Câu 3: Em cần làm gì để quản lí tốt tiền cá nhân của mình?

Câu 4: Theo em, những nguyên nhân nào dẫn con người sa vào tệ nạn xã hội ? Bản thân em đã có những biện pháp gì để giữ mình không bị sa vào tệ nạn xã hội ?

Câu 5: Tình huống:

Bạn Nam sinh ra trong một gia đình có điều kiện và là con một nên được bố mẹ chiều chuộng và thỏa mãn mọi đòi hỏi của Nam. Nam đua đòi ăn chơi, tập tành hút thuốc và sa ngã vào con đường nghiện ngập.

a, Theo em, ai là người có lỗi trong việc này ? Vì sao?

b, Bạn Nam đã thực hiện đúng nghĩa vụ và bổn phận của mình trong gia đình chưa ? Từ đó hãy tự nhận xét việc thực hiện bổn phận và nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình.

Câu 6: Cho tình huống:

Gần đây, A nhận được nhiều tin nhắn với những lời lẽ thiếu văn hóa và đề nghị khiếm nhã từ một người lạ mặt làm bạn thấy hoang mang, lo sợ, mất tập trung vào việc học tập. Hàng trăm câu hỏi cứ hiện lên trong đầu: “Họ nhắn tin cho mình với mục đích gì?”, “Tại sao họ lại biết tên trường và lớp học của mình?”,... khiến cho A thường mất ngủ, giật mình, mơ thấy ác mộng và cảm thấy sợ hãi mỗi khi đến trường.

a. Theo em, nguyên nhân bạn A gặp phải những dấu hiện trên là gì? Nếu bạn A tiếp tục hoang mang, lo sợ như vậy có thể dẫn đến hậu quả gì?

b. Em hãy đóng vai là bạn của A để hướng dẫn bạn cách để không hoang mang, lo sợ và mất tập trung vào học tập?

Câu 7: Đọc các tình huống sau và cho biết: nhân vật nào thực hiện đúng, nhân vật nào thực hiện không đúng quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình? Giải thích vì sao?

Tình huống 1: B là học sinh lớp 7A. B rất thích học đàn, bạn đã được bố mua đàn và tìm thầy dạy. Bố khuyến khích B học đàn nhưng luôn nhắc nhở bạn không được lơ là việc học các môn văn hoáở trên lớp. Nghe theo lời khuyên của bố, B rất chăm chỉ học tập, bạn thường xuyên được cô giáo tuyên dương trước lớp.

Tình huống 2: Gia đình anh M và chị H hiếm muốn, kết hôn được gần 10 năm họ mới đón con đầu lòng (bạn C), do đó, C luôn được bố mẹ chiều chuộng, đáp ứng mọi yêu cầu. Dần dần, C hình thành thói quen ỷ lại, lười biếng, ham chơi, không nghe lời bố mẹ. Khi người thân nhắc nhở, C tỏ ra khó chịu, không nghe lời vì được bố mẹ bênh.

Câu 8: Em hãy xử lí các tình huống dưới đây:

Tình huống. Xem quảng cáo trên mạng xã hội Facebook, cô T biết được ở một huyện miền núi phía Bắc có một ông thầy cúng có thể điều trị cắt cơn cho người nghiện ma tuý. Theo như quảng cáo thì ông thầy này đã giúp cho rất nhiều người hết nghiện ma tuý bằng việc cúng bái. Cô T phân vân không biết có nên đưa cậu con trai đang nghiện ma tuý đến để điều trị hay không.

Yêu cầu:

1/ Theo em, thầy cúng có thể chữa nghiện ma túy không?

2/ Em có lời khuyên gì cho cô T?

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Công dân 7 kết nối tri thức học kì 2, ôn tập Công dân 7 kết nối tri thức học kì 2, Kiến thức ôn tập Công dân 7 kết nối kì 2

Bình luận

Giải bài tập những môn khác