Đề cương ôn tập Sinh học 7 kết nối tri thức học kì 1

Đề cương ôn tập môn Sinh học lớp 7 bộ sách kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Sinh học 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 1 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

CHỦ ĐỀ 1: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

1. Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

- Trao đổi chất là quá trình cơ thể lấy các chất từ môi trường, biến đổi chúng thành các chất cần thiết cho cơ thể và tạo năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, đồng thời trả lại cho môi trường các chất thải.

- Chuyển hoá năng lượng là sự biến đổi năng lượng từ dạng này sang dạng khác.

- Trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng giúp sinh vật tồn tại, sinh trưởng, phát triển, sinh sản, cảm ứng và vận động.

2. Quang hợp ở thực vật

- Quang hợp là quá trình lá cây sử dụng nước và khí carbon dioxide nhờ năng lượng ánh sáng đã được diệp lục hấp thụ để tổng hợp chất hữu cơ và giải phóng oxygen.

- Trong quá trình quang hợp, trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng luôn diễn ra đồng thời, nước và carbon dioxide được lấy từ môi trường ngoài để tổng hợp chất hữu cơ và giải phóng khí oxygen, trong quá trình đó quang năng được chuyển hoá thành hoá năng

- Lá cây là cơ quan chủ yếu thực hiện chức năng quang hợp. Bên trong lá có nhiều lục lạp chứa diệp lục, có khả năng hấp thụ và chuyển hoá năng lượng ánh sáng.

- Phương trình tổng quát của quá trình quang hợp:

                                 Ánh sáng

Nước + Carbon dioxide → Glucose + Oxygen

                                 Diệp lục

3. Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp

- Ánh sáng, nhiệt độ, khí carbon dioxide và nước là các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến quang hợp ở thực vật.

- Con người có thể vận dụng những hiểu biết về quang hợp trong việc trồng và bảo vệ cây xanh nhằm giúp cây sinh trưởng nhanh, phát triển tốt, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.

4. Hô hấp tế bào

- Hô hấp tế bào là quá trình phân giải các chất hữu cơ tạo thành nước và carbon dioxide, đồng thời giải phóng ra năng lượng.

- Phương trình hô hấp: Glucose + Oxygen → Carbon dioxide + Nước + Năng lượng (ATP)

- Quá trình tổng hợp và phân giải chất hữu cơ có biểu hiện trái ngược nhau nhưng phụ thuộc lẫn nhau.

5. Một số yếu tố ảnh hưởng hô hấp tế bào

- Nước, nồng độ khí oxygen, khí carbon dioxide và nhiệt độ là một số yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới hô hấp tế bào.

- Vận dụng những hiểu biết về hô hấp tế bào vào thực tiễn sản xuất (cày, bừa, xới xáo,... làm tăng nồng độ khí O2 trong đất, tạo điều kiện cho rễ cây hô hấp) và bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng các biện pháp phơi/sấy khô, giữ lạnh hay bảo quản trong điều kiện nồng độ khí CO2 cao.

6. Trao đổi khí ở sinh vật

- Trao đổi khí là quá trình sinh vật lấy O2 hoặc CO2 từ môi trường vào cơ thể, đồng thời thải ra môi trường khí CO2 hoặc O2.

- Thực vật trao đổi khí với môi trường chủ yếu thông qua khí khổng ở lá, được thực hiện trong quang hợp và hô hấp. Các chất khí khuếch tán vào và ra khỏi lá khi khí khổng mở.

- Ở người, khi hít vào, không khí đi qua đường dẫn khí vào đến phổi sẽ cung cấp O2 cho các tế bào; khí CO2 từ tế bào được máu chuyển tới phổi để thải ra ngoài môi trường qua động tác thở ra.

7. Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật

- Nước được cấu tạo từ hai nguyên tố là oxygen và hydrogen. Nước có tính phân cực nên là dung môi hoà tan nhiều chất cho cơ thể.

- Nước là thành phần cấu tạo chủ yếu của tế bào và cơ thể, là nguyên liệu để tổng hợp chất hữu cơ trong quang hợp, là dung môi hoà tan điều hoà thân nhiệt.

- Chất dinh dưỡng cung cấp nguyên liệu và năng lượng để sinh vật thực hiện các quá trình sống. Ở thực vật, chất dinh dưỡng là các chất khoáng. Ở động vật, chất dinh dưỡng là protein, carbohydrate, lipid, vitamin và chất khoáng.

8. Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật

- Nước và chất khoáng hoà tan trong đất được các tế bào lông hút hấp thụ vào rễ rồi vận chuyển từ rễ lên thân cây và lá nhờ mạch gỗ (dòng đi lên). Chất hữu cơ do lá tổng hợp được vận chuyển đến nơi cần dùng hoặc nơi dự trữ nhờ mạch rây (dòng đi xuống).

- Thoát hơi nước ở lá góp phần vận chuyển nước và chất khoáng trong cây, điều hoà nhiệt độ cơ thể, giúp khí CO2 đi vào bên trong lá và giải phóng khí O2 ra ngoài môi trường.

- Quá trình thoát hơi nước ở lá cây phụ thuộc vào sự đóng, mở của khí khổng.

- Các yếu tố bên ngoài như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm đất và không khí,... có ảnh hưởng đến sự trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật.

- Để cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao cần bón phân và tưới nước hợp lí cho cây.

9. Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở động vật

- Nhu cầu sử dụng nước ở động vật phụ thuộc vào tuổi, đặc điểm sinh học, môi trường sống.... Động vật lấy nước vào cơ thể chủ yếu qua thức ăn, nước uống; nước thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và mồ hôi.

- Con đường trao đổi chất dinh dưỡng trong ống tiêu hoá ở động vật bao gồm ba giai đoạn: ăn, tiêu hoá và hấp thụ chất dinh dưỡng, thải phân.

- Nước, chất dinh dưỡng, chất thải,... được vận chuyển trong cơ thể nhờ hoạt động của hệ tuần hoàn. Ở người, sự vận chuyển các chất diễn ra theo vòng tuần hoàn nhỏ và vòng tuần hoàn lớn.

- Để người và động vật sinh trưởng, phát triển tốt cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí, đảm bảo vệ sinh ăn uống.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

B. CÁC DẠNG BÀI TẬP

CHỦ ĐỀ 1: TRAO ĐỔI CHẤT VÀ CHUYỂN HÓA NĂNG LƯỢNG Ở SINH VẬT

Dạng 1: Khái quát về trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng

Bài tập 1: Hãy nêu khái niệm và cho biết vai trò của trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng ở sinh vật.

Bài tập 2: Con người khi thực hiện hoạt động (đi lại, giữ ấm cơ thể,…) cần phải có năng lượng. Năng lượng đó do đâu mà có và được biến đổi từ dạng nào sang dạng nào?

Bài tập 3: Em hãy cho biết những quá trình chuyển hóa năng lượng nào diễn ra khi một con báo đang chạy, biết trong tế bào tồn tại nhiều dạng năng lượng khác nhau như cơ năng, nhiệt năng, hóa năng. Giải thích.

Dạng 2: Quang hợp ở thực vật

Bài tập 1: Nêu khái niệm và viết phương trình tổng quát của quang hợp.

Bài tập 2: Ghép các bộ phận của lá (cột A) với chức năng tương ứng (cột B) cho phù hợp.

Cột A                   Cột B
1. Gân láa) Giữ lá trên cành, thân cây
2. Lục lạpb) Trao đổi khí và thoát hơi nước
3. Khí khổngc) Thu nhận ánh sáng
4. Cuống lád) Vận chuyển nước và chất hữu cơ

Bài tập 3: Một số loại cây như: cây lưỡi hổ, cây kim tiền, cây vạn niên thanh, ... là các loại cây cảnh trồng trong nhà mà vẫn tươi tốt. Em hãy giải thích cơ sở khoa học của hiện tượng đó.

Dạng 3: Một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp

Bài tập 1: Nêu một số yếu tố ảnh hưởng đến quang hợp của cây xanh? Cho biết nước ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây xanh như thế nào?

Bài tập 2: Vì sao nhiều loại cây cảnh trồng trong nhà vẫn xanh tốt? Ý nghĩa của việc trồng cây cảnh trong nhà?

Bài tập 3: Cho ví dụ chứng minh các loại cây khác nhau có nhu cầu về ánh sáng khác nhau? Người dân áp dụng điều này vào trong trồng trọt như thế nào?

Dạng 4: Hô hấp tế bào

Bài tập 1: Hãy trả lời các ý sau:

a) Hô hấp tế bào là gì? Viết phương trình quá trình hô hấp diễn ra ở tế bào?

b) Nêu vai trò của quá trình hô hấp tế bào đối với cơ thể? Nếu hoạt động hô hấp tế bào bị ngừng lại thì hậu quả gì sẽ xảy ra?

Bài tập 2: Hãy giải thích vì sao khi đói, cơ thể người thường cử động chậm và không muốn hoạt động.

Bài tập 3: Vận dụng kiến thức về hô hấp tế bào, giải thích các hiện tượng:

a) Vì sao chúng ta không nên để nhiều hoa hoặc cây xanh trong phòng đóng kín cửa?

b) Con người khi ở trên đỉnh núi cao thường thở nhanh hơn so với khi ở vùng đồng bằng.

Dạng 5: Một số yếu tố ảnh hưởng hô hấp tế bào

Bài tập 1: Quá trình hô hấp tế bào có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

Bài tập 2: Vì sao các loại hạt được đem phơi khô trước khi đưa vào kho bảo quản?

Bài tập 3: Tại sao trong nhiều siêu thị, rau tươi được đóng gói trong túi nylon có đục lỗ và để trong ngăn mát, trong khi khoai tây, cà rốt lại không cần bảo quản như vậy?

Dạng 6: Trao đổi khí ở sinh vật

Bài tập 1: Trao đổi khí ở sinh vật là gì? Ở thực vật, động vật trao đổi khí với môi trường chủ yếu qua cơ quan nào?

Bài tập 2: Điền đúng (Đ), sai (S) thích hợp với các khẳng định sau:

STT

Khẳng định

Đúng/Sai

1

Ở tất cả các loài thực vật, khí khổng tập trung chủ yếu ở mặt trên của lá.

?

2

Lau bụi cho lá là một biện pháp giúp quá trình trao đổi khí ở thực vật diễn ra thuận lợi.

?

3

Khi cây thiếu ánh sáng và nước, quá trình trao đổi khí sẽ bị hạn chế.

?

4

Độ mở của khí khổng tăng dần từ sáng đến tối.

?

Bài tập 3: Hãy giải thích:

a) Tại sao khi ở trong phòng kín đông người một thời gian thì nhịp hô hấp của cơ thể thường tăng?

b) Vì sao khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, sự trao đổi khí diễn ra nhanh hơn?

Dạng 7: Vai trò của nước và chất dinh dưỡng đối với sinh vật

Bài tập 1: Hãy trả lời các ý sau:

a) Nêu vai trò của nước đối với sinh vật. Điều gì sẽ xảy ra nếu sinh vật bị thiếu nước?

b) Các nhóm chất dinh dưỡng có những vai trò gì đối với cơ thể sinh vật? Cho ví dụ.

Bài tập 2: Khi bị nôn, sốt cao hoặc tiêu chảy, cơ thể bị mất nước nhiều. Trong trường hợp đó, em cần làm gì?

Bài tập 3: Khi hoạt động mạnh, nhiệt độ cơ thể tăng cao, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi để làm mát. Theo em, tại sao việc tiết mồ hôi có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể?

Dạng 8: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở thực vật

Bài tập 1: Quá trình trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật diễn ra như thế nào? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến quá trình trao đổi nước và các chất dinh dưỡng ở thực vật?

Bài tập 2: Vì sao chúng ta cần phải bón phân đúng liều lượng, đúng loại và có cách bón thích hợp?

Bài tập 3: Sau những trận mưa lớn kéo dài, hầu hết cây trong vườn bị ngập úng lâu và bị chết. Theo em, tại sao khi bị ngập nước cây lại chết mặc dù nước có vai trò rất quan trọng đối với sự sống của cây?

Dạng 9: Trao đổi nước và chất dinh dưỡng ở động vật

Bài tập 1: Nhu cầu sử dụng nước ở động vật phụ thuộc vào những yếu tố nào? Con đường trao đổi chất dinh dưỡng trong ống tiêu hoá ở động vật gồm những giai đoạn nào?

Bài tập 2: Hãy giải thích:

a) Vì sao chúng ta cần uống nhiều nước khi trời nóng hoặc khi vận động mạnh?

b) Vì sao ăn nhiều bim bim không tốt cho sức khỏe?

Bài tập 3: Bạn A cao 1m 40, nặng 45kg, theo khuyến nghị của Viện dinh dưỡng quốc gia năm 2012. Trẻ em ở tuổi vị thành niên cần 40ml nước/ 1kg thể trọng em hãy tính toán và đưa ra lời khuyên cho bạn A về nhu cầu cung cấp nước và chế độ ăn uống  hàng ngày cho bản thân bạn A để bạn có một cơ thể khỏe mạnh.

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Sinh học 7 kết nối tri thức học kì 1, ôn tập Sinh học 7 kết nối tri thức học kì 1, Kiến thức ôn tập Sinh học 7 kết nối tri thức học kì 1

Bình luận

Giải bài tập những môn khác