Đề cương ôn tập Công dân 7 kết nối tri thức học kì 1
Đề cương ôn tập môn Giáo dục công dân lớp 7 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức của môn Giáo dục công dân 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 1 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Tự hào về truyền thống quê hương
- Truyền thống quê hương là những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương được truyền từ đời này sang đời khác.
- Mỗi vùng miền, địa phương trên đất nước Việt Nam đều có những truyền thống tốt đẹp về ẩm thực, lễ hội, nghệ thuật, trang phục, tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm,....
- Tự hào về truyền thống của quê hương là sự tự tin, hãnh diện về những giá trị mà người dân ở quê hương đã sáng tạo ra và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
- Chúng ta cần tìm hiểu và tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương, từ đó có những việc làm phù hợp để giữ gìn và phát huy truyền thống đó như:
+ Tôn trọng sự đa dạng văn hóa vùng miền;
+ Kính trọng và biết ơn những người có công với quê hương, đất nước, tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa;
+ Tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa của quê hương;...
- Cần phê pháp ngăn chặn những việc làm trái ngược gây tổn hại đến những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
2. Quan tâm, cảm thông và chia sẻ
- Sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ là sự chăm sóc bằng tình cảm chân thành; đặt mình vào vị trí của người khác, nhận biết và thấu hiểu cảm xúc của họ; san sẻ; giúp đỡ, trao gửi những điều tốt đẹp cho nhau.
- Chúng ta cần có những lời nói, việc làm thể hiện sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác như:
+ Lắng nghe, động viên, an ủi, nhắn tin, gọi điện hỏi thăm,
+ Chia sẻ về vật chất và tinh thần với những người gặp khó khăn;
+ Khích lệ, động viên bạn bè quan tâm, cảm thông và chia sẻ với người khác;
+ Phê phán thói ích kỉ, thờ ơ trước khó khăn, mất mát của người khác.
- Nhận được sự quan tâm, cảm thông và chia sẻ, mỗi người sẽ có động lực vượt qua khó khăn, thử thách.
- Người biết quan tâm, cảm thông và chia sẻ sẽ nhận được sự yêu quý, tôn trọng của mọi người. Nhờ đó, cuộc sống sẽ tràn ngập tình yêu thương, niềm vui và hạnh phúc; các mối quan hệ sẽ trở nên tốt đẹp và bền vững hơn.
3. Học tập tự giác, tích cực
- Học tập tự giác, tích cực là chủ động, cố gắng tự mình thực hiện tốt nhiệm vụ học tập mà không cần ai nhắc nhở, khuyên bảo.
- Học tập tự giác, tích cực biểu hiện ở:
+ Có mục đích và động cơ học tập đúng đắn;
+ Chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ học tập (học và làm bài đầy đủ hăng hái phát biểu xây dựng bài, tích cực hợp tác khi học nhóm,...);
+ Luôn cố gắng vượt khó, kiên trì trong học tập;
+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập cụ thể, phù hợp với năng lực của bản thân.
- Học tập tự giác, tích cực giúp chúng ta:
+ Không ngừng tiến bộ, đạt kết quả cao trong học tập;
+ Rèn luyện được tính tự lập, tự chủ, ý kiến kiên cường, bền bỉ
+ Thành công trong cuộc sống và được mọi người tin yêu, quý mến.
- Cần góp ý nhắc nhở những bạn chưa tự giác tích cực trong học tập để các bạn đạt kể quả tốt hơn.
4. Giữ chữ tín
- Chữ tín là niềm tin của mọi người đối với nhau. Giữ chữ tín là coi trọng, giữ gin niềm tin của mọi người đối với mình.
- Biểu hiện của giữ chữ tín là: biết trọng lời hứa, đúng hẹn; thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của bản thân; trung thực, thống nhất giữa lời nói và việc làm.
- Người biết giữ chữ tín sẽ được mọi người tin tưởng, tôn trọng, hợp tác, dễ thành công hơn trong công việc, cuộc sống và góp phần làm cho các mối quan hệ xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
5. Bảo tồn di sản văn hóa
- Di sản văn hóa là những sản phẩm vật chất, tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua các thế hệ khác.
- Di sản văn hóa gồm:
+ Di sản văn hóa vật thể (Thành nhà Hồ, Thánh địa Mỹ Sơn, Rừng ngập mặn Cần Giờ...)
+ Di sản văn hóa phi vật thể (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Mộc bản Triều Nguyễn, Nghệ thuật Đờn ca tải tử Nam bộ....)
- Bảo tồn di sản văn hóa góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và làm phong phú kho tàng di sản văn hóa thế giới.
- Pháp luật nước ta có những quy định cơ bản về quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân đối với việc bảo vệ di sản văn hóa, thể hiện ở Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
- Học sinh có trách nhiệm:
+ Tìm hiểu, giới thiệu về các di sản văn hóa;
+ Giữ gìn các di sản văn hóa;
+ Đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo tồn di sản văn hóa.
Bình luận