Đề cương ôn tập Sinh học 7 kết nối tri thức học kì 2
Đề cương ôn tập môn Sinh học lớp 7 bộ sách kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Sinh học 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
CHỦ ĐỀ 2: CẢM ỨNG Ở SINH VẬT
- Cảm ứng là phản ứng của sinh vật đối với kích thích từ môi trường. Cảm ứng giúp sinh vật thích ứng với sự thay đổi của môi trường để tồn tại và phát triển.
- Tập tính là một chuỗi những phản ứng của động vật trả lời kích thích từ môi trường, đảm bảo cho động vật tồn tại và phát triển. Tập tính giúp động vật thích ứng với môi trường sống để tồn tại và phát triển.
- Hiện tượng cảm ứng ở sinh vật được con người ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho cây trồng và vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt; xây dựng các thói quen tốt và nâng cao hiệu quả học tập cho con người.
CHỦ ĐỀ 3: SINH TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN Ở SINH VẬT
1. Khái quát về sinh trưởng và phát triển ở sinh vật
- Sinh trưởng là sự tăng về kích thước và khối lượng của cơ thể do sự tăng lên về số lượng và kích thước tế bào, nhờ đó cơ thể lớn lên.
- Phát triển bao gồm sinh trưởng, phân hóa tế bào, phát sinh hình thái cơ quan và cơ thể.
- Thực vật sinh trưởng nhờ các mô phân sinh. Mô phân sinh đỉnh có ở đỉnh của rễ và đỉnh chồi giúp thân, cành và rễ tăng lên về chiều dài. Mô phân sinh bên giúp thân, cành và rễ tăng lên về chiều ngang.
2. Ứng dụng sinh trưởng và phát triển ở sinh vật vào thực tiễn
- Các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển ở sinh vật là nhiệt độ, ánh sáng, nước và chất dinh dưỡng.
- Con người có thể chủ động điều khiển quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nhằm nâng cao năng suất của vật nuôi và cây trồng bằng cách sử dụng chất kích thích hoặc ức chế nhân tạo; cải thiện chế độ dinh dưỡng, điều chỉnh chế độ chiếu sáng, tưới nước,...
- Dựa vào đặc điểm các giai đoạn phát triển ở côn trùng, lựa chọn các biện pháp hiệu quả để phòng trừ các loài gây hại như muỗi, bướm,...
CHỦ ĐỀ 4: SINH SẢN Ở SINH VẬT
- Sinh sản là quá trình tạo ra những cá thể mới, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài.
1. Sinh sản vô tính ở sinh vật
- Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản không có sự kết hợp của giao tử đực và giao tử cái, cơ thể con sinh ra từ một phần của cơ thể mẹ.
- Sinh sản vô tính có hai hình thức: sinh sản sinh dưỡng (chủ yếu) và sinh sản bào tử.
- Sinh sản sinh dưỡng gồm các hình thức sinh sản bằng rễ, thân, lá. Sinh sản vô tính ở động vật gồm nảy chồi, phân mảnh và trinh sản.
- Sinh sản vô tính có vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống. Ứng dụng sinh sản vô tính trong giâm cành, chiết cành, ghép cây, nuôi cấy tế bào và mô giúp nhân nhanh các giống cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
2. Sinh sản hữu tính ở sinh vật
- Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự hợp nhất giữa giao tử đực và giao tử cái tạo nên hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới.
- Hoa là cơ quan sinh sản ở thực vật, gồm hai loại là hoa đơn tính và hoa lưỡng tính. Sinh sản hữu tính ở thực vật bao gồm quá trình tạo giao tử, thụ phấn, thụ tinh, tạo hạt và quả.
- Sinh sản hữu tính ở động vật bao gồm quá trình tạo trứng và tinh trùng, thụ tinh và phát triển phôi hình thành cơ thể mới. Ở động vật có hình thức thụ tinh ngoài và thụ tinh trong, có loài đẻ trứng và loài đẻ con.
- Sinh sản hữu tính tạo ra các cá thể mới đa dạng, đảm bảo sự phát triển liên tục của loài và sự thích nghi của sinh vật trước mỗi trường sống thay đổi. Sinh sản hữu tính cung cấp nguyên liệu cho chọn giống, con người đã sử dụng những nguyên liệu này để tạo giống mới hay cải tạo giống cũ trong trồng trọt và chăn nuôi.
3. Một số yếu tố ảnh hưởng và điều hòa điều khiển sinh sản ở sinh vật
- Sinh sản ở sinh vật chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên trong như hormone, đặc điểm di truyền và một số yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm.
- Quá trình sinh sản ở sinh vật được điều hoà chủ yếu bởi các hormone.
- Con người chủ động điều khiển quá trình sinh sản ở sinh vật bằng cách sử dụng các hormone nhân tạo và điều chỉnh các yếu tố bên ngoài phù hợp với mục đích chăn nuôi và trồng trọt.
4. Cơ thể sinh vật là một thể thống nhất
- Mọi cơ thể sống đều được cấu tạo từ tế bào. Cơ thể lấy các chất dinh dưỡng, nước, chất khoáng và O2 từ môi trường cung cấp cho tế bào thực hiện quá trình trao đổi chất để lớn lên, sinh sản và cảm ứng, từ đó giúp cơ thể thực hiện được các hoạt động sống.
- Các hoạt động sống như trao đổi chất và chuyển hoá năng lượng, sinh trưởng và phát triển, sinh sản và cảm ứng có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau đảm bảo sự thống nhất trong hoạt động của toàn bộ cơ thể như một thể thống nhất.
Bình luận