Cách giải bài toán dạng: Xác định bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức và cộng trừ đa thức một biến Toán lớp 7

Tech12h xin gửi tới các bạn bài học Xác định bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức và cộng trừ đa thức một biến Toán lớp 7. Bài học cung cấp cho các bạn phương pháp giải toán và các bài tập vận dụng. Hi vọng nội dung bài học sẽ giúp các bạn hoàn thiện và nâng cao kiến thức để hoàn thành mục tiêu của mình.

A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI

1. Xác định bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức

Để tìm bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức trước hết cần thu gọn đa thức rồi sắp xếp các hạng tử của đa thức theo lũy thừa giảm dần (hoặc tăng dần) của biến.

Ví dụ 1: Cho đa thức một biến

P(x) = $3x^{3}-5x^{2}+6x-3x^{4}-14x^{3}-8+2x^{4}$

a) Cho biết bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức P(x)

b) Tính giá trị của đa thức P(x) tại x = -1.

Hướng dẫn:

Ta thu gọn và sắp xếp P(x) theo lũy thừa giảm của x.

P(x) = $3x^{3}-5x^{2}+6x-3x^{4}-14x^{3}-8+2x^{4}$

       = $(-3x^{4}+2x^{4})+(3x^{3}-14x^{3}) - 5x^{2}+6x-8$

       = $-x^{4}-11x^{3}-5x^{2}+6x-8$

a) Bậc của P(x) là 4. Hệ số cao nhất là -1, hệ số tự do là -8.

b) Giá trị của P(x) tại x = -1 là:

P(-1) = $-(-1)^{4}-11(-1)^{3}-5(-1)^{2}+6(-1)-8$

         = -1 + 11 - 5 - 6 - 8

         = -9

2. Cộng trừ đa thức một biến

Để cộng hoặc trừ hai đa thức một biến, ta có thể thực hiện theo một trong hai cách:

- Cách 1: Thực hiện theo cách cộng, trừ đa thức đã học.

- Cách 2: Sắp xếp các hạng tử của hai đa thức cùng theo lũy thừa giảm (hoặc tăng) của biến rồi đặt phép tính theo cột dọc tương tự như cộng, trừ các số (chú ý các đơn thức đồng dạng ở cùng một cột).

Ví dụ 2: Cho hai đa thức một biến:

P(x) = $3x^{4}-6x^{2}-2x^{3}+2-4x+7x^{2}+8x^{3}-4$

Q(x) = $\sqrt{2}x^{4}+3\frac{1}{2}x^{2}-\frac{1}{2}x^{3}-\sqrt{2}x^{4}+\frac{7}{2}x^{3}+2x-\frac{1}{2}x^{2}+7$

a) Thu gọn các đa thức trên.

b) Tính P(x) + Q(x) và P(x) - Q(x) theo hai cách.

Hướng dẫn:

P(x) = $3x^{4}-6x^{2}-2x^{3}+2-4x+7x^{2}+8x^{3}-4$

        = $3x^{4}+6x^{3}+x^{2}-4x-2$

Q(x) = $\sqrt{2}x^{4}+3\frac{1}{2}x^{2}-\frac{1}{2}x^{3}-\sqrt{2}x^{4}+\frac{7}{2}x^{3}+2x-\frac{1}{2}x^{2}+7$

        = $3x^{3}+3x^{2}+2x+7$

b) Ta có:

P(x) + Q(x) = $(3x^{4}+6x^{3}+x^{2}-4x-2) +(3x^{3}+3x^{2}+2x+7)$

                  = $3x^{4} + 9x^{3}+4x^{2}-2x+5$

P(x) - Q(x) = $(3x^{4}+6x^{3}+x^{2}-4x-2) - (3x^{3}+3x^{2}+2x+7)$

                  = $3x^{4}+6x^{3}+x^{2}-4x-2 -3x^{3}-3x^{2}-2x-7$

                  = $3x^{4}+3x^{3}-2x^{2}-6x-9$

B. Bài tập và hướng dẫn giải

1. Cho đa thức một biến :

Q(x) = $ax^{4}+2x^{3}-bx^{3}+3x^{2}-x+c-x^{2}+4$

Tìm a, b, c biết rằng đa thức Q(x) có bậc ba, hệ số cao nhất là -4 và hệ số tự do là 7.

2. Cho đa thức A(x) = $ax^{4}-3x^{3}-2ax^{2}+x+1$ (a là hằng số). Hãy tìm a thích hợp để cho A(x) có giá trị là 4 tại x = 1.

3. Cho đa thức P(x) = $ax^{2}+bx+c$ luôn bằng 0 với giá trị bất kì của x. Chứng minh rằng a = b = c = 0.

4. Tính tổng các hệ số của các hạng tử của đa thức nhận được sau khi đã khai triển và viết đa thức P(x) dưới dạng thu gọn, biết P(x) = $(10x^{2}-10x)^{2010}$

5. Cho hai đa thức:

P(x) = $ax^{4}-\frac{1}{5}x+x^{3}-2x+10$ (a là hằng số)

Q(x) = $3x^{4}-x+x^{3}-x^{2}+5$

a) Tìm P(x) + Q(x) và P(x) - Q(x)

b) Tìm a để đa thức P(x) + Q(x) có bậc là 4? có bậc khác 4.

c) Câu hỏi tương tự đối với đa thức P(x) - Q(x)

6. Cho ba đa thức:

A(y) = $4y^{4}-5y^{2}+3y^{3}-2y+3-3y^{4}+7y^{3}-1$

B(y) = $\sqrt{3}y^{4}+5y-2y^{2}-\sqrt{3}y^{4}+7y+2y^{3}+1$

C(y) = $\frac{1}{4}y^{3}+0,25y^{2}+\sqrt{3}y-\frac{1}{4}y^{3}-\sqrt{3}y+0,75y^{2}-2$

Thu gọn các đa thức trên và tính:

a) A(y) + B(y) + C(y)

b) A(y) - B(y) - C(y)

7. Tìm đa thức M trong mỗi trường hợp sau:

a) $M + (3x-x^{4}+2x^{2}-3x^{3}+1)=2x-3x^{3}+x^{4}+2$

b) $(x^{3}-4x^{2}+2x-1)-M=x^{3}-5x^{2}+4x-1$

Từ khóa tìm kiếm: giải toán lớp 7, các dạng toán lớp 7, phương pháp giải các dạng toán lớp 7, cách giải bài toán dạng Xác định bậc, hệ số cao nhất, hệ số tự do của đa thức và cộng trừ đa thức một biến Toán lớp 7

Bình luận

Giải bài tập những môn khác