Cách giải bài toán dạng: Tứ giác nội tiếp đường tròn

Tech12h xin gửi tới các bạn bài học Chứng minh tứ giác nội tiếp đường tròn. Bài học cung cấp cho các bạn phương pháp giải toán và các bài tập vận dụng. Hi vọng nội dung bài học sẽ giúp các bạn hoàn thiện và nâng cao kiến thức để hoàn thành mục tiêu của mình.

A. PHƯƠNG PHÁP GIẢI

1. Chứng minh tứ giác nội tiếp đường tròn

Một tứ giác có bốn đỉnh nằm trên một đường tròn được gọi là tứ giác nội tiếp đường tròn (gọi tắt là tứ giác nội tiếp).

Để chứng minh tứ giác nội tiếp hình tròn, ta dựa vào các hệ quả, cách nhận biết để giải.

Ta có thể rút ra các hệ quả sau:

- Góc ngoài tại một đỉnh của tứ giác nội tiếp bằng góc trong tại đỉnh đối diện. Đảo lại, nếu góc ngoài ở một đỉnh của tứ giác bằng góc trong ở đỉnh đối diện thì tứ giác đó nội tiếp được trong một đường tròn.

ABCD nội tiếp $\Leftrightarrow \widehat{BAD}=\widehat{DCx}$

- Hình thang nội tiếp được trong một hình tròn khi và chỉ khi nó là hình thang cân.

* Cách nhận biết một tứ giác nội tiếp:

- Dựa vào định nghĩa tứ giác nội tiếp.

- Chứng minh tứ giác đó có hai góc đối bù nhau (hoặc tứ giác đó có một góc bằng góc ngoài tại đỉnh đối diện)

- Dựa vào khái niệm cung chứa góc: Tứ giác có hai đỉnh liên tiếp nhìn đoạn thẳng nối hai đỉnh còn lại dưới hai góc bằng nhau thì tứ giác đó nội tiếp được trong một đường tròn.

Ví dụ 1: Cho $\Delta $ABC cân tại A, $\widehat{A}<90^{\circ}$, đường cao BD. Gọi M, N, I theo thứ tự là trung điểm của các đoạn BC, BM và BD. Tia NI cắt cạnh AC tại K. Chứng minh rằng:

a) Các tứ giác ABMD, ABNK nội tiếp.

b) $BC^{2}=\frac{4}{3}CA.CK$

Hướng dẫn:

a) Do $\Delta $ABC cân tại A nên AM $\perp $ BM. 

Lại có BD $\perp $ AD do đó tự giác ABMD nội tiếp đường tròn đường kính AB.

Mặt khác NI là đường trung bình của $\Delta $BMD nên NI // MD. Do đó $\widehat{KNC}=\widehat{DMC}$. Hơn nữa $\widehat{DMC}=\widehat{KAB}$ (tính chất tứ giác nội tiếp ABMD)

$\Rightarrow \widehat{KNC}=\widehat{KAB}$ (1)

Từ đây ta thấy tứ giác ABNK nội tiếp (đpcm)

b) Ta có $\widehat{NKC}=\widehat{ABC}$ (tứ giác ABNK nội tiếp)

Kết hợp với (1) ta có $\Delta ABC\sim \Delta NKC$

$\Rightarrow \frac{BC}{CK}=\frac{CA}{NC}\Rightarrow BC.CN=CA.CK$

Mặt khác, dễ thấy NC = $\frac{3}{4}$BC, do đó $BC^{2}=\frac{4}{3}BC.NC=\frac{4}{3}CA.CK$ (đpcm)

2. Chứng minh nhiều điểm cùng nằm trên một đường tròn

- Ta dựa vào cách chứng minh tam giác, tứ giác nội tiếp.

- Dựa vào kết quả: Nếu IM.IH = IN.IK thì bốn điểm H, M, N, K cùng nằm trên đường tròn.

Ví dụ 2: Cho hình chữ nhật ABCD, I là trung điểm của CD, E thuộc cạnh AB. Qua I kẻ IM vuông góc với DE, cắt AD tại H. Qua I kẻ IN vuông góc với CE, cắt BC tại K. Gọi G là giao điểm của EI và HK. Chứng minh rằng:

a) Bốn điểm H, M, N, K cùng nằm trên một đường tròn.

b) Chứng minh năm điểm E, G, N, K, B cùng thuộc một đường tròn.

c) Năm điểm E, G, M, H, A cùng thuộc một đường tròn.

Hướng dẫn:

a) Sử dụng hệ thức lượng cho các tam giác vuông IDH và IKC, ta thấy:

$ID^{2} = IM.IH$ 

$IC^{2} = IN.IK$ 

Mà IC = ID nên ta có IM.IH = IN.IK

$\Rightarrow $ H, M, N, K cùng nằm trên một đường tròn

b) Từ kết quả câu a) ta có $\widehat{IMN}=\widehat{IKH}$

Lại có tứ giác EMIN nội tiếp (do $\widehat{M}=\widehat{N}=90^{\circ}$) nên $\widehat{IMN}=\widehat{IEN}$

$\Rightarrow \widehat{IEN}=\widehat{IKH}$

$\Rightarrow $ tứ giác EGNK nội tiếp 

Từ đó $\widehat{EGK}=\widehat{ENK}=90^{\circ}$. Kết hợp với $\widehat{EBK}=90^{\circ}$ ta thấy năm điểm E, G, N, B, K cùng nằm trên đường tròn đường kính EK (đpcm)

B. Bài tập và hướng dẫn giải

1. Cho $\Delta $ABC có ba góc nhọn: AD và CE là hai đường cao cắt nhau tại H, O là tâm đường tròn ngoại tiếp $\Delta $ABC. Gọi M là điểm đối xứng của B qua O, I là giao điểm của BM và DE, K là giao điểm của AC và HM.

a) Chứng minh rằng tứ giác AEDC và DIMC là các tứ giác nội tiếp.

b) Chứng minh OK $\perp $ AC

c) Cho $\widehat{AOK}=60^{\circ}$. Chứng minh $\Delta $HBO cân.

2. Cho hình vuông ABCD cạnh a. Trên hai cạnh AD và CD lần lượt lấy các điểm M và N sao cho $\widehat{MBN}=45^{\circ}$. BM và BN cắt theo thứ tự tại E và F. 

a) Chứng minh các tứ giác BENC và BFMA nội tiếp được trong một đường tròn.

b) Chứng tỏ MEFN cũng là tứ giác nội tiếp.

c) Gọi H là giaod diểm của MF và NE, I là giao điểm của HB và MN. Tính độ dài đoạn BI theo a.

3. Giả sử trong tứ giác lồi ABCD có điểm M sao cho tứ giác ABMD là hình bình hành và $\widehat{CBM}=\widehat{CDM}$. Dựng hình bình hành BMCN.

a) Chứng minh rằng tứ giác ABNC nội tiếp

b) Chứng minh rằng $\widehat{ACD}=\widehat{BCM}$

4. Cho đường tròn tâm O, đường kính AB và dây cung CD vuông góc với AB tại điểm H. Gọi I là điểm đối xứng với H qua D, K là trung điểm của đoạn HD. Vẽ dây cung EF đi qua K. Chứng minh bốn điểm E, H, F, I cùng nằm trên một đường tròn.

5. Cho một đường tròn (O) và điểm A nằm ngoài đường tròn đó. Kẻ các tiếp tuyến AB, AC với đường tròn (O) (B và C là các tiếp điểm). Gọi I là giao điểm của OA và BC. Kẻ dây cung DE của đường tròn (O) qua I.

a) Chứng minh bốn điểm A, D, O, E cùng nằm trên một đường tròn.

b) Chứng minh rằng $\widehat{BAD}=\widehat{CAE}$

6. Cho tứ giác ABCD nội tiếp đường tròn tâm O. Chứng minh rằng: AB.CD + BC.AD = AC.BD (định lí Ptô-lê-mê)

Từ khóa tìm kiếm: giải toán lớp 9, các dạng toán lớp 9, phương pháp giải các dạng toán lớp 9, cách giải bài toán dạng Chứng minh tứ giác nội tiếp đường tròn.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác