5 phút soạn Văn 11 tập 1 kết nối tri thức trang 23

5 phút soạn Văn 11 tập 1 kết nối tri thức trang 23. Giúp học sinh nhanh chóng, mất ít thời gian để soạn bài. Tiêu chi bài soạn: nhanh, ngắn, súc tích, đủ ý. Nhằm tạo ra bài soạn tốt nhất. 5 phút soạn bài, bằng ngày dài học tập.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VĂN BẢN: CHÍ PHÈO

PHẦN I. CÁC CÂU HỎI TRONG SGK

TRƯỚC KHI ĐỌC

CH1: Thế nào là định kiến xã hội? Các định kiến xã hội có thể ảnh hưởng đến cá nhân và cộng đồng như thế nào?

CH2: Có thể bạn đã từng nghe thấy người ta gọi tính cách hay cách ứng xử của một ai đó là "Chí Phèo". Cách gọi ấy đã hàm ẩn sự đánh giá như thế nào đối với tính cách hay cách ứng xử này?

ĐỌC VĂN BẢN

CH1: Chú ý sự luân phiên của các điểm nhìn (điểm nhìn của người kể chuyện và nhân vật, điểm nhìn bên ngoài và bên trong).

CH2: Vì sao Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ khi hắn mới từ nhà tù trở về làng?

CH3: Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà Bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình?

CH4: Chú ý những chi tiết miêu tả cách "ứng phó" của Bá kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình.

CH5: Những cảm giác, ấn tượng gì đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo?

CH6: Điều gì ám ảnh Chí Phèo nhất khi nghĩ về cuộc đời của mình?

CH7: Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua ý nghĩa và hành động nào?

CH8: Người kể chuyện đặt điểm nhìn ở đâu khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bất cháo hành của thị Nở?

CH9: Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ như thế nào đối với Chí Phèo?

CH10: Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo có thỏa đáng không?

CH11: Tại sao tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành?

CH12: Việc Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến có phải hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện không?

CH13: Đây có phải là những lời của một kẻ say không?

CH14: Người kể chuyện có đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào của mình về sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại không?

CH15: Ý nghĩa của hình ảnh cái lò gạch cũ là gì?

SAU KHI ĐỌC 

CH1: Tóm tắt cốt truyện Chí Phèo theo trình tự thời gian cuộc đời nhân vật. Hãy đánh giá hiệu quả của việc phá vỡ trình tự này trong mạch trần thuật của tác phẩm. 

CH2: Phân loại điểm nhìn trần thuật trong đoạn mở đầu theo các bình diện: điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật (Chí Phèo, dân làng Vũ Đại); điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong. Nhận xét về tương quan và sự dịch chuyển giữa các điểm nhìn này, qua đó, chỉ ra những nét đặc sắc trong cách Nam Cao mở đầu câu chuyện.

CH3: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước. Theo bạn, nhân tố nào mang tính quyết định đối với quá trình hồi sinh nhân tính của nhân vật? Vì sao?

CH4: Phân tích phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống. Người kể chuyện có đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật không?

CH5: Người kể chuyện bộc lộ thái độ như thế nào đối với Chí Phèo và thị Nở qua hệ thống điểm nhìn và lời kể?

CH6: Nhận xét về điểm nhìn và giọng điệu trần thuật ở đoạn kết truyện ngắn khi Chí Phèo tìm đến nhà bá Kiến lần cuối và phản ứng của dân làng Vũ Đại về cái chết của hai nhân vật này. Theo bạn, cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa như thế nào?

CH7: So sánh và nhận xét về đoạn kết của hai truyện ngắn Chí Phèo (Nam Cao) và Vợ nhặt (Kim Lân).

PHẦN II. 5 PHÚT SOẠN BÀI

TRƯỚC KHI ĐỌC

CH1: - Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. 

- Các định kiến xã hội có thể làm thay đổi cuộc sống, số phận của một con người, đẩy họ vào đường cùng. Đối với cộng đồng, định kiến xã hội sẽ hình thành một lối sống kém văn minh, sẽ khiến cho cộng đồng bị thụt lùi về suy nghĩ cũng như cách sống.

CH2: Em đã từng nghe người thân nhắc đến từ “Chí Phèo” để chỉ cách cư xử của người khác. Cách gọi “Chí Phèo” đã hàm ẩn tính cách và cách ứng xử của một người say rượu, chửi đổng và chuyên đi rạch mặt ăn vạ. 

ĐỌC VĂN BẢN

CH1: - Điểm nhìn của người kể chuyện: Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại; không ai lên tiếng cả … không ai biết …

- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra

- Điểm nhìn bên ngoài: Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả; đã thế, hắn … không ai ra điều; phải đấy … không ai biết.

- Điểm nhìn bên trong: Tức thật … Tức chết đi được mất; mẹ kiếp … nông nỗi này.

CH2: Chí Phèo lại khiến dân làng Vũ Đại e sợ vì: 

- Trông như thằng săng đá 

- Trông rất gớm chết 

- Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ rồng, phượng với một ông tướng cầm chùy, cả hai cánh tay cũng thế. 

CH3: Người kể chuyện có hoàn toàn miêu tả cảnh Chí Phèo gây sự với người nhà Bá Kiến chỉ từ điểm nhìn của mình. 

CH4: Chi tiết miêu tả cách “ứng phó” của bá Kiến đối với Chí Phèo và người nhà của mình:

- Với Chí Phèo:

+ Hỏi thăm: Anh Chí ơi! Sao anh lại làm ra thế? Về bao giờ thế?

+ Mời vào nhà uống nước: Sao không vào tôi chơi? Đi vào nhà uống nước.

- Với người nhà:

+ Quát mấy bà vợ: Các bà đi vào trong nhà; đàn bà chỉ biết lôi thôi, biết gì?

+ Nháy mắt con một cái, quát: Lí Cường đâu! Tội mày đáng chết. Không bảo người nhà đun nước mau lên.

CH5: Những cảm giác, ấn tượng đánh dấu thời điểm bắt đầu diễn ra sự thay đổi bên trong con người Chí Phèo:

- Mở mắt thì trời đã sáng lâu

- Mặt trời chắc đã cao, nắng bên ngoài rực rỡ

- Tiếng chim ríu rít

- Bâng khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài

- Lòng mơ hồ buồn, hắn hơi rùng mình, hắn sợ rượu

- Thấy tiếng chim hót vui vẻ, thấy tiếng người đi chợ

CH6: Chí Phèo ám ảnh nhất là sự cô độc khi nghĩ về cuộc đời mình.

CH7: Lòng trắc ẩn của thị Nở dành cho Chí Phèo được thể hiện qua: nấu bát cháo hành, chăm sóc khi hắn bị ốm.

CH8: Người kể chuyện đã đặt điểm nhìn bên trong khi miêu tả những cảm xúc của Chí Phèo lúc đón nhận bất cháo hành của thị Nở.

CH9: Lời kể và điểm nhìn của người kể chuyện thể hiện thái độ cảm thông và thương xót đối với nhân vật Chí Phèo.

CH10: Lí do bà cô thị Nở dứt khoát không cho cháu mình đến với Chí Phèo:

- Bà nhục cho cha ông nhà bà

- Bà thấy chua xót, uất ức, đổ cái uất ức lên cháu à

- Bà thấy cháu mình đĩ

- Bà thấy ai đời ngoài ba mươi còn đi lấy chồng

- Ai lại đi lấy thằng rạch mặt ăn vạ

=> Những lí do bà cô đưa ra không thỏa đáng vì những định kiến xã hội.

CH11: Tâm trí của Chí Phèo lúc này lại bị ám ảnh bởi hơi cháo hành vì: Thị Nỡ nghe lời bà cô đã từ chối Chí. Chí Phèo đang trên con đường hoàn lương lại bị đẩy xuống hố sâu tuyệt vọng. Hắn vừa nhớ thị nhưng cũng vừa hận thị.

CH12: Việc Chí Phèo tìm đến nhà Bá Kiến không hoàn toàn do hắn đã say như nhận xét trước đó của người kể chuyện bởi Chí Phèo đến nhà Bá Kiến chỉ là để muốn tìm lại lương thiện cho chính mình mà thôi.

CH13: Đây không phải là những lời của một kẻ say rượu, đây là nỗi lòng của Chí Phèo. 

CH14: Người kể chuyện không đưa ra lời bình luận hay đánh giá nào cho sự việc xảy ra ở làng Vũ Đại.

CH15: - Tả thực: Là hình ảnh của một chiếc lò nung gạch cũ, bị bỏ hoang vì không còn giá trị sử dụng. Là nơi Chí Phèo bị mẹ ruột vứt bỏ từ khi mới được sinh ra.

- Biểu tượng:

+ Gợi ra vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo, bi kịch của những kiếp người khốn khổ bị áp bức, chà đạp và tước đi quyền được sống, được hạnh phúc.

+ “Bi kịch Chí Phèo” không phải là bi kịch của một cá nhân riêng biệt mà là một hiện tượng phổ biến mang tính quy luật trong xã hội xưa.

SAU KHI ĐỌC 

CH1: - Tóm tắt: Chí Phèo vốn sinh ra là một người không cha không mẹ được dân làng Vũ Đại truyền tay nhau nuôi nấng. Lớn lên Chí trở thành một anh canh điền khỏe mạnh làm việc cho nhà Bá Kiến. Vốn tính hay ghen Bá kiến đã đẩy Chí vào tù. Bảy tám năm sau khi ở tù trở về Chí bỗng trở thành một kẻ lưu manh hóa, sống bằng nghề rạch mặt ăn vạ khiến cả làng xa lánh, không ai thừa nhận sự xuất hiện của Chí. Chí Phèo trở về và một lần nữa trở thành công cụ tay sai cho Bá Kiến để đổi lấy tiền uống rượu. Chí Phèo gặp Thị Nở và hai người ăn nằm với nhau. Chí được Thị chăm sóc, bát cháo hành cùng những cử chỉ của Thị đã làm sống dậy khát vọng sống hoàn lương của Chí. Chí hy vọng rằng Thị sẽ là cầu nối để Chí có thể trở về với đời sống lương thiện. Thế nhưng Bà cô Thị Nở lại ngăn cản Thị Nở đến với Chí. Bị Thị Nở cự tuyệt, Chí Phèo bèn xách dao đi với mục đích ban đầu là đâm chết con khọm già nhà Thị nhưng sau lại rẽ vào nhà Bá Kiến đòi lương thiện. Chí Phèo đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình.

- Việc phá vỡ trình tự thời gian trong mạch trần thuật của tác phẩm đã giúp cho nghệ thuật trần thuật kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.

CH2: *Phân loại điểm nhìn:

- Điểm nhìn của người kể chuyện:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … cả làng Vũ Đại

+ Không ai lên tiếng cả … không ai biết …

- Điểm nhìn của dân làng Vũ Đại: Chắc nó trừ mình ra

- Điểm nhìn bên ngoài:

+ Hắn vừa đi vừa chửi … Không ai lên tiếng cả

+ Đã thế, hắn … không ai ra điều

+ Phải đấy … không ai biết.

- Điểm nhìn bên trong:

+ Tức thật … Tức chết đi được mất

+ Mẹ kiếp … nông nỗi này.

*Nhận xét:

Điểm nhìn được nhà văn sử dụng linh hoạt, có sự luân chuyển. Các điểm nhìn này bổ sung, hỗ trợ cho nhau, giúp cho người đọc có cái nhìn đa chiều về khung cảnh mở đầu và cảm xúc của Chí Phèo với tiếng chửi của hắn.

*Cách mở đầu truyện ngắn: Cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện => cách mở đầu thật độc đáo, ấn tượng, thu hút sự chú ý của người đọc ngay từ những dòng đầu tiên.

CH3: *Diễn biến tâm trạng Chí Phèo vào buổi sáng sau cuộc gặp gỡ với thị Nở đêm trước:

- Lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”

⇒ Cuộc gặp với Thị Nở đã giúp Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên

- Là niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về làm người lương thiện của mình

⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy

*Nhân tố mang tính quyết định đối với qua trình hồi sinh nhân tính của Chí Phèo là bát cháo hành. Vì: Bát cháo hành thể hiện tình yêu thương chân thành của Thị Nở dành cho Chí phèo. Nó là hương vị của hạnh phúc, tình yêu muộn màng mà Chí Phèo được hưởng. Nó khơi dậy niềm khao khát được làm hoà với mọi người, hi vọng vào một cơ hội được trở về với cuộc sống lương thiện.

CH4: *Phản ứng tâm lí và hành động của Chí Phèo sau khi bị thị Nở từ chối chung sống:

- Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô thị Nở, bởi vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn.

⇒ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng khi tình yêu của mình không trọn vẹn

- Cảm giác phẫn uất tuyệt vọng đến tột cùng

*Tác giả không đưa ra những phán đoán đáng tin cậy để người đọc có thể hiểu được tâm lí và hành động của nhân vật.

CH5: Thái độ của người kể chuyện với nhân vật:

- Bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc với số phận bị đày đọa, lăng nhục, bị cự tuyệt quyền làm người của người lao động lương thiện.

- Cất lên tiếng kêu cứu thảm thiết và đầy phẫn uất cho người lao động lương thiện.

- Thái độ lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã gây nên tấn bi kịch đau thương cho người lao động.

- Thái độ trân trọng, nâng niu những nét đẹp của người nông dân.

CH6: - Điểm nhìn: Có sự thay đổi, đan xen giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của người dân làng Vũ Đại.

- Giọng điệu: tự nhiên, sinh động, sử dụng khẩu ngữ quần chúng một cách triệt để, mang hơi thở đời sống, giọng văn hoá đời sống. 

- Ý nghĩa cái chết của Chí Phèo:

+ Đó là hành động lấy máu rửa thù của người nông dân thức tỉnh về quyền sống vùng lên, tuy manh động, tự phát, liều lĩnh, tuyệt vọng nhưng không phải là hành động lưu manh.

+ Cái chết của Chí đáng thương, là lời tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến đã đẩy người nông dân vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa, đẩy họ tới cái chết bi thảm. Xã hội ấy không có chỗ cho người lầm lạc trở về cuộc sống lương thiện.

+ Thể hiện quan niệm hiện thực nhạy bén của Nam Cao: tình trạng xung đột giai cấp ở nông thôn Việt Nam hết sức gay gắt, quyết liệt, không thể xoa dịu được, chỉ có thể được giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt.

CH7: - Giống nhau:

+ Đều mở ra một cuộc đời mới

+ Đều thể hiện được tấm lòng nhân đạo sâu sắc của nhà văn.

- Khác nhau:

+ Truyện ngắn Vợ nhặt: Hình ảnh đoàn người đói và lá cờ đỏ gợi mở về một tương lai tươi sáng cho tất cả các nhân vật. Đánh thức một điều gì đó thật mới mẻ bên trong Tràng. Anh đã bắt đầu bước gần hơn với con đường cách mạng, bắt đầu có những nhận thức về hành động của bản thân.

→ Chỉ có đi theo cách mạng, đứng lên đấu tranh chống lại cái bạo tàn, áp bức mới có thể bảo vệ được hạnh phúc và sự bình yên của những người thân yêu.

+ Truyện ngắn Chí Phèo: Mở ra bi kịch mới: Nếu Thị Nở có con với Chí Phèo, số phận của đứa trẻ sẽ lặp lại những đau khổ, bất hạnh của bố mẹ. Gợi liên tưởng về cái vòng luẩn quẩn của bi kịch Chí Phèo: Chí Phèo chết đi nhưng bi kịch Chí Phèo vẫn còn đó, áp bức, bạo tàn vẫn còn thì vẫn còn những cảnh đời khốn cùng như Chí.

CH8: - Người kể chuyện: Người kể chuyện ở ngôi thứ ba – người kể chuyện toàn tri, thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật.

- Điểm nhìn: Điểm nhìn có sự thay đổi linh hoạt, luân phiên. điểm nhìn của người kể chuyện/ điểm nhìn của nhân vật; điểm nhìn bên ngoài và điểm nhìn bên trong.

- Lời trần thuật: kể truyện linh hoạt tự nhiên phóng túng mà vẫn nhất quán, chặt chẽ, đảo lộn trình tự thời gian, mạch tự sự có những đoạn hồi tưởng, liên tưởng tạt ngang, tưởng như lỏng lẻo mà thực sự rất tự nhiên, hợp lý, hấp dẫn.

VIẾT KẾT NỐI 

CH: - Bát cháo hành mang ý nghĩa sâu sắc:

+ Thức tỉnh con người bên trong của Chí Phèo.

+ Thể hiện tình yêu thương giữa người với người.

+ Khiến Chí Phèo muốn trở lại làm người lương thiện.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

soạn 5 phút Văn 11 tập 1 kết nối tri thức, soạn Văn 11 tập 1 kết nối tri thức trang 23, soạn Văn 11 tập 1 KNTT trang 23

Bình luận

Giải bài tập những môn khác