Đề cương ôn tập Sinh học 10 kết nối tri thức học kì 2

Đề cương ôn tập môn Sinh học lớp 10 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Sinh học 10. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

CHỦ ĐỀ 1: CHU KÌ TẾ BÀO VÀ PHÂN BÀO

1. Chu kì tế bào và nguyên phân

- Chu kì tế bào là khoảng thời gian từ khi tế bào được sinh ra, lớn lên và phân chia thành hai tế bào con, gồm 2 giai đoạn gồm kì trung gian và quá trình nguyên phân.

- Kì trung gian là giai đoạn sinh trưởng của tế bào, được chia nhỏ thành các pha G1, S và G2.

- Quá trình nguyên phân gồm phân chia nhân và phân chia tế bào chất.

+ Phân chia nhân diễn ra theo 4 kì là kì đầu, kì giữa, kì sau và kì cuối.

+ Sự phân chia tế bào chất diễn ra khác nhau giữa tế bào thực vật và tế bào động vật:

  • Ở tế bào thực vật: Hình thành vách ngăn xuất hiện ở mặt phẳng xích đạo chia tế bào thành hai tế bào con.
  • Ở tế bào động vật: Vùng giữa của tế bào động vật dần co thắt lại, chia tế bào thành hai tế bào con.

- Chu kì tế bào của sinh vật nhân thực dài hơn và phức tạp hơn so với chu kì của tế bào nhân sơ do tế bào nhân thực có kích thước và số lượng NST lớn hơn nhiều so với kích thước và số lượng NST của tế bào nhân sơ. Thời gian cần thiết để hoàn thành một chu kì tế bào là rất khác nhau giữa các loại tế bào của cùng một cơ thể.

- Điểm kiểm soát chu kì tế bào là các tín hiệu kích hoạt quá trình truyền tin tế bào đưa ra các đáp ứng đi tiếp hay dừng chu kì tế bào. Gồm: G1/S, G2/M, điểm kiểm soát thoi phân bào

2. Giảm phân và công nghệ tế bào

- Giảm phân là hình thức phân chia của các tế bào mầm sinh dục trong quá trình sản sinh giao tử ở các cơ quan sinh sản. Giảm phân gồm hai lần phân bào liên tiếp là giảm phân I và giảm phân II nhưng nhiễm sắc thể chỉ nhân đôi một lần vào kì trung gian trước khi tế bào bước vào giảm phân I.

+ Kết thúc giảm phân I, từ một tế bào (2n) tạo ra 2 tế bào con đơn bội kép (n kép).

+ Kết thúc giảm phân II, từ một tế bào đơn bội kép (n kép) tạo ra hai tế bào đơn bội (n).

- Một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình giảm phân: yếu tố di truyền, các hormone sinh dục, yếu tố môi trường, tuổi tác.

- Quá trình giảm phân kết hợp với thụ tinh và nguyên phân là cơ sở của sinh sản hữu tính ở sinh vật, đảm bảo duy trì bộ NST 2n đặc trưng cho loài

- Nguyên lí của công nghệ tế bào động vật: Nuôi cấy các tế bào gốc trong môi trường thích hợp và tạo điều kiện để chúng phân chia rồi biệt hóa thành các loại tế bào khác nhau.

- Ba thành tựu nổi bật và có ý nghĩa lớn trong thực tiễn của công nghệ tế bào động vật: Nhân bản vô tính vật nuôi, liệu pháp tế bào gốc và liệu pháp gene

- Cơ sở khoa học của công nghệ tế bào thực vật là dùng môi trường dinh dưỡng có bổ sung các hormone thực vật thích hợp tạo điều kiện để nuôi cấy các tế bào thực vật tái sinh thành các cây.

- Ba kĩ thuật chủ yếu trong công nghệ tế bào thực vật: nuôi cấy mô tế bào, lai tế bào sinh dưỡng, kĩ thuật nuôi cấy hạt phấn hoặc noãn chưa thụ tinh.

CHỦ ĐỀ 2: SINH HỌC VI SINH VẬT

1. Trao đổi chất, sinh trưởng và sinh sản ở vi sinh vật

- Vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp tất cả các chất thiết yếu cho tế bào như carbohydrate, protein, nucleic acid và lipid.

- Phân giải là quá trình biến đổi chất hữu cơ phức tạp thành những chất đơn giản.

- Sinh trưởng của quần thể vi sinh vật được hiểu là sự tăng lên về mặt số lượng tế bào trong quần thể.

-  Trong điều kiện lí tưởng, công thức tính số tế bào tạo thành (Nt) được tạo thành từ No tế bào ban đầu sau n lần phân chia trong thời gian t là:

Nt = No × 2t/g = No × 2n

- Kháng sinh là chất có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn có tính chọn lọc

- Hiện tượng kháng kháng sinh xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn có khả năng tạo ra cách chống lại thuốc kháng sinh làm cho kháng sinh không thể tiêu diệt hoặc ngăn chặn được sự phát triển của chúng.

- Vi sinh vật có 3 hình thức sinh sản chính gồm: phân đôi, bào tử (vô tính hoặc hữu tính), nảy chồi.

2. Vai trò và ứng dụng của vi sinh vật

- Vi sinh vật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với tự nhiên: Phân giải các chất thải và xác vi sinh vật thành chất khoáng, đảm bảo vòng tuần hoàn vật chất trong tự nhiên; Vi sinh vật tự dưỡng tạo ra O2 và chất dinh dưỡng; Cộng sinh với nhiều loài sinh vật, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của các loài đó

- Vi sinh vật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với con người: Phân giải các chất thải, đặc biệt là các chất thải độc hại; Cộng sinh trong cơ thể người giúp tăng cường miễn dịch, tiêu hóa,...; Sử dụng trong chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc kháng sinh, vitamin,… trên quy mô công nghiệp.

CHỦ ĐỀ 3: VIRUS

1. Khái quát về virus

- Virus là thực thể chưa có cấu tạo tế bào, có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ được nhân lên trong tế bào của sinh vật sống.

→ Virus không được xem là một vật sống hoàn chỉnh.

- Hình dạng của virus rất đa dạng: hình xoắn, hình đa diện, hình cầu, dạng phức tạp,..

- Cấu trúc của virus: Các loại virus đều có 2 thành phần chính là lõi nucleic acid và vỏ capsid.

- Quá trình nhân lên của virus trải qua 5 giai đoạn: hấp phụ → xâm nhập → tổng hợp → lắp ráp → giải phóng.

2. Một số bệnh do virus và các thành tựu nghiên cứu ứng dụng virus

- Virus có thể gây bệnh bằng một số cách như sau: cơ chế kiểu sinh tan hoặc tiềm tan

- Các bệnh do virus thường có một số biểu hiện chung là bị sốt cao, đau nhức các bộ phận cơ thể. Những biểu hiện này là do đáp ứng của hệ thống miễn dịch của người chống lại virus.

- Một số bệnh do virus: 

+ Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) do virus HIV (Human Imunodeficiency Virus) gây ra.

+ Bệnh cúm ở người và động vật: Virus cúm có 3 loại cúm kí hiệu là A, B, C trong đó virus cúm A là tác nhân chủ yếu gây thành đại dịch cúm ở người, một số động vật có vú khác và gia cầm.

- Một số thành tựu ứng dụng virus: chế tạo vaccine, Sản xuất thuốc trừ sâu từ virus, Sử dụng virus làm vector trong công nghệ di truyền

B. Bài tập và hướng dẫn giải

B. CÁC DẠNG BÀI TẬP

Dạng 1: Chu kì tế bào và phân bào

Bài tập 1: Tại sao pha G1 được vừa được coi là pha sinh trưởng vừa được coi là pha kiểm soát của chu kì tế bào?

Bài tập 2: Kì giữa của giảm phân I và kì giữa của giảm phân II khác nhau ở đặc điểm nào?

Bài tập 3: Một tế bào của lợn có 2n = 38 trải qua quá trình giảm phân hình thành giao tử. Số nhiễm sắc thể và số chromatid ở kì sau I lần lượt là bao nhiêu?

Dạng 2: Sinh học vi sinh vật

Bài tập 1: Một loại vi khuẩn chỉ cần amino acid loại methionine làm chất dinh dưỡng hữu cơ và sống trong hang động không có ánh sáng. Kiểu dinh dưỡng của loại vi khuẩn này là gì?

Bài tập 2: Phương pháp nhuộm Gram được sử dụng để phân biệt 2 loại vi sinh vật nào?

Bài tập 3: Trong điều kiện nuôi cấy không liên tục, chất dinh dưỡng cạn dần, sản phẩm chuyển hóa tăng lên sẽ dẫn đến hiện tượng gì?

Dạng 3: Virus

Bài tập 1: Các virion khác virus khác ở đặc điểm nào?

Bài tập 2: Vì sao mỗi loại virus chỉ có thể xâm nhập vào một số loại tế bào nhất định?

Bài tập 3: Virus có vật chất di truyền là RNA dễ phát sinh các chủng đột biến hơn virus có vật chất di truyền là DNA vì sao?

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Sinh học 10 kết nối tri thức học kì 2, ôn tập Sinh học 10 kết nối tri thức học kì 2, Kiến thức ôn tập Sinh 10 kết nối tri thức học kì 2, Ôn tập sinh học 10 kết nối

Bình luận

Giải bài tập những môn khác