Đề cương ôn tập Tin học 10 kết nối tri thức học kì 2
Đề cương ôn tập môn Tin học 10 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Tin học 10. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các dạng bài khác nhau để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết
A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
CHỦ ĐỀ 1: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ VỚI SỰ TRỢ GIÚP CỦA MÁY TÍNH
1. Python và hàm trong python
- Môi trường lập trình Python có hai chế độ:
+ Chế độ gõ lệnh trực tiếp thường dùng để tính toán và kiểm tra nhanh các lệnh.
+ Chế độ soạn thảo dùng để viết các chương trình có nhiều dòng lệnh.
- Khi nhập giá trị số hoặc xâu kí tự từ dòng lệnh, Python tự nhận biết kiểu dữ liệu.
- Python có thể thực hiện các phép toán thông thường với số, phân biệt số thực và số nguyên.
- Lệnh print() có chức năng in dữ liệu ra màn hình, có thể in một hoặc nhiều giá trị đồng thời
2. Biến và lệnh gán
- Biến là tên của một vùng nhớ dùng để lưu trực giá trị (dữ liệu) và giá trị đó có thể được thay đổi khi thực hiện chương trình.
- Cú pháp lệnh gán: <biến> = <biểu thức>
- Khi thực hiện lệnh gán, <giá trị> bên phải sẽ được gán cho <biến>. Nếu biến chưa được khai báo thì nó sẽ được khởi tạo khi thực hiện câu lệnh gán, trong Python không cần khai báo trước kiểu dữ liệu cho biến.
- Quy tắc đặt tên biến (định danh):
+ Chỉ gồm các chữ cái tiếng Anh, các chữ số từ 0 đến 9 và kí tự gạch dưới
+ Không bắt đầu bằng chữ số.
+ Phân biệt chữ hoa và chữ thường.
- Thứ tự các phép tính như sau: phép lũy thừa ** có ưu tiên cao nhất, sau đó /, *, //, % cuối cùng là +, -.
- Từ khóa là các từ đặc biệt tham gia vào cấu trúc của ngôn ngữ lập trình. Không được phép đặt tên biến hay các định danh trùng từ khóa.
3. Các lệnh ra vào đơn giản
- Các lệnh vào ra đơn giản của Python bao gồm lệnh input() và lệnh print()
+ Lệnh input() có chức năng nhập dữ liệu từ thiết bị vào chuẩn, thường là bàn phím. Nội dung nhập có thể là số, biểu thức, xâu và cho kết quả là một xâu kí tự. Cú pháp: <biến> = input (<Dòng thông báo>)
+ Lệnh print() có chức năng đưa dữ liệu ra thiết bị chuẩn, thường là màn hình. Thông tin cần đưa ra có thể gồm một hay nhiều kiểu dữ liệu khác nhau, cho phép cả biểu thức tính toán.
- Một số kiểu dữ liệu cơ bản của python gồm int (số nguyên), float (số thực), str (xâu kí tự), bool (lôgic).
+ Lệnh int() có chức năng chuyển đổi số thực hoặc xâu chứa số nguyên thành số nguyên.
+ Lệnh float() dùng để chuyển đổi số nguyên và xâu kí tự thành số thực.
+ Lệnh str() dùng để chuyển đổi các kiểu dữ liệu khác thành xâu kí tự.
+ Chú ý các lệnh int(), float() chỉ có thể chuyển đổi các xâu ghi giá trị số trực tiếp, không chuyển đổi xâu có công thức.
4. Câu lệnh điều kiện if
- Câu điều kiện dạng thiếu: Khi thực hiện lệnh, Python sẽ kiểm tra <điều kiện> nếu đúng thì thực hiện <khối lệnh>, ngược lại thì bỏ qua chuyển sang lệnh tiếp theo sau lệnh if.
- Câu điều kiện dạng đầy đủ: Khi thực hiện lệnh, Python sẽ kiểm tra <điều kiện> nếu đúng thì thực hiện <khối lệnh 1>, ngược lại thì thực hiện <khối lệnh 2>.
5. Câu lệnh lặp for
- for là lệnh lặp với số lần biết trước. Số lần lặp thường được xác định bởi vùng giá trị của lệnh range( ).
- Lệnh range(n) trả lại vùng giá trị gồm n số từ 0 đến n – 1. Cú pháp của lệnh lặp với số lần biết trước for: for in range(n):<khối lệnh>
⇒ Khi thực hiện, ở mỗi vòng lặp biến i sẽ được gán lần lượt các giá trị trong vùng giá trị của lệnh range( ) và thực hiện <khối lệnh>.
- Lệnh tạo vùng giá trị range() có các dạng sau:
+ range(stop) trả lại vùng giá trị từ 0 đến stop – 1.
+ range(start, stop) trả lại vùng giá trị từ start đến stop – 1.
6. Câu lệnh lặp white
- Câu lệnh lặp while thực hiện khối lệnh với số lần lặp không biết trước. Khối lệnh lặp được thực hiện cho đến khi <điều kiện> = false
- Cú pháp: while <điều kiện>: <khối lệnh lặp>
Trong đó, <điều kiện> là biểu thức lôgic. Khi thực hiện lệnh, Python sẽ kiểm tra <điều kiện>, nếu đúng thì thực hiện khối lệnh lặp, nếu sai thì kết thúc lệnh while.
Ba cấu trúc lập trình cơ bản của các ngôn ngữ lập trình bậc cao gồm:
- Cấu trúc tuần tự: gồm các lệnh được thực hiện theo trình tự từ trên xuống dưới, được thể hiện bằng các lệnh gán giá tị, nhập/xuất dữ liệu.
- Cấu trúc rẽ nhánh: chỉ được thực hiện tùy thuộc vào điều kiện nào đó là đúng hay sai, thể hiện bằng lệnh if.
- Cấu trúc lặp: được thực hiện lặp lại tùy theo điều kiện nào đó đúng hay sai, thể hiện bằng các lệnh for, while.
7. Kiểu dữ liệu danh sách
- List là kiểu dữ liệu danh sách (dãy, mảng) trong Python. Tạo list bằng lệnh gán với các phần tử trong cặp dấu ngoặc [].
- Kiểu dữ liệu danh sách trong Python được khởi tạo: <tên list> = [<v1>, <v2>, …, <vn>]
- Có thể truy cập từng phần tử của danh sách thông qua chỉ số: [<chỉ số>]
8. Xâu kí tự
- Xâu kí tự trong Python là dãy các kí tự Unicode.
- Xâu có thể được coi là danh sách các kí tự nhưng không thay đổi từng kí tự của xâu.
- Truy cập từng kí tự của xâu qua chỉ số, chỉ số từ 0 đến độ dài len() -1
- Có thể duyệt các kí tự của xâu bằng lệnh for tương tự như với danh sách. S1 in S2 trả lại giá trị True nếu S1 là xâu con của S2. Có 2 cách duyệt:
+ Cách thứ nhất, biến i lần lượt chạy theo chỉ số của xâu kí tự, từ 0 đến len(s) – 1. Kí tự tại chỉ số là s[i].
+ Cách thứ hai duyệt theo từng kí tự của xâu s. Biến ch sẽ được gán lần lượt các kí tự của xâu s từ đầu đến cuối.
9. Phạm vi của biến
Biến đã khai báo bên ngoài hàm chỉ có thể truy cập giá trị để sử dụng bên trong hàm mà không làm thay đổi được giá trị của biến đó (trừ trường hợp với từ khóa global).
10. Lỗi chương trình
- Có thể phân biệt lỗi chương trình Python làm ba loại:
+ Lỗi khi có lệnh viết sai cú pháp hoặc sai cấu trúc ngôn ngữ Python quy định. Chương trình sẽ lập tức dừng và thông báo lỗi Syntax Error.
+ Lỗi khi không thể thực hiện một lệnh trong chương trình. Chương trình dừng lại và thông báo một mã lỗi. Lỗi này gọi lỗi ngoại lệ (Exceptions Error), mã lỗi trả lại gọi là mã lỗi ngoại lệ.
+ Chương trình chạy không lỗi ngoại lệ, nhưng kết quả đưa ra sai, không chính xác. Đây là lỗi lôgic bên trong chương trình.
CHỦ ĐỀ 2: HƯỚNG NGHIỆP VỚI TIN HỌC
1. Nghề thiết kế đồ họa máy tính
- Thiết kế đồ họa đem lại nhiều lợi ích cho mọi ngành nghề, lĩnh vực khác nhau:
+ Giúp tạo dựng hình ảnh chuyên nghiệp của tổ chức hoặc cá nhân đối với người hoặc tổ chức qua logo, áp phích, danh thiếp, thẻ nhân viên, …
+ Mạng lại trải nghiệm đặc biệt cho độc giả, người xem thông qua hình ảnh truyền thông thu hút và hấp dẫn.
+ Tăng hiệu quả tiếp thị, … nhờ có các tờ rơi, quảng cáo sản phẩm bắt mắt.
2. Nghề phát triển phần mềm
Công đoạn cần thực hiện để sản xuất một phần mềm gồm có:
- Điều tra khảo sát: Tiếp xúc với khách hàng tìm hiểu về yêu cầu nghiệp vụ, xây dựng yêu cầu của hệ thống.
- Phân tích hệ thống: Dựa trên các tài liệu khảo sát, điều tra tạo ra tài liệu mô tả đầy đủ yêu cầu của phần mềm.
- Thiết kế hệ thống: Dựa vào tài liệu phân tích, đưa ra thiết kế tổng thể, thiết kế dữ liệu và thiết kế chức năng và cả giao diện chi tiết.
- Lập trình: Dựa vào tài liệu thiết kế, các lập trình viên sẽ tiến hành tạo cơ sở dữ liệu nếu cần và viết các đoạn mã thực hiện các chức năng.
- Kiểm thử: Phát hiện loại bỏ bất hợp lí và các lỗi, kiểm tra kết quả thực hiện các chức năng, …
- Chuyển giao: Cài đặt, khởi tạo dữ liệu, hướng dẫn sử dụng và chuyển giao, …
- Bảo trì: Không có nhiều phần mềm khi mới làm ra tránh khỏi những sai sót hay đáp ứng đủ mọi yêu cầu từ phía người sử dụng. Bảo trì rất quan trọng nhằm khắc phục triệt để các lỗi, nâng cấp cả tính năng và giao diện của phần mềm.
Bình luận