Đề cương ôn tập Địa lí 10 kết nối tri thức học kì 1

Đề cương ôn tập môn Địa lí lớp 10 bộ sách Kết nối tri thức mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức của môn Địa lí 10. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 1 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Phương pháp biểu hiện các đối tượng địa lí trên bản đồ

2. Sử dụng bản đồ trong học tập và đời sống, một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống

a) Sử dụng bản đồ trong học tập địa lí và đời sống

Để sử dụng, khai thác bản đồ đạt hiệu quả cao, cần lưu ý những điểm sau:

- Xác định rõ nội dung, yêu cầu của việc đọc bản đồ.

- Chọn bản đồ phù hợp với nội dung cần tìm hiểu.

- Hiểu được các yếu tố cơ bản của bản đồ như: tỉ lệ bản đồ, kí hiệu bản đồ,…

- Tìm hiểu kĩ bảng chú giải bản đồ.

- Xác định mối quan hệ giữa các đối tượng địa lí trên bản đồ.

- Sử dụng các bản đồ liên quan để phân tích, so sánh và rút ra nhận định cần thiết.

b) Một số ứng dụng của GPS và bản đồ số trong đời sống

* Khái niệm GPS và bản đồ số

- GPS: GPS (viết tắt của Global Positioning System) hay hệ thống định vị toàn cầu là hệ thống xác định vị trí của bất kì đối tượng nào trên bề mặt Trái Đất thông qua hệ thống vệ tinh.

- Nguyên lý hoạt động của GPS như sau:

- Bản đồ số

+ Khái niệm: Là một tập hợp có tổ chức, lưu trữ các dữ liệu bản đồ trên thiết bị có khả năng đọc như máy tính, điện thoại thông minh được thể hiện dưới dạng hình ảnh bản đồ.

+ Đặc điểm: Bản đồ số rất thuận lợi trong sử dụng, lưu trữ và chỉnh sửa.

* Ứng dụng của GPS và bản đồ số

- GPS và bản đồ số được sử dụng nhiều trong cuộc sống hiện đại với nhiều ứng dụng hữu ích.

- Ứng dụng nổi bật nhất của GPS

+ Định vị, nhằm xác định vị trí chính xác của các đối tượng trên bản đồ.

+ GPS có tính năng định vị, bản đồ số là công cụ truyền tải, giám sát tính năng đó.

+ GPS và bản đồ số dùng để dẫn đường, quản lý và điều hành sự di chuyển của các đối tượng có gắn thiết bị định vị với các chức năng.

+ GPS và bản đồ số được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như giao thông vận tải, đo đạc khảo sát và thi công công trình, quân sự, khí tượng và giám sát Trái Đất, ...

3. Sự hình thành Trái Đất, vỏ Trái Đất và vật liệu cấu tạo vỏ

a) Nguồn gốc hình thành Trái Đất

Một số giả thuyết cho rằng:

- Mặt Trời khi hình thành di chuyển trong dải Ngân Hà, đi qua đám mây bụi và khí.

- Do lực hấp dẫn của Vũ Trụ mà trước hết là của Mặt Trời, khí và bụi chuyển động quanh Mặt Trời theo những quỹ đạo hình elip, dần dần ngưng tụ thành các hành tinh (trong đó có Trái Đất).

- Vào cuối thời kì vật chất ngưng tụ, khi Trái Đất đã có khối lượng lớn gần như hiện nay, quá trình tăng nhiệt bắt đầu diễn ra và dẫn đến sự nóng chảy của vật chất ở bên trong và sắp xếp thành các lớp.

- Ngày nay, với những tiến bộ và phát triển không ngừng của khoa học - kĩ thuật, nhất là trong lĩnh vực vật lí thiên văn, khoa học vũ trụ, đã có thêm nhiều căn cứ mới để giải thích về nguồn gốc Trái Đất và các thiên thể khác trong hệ Mặt Trời.

b) Đặc điểm của vỏ Trái Đất

- Trái Đất được cấu tạo bởi ba lớp đồng tâm: trên cùng là vỏ Trái Đất, tiếp đến là manti và trong cùng là nhân của Trái Đất.

- Sự khác nhau giữa vỏ lục địa và vỏ đại dương

Đặc điểm

Vỏ lục địa

Vỏ đại dương

Phân bố

Ở lục địa và một phần dưới mực nước biển.

Ở các nền đại dương, dưới tầng nước biển.

Độ dày trung bình

35 - 40 km (miền núi cao đến 70 - 80 km).

5 - 10 km.

Cấu tạo

Ba lớp đá: trầm tích, granit và badan.

Hai lớp đá: trầm tích và badan.

c) Vật liệu cấu tạo nên vỏ Trái Đất là khoáng vật và đá.

4. Hệ quả địa lí của các chuyển động của Trái Đất

a) Hệ quả địa lí của chuyển động tự quay quanh trục

* Sự luân phiên ngày đêm

* Giờ trên Trái Đất

* Đường chuyển ngày quốc tế

b) Các hệ quả địa lí do chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời

* Hiện tượng ngày đêm dài ngắn khác nhau

* Các mùa trong năm

5. Thạch quyển, thuyết kiến tạo mảng

a) Thạch quyển

- Bề mặt của Thạch quyển gồm vỏ Trái Đất và phần cứng mỏng phía trên của manti. Thạch quyển có độ dày khoảng 100 km, được cấu tạo bởi các loại đá khác nhau.

- Ranh giới bên dưới của thạch quyển tiếp xúc với lớp quánh dẻo của manti, nên các mảng kiến tạo có thể di chuyển, trượt trên đó.

b) Thuyết kiến tạo mảng

- Thuyết kiến tạo mảng đề cập đến sự chuyển động của các mảng kiến tạo (thạch quyển).

- Theo thuyết kiến tạo mảng, nguyên nhân của các hiện tượng kiến tạo (hình thành các nếp uốn, các đứt gãy,...) và động đất, núi lửa là do hoạt động chuyển dịch một số mảng kiến tạo của vỏ Trái Đất.

- Trong quá trình hình thành, thạch quyển bị gãy vỡ và tách ra thành những mảng cứng gọi là mảng kiến tạo. Các mảng kiến tạo không đứng yên mà dịch chuyển trên lớp quánh dẻo của manti.

- Mỗi mảng kiến tạo thường bao gồm cả phần lục địa và phần đáy đại dương, nhưng có mảng chỉ có phần đáy đại dương như mảng Thái Bình Dương. Trong khi di chuyển, các mảng kiến tạo có thể xô vào nhau hoặc tách xa nhau.

+ Khi hai mảng lục địa xô vào nhau, chúng sẽ bị dồn ép, uốn nếp. Ở đó, vỏ lục địa bị nén ép mạnh và có sự hút chìm của vỏ lục địa dưới vỏ lục địa, làm hình thành các dãy núi lục địa cao, đồ sộ.

+ Khi một mảng đại dương xô húc với một mảng lục địa, do chịu sức ép nên vỏ đại dương bị hút chìm dưới vỏ lục địa tạo thành vực biển sâu và dãy núi cao lục địa.

+ Khi hai mảng kiến tạo tách xa nhau sẽ tạo ra vết nứt lớn, macma trào lên thành các dãy núi nằm dọc theo vết nứt, kèm theo hiện tượng động đất hoặc núi lửa,…

- Vùng tiếp xúc giữa các mảng kiến tạo là những nơi không ổn định, thường có hoạt động kiến tạo xảy ra, kèm theo động đất và núi lửa.

6. Nội lực và ngoại lực

a) Tác động của nội lực đến địa hình bề mặt Trái Đất

- Khái niệm: Là lực sinh ra trong lòng Trái Đất, liên quan tới nguồn năng lượng bên trong Trái Đất.

- Nguyên nhân sinh ra nội lực: Do sự phân huỷ của các chất phóng xạ, các phản ứng hoá học toả nhiệt, chuyển động tự quay của Trái Đất, sự sắp xếp vật chất theo tỉ trọng,...

- Tác động

+ Nội lực tác động tới địa hình bề mặt Trái Đất thông qua các vận động kiến tạo.

+ Vận động theo phương thẳng đứng là vận động nâng lên hạ xuống diễn ra trong một khu vực rộng lớn, kết quả dẫn tới hiện tượng biên tiến và biến thoái.

+ Vận động theo phương nằm ngang làm cho vỏ Trái Đất bị nén ép ở chỗ này và tách dãn ở chỗ khác. Gây ra hiện tượng uốn nếp và đứt gãy.

- Kết quả

+ Nội lực là tạo ra sự gồ ghề, cao thấp, mấp mô của địa hình mặt đất.

+ Tạo ra các dạng địa hình thường có kích thước lớn như châu lục, các dãy núi cao,...

b) Tác động của ngoại lực đến địa hình bề mặt Trái Đất

- Khái niệm: Là lực diễn ra trên bề mặt Trái Đất như tác động của gió, mưa, nước chảy, sóng biển, băng, sinh vật và con người.

- Nguyên nhân chủ yếu sinh ra ngoại lực do nguồn năng lượng bức xạ mặt trời.

- Tác động:

+ Quá trình phong hoá: phong hóa vật lí, phong hoá hoá học và phong hoá sinh học.

+ Quá trình bóc mòn

+ Quá trình vận chuyển và quá trình bồi tụ

7. Khí quyển, các yếu tố khí hậu

a) Khí quyển

- Khái niệm: Là lớp không khí bao quanh Trái Đất, luôn chịu ảnh hưởng của Vũ Trụ, trước hết là Mặt Trời.

- Thành phần: Chủ yếu là không khí, bao gồm hỗn hợp các chất khí, chủ yếu là ni-tơ (78,1%), O-xy (20,9%) và các chất khí khác (ác-gông, các-bo-nic, hơi nước,...), ngoài ra còn có bụi và các tạp chất khác.

- Cấu trúc: Khí quyển chia thành năm tầng có đặc điểm khác nhau. Tầng đối lưu là quan trọng nhất vì có liên quan tới các quá trình tự nhiên diễn ra trên bề mặt Trái Đất.

- Các khối khí: Mỗi bán cầu từ phía cực về Xích đạo được chia thành bốn khối khí chính, có tính chất khác nhau: khối khí cực (A) rất lạnh, khối khí ôn đới (P) lạnh, khối khí chí tuyến (T) rất nóng và khối khí xích đạo (E) nóng ẩm.

b) Nhiệt độ không khí

  • Nhiệt độ phân bố theo vĩ độ

  • Nhiệt độ phân bố theo lục địa và đại dương

  • Nhiệt độ phân bố theo địa hình

c) Khí áp và gió

* Khí áp:

+ Khái niệm: Là sức nén của không khí xuống bề mặt đất.

+ Nguyên nhân thay đổi của khí áp:

  • Thay đổi theo nhiệt độ

  • Thay đổi theo độ cao

  • Thay đổi theo độ ẩm

  • Thay đổi theo thành phần không khí

+ Sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất:

  • Ở vùng Xích đạo

  • Ở chí tuyến

  • Ở vùng Bắc cực và Nam cực

  • Ở ôn đới

* Gió: Một số loại gió chính

Đặc điểm

Mậu dịch

Tây ôn đới

Đông cực

Phạm vi

Áp cao chí tuyến về đai áp thấp xích đạo.

Áp cao chí tuyến về đai áp thấp ôn đới.

Vùng áp cao cực về áp thấp ôn đới.

Hướng

Ở bán cầu Bắc có hướng đông bắc, ở bán cầu Nam có hướng đông nam.

Hướng tây nam ở bán cầu Bắc, hướng tây bắc ở bán cầu Nam.

Hướng đông bắc bán cầu Bắc và hướng đông nam ở bán cầu Nam.

Tính chất

Khô, nóng.

Độ ẩm cao, gây mưa.

Rất lạnh và khô.

- Gió mùa:

+ Khái niệm: Là gió thổi theo mùa, hướng và tính chất gió ở hai mùa trái ngược nhau.

+ Nguyên nhân hình thành gió mùa: Do sự nóng lên hay lạnh đi không đều giữa lục địa và đại dương (gió mùa ngoại chí tuyến) hoặc giữa hai bán cầu (gió mùa nội chí tuyến).

+ Phân bố chủ yếu ở đới nóng như: Nam Á, Đông Nam Á, Đông Phi, Đông Bắc Ô-xtrây-li-a và một số khu vực vĩ độ trung bình.

- Gió địa phương:

+ Gió đất và gió biển hình thành ở vùng ven biển, thay đổi hướng theo đêm và ngày.

+ Nguyên nhân là do sự nóng lên và lạnh đi không đều giữa đất liền và biển.

c) Mưa

- Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng mưa: khí áp, frông, gió, dòng biển, địa hình.

- Phân bố mưa:

+ Nhìn chung, lượng mưa phân bố trên Trái Đất theo vĩ độ và theo khu vực.

+ Lượng mưa phân bố không đều theo vĩ độ và có sự xen kẽ giữa các vùng mưa nhiều và các vùng mưa ít.

+ Mưa nhiều nhất ở vùng Xích đạo, mưa tương đối ít ở hai vùng chí tuyến, mưa nhiều ở hai vùng ôn đới và mưa rất ít ở hai vùng cực.

+ Ở mỗi một vùng theo chiều đông - tây lại có sự phân hoá thành những khu vực có lượng mưa khác nhau do tác động của địa hình, dòng biển, vị trí gần biển hay xa biển,...

8. Thủy quyển, nước trên lục địa

a) Thủy quyển: Là toàn bộ lớp nước bao quanh Trái Đất, phân bố trong các đại dương, trên lục địa, trong các lớp đất đá, trong khí quyển và cả trong cơ thể sinh vật.

- Vai trò:

+ Mỗi bộ phận của thuỷ quyển đều có vai trò quan trọng.

+ Nước trong đại dương và nước băng tuyết giữ ổn định nhiệt độ của bề mặt Trái Đất.

+ Lượng nước ngọt trong khí quyển và trên lục địa giúp duy trì sự sống trên đất liền.

b) Nước trên lục địa

* Các nhân tố ảnh hưởng đến chế độ nước sông:

- Khái niệm: Sông là dòng chảy thường xuyên, tương đối lớn trên bề mặt lục địa và đảo, được các nguồn nước mưa, nước ngầm, nước băng tuyết tan nuôi dưỡng.

- Chế độ nước là sự thay đổi của lưu lượng nước sông có tính chu kì trong năm, chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi các đặc điểm địa lí tự nhiên (nguồn cung cấp và bề mặt lưu vực).

- Ảnh hưởng của nguồn cấp nước:

+ Nước ngầm là nguồn cấp ít biến động, có vai trò điều tiết nước trong năm.

+ Nước trên mặt là nguồn cấp có biến động rõ rệt theo mùa. Chế độ nước sông phụ thuộc chủ yếu vào chế độ mưa hay băng tuyết tan.

+ Tuỳ thuộc vào số lượng nguồn cấp mà chế độ nước sông là phức tạp hay đơn giản.

- Ảnh hưởng của đặc điểm bề mặt lưu vực:

+ Địa hình: Độ dốc địa hình làm tăng cường độ tập trung lũ. Ở sườn đón gió, sông thường có lượng nước cấp trên mặt dồi dào hơn so với ở sườn khuất gió.

+ Hồ đầm và thực vật có tác dụng điều tiết dòng chảy. Chúng giữ lại trên lưu vực một phần nước mưa hay nước băng tuyết tan, làm giảm lũ.

- Sự phân bố và số lượng phụ lưu, chi lưu:

+ Nếu các phụ lưu tập trung trên một đoạn sông ngắn, dễ xảy ra tình trạng lũ chồng lũ.

+ Nếu các phụ lưu phân bố đều theo chiều dài dòng chính, mỗi đợt lũ có thể kéo dài hơn nhưng là không quá cao.

+ Sông có nhiều chi lưu, nước lũ thoát nhanh, chế độ nước sông sẽ bớt phức tạp.

c) Hồ

* Khái niệm: Là những vùng trũng chứa nước trên bề mặt Trái Đất, không thông với biển.

* Phân loại

- Hồ núi lửa

- Hồ kiến tạo

- Hồ móng ngựa

- Hồ băng hà

- Hồ nhân tạo

d) Nước băng tuyết

- Sự hình thành

+ Khi nhiệt độ xuống dưới 0°C, mưa chuyển từ trạng thái lỏng sang xốp là tuyết.

+ Lượng tuyết tan ra hằng năm ít hơn lượng tuyết rơi xuống, tuyết sẽ tích đọng lại và bị nén thành băng.

+ Sông băng có quy mô rất lớn, làm biến đổi địa hình những nơi nó di chuyển qua.

- Phân bố

+ Phổ biến ở vùng hàn đới, ôn đới và trên các vùng núi cao.

+ Hơn 90% lượng băng trên Trái Đất nằm ở vùng cực Bắc và cực Nam.

- Khi nhiệt độ tăng, băng tuyết tan ra và gây lũ cho các con sông trong vùng.

e) Nước ngầm

- Nước ngầm tồn tại ở dưới bề mặt đất.

- Nước ngầm do nước trên mặt (nước mưa, băng tuyết tan, sông, hồ) thấm xuống.

- Mực nước ngầm và lượng nước ngầm phụ thuộc vào

+ Nguồn cung cấp nước, đặc điểm địa hình (dốc hay bằng phẳng).

+ Khả năng thấm nước của đất đá.

+ Mức độ bốc hơi và lớp phủ thực vật.

- Đặc điểm

+ Tại các vùng ẩm ướt, đất đá dễ thấm hút, nước ngầm dồi dào và nằm khá nông.

+ Tại các vùng khô hạn, nước ngầm có thể nằm dưới sâu vài chục hay hàng trăm mét.

+ Trong nước ngầm có hàm lượng các chất khoáng nhất định.

- Vai trò

+ Nước ngầm có vai trò quan trọng đối với tự nhiên và kinh tế - xã hội.

+ Nguồn nước ngọt quan trọng của con người trong sinh hoạt và sản xuất.

+ Nguồn cấp nước cho sông, hồ đầm vào mùa khô.

+ Các tầng nước ngầm có vai trò cố định các lớp đất đá để chống sụt lún.

f) Các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt

- Các nguồn nước ngọt trên Trái Đất đang bị suy giảm do nhiều nguyên nhân.

- Các giải pháp chủ yếu bảo vệ nguồn nước ngọt là:

+ Sử dụng nguồn nước ngọt một cách hiệu quả, tiết kiệm và tránh lãng phí.

+ Giữ sạch nguồn nước, tránh ô nhiễm nguồn nước ngọt.

+ Phân phối lại nguồn nước ngọt trên thế giới.

9. Nước biển và đại dương

a) Tính chất của nước biển và đại dương:

* Độ muối:

- Nước biển có nhiều chất hoà tan, nhiều nhất là các muối khoáng.

- Độ muối trung bình của nước biển là 35%o.

- Độ muối tăng hay giảm phụ thuộc vào lượng bốc hơi, lượng mưa và lượng nước sông đổ vào.

- Độ muối còn thay đổi theo vĩ độ.

- Độ muối cũng thay đổi khá phức tạp theo độ sâu, tuỳ thuộc vào các điều kiện khí tượng, thuỷ văn.

* Nhiệt độ:

- Chế độ nhiệt của nước biển điều hoà hơn chế độ nhiệt của không khí.

- Nhiệt độ trung bình bề mặt toàn bộ đại dương thế giới là khoảng 17°C.

- Nhiệt độ nước biển thay đổi theo mùa trong năm (mùa hạ cao hơn mùa đông).

- Nhiệt độ nước biển giảm dần từ Xích đạo về hai cực. Nhiệt độ nước biển cũng giảm dần theo độ sâu.

b) Sóng, thuỷ triều và dòng biển

* Sóng biển:

- Khái niệm: Là sự dao động của nước biển theo chiều thẳng đứng.

- Nguyên nhân

+ Sóng phát sinh chủ yếu là do gió. Gió càng mạnh, sóng càng lớn.

+ Các hoạt động động đất, núi lửa lớn dưới đáy biển tạo nên sóng thần.

* Thuỷ triều:

- Khái niệm: Là hiện tượng nước biển dâng cao và hạ thấp theo quy luật hằng ngày.

- Nguyên nhân chủ yếu

+ Do lực hấp dẫn của Mặt Trăng và Mặt Trời cùng với lực li tâm của Trái Đất.

+ Tác động của các nhân tố khác như sự thay đổi khí áp, hình dạng bờ biển,...

- Đặc điểm: Thuỷ triều lên xuống với biên độ thay đổi theo không gian và thời gian.

* Dòng biển:

- Khái niệm: Là các dòng nước chảy trong biển và đại dương.

- Nguyên nhân: Do các loại gió thường xuyên hoặc sự chênh lệch nhiệt độ, độ muối,... giữa các vùng biển khác nhau.

- Phân loại: Dòng biển nóng và dòng biển lạnh.

- Đặc điểm

+ Dòng biển nóng xuất phát từ vùng vĩ độ thấp chảy về vùng vĩ độ cao.

+ Dòng biển lạnh xuất phát từ vùng vĩ độ cao chảy về vùng vĩ độ thấp.

+ Ở vùng gió mùa hoạt động thường xuyên, xuất hiện các dòng biển đổi chiều theo mùa.

c) Vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội

- Biển và đại dương cung cấp nguồn tài nguyên quý giá: tài nguyên sinh vật biển, tài nguyên khoáng sản biển (dầu mỏ, khí thiên nhiên, muối biển,...); năng lượng sóng biển, thuỷ triều,...

- Biển và đại dương là môi trường cho các hoạt động kinh tế - xã hội: đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản, giao thông vận tải biển, du lịch biển,...

- Biển và đại dương góp phần điều hoà khí hậu, đảm bảo sự đa dạng sinh học.

10. Đất trên Trái Đất

- Khái niệm đất: Là lớp vật chất mỏng bao phủ bề mặt các lục địa và đảo, được tạo thành do quá trình phong hoá các loại đá.

- Thành phần: Chất khoáng, chất hữu cơ, không khí và nước.

- Độ phì là khả năng đất cung cấp nước, các chất dinh dưỡng và các yếu tố khác (như nhiệt, khí,...), giúp thực vật sinh trưởng và phát triển.

- Vỏ phong hoá là sản phẩm phong hoá của đá gốc, phần trên cùng của vỏ Trái Đất, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài, có cấu trúc phân tầng theo chiều thẳng đứng.

- Các nhân tố hình thành đất: năm nhân tố, đó là đá mẹ, khí hậu, địa hình, sinh vật và thời gian.

11. Sinh quyển

- Khái niệm: Là một trong những bộ phận cấu tạo nên lớp vỏ Trái Đất, nơi có sự sống tồn tại.

- Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào sự tồn tại của sự sống.

- Bao gồm: phần thấp của khí quyển (tầng đối lưu), toàn bộ thuỷ quyển và phần trên của thạch quyển.

- Đặc điểm của sinh quyển:

+ Khối lượng của sinh quyển nhỏ hơn nhiều so với khối lượng vật chất của các quyển còn lại trong vỏ Trái Đất.

+ Sinh quyển có khả năng tích luỹ năng lượng. Nhờ có khả năng quang hợp, cây xanh có thể tạo nên vật chất hữu cơ từ vật chất vô cơ.

+ Sinh quyển có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại với các quyển thành phần trên Trái Đất.

- Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển, phân bố của sinh vật: 

  • Khí hậu: Các yếu tố nhiệt độ, ánh sáng,... 

  • Nước

  • Đất

  • Địa hình

  • Sinh vật

  • Con người

12. Vỏ địa lí, quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí

a) Vỏ địa lí

- Là lớp vỏ của Trái Đất bao gồm các lớp vỏ thành phần (khí quyển, thạch quyển, thuỷ quyền và sinh quyển) xâm nhập và tác động lẫn nhau tạo nên thể tổng hợp tự nhiên thống nhất và hoàn chỉnh.

- Giới hạn của vỏ địa lí

+ bao gồm toàn bộ thuỷ quyển, sinh quyển và bộ phận phía trên của thạch quyển cùng với phần khí quyển bên dưới lớp ô-dôn.

+ Chiều dày của vỏ địa lí khoảng 30 - 35 km.

b) Quy luật thống nhất và hoàn chỉnh của vỏ địa lí

- Khái niệm: Là quy luật về mối quan hệ quy định lẫn nhau giữa các thành phần và mỗi bộ phận lãnh thổ trong vỏ địa lí.

- Nguyên nhân: Do tất cả các thành phần của vỏ địa lí không tồn tại và phát triển độc lập mà luôn tác động, trao đổi vật chất và năng lượng với nhau tạo nên thể thống nhất và hoàn chỉnh.

- Biểu hiện của quy luật:

+ Trong vỏ địa lí, bất cứ lãnh thổ nào cũng bao gồm nhiều thành phần tác động và phụ thuộc lẫn nhau.

+ Nếu một thành phần thay đổi sẽ dẫn tới sự thay đổi của các thành phần khác còn lại và toàn bộ lãnh thổ.

- Ý nghĩa thực tiễn của quy luật:

+ Do vỏ địa lí mang tính thống nhất và hoàn chỉnh nên chúng ta có thể dự báo trước về sự thay đổi của các thành phần tự nhiên khi sử dụng chúng.

+ Cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, chính xác tất cả các đặc điểm địa lí của mọi lãnh thổ trước khi sử dụng, khai thác dưới hình thức này hay hình thức khác.

=> Do đó, để cải tạo tự nhiên hợp lí không thể không tính đến quy luật về tính hoàn chính của vỏ địa lí.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Nêu sự khác nhau của nội lực và ngoại lực (về khái niệm, nguyên nhân).

Câu 2:  Tại sao có sự luân phiên ngày đêm trên Trái Đất? Nếu Trái Đất chỉ chuyển động quanh Mặt Trời mà không tự quay quanh trục thì trên Trái Đất hiện tượng ngày đêm sẽ diễn ra như thế nào?

Câu 3: Nêu các nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi khí áp trên Trái Đất. Trình bày sự hình thành các đai khí áp trên Trái Đất.

Câu 4: Trình bày vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Địa lí 10 kết nối tri thức học kì 1, Đề cương ôn tập lớp 10 kết nối tri thức

Bình luận

Giải bài tập những môn khác