Giáo án VNEN bài Đại Việt trong các thế kỉ XVI-XVIII
Dưới đây là mẫu giáo án VNEN bài: Đại Việt trong các thế kỉ XVI-XVIII. Bài học nằm trong chương trình Khoa học xã hội 7 tập 2. Bài mẫu có: văn bản text, file PDF, file word đính kèm. Thầy cô giáo có thể tải về để tham khảo. Hi vọng, mẫu giáo án này mang đến sự hữu ích
Ngày soạn:
Ngày dạy:
Điều chỉnh:
Bài 31 - Tiết: 53,54,55,56,57:
ĐẠI VIỆT TRONG CÁC THẾ KỈ XVI-XVIII
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC:
1. Kiến thức:
- Nhà nước Phong kiến tập quyền của Đại Việt phát triển hoàn chỉnh và đạt đến đỉnh cao. Ở thế kỷ XV về các mặt thiết chế chính trị, pháp luật, kinh tế.
- Đến đầu thế kỷ XVI sự xa đọa của triều đình Phong kiến nhà Lê Sơ, những phe phái dần đến xung đột về chính trị tranh giành quyền lợi trong 20 năm.
- Phong trào đấu tranh của nông dân phát triển mạnh ở đầu thế kỷ XVI
2. Kĩ năng:
- Đánh giá nguyên nhân suy yếu của triều đình Phong kiến nhà Lê Sơ (thế kỷ XVI)
- Xác định được vị trí địa danh và trình bày diễn biến của các sự kiện trên bản đồ.
3. Thái độ:
- Có thái độ phê phán các thế lực phong kiến đã chia cắt đất nước ta, đồng tình với các cuộc đấu tranh của nông dân chống chế độ phong kiến, lạc hậu.
- Khâm hục tự hào về những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông.
- Bồi dưỡng HS ý thức bảo vệ sự đoàn kết thống nhất đất nước, chống âm mưu chia cắt lãnh thổ.
4. Định hướng hình thành phát triển năng lực
- Năng lực chung: Giải quyết kiến thức sự suy yếu của nhà nước phong kiến tập quyền, sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo.
- Năng lực chuyên biệt: Tái tạo kiến thức đã học từ tiết 46, thể hiện xúc cảm, hành vi của bản thân đối với nội dung đã học; Xác định mối liên hệ giữa các sự kiện, hiện tượng lịch sử, giải thích.
*Tích hợp: những tác phẩm văn học thơ Nôm, tìm hiểu nhiều nhà thơ nổi tiếng trong văn học thời bấy giờ như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ
II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM
- Nội dung:
+ Nguyên nhân của các cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn.
+ Tìm hiểu tình hình kinh tế thế kỉ XVI – XVIII
+Tìm hiểu về những thành tựu văn hóa
+Tìm hiểu về khởi nghĩa nông dân Đằng Ngoài thế kỉ XVIII
III. PHƯƠNG PHÁP TRỌNG TÂM
- Phương pháp: vấn đáp, thuyết trình, trực quan, nhóm
IV. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH:
1. Giáo viên:
- Ảnh di tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn.
- Tranh Phủ chúa Trịnh.
- Ảnh bình gốm Bát Tràng
- Tranh vẻ một cảnh của Thăng Long thế kỉ XVII.
- Ảnh tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt.
- Lược đồ nơi diễn ra các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài thế kỉ XVIII.
2. Học sinh: Chuẩn bị bài theo câu hỏi SGK.
V. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC
1. Ổn định lớp.
2. Kiểm tra bài cũ.
3. Bài mới.
HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
- Mục tiêu: tạo hứng thú, tâm thế cho học sinh.
- Phương pháp: vấn đáp
- Thời gian:
- GV: Thế kỷ XV nhà Lê Sơ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt. Do đó đây được coi là thời kỳ thịnh trị của nhà nước Phong kiến tập quyền. Nhưng từ nửa đầu thế kỷ XVI trở đi, nhà Lê Sơ dần dần suy yếu. Đất nước ta rơi vào tình trạng bị chia cắt, mà lịch sử gọi là Nam triều – Bắc triều, rồi Đàng Trong – Đàng Ngoài. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng chia cắt lâu dài đó, tình trạng đó gây ra những hậu quả gì? Trong hoàn cảnh đó ông cha ta đã sáng tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần như thế nào? Chúng ta cùng tham gia bài học để tình hiểu.
HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
- Mục tiêu: trang bị cho học sinh những kiến thức mới liên quan đến tình huống/vấn đề học tập nêu ra ở hoạt động khởi động.
- Phương pháp: thuyết trình, pháp vấn, gợi mở, phân tích, nêu vấn đề, giảng bình, thảo luận nhóm…
- Thời gian:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV VÀ HS NỘI DUNG BÀI HỌC
Hoạt động 1: Tìm hiểu nguyên nhân của các cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều và Trịnh –Nguyễn
*GV: Sau cuộc kháng chiến chống quân xân lược Minh giành thắng lợi nhà Lê được thành lập trải qua các triều đại:
+ Lê Thái Tổ: Triều đại phong kiến vững vàng, kinh tế ổn định.
+ Lê Thánh Tông: Chế độ phong kiến đạt đến thời kỳ cực thịnh .
+ Nhưng từ nửa đầu thế kỷ XVI Lê Uy Mục, Lê Tương Dực lên ngôi nhà Lê suy yếu dần.
? Vậy nguyên nhân nào dẫn đến nhà Lê suy yếu?
GV: Dưới thời vua Lê Uy Mục (1505-1509), quý tộc ngoại thích (họ ngoại nhà vua) nắm hết quyền bính trong triều đình. Những công thần, tôn thất nhà Lê không ăn cánh với họ đều bị giết hại. Năm 1509, những người trong hoàng tộc thất thế chạy vào Thanh Hóa tập hợp lực lượng rồi mở cuộc tấn công ra Đông Đô (Thăng Long), diệt được Lê Uy Mục và các ngoại thích, tôn Lê Oanh lên làm vua (Tức Lê Tương Dực). Nhưng Lê Tương Dực cũng tỏ ra hung ác không kém Lê Uy Mục. Bấy giờ nạn đói trầm trong đang lan tràn nhiều nơi, Tương Dực vẫn huy động dân phu xây dựng cung điện tốn kém, phá đi làm lại nhiều lần. Quân lính, dân phu khổ sở vì lao dịch và bệnh tật, chết rất nhiều.
- Dưới triều Tương Dực (1510 - 1516) mọi quyền hành nằm trong tay Trịnh Duy Sản. Năm 1516, Duy Sản giết Tương Dực, lập Quang Trị mới 8 tuổi lên làm vua, nhưng chưa đầy 3 ngày Quang Trị cũng bị Duy Sản giết chết. Sự chuyên quyền của Trịnh Duy Sản đã gây ra những phe phái mới do các võ tướng cầm đầu, tranh giành, đánh giết lẫn nhau liên miên suốt hơn 10 năm.
- Sau 1516, mấy Vua nữa thay nhau kế vị, nhưng bất lực hoàn toàn, không điều khiển nổi triều đình .
? Trước tình hình đó Mạc Đăng Dung đã làm gì
- Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai (Nghi Dương - Hải Phòng) lúc nhỏ làm nghề đánh cá, nhờ có sức khỏe và võ giỏi mà thi đỗ lực sĩ. Năm 1508 được cử làm đô chỉ huy sứ Vệ thần vũ. Sau ông được phong Vũ xuyên bá, giữ chức trấn thủ Sơn Nam. Lợi dụng mâu thuẫn và tranh chấp giữa các đại thần của nhà Lê Mạc Đăng Dung đem quân đánh bại dần các thế lực phong kiến mạnh, được vua Lê tín nhiệm thăng lên chức Thái phó, tước quốc công. Tiếp đó với tước An Hưng Vương, Mạc Đăng Dung đã phế bỏ nhà Lê.
? Nam triều được hình thành như thế nào?
- Bấy giờ Nguyễn Kim là một võ quan triều Lê không chịu theo nhà Mạc. Năm 1533 Nguyễn Kim đã cùng những người ủng hộ nhà Lê vào Thanh Hóa, lập một người thuộc dòng dõi Lê Lợi lên làm Vua, lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Mạc" sử cũ gọi là Nam triều để phân biệt với Bắc triều.
- Đất nước đã hình thành 2 chính quyền của 2 triều với 2 Vua.
+ Bắc triều của Vua Mạc
+ Nam triều của Vua Lê
? Nguyên nhân nào dẫn đến chiến tranh Nam Bắc triều?
GV: Như vậy từ khi xuất hiện, 2 tập đoàn Phong kiến này đã đánh nhau liên miên dai dẳng hơn 50 năm . Suốt một vùng từ Thanh Nghệ ra bắc đều là chiến trường , làng mạc điêu tàn, xơ xác, vắng lặng. Nhiều nơi trên vùng hạ lưu sông Mã, sông Hồng khói lửa ngút trời, cả Nam- Bắc đều ra sức vơ vét người và của đổ vào cuộc tranh chấp.
? Thế lực của nhà Nguyễn được hình thành như thế nào?
- 1545 Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay thế nắm giữ chính quyền, Trịnh Kiểm sợ mất địa vị nên đã giết con cả của Nguyễn Kim. Con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng lo sợ xin vào Thuận Hóa - Quảng Nam.
- Nguyễn Hoàng và con cháu đã dựa vào điều kiện tự nhiên thuận lợi của vùng Thuận Quảng ra sức khai phá đất đai, xây dựng tiềm lực vững chắc để chống lại họ Trịnh.
GV: Trong gần nửa thế kỉ, hai bên đánh nhau 7 lần vào các năm 1627, 1630, 1643, 1648, 1655-1660, 1661 và 1672 trong đó có một lần quân Nguyễn vượt sông Gianh, tiến đánh quân Trịnh, chiếm vùng đất ở phía nam sông Lam (Nghệ An) mấy năm rồi rút về. Từ nam Nghệ An đến bắc Quảng Bình (địa phận sông Gianh và sông Nhật Lệ) trở thành chiến trường. Qua 7 lần đánh nhau dữ dội không có kết quả, quân sĩ hao tổn, hai họ Trịnh - Nguyễn đành phải ngừng chiến lấy sông Gianh làm ranh giới chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài.
? Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn dẫn đến hậu quả gì?
- Một dải đất lớn từ Nghệ An => Quảng Bình là 1 chiến trường khốc liệt.
- Dân ở 2 bên sông Gianh phải chuyển đi.
Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng có cánh khó qua lũy thầy
- Sự chia cắt đàng trong đàng ngoài kéo dài 200 năm đã gây trở ngại cho giao lưu kinh tế, văn hóa, làm giảm tiềm lực của đất nước
GV:
- Đàng ngoài họ Trịnh xưng Vương gọi là chúa Trịnh, Vua Lê chỉ là bù nhìn.
HS: quan sát hình 2 (SGK/103)
Quần thể Phủ chúa Trịnh được xây dựng trên một diện tích rất rộng rãi trong đó có khu chính ở phía tây nam Hồ Hoàn Kiếm ngày nay, sau đó có thêm nhiều công trình kiến trúc tiến dần sang phía đông và đông nam
- Đương thời phủ chúa Trịnh có hình chữ nhât, có tường bao bọc xung quanh. Có 2 cửa ra ngoài là chính môn (phía nam) và tuyên vũ môn (phía đông). Ven hồ, chúa Trịnh cho xây dựng nhiều nguyệt đàn, thủy tạ, dựng tả vọng đình trên gò rùa. Đặc biệt là lầu Ngũ Long được xây dựng bên hồ khoảng đầu thế kỉ XVIII mang hình 5 con rồng, dát bằng các mảnh sứ và có đá cẩm thạch xây cuốn xung quanh. Phủ chúa Trịnh là một dãy lâu đài nguy nga đồ sộ, xen kẽ nhiều sắc thiên nhiên tô điểm cho phủ chúa càng thêm lộng lẫy. Năm 1787 Lê Chiêu Thống đã cho thiêu hủy công trình này.
Bức tranh SGK vẽ một phần của phủ chúa Trịnh đó là phủ đường nằm ở trung tâm của vương phủ gồm: sân điện rộng lớn nằm chính giữa, thềm gác hai tầng bày nghi trượng, vũ khí, chiêng trống... phía sau là trung đường, nghị sự đường, hậu đường, tĩnh đường. Phía hữu có viên chức phó câu kê, cai hợp, thủ hợp ... phía tả có ti phó câu kê xã nhàn (coi xét trong phủ tả đường)
=> Là kiến trúc hoành tráng bậc nhất Thăng Long thời đó
- Đàng trong con cháu họ Nguyễn cũng truyền nối nhau nắm quyền, nhân dân gọi là chúa Nguyễn.
? Cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn mang tính chất gì?
GV: Đất nước ta từ thế kỷ XVI không ổn định do chính quyền luôn luôn thay đổi và chiến tranh liên tiếp xảy ra. Đời sống nhân dân rất cực khổ, sự mất ổn định về chính trị, xã hội có ảnh hưởng gì tới nền kinh tế của 2 miền không? tiết sau chúng ta sẽ tìm hiểu.
Hoạt động 2: Tìm hiểu tình hình kinh tế thế kỉ XVI-XVIII
GV: Nêu chiến tranh Nam - Bắc triều và chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã gây nhiều tác hại đối với nền kinh tế nước ta.
? Trước chiến tranh, kinh tế nông nghiệp ở Đàng Ngoài như thế nào?
- Nông nghiệp phát triển (được mùa, nhà nhà no đủ).
? Sau chiến tranh, kinh tế nông nghiệp Đàng Ngoài ở trong tình trạng nào?
- Sản xuất nông nghiệp bị phá hoại nghiêm trọng
? Vì sao nông nghiệp ở Đàng Ngoài lại ở trong tình trạng như vậy?
- Chính quyền Lê Trịnh không lo khai hoang và củng cố đê điều.
- Ruộng đất công bị cường hào đem cầm bán.
? Cường hào đem cầm bán ruộng đất công có ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân như thế nào?
+ Nông dân không có ruộng đất cày cấy.
+ Mất mùa đói kém sẩy ra dồn dập.
+ Nhiều người phải bỏ làng đi nơi khác.
? Em hãy kể một số vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn?
+ Nghiêm trọng nhất là vùng Sơn Nam (Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hưng Yên, và vùng Thanh Nghệ) nhiều nơi đã diễn ra cuộc xung đột đổ máu.
? Em có nhận xét gì về tình hình kinh tế Đàng Ngoài?
- Kinh tế nông nghiệp giảm sút.
- Đời sống nhân dân đói khổ.
? Vậy nguyên nhân nào làm cho nền nông nghiệp Đàng ngoài bị tàn phá nghiêm trọng là gì?
+ Xung đột kéo dài giữa các tập đoàn Phong kiến.
+ Ruộng đất công làng xã bị thu hẹp do địa chủ, cường hào chiếm làm ruộng tư, các hạng ruộng công không có mấy, dù sứ nào có đi nữa thì cũng chỉ đủ cung cấp bình lương.
+ Chế độ thu thuế binh dịch nặng nề.
+ Nạn tham ô quan lại hoành hành
? Ở Đàng Trong chúa Nguyễn có chăm lo đến sản xuất nông nghiệp không?
- Chúa Nguyễn ra sức khai thác vùng Thuận Quảng để củng cố và xây dựng cát cứ.
? Mục đích của việc làm này là gì?
- Xây dựng kinh tế giầu mạnh để chống lại chính quyền họ Trịnh
? Chính quyền họ Nguyễn có biện pháp gì? Để khuyến khích khai hoang?
- Cung cấp nông cụ, lương ăn, lập thành làng ấp.
- Ở Thuận Hóa, chiêu tập dân lưu vong, tha tô thuế, binh dịch 3 năm. khuyến khích họ trở về quê cũ làm ăn
? Cho biết kết quả của chính sách khai hoang?
- Số dân đinh tăng 12.857 suất (Năm 1776)
- Số ruộng tăng 265.507 mẫu
? Chúa Nguyễn đã làm gì để mở rộng đất đai xây dựng cát cứ.
- 1698 Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý phía Nam đặt phủ Gia Định mở rộng xuống vùng đất Mỹ Tho, Hà Tiên.
- Đến giữa thế kỷ XVIII vùng đồng bằng Cửu Long có thêm nhiều thôn xã mới.
? Em biết gì về Phủ Gia Định?
Gồm 2 Dinh :
- Dinh Trấn Biên (Đồng Nai- Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước)
- Dinh Phiên Trấn (Thành phố HCM , Long An, Tây ninh)
* GV: gọi HS chỉ trên bản đồ Việt Nam ngày nay vị trí của các địa danh nói trên.
? Từ phân tích trên em có nhận xét gì về tình hình nông nghiệp Đàng Trong
? Vì sao nông nghiệp Đàng Trong lại phát triển? kinh tế nông nghiệp phát triển có tác dụng gì?
- Nhờ vào biện pháp tích cực của họ Nguyễn
- Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp lúa nước. Từ Thuận Quảng trở vào đất rộng người thưa, khí hậu không lạnh như miền bắc, nhiều sông rạch, đất đai màu mỡ. Hạn hán lũ lụt ít hơn ở Đàng ngoài. Nông dân ở Đàng Trong đã cấy được chục loại lúa nếp và hàng trăm loại lúa tẻ. Nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa rất cao. Nông nghiệp tạo điều kiện cho thủ công nghiệp và thương nghiệp phát triển.
? Em hãy phân tích tính tích cực của Chúa Nguyễn trong việc phát triển nông nghiệp.
- Lợi dụng thành quả lao động để chống đối lại họ Trịnh, song những biện pháp của chúa Nguyễn thi hành có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp Đàng. Trong phát triển mạnh (nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa cao).
? Sự phát triển của sản xuất có ảnh hưởng như thế nào đến tình hình xã hội.
- Sự hình thành một tầng lớp địa chủ lớn chiếm đoạt nhiều ruộng đất nhưng đến đầu thế kỷ XVIII tình hình nông dân bần cùng do mất ruộng đất chưa nghiêm trọng như ở Đàng Ngoài.
? Em có nhận xét gì về sự khác nhau giữa nền kinh tế Đàng Ngoài và Đàng Trong?
- Đàng Ngoài ngưng trệ.
- Đàng Trong còn đang phát triển.
* GV: Tình trạng chia cắt đất nước thành Đàng Trong, Đàng Ngoài đã cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinhtế nông nghiệp của 2 miền. Sự phát triển kinh tế nông nghiệp của 2 miền là khác nhau.
? Ở thế kỷ XVII thủ công nghiệp phát triển như thế nào?
? Em hãy kể tên những ngành nghề thủ công tiêu biểu của nước ta thế kỷ XVII.
- Nhiều làng thủ công mọc lên ở nhiều nơi: Gốm Thổ Hà (Bắc Giang) Bát tràng (Hà nội), làng dệt La khê (Hà Tây) rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An, Hiền lương, Phú bài- Thừa thiên Huế)
- Các làng làm đường mới ở Quảng Nam.
* GV: Nhấn mạnh: 2 nghề thủ công tiêu biểu thời kỳ bấy giờ là gốm Bát Tràng và đường.
* GV: cho HS quan sát hình 3 (Gốm Bát Tràng)
- Bức ảnh trong SGK chụp lại lư gốm hoa lam được chế tạo ngày 24 /12 năm Vĩnh Tộ thứ VII tức năm 1627. lư có hình tròn, miệng loe, cổ hình trụ, thân phình tang trống, trang trí đắp nổi rồng trong hình khánh.
Lư gốm hoa lam được làm từ men lam, thứ men mà làng gốm Bát Tràng đã sử dụng sớm nhất ở Việt Nam. Men lam là men được dùng với gốc ooxxit cô ban làm chủ đạo. Sử dụng men lam cũng đồng thời với kĩ thuật dùng bút lông làm công cụ vẽ trên đồ gốm. Men lam không khi nào để trần như men nâu, mà bao giờ cũng được phủ một lớp men màu trắng bóng, có độ thủy tinh hóa cao sau khi nung.
- Hai chiếc bình gốm rất đẹp: Men trắng ngà, hình khối và đường nét hài hào cân đối. Gạch Bát Tràng rất ưu chuộng nên có câu
" Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch, Bát Tràng về xây "
- Đây là một trong các sản phẩm được người nước ngoài rất ưa thích.
GV: Ngoài gốm Bát Tràng, đường của nước ta cũng rất nổi tiếng. Đươc đánh giá la: Tốt nhất trong khu vực là mặt hàng rất chạy, đường rất trắng và rất mịn, hạt đường phèn tinh khiết và trong suốt.
? Em hãy kể tên những làng thủ công nổi tiếng ở nước ta thời xưa và hiện nay mà em thích?
HS: tự bộc lộ
? Em có đánh giá và nhận xét gì về thủ công nghiệp nước ta ở thế kỷ XVII.
? Hoạt động thương nghiệp được phát triển như thế nào?
- Ngoài Thăng Long (kẻ chợ) với 36 phố phường ở Đàng Ngoài có Phố Hiến (Hưng Yên) bấy giờ có câu " Thứ nhất Kinh kỳ thứ nhì Phố Hiến"
- Ở Đàng Trong có Thanh Hà (Thừa thiên - Huế), Hội An (Quảng Nam), Gia Định (Thành phố HCM)
? Việc xuất hiện nhiều chợ, phố xá lớn đô thị chứng tỏ điều gì?
- Việc buôn bán trao đổi hàng hóa rất phát triển.
- Các phố phường ở các đô thị: đẹp, rộng và lát gạch, phố phường xếp thành hàng.
? Chúa Trịnh, chúa Nguyễn có thái độ như thế nào với người nước ngoài?
- Ban đầu tạo điều kiện cho thương nhân buôn bán, mở cửa hàng để nhờ họ mua vũ khí
- Về sau hạn chế ngoại thương
- Phố Hiến, Hội An trở thành nơi buôn bán tấp nập
? Tại sao Hội An trở thành thương Cảng lớn nhất miền trung.
- Vì đây là trung tâm buôn bán trao đổi hàng hóa.
- Gần biển thuận lợi cho các thuyền buôn nước ngoài
? Nguyên nhân nào Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn hạn chế ngoại thương.
- Các thương nhân thực hiện mưu đồ Xâm lược nước ta.
*GV: cho HS quan sát hình 4 (SGK)
? Em có nhận xét gì về 2 bức tranh
- Bức ảnh chụp lại bức vẽ về Thăng Long thế kỉ XVII của Ba-ron - Một thương nhân Hà Lan, trong cuốn miêu tả vương quốc Đàng Ngoài (1680). Tranh của Ba-ron diễn tả cảnh duyệt quân giữa hồ Tả Vọng và sông Nhị Hà (Sông Hồng) trước vương phủ và lầu Ngũ Long - một công trình kiến trúc lộng lẫy của Thăng Long, vừa là pháo đài luyện tập quân sự, vừa là nơi bái mạng của tân khoa thế kỉ XVII-XVIII. Bức vẽ còn diễn tả cảnh thuyền bè đi lại tấp nập trên sông Hồng; trên bờ là hình ảnh phố phường sầm uất, những ngôi nhà nhấp nhô. Đặc biệt là bức vẽ của tác giả còn tái hiện các thương điếm của người Hà Lan, người Anh dựng ngay ven bờ sông một cách sinh động.
- Qua bức vẽ ta thấy Thăng Long ngoài là trung tâm chính trị văn hóa còn thức sự là một trung tâm kinh tế, là nơi hội tụ của các phường thủ công trung tâm thu hút các thương nhân châu Á, châu Âu đến trao đổi, buôn bán tạo nên sự phát triển phồn thịnh của đô thị nước ta lúc bấy giờ.
Hoạt động 3: Tìm hiểu về những thành tựu văn hóa
*GV: Ở tiết học trước các em đã biết: Sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp trong các thế kỷ XVII - XVIII. Tuy chưa rầm rộ, tự do liên tục và đạt đến trình độ tự mình vươn lên song đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển của chế độ Phong kiến Đại Việt. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế ấy ý thức của Phong kiến Đại Việt được chuyển biến như thế nào? Cô cùng các em tìm hiểu phần 1.
? Ở thế kỷ XVI - XVII nước ta có những tôn giáo nào?
- Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo.
GV giải thích nhanh:
+ Nho giáo: Do Khổng Tử lập ra ở Trung Quốc vào thế kỷ VI - V TCN. Theo Nho giáo, mọi người phải coi Vua là " Thiên Tử" (con Trời) và có quyền quyết định tất cả.
+ Đạo giáo: Do Lão tử sáng lập ra ở Trung Quốc cùng thời với Nho giáo. Đạo giáo khuyên người ta sống theo số phận
không làm việc gì trái với tự nhiên.
+ Phật giáo: Ra đời ở Ấn Độ cùng thời với Nho giáo, khuyên mọi người hãy thương yêu nhau làm điều lành tránh điều ác.
* GV giải thích: Do sự suy thoái của chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, sự tranh chấp giữa các thế lực, phe phái Phong kiến. Do ảnh hưởng ngày càng tăng của quan hệ hàng hóa - Tiền tệ, ý thức hệ Nho giáo ngày càng suy đồi, tôn ti trật tự xã hội không còn được như trước nữa. Bộ máy quan lại bị đồng tiền chi phối ngày càng sâu sắc. Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết:
" Còn bạc còn tiền còn đệ tử
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi "
- Trong hoàn cảnh đó Phật giáo và Đạo giáo có xu thế phát triển trở lại. Biểu hiện rõ nhất là Vua Chúa, phi tần quan lại đua nhau theo Phật. Hàng trăm ngôi chùa được sửa chữa và xây dựng trong cả nước như chùa Thiên hựu, Bảo Phúc (Hà Tây) chùa Phúc Long (Bắc Ninh).
? Ngoài các tôn giáo trên, thời kì này ở nước ta còn xuất hiện tôn giáo nào?
? Đạo Thiên Chúa Giáo bắt nguồn từ đâu? Vì sao lại xuất hiện ở nước ta?
- Bắt nguồn từ Châu Âu. Từ năm 1553 các giáo sĩ (Bồ Đào Nha) theo thuyền buôn phương tây đến nước ta truyền bá đạo này. Sang thế kỉ XVII - XVIII, cùng với việc chạy đua tìm nguồn lợi và tài nguyên của thương gia châu Âu, hoạt động của các giáo sĩ này ngày một tăng.
- Dựa vào sự suy thoái của Nho giáo, cuộc sống khổ cực của nhân dân vì chiến tranh đói kém, quan lại nhũng nhiễu, các giáo sĩ phương tây đã truyền bá giáo lý về chúa cứu thế, về tình thương và sự an ủi về sự bình đẳng của mọi người trước Chúa, lại tìm cách giúp những kẻ nghèo khổ. Vì vậy số giáo dân ngày càng tăng lên.
? Thái độ của chính quyền Trịnh, Nguyễn đối với đạo Thiên Chúa Giáo như thễ nào?
- Chúa Trịnh, chúa Nguyễn tìm cách ngăn cấm.
? Vì sao chúa Trịnh, chúa Nguyễn lại tìm cách ngăn cấm đạo Thiên Chúa Giáo?
- Vì không phù hợp với cách cai trị dân của chúa Trịnh, chúa Nguyễn.
GV: Bên cạnh đó đạo Thiên Chúa Giáo không phù hợp với truyền thống tín ngưỡng cổ xưa của nhân dân ta, như từ bỏ thờ cúng tổ tiên và các loại thần khác nên chúa Trịnh, chúa Nguyễn đã ngăn cấm.
GV: Ở thế kỷ XVI - XVII nước ta có Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, sau có nhiều Thiên Chúa Giáo. Như vậy, bên cạnh các tôn giáo đã có từ trước đến thế kỷ XVI - XVII nước ta có Thiên Chúa Giáo. Mặc dù bị ngăn cấm nhưng các giáo sĩ phương tây vẫn tìm mọi cách để truyền đạo.
? Chữ Quốc ngữ ra đời trong hoàn cảnh nào? mục đích của việc cho ra đời chữ quốc ngữ là gì
GV: Giáo sĩ A-lếch-xăng Đơ-rốt: Năm 1627 đã thành lập Đoàn truyền giáo ở Đàng Ngoài. Ông là giáo sĩ có nhiều đóng góp vào việc la tinh hóa tiếng Việt.
- Trong một thời gian dài, chữ quốc ngữ chỉ lưu hành trong giới truyền đạo.
? Vì sao trong một thời gian dài chữ Quốc ngữ không được sử dụng?
- Giai cấp Phong kiến thống trị với thái độ bảo thủ đã không biết sử dụng chữ Quốc ngữ để xây dựng chữ viết cho dân tộc. Chính vì vậy trong thời gian dài chữ Quốc ngữ chỉ được lưu hành trong giới truyền đạo, hoàn toàn không có tác dụng gì đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc.
? Theo em chữ Quốc ngữ ra đời đóng vai trò gì trong quá trình phát triển văn hóa Việt nam ( Thảo luận)
- Nhân dân ta không ngừng sửa đổi, hoàn thiện chữ Quốc ngữ nên chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của dân tộc, góp phần đắc lực vào việc truyền bá khoa học, phát triển văn hóa trong các thế kỉ sau vượt xa ý định ban đầu của những người la tinh hóa Tiếng Việt.
? Vì sao chữ cái la tinh ghi âm tiếng Việt trở thành chữ Quốc ngữ của nước ta cho đến tận ngày nay
? Văn học giai đoạn này gồm mấy bộ phận?
? Kể tên những thành tựu văn học nổi bật?
GV: Bộ sử bằng thơ nôm" Thiên nam ngũ lục" dài hơn 8000 câu rất giá trị. Đây là bộ diễn ra lịch sử có tinh thần dân tộc sâu sắc, sử dụng nhiều câu ca dao, tục ngữ.
? Các tác phẩm bằng chữ nôm tập trung phản ánh nội dung gì?
Ca ngợi hạnh phúc con người, tố cáo những bất công trong xã hội sự thối nát của triều đình Phong kiến.
? Ở các thế kỉ XVI-XVII, nước ta có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng nào?
? Em biết gì về Nguyễn Bỉnh Khiêm
GV: Là nhà thơ, nhà triết học của thế kỉ XVI. Văn thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm phản ánh tâm trạng bất lực của tầng lớp sĩ phu đương thời sống trong xã hội đảo điên nhưng vẫn muốn giữ trọn nhân cách trong sạch, mong đợi một ngày “Thời thế xoay vần” để có cơ hội ra giúp đời. Đó là tâm trạng của những kẻ sĩ chân chính, trăn trở nhức nhối trước tình đời vận nước, trước đạo lí đảo điên và chiến tranh “Nồi da xáo thịt” trước nỗi khổ của nhân dân
? Thơ Nôm xuất hiện ngày càng nhiều có ý nghĩa như thế nào? đối với tiếng nói và văn hóa dân tộc ?
- Khẳng định con người Việt có ngôn ngữ riêng của mình.
- Nền văn học dân tộc sáng tác bằng chữ Nôm không thua kém bất cứ một nền văn học nào khác.
- Thể hiện ý chí tự lập, tự cường của dân tộc.
*GV: Như vậy các em thấy sự suy thoái của Nho giáo và giáo dục thi cử, đã kéo theo một sự chuyển biến của Văn học chữ Hán, thơ văn của các nhà nho không còn thể hiện được tinh thần yêu nước, yêu quê hương như các thế kỷ trước. Nhiều nhà nho giỏi bất mãn với chính quyền. Bộ máy quan lại đương thời đã từ bỏ con đường công danh về với nhân dân. Thế kỷ XVI - XVII bên cạnh những nhà thơ chữ Hán, xuất hiện thơ nôm theo thể thơ mới, lục bát và sau đó là song thất lục bát.
? Văn học dân gian thời kỳ này phát triển như thế nào? (Thể loại, nội dung)
- Nhiều thể loại phong phú: Truyện nôm, truyện tiếu lâm, thơ lục bát...
- Nội dung: Phản ánh tinh thần, tình cảm lạc quan yêu thương con người của nhân dân lao động
- Trong các thế kỷ XVI - XVII văn học chữ nôm và văn học dân gian phát triển phong phú, nội dung sâu sắc
? Nghệ thuật dân gian có mấy loại hình
- 2 loại hình: Điêu khắc và sân khấu
? Nêu những thành tựu nội bật của nghệ thuật điêu khắc?
GV: cho HS quan sát hình 5 (SGK 107)
? Em có nhận xét gì về nghệ thuật điêu khắc thời kỳ này?
Bức tượng này được tạc vào năm 1655 trải qua gần 4 thế kỉ, bức tượng vẫn còn nguyên vẹn. Bức ảnh trong SGK là là ảnh chụp từ chính bức tượng đó. Tương truyền bà Ngọc Trúc (vợ quận công Lê Trụ) bị ép làm vợ của vua Trần Nhân Tông và phong làm hoàng hậu. Về sau bà buồn chán bỏ đi tu tại chùa Ninh Phúc. Tại đây bà cho xây Bút Tháp và hoàn thành pho tượng Phật Bà. Bức tượng cao 3,7m, phật được tạc hiện lên với 11 đầu, 1000 tay (thực tế chỉ đếm được 994 tay) và 1000 mắt, mỗi lòng bàn tay có một mắt. Gần 1000 bàn tay được xếp thành một vòng hào quang. Nguyên liệu tác tượng bằng gỗ nhưng toát lên vẻ đẹp tự nhiên, rực rỡ. Phật bà có khuôn mặt đẹp, đầu đội mũ hoa sen, phía trên là 8 đầu nhỏ xếp thành 3 tầng, cao vút lên như ngọn tháp. Trên đỉnh là một pho tượng phật nữa. Hai cánh tay phật chắp trước ngực, 40 cánh tay khác xòe ra uyển chuyển, các ngón tay như đang cử động theo điệu múa mềm mại, những bàn tay khác và những con mắt nhỏ xếp xung quanh tỏa ra như ánh hào quang của mặt trời rực rỡ. Phần dưới là chiếc bệ vuông có 4 quỷ đội, chạm nổi sư tử, gờ chỉ hoa lá, cánh sen. Mặt bệ là lớp sóng có cua, ốc bơi lội, giữa nổi lên đầu rồng giơ hai tay đội tòa sen và tượng phật.
- Công trình này do nghệ nhân Trương Văn Thọ thực hiện trong 3 năm mới xong.
? Kể một số loại hình nghệ thuật dân gian mà em biết.
? Nội dung của nghệ thuật chèo tuồng là gì?
- Phản ánh đời sống lao động cần cù vất vả nhưng đầy lạc quan.
- Lên án kẻ gian nịnh thần, ca ngợi tình yêu thương con người.
GV: VHNTDG thế kỉ XVII-XVIII đã phát triển mạnh có nhiều thành tựu quý báu, đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ, sức sống tinh thần của nhân dân ta thời bấy giờ chống lại ý thức hệ phong kiến nho giáo.
? Đến giữa thế kỷ XVIII Tình hình chính quyền phong kiến Đàng Ngoài như thế nào?
+ Vua Lê là bù nhìn.
+ Chúa Trịnh quanh năm hội hè yến tiệc.
+ Quan lại hoành hành đục khoét nhân dân
GV: Từ tầng lớp vua chúa, quan lại cho đến bọn hoạn quan đều ra sức ăn chơi hưởng lạc, phè phỡn không còn kỉ cương phép tắc.
- Năm 1730 Chúa Trịnh Giang bắt nhân dân tu sửa 2 chùa Quỳnh Lâm và Sùng Nghiêm hao tốn rất nhiều sức người và sức của. Trịnh Giang là người "Hôn ám, nhu nhược", "Hoang dâm vô độ" một lần sét đánh gần chết; nên hễ nghe tiếng sét thì run sợ. Bọn hoạn quan Hoàng Công Phụ lợi dụng việc đó khuyên Trịnh Giang đào lỗ dưới đất mà ở thì mới tránh khỏi "Dâm báo". Trịnh Giang bèn sai làm cung "Thưởng trì" (Huyện Thanh Trì - Hà Nội) ở dưới đất. Từ đó Giang không dám ló đầu lên mặt đất, bọn hoạn quan mặc sức hoành hành trong cung phủ.
- Chúa Trịnh Sâm : Lại mục nát hơn, Trịnh Sâm không lưu ý đến đê điều, không tổ chức khai hoang, lại lún sâu vào vũng bùn ăn chơi hưởng lạc, quan lại các cấp và binh lính ra sức hoành hành đục khoét nhân dân.
- Quan lại các cấp kết thành bè đảng, mưu lợi riêng, quan trường trở thành nơi vơ vét làm giầu, tệ nạn tham ô, hà hiếp dân, ỷ quyền thế vu oan giáo họa.
? Chính quyền phong kiến mục nát dẫn đến hậu quả gì?
- Ruộng đất công của nông dân bị địa chủ lấn chiếm.
- Sản xuất nông nghiệp bị đình đốn.
- Hạn hán mất mùa liên tiếp sẩy ra.
- Nhà nước đánh thuế mạnh, công thương nghiệp sa sút.
? Nhân dân phải chịu cảnh tô thuế nặng nề bất công như thế nào
- Vì không đủ nộp thuế mà phải bần cùng bỏ cả nghề nghiệp (vì thuế sơn mà phải chặt cây sơn, vì thuế vải lụa mà phải phá khung cửi...)
GV phân tích : Tình hình chính trị đàng Ngoài làm cho nền kinh tế Đàng Ngoài bị sa sút nghiêm trọng. Hạn hán, lũ lụt mất mùa liên tiếp sảy ra. Đê sông Hồng, sông Mã nhiều năm bị vỡ khiến hàng chục huyện bị ngập, nhà cửa bị trôi dạt, người chết không có nơi chôn, người sống không có nơi ở phải trôi dạt khắp nơi.
- Nhà nước đánh rất nặng các sản phẩm.
- Sử cũ viết : Năm 1710 Chúa Trịnh Doanh tăng thuế tư, đánh thuế vào cả những diện tích không sản xuất được như: "đồng chua, nước mặn" đất đồi, rừng khô cằn, bãi cát trắng, Phan Huy Chú đã nhận xét "Một tấc đất không bỏ sót, không chỗ nào không đánh thuế, cái chính sách vơ vét hết lợi hình như quá cay nghiệt".
? Hậu quả đối với đời sống của nhân dân ta ra sao ?
- Nhân dân bị đẩy tới bước đường cùng.
- Hàng chục vạn nông dân chết đói, đặc biệt năm 1710 - 1714 người chết đói nằm ngổn ngang sống sót không bằng 1/10.
- Nhân dân bỏ làng đi phiêu tán khắp nơi
GV mở rộng : Thiên tai đói kém liên miên, nạn lưu vong phổ biến, các năm 1712 - 1713 xảy ra trận đói lớn lan tràn khắp Đàng Ngoài "Phải ăn vỏ cây, rau cỏ, thây chết đói đầy đường, thôn xóm tiêu điều. Những người sống sót qua nạn đói, nạn dịch phải bỏ xóm làng, đồng ruộng đi kiếm ăn khắp nơi, khoảng nửa sau thế kỷ XVIII theo bản điều trần của Ngô Thì Sỹ gửi Chúa Trịnh, bốn trấn đồng bằng (thuộc bắc bộ ngày nay) có 1076 xã dân đi phiêu tán hết, trong số 9668 xã thôn. Đấy là nét đen tối trong bức tranh nửa sau thế kỷ XVIII.
? Trước cuộc sống khổ cực ấy nhân dân có thái độ như thế nào ?
- Vùng lên đấu tranh chống lại chính quyền phong kiến
? Em hãy kể tên các cuộc khởi nghĩa nông dân tiêu biểu trong giai đoạn này?
GV : Chỉ lược đồ nơi diễn ra các cuộc khởi nghĩa Nông dân ở Đàng Ngoài thế kỉ XVII.
GV giải thích các ký hiệu, các con số để chỉ tên cuộc khởi nghĩa được gọi theo tên thủ lĩnh.
GV tường thuật trên lược đồ.
* Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng (1737) là cuộc khởi nghĩa mở đầu cho phong trào nông dân Đàng Ngoài. Nguyễn Dương Hưng là một nhà sư đã tập hợp nghĩa quân nổi dậy ở Sơn tây, lấy núi Tam Đảo làm căn cứ. Hoạt động của nghĩa quân gây cho triều đình nhiều phen hoảng hốt. Khi quân đội triều đình tấn công, khởi nghĩa bị dập tắt.
* Khởi nghĩa Lê Duy Mật : vốn là một hoàng thất (con của vua Lê Dụ Tông). Năm 1738 ông cùng người thân cận tổ chức đảo chính nhằm lật đổ chúa Trịnh nhằm khôi phục lại quyền hành cho nhà Lê, bị thất bại, ông chạy vào Thanh Hóa, kêu gọi nhân dân nổi dậy. Hoạt động của nghĩa quân gây cho triều đình nhiều thiệt hại và lo lắng. Năm 1752, trước sự tấn công của triều đình, ông đã rút quân vào Trình Quang (Tây Nghệ An) để xây dựng căn cứ. Năm 1770, triều đình tấn công Trình Quang, Lê Duy Mật cùng vợ con tự thiêu chết. Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt.
* Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1740 - 1751) Nguyễn Danh Phương vốn là một nhà nho nghèo, bất bình với triều đình thối nát đã tập hợp nghĩa quân, xây dựng căn cứ ở núi Tam Đảo, đắp thành lũy, tích trữ lương thực, rèn khí giới. Mấy năm sau (1744) lực lượng nghĩa quân lên đến hơn 1 vạn người, nhiều lần đánh bại quân Trịnh. Từ trấn Sơn Tây (Hà Tây, Vĩnh phúc ngày nay), Cuộc khởi nghĩa lan rộng ra các trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang. Nghĩa quân vừa hoạt động vừa cày cấy tự túc, tích lũy của cải, tích kế lâu dài, sau một thời gian chiến đấu ác liệt Đại đồn Ngọc Bội thất thủ, nghĩa quân phải phá bỏ đồn trại, tìm đường trốn tránh, cuối cùng Nguyễn Danh Phương bị quân Trịnh bắt, cuộc khởi nghĩa tan rã, nhưng nhân dân vùng Sơn Tây vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh tham gia các cuộc khởi nghĩa khác.
*Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu : Nguyễn Hữu Cầu còn gọi quận He quê ở xã Lôi Động huyện Thanh Hà, Hải Dương. Ông mồ côi cha từ nhỏ, sống với mẹ, nhà nghèo, có sức khỏe, giỏi võ, thông minh, cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của nhân dân quê mình. Những năm 1739-1740 ông tham gia nghĩa quân Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ. Sau khi cuộc khởi nghĩa này thất bại, ông tập hợp lực lượng rút ra Đồ Sơn (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) lập căn cứ. Năm 1744 trước sự tấn công ồ ạt của quân triều đình, Nguyễn Hữu Cầu phải bỏ Đồ Sơn chạy sang Kinh Bắc chiếm vùng Thọ Xương (Bắc Giang). Quân triều đình ở đây bỏ chạy, triều đình náo loạn, phải huy động 12000 quân tiến đánh Kinh Bắc. Trước sức mạnh của quân triều đình, nghĩa quân bỏ kinh Bắc rút về Thái Bình. Nhưng lực lượng ngày càng suy yếu, số quân còn lại vượt biển vào Nghệ An nhưng đã bị bắt và bị xử tử. Năm 1751, khởi nghĩa bị dập tắt.
Trong 10 năm hoạt động, khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu là mối đe dọa khủng khiếp đối với triều đình, được coi là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất của nông dân Đàng Ngoài chống phong kiến.
? Điểm nổi bật của cuộc khởi nghĩa là gì ?
- Khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo"
* Khởi nghĩa Hoàng Công Chất : Năm 1739 Hoàng Công Chất đã tập hợp dân nghèo nổi dậy khởi nghĩa ở trấn Sơn Nam (Nam Định). Nghĩa quân có sở trường đánh du kích “ khi tan, khi hợp », “ quan quân đánh phía trước, chúng luồn ra phía sau, quan quân chọn phía tả thì chúng chạy sang phía hữu » (Theo quân công Nguyễn Đình Hoàn) sau một thời gian hoạt động ở vùng đồng băng, Hoàng Công Chất chuyển lên Tây Bắc liên kết với các dân tộc ít người ở Điện Biên - Sơn La, Hòa Bình ... xây dựng căn cứ chuẩn bị chiến đấu lâu dài. Năm 1768, chúa Trịnh điều quân đến đàn áp. Lúc đó Hoàng Công Chất đã mất, con là Hoàng Công Toản cùng nghĩa quân chống trả quyết liệt nhưng thất bại, Công Toản bỏ chạy sang Vân Nam, khởi nghĩa bị dập tắt.
? Em có biết căn cứ chính của khởi nghĩa Hoàng Công Chất đặt tại đâu không
- Tại Bản Phủ - Điện Biên. Nay vẫn còn đền thờ Hoàng Công Chất và trở thành một trong những địa điểm du lịch của Điện Biên
? Cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất được nhân dân ủng hộ như thế nào ? Ý nghĩa
=> Bảo vệ vùng biên giới, giúp dân ổn định cuộc sống.
- Các dân tộc Tây bắc hết lòng ủng hộ Hoàng Công Chất => ông có công bảo vệ vùng biên giới và giúp dân ổn định cuộc sống trong các bản mường.
- Ngày nay nhân dân Mường Thanh còn lưu truyền bài ca ca ngợi về Hoàng Công chất
? Việc nghĩa quân chuyển địa bàn có ý nghĩa gì ?
- Đánh dấu bước chuyển mới của phong trào là tinh thần đoàn kết giữa nông dân miền xuôi và miền núi.
? Quan sát trên lược đồ em có nhận xét gì về địa bàn hoạt động của phong trào nông dân khởi nghĩa ở Đàng Ngoài ở thế kỷ XVIII.
- Địa bàn hoạt động rộng khắp đồng bằng và miền núi.
? Cho biết kết quả của các cuộc khởi nghĩa trên ?
? Nguyên nhân nào dẫn đến các cuộc khởi nghĩa trên đều thất bại ?
- Các cuộc khởi nghĩa nổ ra còn rời rạc, không liên kết thành một phong trào rộng lớn.
? Tuy thất bại song phong trào khởi nghĩa Nông dân ở Đàng Ngoài có ý nghĩa gì ?
* GV khái quát : Sự mục nát của chế độ phong kiến Lê Trịnh ở Đàng ngoài làm cho nền kinh tế nông nghiệp bị đình đốn , công thương nghiệp bị sa sút, điêu tàn, nông dân cơ cực phiêu tán => đã vùng lên mãnh liệt chống lại chính quyền phong kiến. Qua đó biểu hiện ý chí và truyền thống đấu tranh chống áp bức của nông dân làm cơ đồ họ Trịnh càng nhanh chóng suy sụp để dọn đường thuận lợi cho phong trào Tây Sơn tiến ra Đàng Ngoài. 1. Nguyên nhân của các cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều và Trịnh – Nguyễn.
a) Về chiến tranh Nam – Bắc triều
- Đầu thế kỉ XVI, vua quan ăn chơi xa xỉ, xây dựng cung điện, lâu đài tốn kém
- Nội bộ triều Lê chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lực
- 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc => hình thành tập đoàn phong kiến Bắc triều.
- 1533 Nguyễn Kim đã dẫn quân vào Thanh Hóa => Nam triều.
- Mâu thuẫn giữa nhà Lê và nhà Mạc=> Chiến tranh Nam Bắc triều.
b) Về chiến tranh Trịnh – Nguyễn
- Năm 1545, Nguyễn Kim chết, con rể là Trịnh Kiểm lên thay thế nắm toàn bộ binh quyền, hình thành thế lực họ Trịnh.
- Trịnh Kiểm sợ mất địa vị nên đã giết con cả của Nguyễn Kim. Con thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa - Quảng Nam. Hình thành thế lực họ Nguyễn
=> Mâu thuẫn giữa họ Trịnh và họ Nguyễn -> Chiến tranh Trịnh - Nguyễn.
* Hậu quả
- Đất nước chia cắt Đàng trong, Đàng ngoài gây đau thương, tổn hại cho dân tộc
- Nhân dân đói khổ li tán.
* Tính chất: Phi nghĩa giành giật quyền lợi và địa vị trong phe phái phong kiến, phân chia 2 miền đất nước.
2. Tìm hiểu tình hình kinh tế thế kỉ XVI – XVIII
2.1 Về nông nghiệp
* Đàng Ngoài
- Cuộc chiến tranh Nam Triều - Bắc triều đã phá hoại nghiêm trọng nền sản xuất nông nghiệp
- Chính quyền ít quan tâm đến công tác thủy lợi và tổ chức khai hoang.
- Ruộng đât công làng xã bị cường hào đem cầm bán.
=> Ruộng đất bị bỏ hoang, mất mùa đói kém sảy ra dồn dập. Nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán.
* Đàng Trong
- Chúa Nguyễn tổ chức dân đi khai hoang
Cấp lương ăn, nông cụ, lập làng ấp mới.
- Đặt phủ Gia Định
=> Nông nghiệp phát triển nhanh
=> Đời sống nhân dân được cải thiện
- Hình thành tầng lớp địa chủ.
2.2. Về thủ công nghiệp và thương nghiệp
a. Thủ công nghiệp
- Xuất hiện nhiều làng thủ công nổi tiếng. Gốm Thổ Hà (Bắc giang) Bát tràng ( Hà nội), làng dệt La khê (Hà Tây) rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An, Hiền Lương, Phú bài- Thừa thiên Huế)
b) Thương nghiệp
- Xuất hiện nhiều chợ, phố xá, các đô thị.
=> Việc buôn bán trao đổi hàng hóa rất phát triển
- Ban đầu tạo điều kiện cho thương nhân buôn bán, mở cửa hàng để nhờ họ mua vũ khí
- Về sau hạn chế ngoại thương
3. Tìm hiểu về những thành tựu văn hóa
3.1. Về tôn giáo và sự ra đời chữ Quốc ngữ
a) Tôn giáo
- Nho giáo: vẫn được đề cao trong học tập, thi cử và tuyển chọn nhân tài
- Phật giáo, Đạo giáo được phục hồi
- Cuối thế kỷ XVI xuất hiện đạo thiên Chúa Giáo do các giáo sĩ Bồ Đào Nha truyền bá vào nước ta.
b) Sự ra đời của chữ Quốc ngữ.
- Thế kỷ XVII một số giáo sỹ phương tây dùng chữ cái La tinh ghi âm tiếng Việt
- Mục đích truyền đạo
- Là chữ viết tiện lợi, khoa học, dễ phổ biến. trở thành chức quốc ngữ của dân tộc
3.2. Về văn học và nghệ thuật dân gian.
a. Văn học
- Văn học chữ Hán chiếm ưu thế
- Văn học chữ nôm rất phát triển: Thiên Nam ngữ lục
- Nội dung: Ca ngợi hạnh phúc con người, tố cáo những bất công trong xã hội sự thối nát của triều đình Phong kiến.
- Tiêu biểu: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Từ
- Văn học dân gian phát triển với nhiều thể loại phong phú
b) Nghệ thuật dân gian
- Nghệ thuật điêu khắc
+ Điêu khắc gỗ: đơn giản, dứt khoát
+ Tượng phật bà Quan Âm nghìn tay, nghìn mắt.
- Nghệ thuật dân gian: sân khấu chèo tuồng, hát ả đào, múa trên dây....
4. Tìm hiểu về khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài thế kỉ XVIII.
a) Tình hình chính trị
- Chính quyền phong kiến Đàng Ngoài mục nát đến cực độ.
- Sản xuất sa sút, hạn hán, mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra.
- Đời sống nhân dân cực khổ thường xuyên xảy ra nạn đói
=> Nguyên nhân dân đến các cuộc khởi nghĩa bùng nổ.
b) Những cuộc khởi nghĩa lớn.
- Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng 1737- Sơn Tây.
- Khởi nghĩa Lê Duy mật (1738 - 1770) ở Thanh Hóa, Nghệ An.
- Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương (1740-1751)
- Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu (1741 - 1751) bắt đầu ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
- Khởi nghĩa Hoàng Công Chất (1739-1769) bắt đầu ở Sơn Nam sau chuyển lên Tây Bắc
- Kết quả: Các cuộc khởi nghĩa trên đều bị thất bại.
- Ý nghĩa:
+ Làm cho chính quyền phong kiến họ Trịnh bị lung lay.
+ Tạo điều kiện cho quân Tây Sơn tiến ra Bắc
+ Nêu cao tinh thần đấu tranh của nhân dân
HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
- Mục tiêu: hoàn thiện kiến thức vừa chiếm lĩnh được.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian:
+ HS: làm việc cá nhân, hoàn thành bài tập trong SHDH.
+ HS: báo cáo kết quả; bổ sung
+ GV: nhận xét, đánh giá, kết luận
+ Bài tập luyện tập:
Câu 1: Tình hình kinh tế văn hóa nước ta ở các thế kỉ XVI – XVIII.
* Về nông nghiệp:
- Đàng Ngoài: Cuộc chiến tranh Nam Triều - Bắc triều đã phá hoại nghiêm trọng nền sản xuất nông nghiệp=> Ruộng đất bị bỏ hoang, mất mùa đói kém sảy ra dồn dập. Nông dân phải bỏ làng đi phiêu tán.
- Đàng Trong: Chúa Nguyễn tổ chức dân đi khai hoang cấp lương ăn, nông cụ, lập làng ấp mới => Nông nghiệp phát triển nhanh.
* Về thủ công nghiệp và thương nghiệp
- Xuất hiện nhiều làng thủ công nổi tiếng. Gốm Thổ Hà (Bắc giang) Bát tràng ( Hà nội), làng dệt La khê (Hà Tây) rèn sắt ở Nho Lâm (Nghệ An, Hiền lương, Phú bài- Thừa thiên Huế)
- Xuất hiện nhiều chợ, phố xá, các đô thị => Việc buôn bán trao đổi hàng hóa rất phát triển.
* Văn hóa:
- Nho giáo: vẫn được đề cao trong học tập, thi cử và tuyển chọn nhân tài. Phật giáo, Đạo giáo được phục hồi
- Cuối thế kỷ XVI xuất hiện đạo thiên Chúa Giáo do các giáo sĩ Bồ Đào Nha truyền bá vào nước ta.
- Thế kỷ XVII một số giáo sỹ phương tây dùng chữ cái La tinh ghi âm tiếng Việt => Chữ Quốc ngữ.
- Văn học chữ Hán chiếm ưu thế
- Văn học chữ nôm rất phát triển: Thiên Nam ngữ lụcNghệ thuật điêu khắc: Điêu khắc gỗ: đơn giản, dứt khoát
- Nghệ thuật dân gian: sân khấu chèo tuồng, hát ả đào, múa trên dây....
Câu 2: Lập bảng về những cuộc khởi nghĩa lớn ở Đàng Ngoài thế kỉ XVIII.
Tên cuộc khởi nghĩa Thời Gian Địa bàn
- Khởi nghĩa Nguyễn Dương Hưng. 1737 - Sơn Tây
- Khởi nghĩa Lê Duy Mật 1738 - 1770 Thanh Hóa, Nghệ An
- Khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương 1740-1751
Vĩnh Phúc, Sơn Tây, Tuyên Quang
- Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu 1741 - 1751 Đồ Sơn (Hải Phòng), Kinh Bắc, Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An.
- Khởi nghĩa Hoàng Công Chất 1739-1769 Sơn Nam, Tây Bắc
HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
- Mục tiêu: phát hiện các tình huống thực tiễn và vận dụng được các kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tương tự tình huống/vấn đề đã học.
- Phương pháp: Vấn đáp
- Thời gian:
GV: Hướng dẫn HS về nhà thực hiện các yêu cầu theo SHDH.
HS: Thực hiện ở nhà
Câu 1: Em biết những đường phố trường học nào mang tên các nhân vật: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đào Duy Anh, Nguyễn Hữu Cầu, Hoàng Công Chất? Giải thích vì sao được đặt tên đó
VD:
- Đường Nguyễn Hữu Cầu (Đà Nẵng), Đào Duy Từ (Hà Nội), Nguyễn Hữu Cầu (Hải Dương), Hoàng Công Chất (Hà Nội), đường Nguyễn Danh Phương (Vĩnh Phúc)
- Trường: THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đó là cách để toàn dân ta, đồng bào ta tỏ lòng thành kính, biết ơn tới những vị anh hùng, danh nhân văn hóa những người tài giỏi đã có công xây dựng nước.
HOẠT ĐỘNG TÌM TÒI, MỞ RỘNG
- Mục tiêu: sưu tầm, mở rộng các kiến thức đã học
- Phương pháp: đàm thoại
- Thời gian:
GV: Hướng dẫn HS về nhà thực hiện các yêu cầu theo SHDH.
HS: Tìm đọc một số tài liệu tham khảo.
4. Hướng dẫn về nhà
- Học bài, trả lời câu hỏi sgk
- Chuẩn bị bài tiếp theo: Bài 32- Phong trào Tây Sơn.
Xem đầy đủ các khác trong bộ: => Giáo án lịch sử 7
Hệ thống có đầy đủ: Giáo án word đồng bộ giáo án Powerpoint các môn học. Đầy đủ các bộ sách: Kết nối tri thức, chân trời sáng tạo, cánh diều. Và giáo án có đủ cả năm. Các tài liệu khác như đề thi, dạy thêm, phiếu học tập, trắc nghiệm cũng có sẵn. Và rất giúp ích cho việc giảng dạy. Các tài liệu đều sẵn sàng và chuyển tới thầy cô ngay và luôn
Từ khóa tìm kiếm: giáo án khoa học xã hội 7, giáo án khoa học xã nhiên 7 môn sử, giáo án VNEN sử 7, giáo án chi tiết bài 31: Đại Việt trong các thế kỉ XVI-XVIII, giáo án 5 hoạt động khoa học xã nhiên 7