Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối Bài 3: Đọc hiểu và thực hành tiếng Việt

Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức Bài 3: Đọc hiểu và thực hành tiếng Việt. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

BÀI 3 – HỒN NƯỚC NẰM TRONG TIẾNG MẸ CHA – ĐỌC HIỂU VÀ THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Bài tập 1: Đọc lại văn bản Kim – Kiều gặp gỡ (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) trong SGK (tr. 66 – 68) và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Chọn phương án nêu đúng thể loại của văn bản.

A. Thơ song thất lục bát

B. Thơ lục bát

C. Truyện truyền kì

D. Truyện thơ Nôm

Bài giải chi tiết:

Đáp án B. Thơ lục bát.

Câu 2: Kẻ bảng (vào vở) theo mẫu dưới đây và điền thông tin phù hợp:

STT

Đoạn thơ

Nội dung chính

1

Mười hai dòng thơ đầu

 

2

Mười dòng thơ tiếp theo

 

3

Mười bốn dòng thơ cuối

 

Bài giải chi tiết:

STT

Đoạn thơ

Nội dung chính

1

Mười hai dòng thơ đầu

Giới thiệu nhân vật Kim Trọng

2

Mười dòng thơ tiếp theo

Miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thuý Kiều

3

Mười bốn dòng thơ cuối

Miêu tả tâm trạng tương tư của Thuý Kiều

Câu 3: Đọc mười hai dòng thơ đầu và trả lời các câu hỏi:

a. Nhân vật Kim Trọng xuất hiện trong khung cảnh như thế nào?

b. Những chi tiết nào được tác giả sử dụng để khắc hoạ nhân vật Kim Trọng?

c. Cảm nhận chung của em về nhân vật Kim Trọng là gì?

Bài giải chi tiết:

a. Nhân vật Kim Trọng xuất hiện trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hữu tình:

- Cỏ cây xanh tươi, tràn đầy sức sống (Hài văn lần bước dặm xanh): màu xanh như trải dài theo từng bước chân, gợi liên tưởng về thảm cỏ mùa xuân trong câu thơ trước đó: “Cỏ non xanh tận chân trời”...

- Cảnh vật hài hoà, tươi đẹp (Một vùng như thể cây quỳnh cành dao): quỳnh và dao là hai loài cây cảnh thường được trồng cùng một nơi để tôn vẻ đẹp của nhau; đồng thời là biểu tượng cho sự tương xứng, giao hoà.

b. Các chi tiết được tác giả sử dụng để khắc hoạ nhân vật Kim Trọng:

- Cử chỉ, hành động: xuống ngựa, hài văn lần bước,...

- Nguồn gốc, lai lịch: vốn nhà trâm anh, nền phú hậu, văn chương nết đất,...

- Phong thái, cốt cách: tài danh, thông minh, phong nhã, hào hoa,...

c. Cảm nhận chung về nhân vật Kim Trọng: là người có dáng vẻ khoan thai, điềm tĩnh; bản tính thông minh; phong thái lịch lãm, hào hoa, tao nhã; gia thế giàu sang;...

Câu 4: Đọc mười dòng thơ tiếp theo (từ câu “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa” đến câu “Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”) và trả lời các câu hỏi:

a. Hai dòng thơ đầu miêu tả vẻ đẹp của những nhân vật nào? Vẻ đẹp ấy hiện lên qua cái nhìn của ai?

b. “Người quốc sắc, kẻ thiên tài” ở đây là ai? Trạng thái cảm xúc nổi bật của họ là gì?

c. Tác giả đã thể hiện thái độ, tình cảm như thế nào đối với các nhân vật?

Bài giải chi tiết:

a.

- Hai dòng thơ đầu miêu tả vẻ đẹp của hai nhân vật Thuý Kiều và Thuý Vân.

- Vẻ đẹp ấy hiện lên qua cái nhìn của Kim Trọng.

b.

- “Người quốc sắc, kẻ thiên tài” ở đây là Thuý Kiều và Kim Trọng.

- Trạng thái cảm xúc nổi bật ở họ là “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

- Tình yêu chớm nở ngày trong lần đầu tiên gặp gỡ, lại bị ràng buộc bởi lễ giáo khắt khe nên họ bối rối ngại ngùng, giữ ý mà vẫn không giấu được cảm xúc nồng nàn, say đắm.

c. Thái độ, tình cảm của tác giả đối với các nhân vật thường được thể hiện qua lời kể, qua cách miêu tả. Ở đây, Nguyễn Du đã “bỏ qua” những quy ước khắt khe, nghiệt ngã của lễ giáo phong kiến để dành cho Thuý Kiều và Kim Trọng tình cảm yêu thương, trân trọng:

- Qua cách miêu tả của Nguyễn Du, Thuý Kiều và Kim Trọng hiện lên hai hoa, tương xứng như một cặp “trời sinh”: người quốc sắc, kẻ thiên tài.

- Nhà thơ nâng niu, trân trọng những cảm xúc của tình yêu đang nảy nở trong tâm hồn họ (tình trong như đã, chập chờn cơn tỉnh cơn mê); thấu hiểu tâm trạng bối rối (Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn) và sự lưu luyến lúc chia tay (Khách đà lên ngựa người còn nghé theo).

Câu 5: Cho biết trong mười bốn dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng những phương tiện nghệ thuật nào để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thuý Kiều.

Bài giải chi tiết:

Các phương tiện nghệ thuật nổi bật được tác giả sử dụng để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thuý Kiều:

- Lời kể: “Một mình lặng ngắm bóng nga/ Rộn đường gần với nỗi xa bời bời”; “Ngổn ngang trăm mối bên lòng”,...

- Lời nhân vật: “Người mà đến thế thì thôi”; “Người đâu gặp gỡ làm chi”,…

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình: “Gương nga chênh chếch dòm song/ Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân/ Hải đường lả ngọn đông lân/ Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà”,...

Câu 6: Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thuý Kiều sau cuộc gặp gỡ với Kim Trọng (chú ý thời gian, không gian, trạng thái cảm xúc,...).

Bài giải chi tiết:

Khi phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Thuý Kiều (sau cuộc gặp gỡ với Kim Trọng), cần nêu được các ý cơ bản sau:

- Thời gian, không gian: đêm trăng thơ mộng; hoa lá mùa xuân tươi đẹp, hữu tình, tràn đầy sức sống như cũng xôn xao, đồng điệu với tâm hồn người thiếu nữ;...

- Tâm trạng ngổn ngang, rối bời với bao nỗi niềm tâm sự:

+ Xót thương cho thân phận Đạm Tiên, người ca nữ nổi tiếng nhan sắc, tài hoa mà bạc mệnh.

+ Bâng khuâng, xao xuyến khi nhớ về cuộc gặp gỡ với Kim Trọng và bồi hồi, mơ tưởng về tương lai,...

Câu 7: Phân tích tác dụng của một trường hợp có sử dụng phép đối trong văn bản Kim – Kiều gặp gỡ.

Bài giải chi tiết:

- Lựa chọn đoạn: “Phong tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa”; “Bóng hồng nhác thấy nẻo xa/ Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”; “Người quốc sắc kẻ thiên tài/ Tình trong như đã mặt ngoài còn e”; “Bóng tà như giục cơn buồn/ Khách đà lên ngựa người còn nghé theo”; “Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”;...

Khi phân tích, cần lưu ý một số tác dụng sau:

- Phép đối góp phần tạo nhịp điệu, sự hài hoà, cân đối cho câu thơ.

- Phép đối còn có tác dụng làm nổi bật sự giao hoà của cảnh vật và vẻ đẹp tương xứng, tâm hồn đồng điệu của cặp tài tử giai nhân.

Bài tập 2: Đọc lại văn bản Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Kiều Nguyệt Nga (trích Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu) trong SGK (tr. 71 –73) và thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1: Chọn ý KHÔNG thể hiện lí do khiến Lục Vân Tiên quyết định ra tay trừng trị bọn cướp.

A. Căm giận những kẻ hung đồ hại dân

B. Xót thương những người dân bị ức hiếp

C. Thể hiện tài năng võ nghệ cao cường

D. Thể hiện trách nhiệm, bổn phận của người anh hùng

Bài giải chi tiết:

Đáp án C. Thể hiện tài năng võ nghệ cao cường.

Câu 2: Chọn những cách hiểu đúng về dụng ý của tác giả khi miêu tả hình ảnh đám cướp hung ác, dữ tợn.

A. Thể hiện sự khinh ghét đảng cướp Phong Lai

B. Nhấn mạnh tình huống nguy hiểm của Lục Vân Tiên

C. Thể hiện khí phách anh hùng của Lục Vân Tiên

D. Bày tỏ sự lo lắng, sợ hãi trước sức mạnh của bọn cướp

E. Làm nổi bật tài năng võ nghệ phi thường của Lục Vân Tiên

Bài giải chi tiết:

Đáp án:

B. Nhấn mạnh tình huống nguy hiểm của Lục Vân Tiên

C. Thể hiện khí phách anh hùng của Lục Vân Tiên

E. Làm nổi bật tài năng võ nghệ phi thường của Lục Vân Tiên

Câu 3: Chọn phương án nêu đúng các chi tiết được tác giả sử dụng để khắc hoạ nhân vật Lục Vân Tiên trong mười bốn dòng thơ đầu.

A. Ngoại hình, lời nói

B. Lời nói, cử chỉ, hành động

C. Hành động, cảm xúc, suy nghĩ

D. Diễn biến nội tâm

Bài giải chi tiết:

Đáp án B. Lời nói, cử chỉ, hành động.

Câu 4: Phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật trong đoạn thơ sau:

Vân Tiên tả đột hữu xông,

Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Lâu la bốn phía vỡ tan,

Đều quăng gươm giáo tìm đàng chạy ngay.

Phong Lai trở chẳng kịp tay,

Bị Tiên một gậy thác rày thân vong.

Bài giải chi tiết:

Khi phân tích nghệ thuật miêu tả nhân vật trong đoạn thơ, cần chú ý sự kết hợp giữa cách miêu tả trực tiếp và gián tiếp:

- Miêu tả trực tiếp tài năng, khí phách anh hùng của Lục Vân Tiên qua cử chỉ, hành động (tả đột hữu xông) và lối so sánh (Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang).

- Miêu tả gián tiếp tài năng, khí phách anh hùng của Lục Vân Tiên qua sự thảm bại của bọn cướp (vỡ tan, quăng gươm giáo, chạy ngay) và tướng cướp (trở chẳng kịp tay, thác rày thân vong).

Câu 5: Lời giãi bày của Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên thể hiện những nét tính cách nào của nhân vật?

Bài giải chi tiết:

- Lời nói thể hiện sự khiêm nhường (cách xưng hô: quân tử, chàng – thiếp); cách nói, giọng điệu cho thấy tư chất của người con gái thông minh, có học vấn, nề nếp, đoan trang.

- Lời lẽ bộc lộ tình cảm chân thành, thái độ trân trọng ân nhân (Thưa rằng.., Xin cho..., Xin theo cùng thiếp...), trọng ân nghĩa (xin được lạy tạ ơn cứu mạng và thiết tha mời Lục Vân Tiên đến nơi cha mình đang làm quan để được báo đền,..).

Câu 6: Chỉ ra một số từ ngữ địa phương trong văn bản và nêu tác dụng của việc sử dụng các từ ngữ đó.

Bài giải chi tiết:

- Một số từ địa phương trong văn bản: bên đàng, giữa đàng, bức thơ, trong xe này, hay vầy,..

- Tác dụng: cần lưu ý giá trị của các từ ngữ này trong việc tạo ra “màu sắc Nam Bộ” trong lời kể, lời nhân vật và góp phần mang đến sự phong phú, đa dạng cho ngôn ngữ văn học.

Câu 7: Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trình bày cảm nhận của em về một nét đẹp của nhân vật Lục Vân Tiên được thể hiện ở sáu dòng thơ cuối.

Bài giải chi tiết:

Trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”, Kiều Nguyệt Nga xuất hiện không nhiều nhưng chỉ qua lời lẽ, cử chỉ khi giãi bày với Lục Vân Tiên, ta cũng thấy được nàng là người con người có nhiều phẩm chất tốt đẹp. Trước hết lời lẽ của nàng là lời lẽ của một cô gái khuê các, thùy mị, nết na, có học thức. Cách Nguyệt Nga xưng hô thật khiêm nhường, khi xưng hô nàng gọi Vân Tiên là “quân tử”, xưng mình là “tiện thiếp”: “Trước xe quân tử tạm ngồi/Xin cho tiện thiếp lạy rồi sẽ thưa”. Cách nói năng của nàng thật dịu dàng, mực thước. Khi Vân Tiên hỏi nguyên do bởi đâu mà gặp tai họa thì Nguyệt Nga đã trả lời thật rõ ràng, khúc chiết. Câu trả lời của nàng vừa đáp ứng đầy đủ những điều thăm hỏi ân cần của Vân Tiên vừa thể hiện được sự chân thành, niềm cảm kích, xúc động của mình. Nguyệt Nga còn là người có tình nghĩa, có trước sau. Khi được Vân Tiên cứu, Nguyệt Nga vô cùng biết ơn. Bởi vì Vân Tiên không chỉ cứu mạng mà còn cứu cả cuộc đời trong trắng của nàng. Nàng rất áy náy, băn khoăn tìm cách trả ơn Viên Tiên, dù hiểu rằng có đền đáp đến mấy cũng là chưa đủ: “Lấy chi cho phỉ tấm lòng cùng người”. Như vậy, chỉ qua lời lẽ ít ỏi mà nhân vật Nguyệt Nga hiện lên thật đẹp!

Bài tập 3: Đọc bài thơ Tự tình (bài 2) của Hồ Xuân Hương trong SGK (tr.75) và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Bài thơ được sáng tác bằng thể thơ nào? Người bày tỏ tâm tình trong bài thơ là ai?

Bài giải chi tiết:

- Bài thơ được sáng tác bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

- Người bày tỏ tâm tình trong bài thơ là người phụ nữ trong cảnh ngộ éo le, bất hạnh.

Câu 2: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng trong hai câu thơ đầu.

Bài giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ đảo ngữ được sử dụng trong hai câu thơ đầu có tác dụng nhấn mạnh tâm trạng ai oán, buồn rầu, u uất của con người. Nỗi “oán hận” trở thành “điểm nhìn” trông ra cảnh vật, bao trùm mọi khoảng không gian.

Câu 3: Phân tích tâm trạng được thể hiện trong hai câu thực và hai câu luận.

Bài giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ nhân hoá (mõ thảm, chuông sầu), phép đối tương phản (không – mà cũng, chẳng – cớ sao), các từ mô phỏng âm thanh (cốc, om),... hai câu thực thể hiện tâm trạng đau buồn, sầu hận trào dâng trong tâm hồn con người, bất chấp sự kiềm toả của lí trí (không khua, chẳng đánh). Con người càng muốn quên đi thì nỗi thảm sầu kia lại càng trỗi dậy và “lên tiếng”.

- Phép đối ở hai câu luận và các từ láy (rầu rĩ, mõm mòm) thể hiện nỗi buồn nản, chán chường trĩu nặng. Người phụ nữ trong bài thơ vừa phải chịu cảnh duyên phận lỡ làng như trái chín “mõm mòm” sắp úa tàn, rơi rụng; vừa bị vây bủa bởi “miệng thế”, “tiếng đời” cay nghiệt, bất công,...

Câu 4: Hai câu kết cho thấy sự thay đổi nào trong cảm xúc, tâm trạng của con người?

Bài giải chi tiết:

Phần kết của bài thơ Đường luật thường mở ra những ý tứ mới và gợi liên tưởng sâu xa. Ở đây, hai câu kết của bài thơ cho thấy sự thay đổi bất ngờ trong cảm xúc, tâm trạng của con người. Nỗi đau buồn, sầu hận, chán chường, bi phẫn chồng chất trong lòng nhưng tâm trạng của con người không “đóng lại” trong lời than thở hay bế tắc, tuyệt vọng. Trái lại, người phụ nữ dù lỡ làng duyên phận vẫn tự tin và kiêu hãnh bày tỏ khát vọng tình yêu, hạnh phúc tha thiết, mãnh liệt.

Câu 5: Hình tượng con người hiện lên trong bài thơ với những đặc điểm nào? Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm thông điệp gì?

Bài giải chi tiết:

- Hình tượng con người hiện lên trong bài thơ với thân phận éo le, bất hạnh; phải nếm trải nhiều cay đắng, đau khổ nhưng vẫn tràn đầy khát vọng sống, khát vọng tình yêu. Bất chấp “thói đời” cay nghiệt, bất công, con người ấy vẫn tin tưởng vào giá trị của bản thân và quyền được yêu, được hạnh phúc của chính mình.

- Qua đó, nhà thơ muốn gửi gắm nỗi xót thương, sự đồng cảm với số phận bi kịch của người phụ nữ đồng thời khẳng định, ngợi ca bản lĩnh và sức sống mãnh liệt tiềm ẩn trong tâm hồn họ.

Câu 6: Phân tích giá trị biểu đạt của các từ láy trong bài thơ.

Bài giải chi tiết:

- Giá trị biểu đạt của các từ láy trong bài thơ là:

+ Tăng tính gợi hình tượng và giá trị biểu cảm trong ngữ cảnh

+ Làm cho nội dung của đoạn văn, câu văn trở nên sinh động, dễ hiểu và đặc sắc hơn.

Bài tập 4: Đọc văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du) trong SGK (tr. 85 – 86) và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Quang cảnh lầu Ngưng Bích được miêu tả bằng những từ ngữ nào? Theo em, đó là cảnh thực hay đã được “tâm trạng hoá”?

Bài giải chi tiết:

- Những từ ngữ và hình ảnh được tác giả sử dụng để miêu tả quang cảnh lầu Ngưng Bích: non xa, trăng gân, bốn bề, bát ngát, xa trông, cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia,....

- Quang cảnh lầu Ngưng Bích hiện lên trơ trọi giữa không gian rộng lớn, mênh mông, hoang vắng, ảm đạm,... Đây là cảnh vật đã nhuốm màu tâm trạng.

Câu 2: Nêu cảm nhận về cảnh ngộ, tâm trạng của Thuý Kiều trong hai câu thơ: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”.

Bài giải chi tiết:

- Cảnh ngộ đáng thương: “Bẽ bàng mây sớm đèn khuya” – một mình trơ trọi với nỗi tủi thẹn và cảm giác bơ vơ, lẻ loi; không có ai quan tâm tới, chỉ có “mây sớm, đèn khuya” bầu bạn,...

- Tâm trạng đau buồn: “Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng” – cảnh thì hoang vắng, ảm đạm; tình thì cô đơn, bẽ bàng; nỗi đau như cầm dao cắt ruột...

Câu 3: Kỉ niệm nào sống dậy trong tâm trí khi Thuý Kiều nhớ về Kim Trọng? Kỉ niệm ấy đã khơi lên những cảm xúc, suy nghĩ gì?

Bài giải chi tiết:

- Khi nhớ về Kim Trọng, kỉ niệm tình yêu sống dậy trong tâm trí Thuý Kiều: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Đó là đêm thề nguyền với chén rượu đồng tâm cùng uống dưới ánh trăng (Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song), là điểm mốc đánh dấu sự gắn bó sâu nặng, thiêng liêng giữa hai người (Tóc tơ căn vặn tấc lòng/ Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương).

- Kỉ niệm ấy đã khơi lên ở Thuý Kiều cả nỗi nhớ nhung, tình yêu và nỗi đau. Bởi lẽ, chén rượu thề nguyền “chưa ráo” mà nàng đã phải gác lời hẹn ước để bán mình cứu cha và em. Dẫu chia li, cách trở nhưng tình yêu và lời thề nguyền thuỷ chung son sắt ấy vẫn sâu đậm, không biết đến bao giờ mới có thể nguôi ngoai.

Câu 4: Hình ảnh cha mẹ hiện lên như thế nào trong nỗi nhớ của Thuý Kiều?

Bài giải chi tiết:

- Hình ảnh cha mẹ hiện lên trong nỗi nhớ của Thuý Kiều: ngày đêm nhớ thương, mong ngóng, trông đợi tin tức của con (Xót người tựa cửa hôm mai...). Nhớ về cha mẹ, nàng hiểu tấm lòng cha mẹ thương con; nàng lo lắng cho cha mẹ tuổi tác đã cao mà mình không còn được ở bên để sớm hôm chăm lo, săn sóc,..

- Nỗi nhớ thương này đã thể hiện tính cách hiếu thảo, vị tha của Thuý Kiều. Dẫu bản thân đang ở trong cảnh ngộ đáng thương (bị Mã Giám Sinh lừa bán vào lầu xanh, bị Tú Bà giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, một mình bơ vơ, trơ trọi nơi đất khách quê người,..) nhưng nàng vẫn lo lắng cho cha mẹ, đau buồn vì không còn được chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ.

Câu 5: Theo em, trình tự miêu tả nỗi nhớ của Thuý Kiều (nhớ người yêu, nhớ cha mẹ) có hợp lí không? Vì sao?

Bài giải chi tiết:

- Theo trình tự thông thường và trong bối cảnh xã hội phong kiến (tuyệt đối đề cao chữ hiếu, không cho phép trai gái tự do yêu đương; coi việc người con gái “tơ tưởng” người con trai là trái với lễ giáo;...), tác giả sẽ phải để cho nhân vật Thuý Kiều nhớ thương cha mẹ trước khi nhớ nhung người yêu.

- Trình tự miêu tả nỗi nhớ của nhân vật Thuý Kiều (nhớ người yêu trước, nhớ cha mẹ sau) vẫn chặt chẽ, hợp lí. Bởi vì:

+ Khi gia đình gặp tai biến, Thuý Kiều đã hi sinh tình yêu, bán mình để cứu cha và em (Để lời thệ hải minh sơn/Làm con trước phải đền ơn sinh thành). Trước khi phải đi theo Mã Giám Sinh, nàng đã lo liệu, thu xếp mọi việc cho gia đình mình vẹn toàn, chu đáo nên có thể tạm yên lòng.

+ Vì gia đình, Thuý Kiều đã phải phụ lời thề nguyền sâu nặng với Kim Trọng. Nàng mang nặng nỗi đau và cảm giác có lỗi với người yêu (Vì ta khăng khít cho người dở dang; Nghĩ đâu rẽ cửa chia nhà tự tôi; Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây...); nhất là khi Kim Trọng chưa hề hay biết tình yêu của họ đã thành dang dở, tan vỡ (Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!).

Câu 6: Nêu tác dụng của biện pháp tu từ điệp ngữ được sử dụng trong tám dòng thơ cuối.

Bài giải chi tiết:

- Điệp ngữ (Buồn trông...) ở tám dòng thơ cuối có tác dụng thể hiện và nhấn mạnh nỗi buồn triền miên, chồng chất trong lòng Thuý Kiều. Nỗi buồn đó không chỉ trào dâng trong tâm hồn mà còn bao trùm mọi khoảng không gian của đất trời, sông nước,...

Câu 7: Trong tám dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng rất thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình. Hãy phân tích bức tranh thiên nhiên và diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều.

Bài giải chi tiết:

Trong tám dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình để miêu tả diễn biến tâm trạng của Thuý Kiều. Mỗi khung cảnh thiên nhiên là một tấm gương phản chiếu tâm tư, nỗi niềm của con người.

– Bức tranh hoàng hôn nơi cửa biển ẩn chứa nỗi cô đơn, lẻ loi, cảm giác bất an, vô định: không gian sông nước mênh mông; thời gian chiều hôm càng khơi thêm nỗi buồn nhớ; hình ảnh con thuyền, cánh buồm thấp thoáng, xa dần và cánh hoa trôi dạt như thân phận nhỏ nhoi, lênh đênh, không biết đi đâu, về đâu,...

– Khung cảnh “nội cỏ” ảm đạm, hoang vắng gợi cảm giác bơ vơ, lạc lõng nơi đất khách quê người: cỏ cây như ủ rũ, héo tàn (nội cỏ dàu dàu); không gian trải ra dài, rộng (chân mây mặt đất) – nhìn hết tầm mắt cũng chỉ thấy một màu xanh xanh – xa lạ, trống vắng và hiu quạnh.

– Cảnh tượng sóng gió cuồn cuộn, dữ dội phản chiếu những lo âu, hãi hùng trước dòng đời đầy biến động: hình ảnh gió cuốn mặt duềnh gợi cảnh sóng to gió lớn lúc thuỷ triều dâng; âm thanh của tiếng sóng kêu réo kề bên như dự cảm về những sóng gió của số phận sắp ập xuống cuộc đời Thuý Kiều;...

Bài tập 5: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

KIỀU NGUYỆT NGA CẢM TẠ LỤC VÂN TIÊN

Thưa rằng: “Tiện thiếp đi đường,

Chẳng hay quân tử quê hương nơi nào?

Phút nghe lời nói thanh tao,

Vân Tiên hả nỡ lòng nào phui pha

“Đông Thành vốn thiệt quê ta,

Họ là Lục thị tên là Vân Tiên”

Nguyệt Nga vốn đấng thuyền quyên

Tai nghe lời nói tay liền rút trâm.

Thưa rằng: “Nay gặp tri âm,

Xin đưa một vật để cầm làm tin”.

Vân Tiên ngơ mặt chẳng nhìn,

Nguyệt Nga liếc thấy lòng thìn nết na

“Vật chi một chút gọi là,

Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ.

Của này là của vất vơ,

Lòng chê cũng phải mặt ngơ sao đành”

Vân Tiên khó nỗi làm thinh,

Chữ ân buộc lại chữ tình lây dây”.

Than rằng: “Đó khéo trêu đây,

Ơn kia đã mấy của nầy rất sang.

Đương khi gặp gỡ giữa đàng,

Một lời cũng nhớ ngàn vàng chẳng phai.

Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài,

Nào ai chịu lấy của ai làm gì”.

Thưa rằng: “Chút phận nữ nhi,

Vốn chưa biết lẽ có khi mất lòng.

Ai dè những đấng anh hùng,

Thấy trâm thôi lại thẹn thùng cùng trâm

Riêng than: “Trâm hỡi là trâm,

Vô duyên chi bấy ai cầm mà mơ.

Đưa trâm chàng đã làm ngơ,

Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ

[...]

Vân Tiên từ giã phản hồi,

Nguyệt Nga than thở: “Tình ôi là tình!

Nghĩ mình mà ngán cho mình,

Nỗi ân chưa trả nỗi tình lại vương.

Nặng nề hai chữ uyên ương,

Chuỗi sầu ai khéo vấn vương vào lòng.

Nguyện cùng Nguyệt lão hỡi ông,

Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an.

Hữu tình chi bấy Ngưu Lang,

Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng.

Thôi thôi em hỡi Kim Liên,

Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”.

(Theo Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập I, NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980, tr. 100 – 102)

Câu 1: Tóm tắt nội dung của đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Nội dung đoạn trích:

– Kiều Nguyệt Nga cảm tạ và tặng Lục Vân Tiên cây trâm nhưng chàng từ chối.

– Kiều Nguyệt Nga xin được làm thơ tặng Lục Vân Tiên để từ biệt.

– Kiều Nguyệt Nga tương tư Lục Vân Tiên.

Câu 2: Hãy chỉ ra đâu là lời người kể chuyện, đâu là lời nhân vật.

Bài giải chi tiết:

- Lời người kể chuyện: “Phút nghe lời nói thanh tao/ Vân Tiên hả nỡ lòng nào phui pha”; “Nguyệt Nga vốn đang thuyền quyên/ Tai nghe lời nói tay liền rút trầm”.

- Lời nhân vật: “... Nay gặp tri âm/Xin đưa một vật để cầm làm tin” (Kiều Nguyệt Nga); “Nhớ câu trọng nghĩa khinh tài/ Nào ai chịu lấy của ai làm gì” (Lục Vân Tiên)...

Câu 3: Kẻ bảng (vào vở) theo mẫu sau và điền thông tin phù hợp vào các ô trống:

LỜI NHÂN VẬT KIỀU NGUYỆT NGA

STT

Lời đối thoại

Lời độc thoại

1

Bài giải chi tiết:

LỜI NHÂN VẬT KIỀU NGUYỆT NGA

Lời đối thoại

Lời độc thoại

“Vật chi một chút gọi là/ Thiếp thưa chưa dứt chàng đã làm ngơ”

- Riêng than: “Trâm hỡi là trâm/ Vô duyên chi bấy ai cầm mà mơ”

Câu 4: Trong đoạn trích, nhân vật Lục Vân Tiên chủ yếu được khắc hoạ bằng các chi tiết nào? Ấn tượng nổi bật của em về nhân vật là gì?

Bài giải chi tiết:

Trong đoạn trích, nhân vật Lục Vân Tiên chủ yếu được khắc hoạ qua lời đối thoại. Khi nêu cảm nhận chung về nhân vật, cần lưu ý những phẩm chất nổi bật như: tinh thần hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài,...

Câu 5: Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật Kiều Nguyệt Nga được thể hiện trong 12 dòng thơ cuối.

Bài giải chi tiết:

- Tâm sự ngổn ngang, bối rối: “Nỗi ân chưa trả nỗi tình lại vương” – chưa báo đáp được ơn cứu mạng của Lục Vân Tiên thì đã đem lòng yêu thương chàng.

- Tình cảm yêu thương, gắn bó và giấc mơ thành đôi lứa: “Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an/ Hữu tình chi bấy Ngưu Lang/ Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà nghiêng”.

Câu 6: Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

- Nhân vật chủ yếu được khắc họa qua các chi tiết miêu tả lời nói và cử chỉ, hành động.

- Lời nhân vật, đặc biệt là lời độc thoại, đã thể hiện được cảm xúc, suy nghĩ và đặc điểm tính cách của nhân vật.

Câu 7: Xác định và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ in đậm:

Nặng nề hai chữ uyên ương,

Chuỗi sầu ai khéo vấn vương vào lòng.

Bài giải chi tiết:

- Biện pháp tu từ: đảo ngữ

- Tác dụng: Thể hiện giá trị thể hiện tình yêu vừa nảy nở mà đã mãnh liệt, sâu sắc trong trái tim Kiều Nguyệt Nga.

Bài tập 6: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

NGỌC HOA ĐỐI MẶT VỚI BẠO CHÚA

(Trích Phạm Tải – Ngọc Hoa, khuyết danh)

Vua truyền nàng Ngọc đến đây,

Tức thì chỉ phán ra ngay một nhời:

“Chồng nàng ta hỏi đầu đuôi,

Quyết về giới hạnh, còn ngươi thế nào?

Ta nay quyền cả, ngôi cao,

Vì nàng một chút, tổn hao muôn nhời

Nghe vua nói hết khúc nhôi,

Nàng liền quỳ xuống mọi nhời liền tâu:

“Chúng tôi duyên bén cùng nhau,

Đức vua phán thế lấy đâu công bằng?

Nữ nhi phận phải chữ tòng,

Mặt trời lặn quả bóng trăng khôn vì.

Ví dù tôi chửa vu quy,

Vua thương nạp dụng, thế thì ai đương?

Nay tôi duyên kiếp cùng chàng,

Nỡ nào phụ nghĩa tạo khang cho đành?

Vua nay pháp luật công bình,

Thiên hạ thuận tình, thần quỷ vâng uy.

Cung tần mĩ nữ thiếu chi

Mà vua phải ép nữ nhi có chồng?

Dù vua xử ức má hồng

Thời tôi tự vẫn, khỏi lòng bội phu”

Nhời sao thảm thiết cay chua,

Làm cho ảo não, xót xa muôn phần!

(Kho tàng truyện Nôm khuyết danh, tập 1, Bùi Văn Vượng Chủ biên, NXB Văn học, Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr. 28 – 29)

Câu 1: Tóm tắt sự việc được kể trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Đoạn trích kể lại sự việc Ngọc Hoa đối đầu với Trang Vương để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc gia đình.

Câu 2: Xác định lời của người kể chuyện và lời nhân vật trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Lời người kể chuyện

Lời nhân vật

- Vua truyền nàng Ngọc đến đây,/

Tức thì chỉ phán ra ngay một nhời.

- Nghe vua nói hết khúc nhôi,/

Nàng liền quỳ xuống mọi nhời liền tâu.

….

- Chồng nàng ta hỏi đầu đuôi/

Quyết về giới hạnh, còn ngươi thế nào? (Trang Vương)

- Chúng tôi duyên bén cùng nhau/

Đức vua phán thế lấy đâu công bằng? (Ngọc Hoa)

Câu 3: Nhân vật Trang Vương hiện lên như thế nào qua lời đối thoại?

Bài giải chi tiết:

Lời đối thoại với Ngọc Hoa đã bộc lộ bản chất háo sắc, vô đạo của Trang Vương Em dựa vào các câu hỏi gợi ý để hoàn thành bài tập: Trang Vương nói gì với Ngọc Hoa? Những điều Trang Vương nói có phù hợp với đạo lí, với địa vị và bổn phận của một ông vua không? Những lời đó cất lên ở đâu.

Câu 4: Nêu các nội dung chính trong lời đối thoại của nhân vật Ngọc Hoa.

Bài giải chi tiết:

Nội dung chính trong lời đối thoại của nhân vật Ngọc Hoa:

– Khẳng định tình nghĩa vợ chồng thuỷ chung, sâu nặng với Phạm Tải

– Lên án hành động trái với đạo lí của Trang Vương;

– Thể hiện tinh thần phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt.

Câu 5: Phân tích đặc điểm tính cách của nhân vật Ngọc Hoa được thể hiện trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Nhân vật Ngọc Hoa trong đoạn trích chủ yếu được khắc họa qua lời đối thoại với Trang Vương.

– Người phụ nữ trọng nghĩa tình, thuỷ chung, son sắt; không màng vinh hoa phú quý:

+ Thẳng thừng chối từ “cơ hội” trở thành hoàng hậu: “Nữ nhi phận phải chữ tòng, Mặt trời lặn quả bóng trăng khôn vì

+ Bày tỏ tình nghĩa sâu nặng, thuỷ chung với chồng: “Nay tôi duyên kiếp cùng chàng,/ Nỡ nào phụ nghĩa tao khang cho đành?”.

- Người phụ nữ mạnh mẽ, can đảm, giàu tinh thần phản kháng:

+ Ngay giữa triều đình, nàng đã chất vấn và phơi bày hành động xấu xa, vô đạo của Trang Vương: “Chúng tôi duyên bén cùng nhau,/ Đức vua phán thế lấy đâu công bằng?”; “Cung tần mĩ nữ thiếu chi/ Mà vua phải ép nữ nhi có chồng?”.

+ Không ngần ngại bày tỏ sự phản kháng quyết liệt: “Dù vua xử ức má hồng/ Thì tôi tự vẫn, khỏi lòng bội phu”.

Câu 6: Trong lời đối thoại của nhân vật Ngọc Hoa, nhiều câu có hình thức câu hỏi. Hãy liệt kê và nêu tác dụng của chúng.

Bài giải chi tiết:

- Các câu có hình thức câu hỏi: “Đức vua phán thế lấy đâu công bằng?”, “Vua thương nạp dụng, thế thì ai đương?”, “Nỡ nào phụ nghĩa tao khang cho đành?”, “Mà vua phải ép nữ nhi có chồng?”...

- Tác dụng:

+ Thể hiện giá trị biểu hiện tính cách nhân vật Ngọc Hoa (thông minh, can đảm, dám chất vấn tên vua vô đạo);

+ Thể hiện tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả (tố cáo, lên án Trang Vương, khẳng định, ngợi ca trí tuệ, bản lĩnh, thái độ, phẩm giá của nàng Ngọc Hoa).

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức , Giải VBT Ngữ văn 9 KNTT, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 3: Đọc hiểu và thực hành tiếng

Bình luận

Giải bài tập những môn khác