Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối Bài 1: Đọc hiểu và thực hành tiếng Việt

Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức Bài 1: Đọc hiểu và thực hành tiếng Việt. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

BÀI 1 – THẾ GIỚI ẢO – ĐỌC HIỂU VÀ THỰC HÀNH TIẾNG VIỆT

Bài tập 1: Đọc lại văn bản Chuyện người con gái Nam Xương (SGK, tr. 10 – 15) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ có nguồn gốc từ một câu chuyện dân gian. Điều này có ý nghĩa gì?

Bài giải chi tiết:

- Câu chuyện có nguồn gốc dân gian từ Vợ chàng Trương. Điều này cho thấy, truyện dân gian là một nguồn cốt truyện được các tác giả viết truyện truyền kì sử dụng để sáng tạo nên tác phẩm.

Câu 2: Căn cứ vào văn bản, em hãy liệt kê những sự việc kể về cuộc đời của nhân vật Vũ Nương từ khi được gả cho Trương Sinh đến khi trẫm mình ở sông Hoàng Giang. Các sự việc đó được kể theo trình tự nào?

Bài giải chi tiết:

- Những sự việc kể về cuộc đời của nhân vật Vũ Nương từ khi được gả cho Trương Sinh đến khi nhảy xuống sông Hoàng Giang tự vẫn: tên là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương, tính tình thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp, được Trương Sinh – con nhà hào phú nhưng ít học, mang một trăm lạng vàng xin cưới về. → Đất nước có giặc ngoại xâm, Trương Sinh phải lên đường đi lính chống giặc. → Mẹ Trương Sinh vì quá nhớ con nên đã sinh bệnh rồi qua đời; khi mẹ chồng mất, Vũ Nương lo ma chay tế lễ chu đáo như đối với cha mẹ đẻ. → Dẹp giặc xong, Trương Sinh trở về nhà, khi nghe được lời nói ngây thơ của con trẻ thì nảy sinh mối nghi ngờ vợ không chung thuỷ. → Vũ Nương bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi, không thể giải toả nỗi oan khuất bèn gieo mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn.

- Các sự việc trên được kể theo trật tự tuyến tính, việc xảy ra trước, kể trước, việc xảy ra sau, kể sau.

Câu 3: Nêu một chi tiết kì ảo trong truyện Chuyện người con gái Nam Xương để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.

Bài giải chi tiết:

Trong Chuyện người con gái Nam Xương có nhiều chi tiết kì ảo gây ấn tượng, một trong số đó là chi tiết Phan Lang đêm nằm mộng thấy có người con gái áo xanh đến xin tha mạng. Sáng dậy, có người phường chài đem biểu một con rùa mai xanh, chàng nhớ lại câu chuyện nằm mơ, bèn thả con rùa ấy. Con rùa mai xanh đó chính là Linh Phi hoá thân. Sau này Phan Lang chạy giặc Minh, chết đuổi, thây dạt vào động rùa của Linh Phi, được Linh Phi cứu, đãi yến tiệc rồi gặp và trò chuyện với Vũ Nương dưới cung nước.

Câu 4: Chi tiết khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt khóc” và “quả quyết đổi giọng:... tôi tất phải tìm về có ngày có tác dụng gì trong việc thể hiện chủ đề của tác phẩm?

Bài giải chi tiết:

-Khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt khóc” và “quả quyết đổi giọng: … tôi tất phải tìm về có ngày”. Điều này cho thấy Vũ Nương còn nặng tình nặng nghĩa với chồng con, mặt khác, nàng cũng mong được giải oan, bảo toàn danh dự và nhân phẩm. Chi tiết này đã góp phần hoàn thiện nét đẹp của người phụ nữ thuỷ chung, nhân hậu, giàu lòng tự trọng.

Câu 5: Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.

Em hãy cho biết, hình ảnh núi Vọng Phu trong câu văn trên gợi nhắc đến điển tích, điển cố nào và việc sử dụng điển tích, điển cố đó có tác dụng gì.

Bài giải chi tiết:

Hình ảnh núi Vọng Phu trong câu văn gợi nhắc đến điển tích núi Vọng Phu. Đó là câu chuyện nàng Tô Thị bồng con đợi chồng đến hoá đá, giữ trọn lòng thuỷ chung và tiết hạnh của mình. Việc sử dụng điển tích ở đây đã góp phần tô đậm thêm nỗi đau của Vũ Nương: xót xa khi nghĩ rằng ngay cả cái thân phận người đàn bà chờ chồng đến hoá đá như nàng Tô Thị, nàng cũng không mong có được vì đã mang tiếng xấu.

Bài tập 2: Đọc từ câu “Về đến nhà, chàng la um lên cho hả giận.” đến câu “Chàng tuy giận là nàng thất tiết, nhưng thấy nàng tự tận cũng động lòng thương, tìm vớt thây nàng, nhưng chẳng thấy tăm hơi đâu cả.” trong văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (SGK, tr. 12 – 13) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Nêu những chi tiết tiêu biểu miêu tả thái độ và hành động của Vũ Nương khi bị Trương Sinh nghi oan, chửi mắng và đánh đuổi đi. Những chi tiết đó cho em cảm nhận gì về vẻ đẹp của nhân vật Vũ Nương?

Bài giải chi tiết:

Khi bị Trương Sinh nghi oan, chửi mắng và đánh đuổi đi, Vũ Nương đã nói với chàng: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng vì có cái thú vui nghi gia nghi thất. Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồm xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa.”. Nói xong, nàng tắm gội chay sạch, ra bến Hoàng Giang ngửa mặt lên trời mà than rồi gieo mình xuống sông tự vẫn. Qua những chi tiết đó, ta cảm nhận được những nét đẹp trong tính cách của nhân vật Vũ Nương: Nàng là một người phụ nữ khao khát hạnh phúc, hết lòng vun đắp cho tổ ấm gia đình nên vô cùng đau khổ, tuyệt vọng khi vợ chồng lìa tan, không thể níu kéo.

Câu 2: Qua lời than trước khi trẫm mình ở sông Hoàng Giang, Vũ Nương muốn bày tỏ điều gì?

Bài giải chi tiết:

Vũ Nương muốn khẳng định: Dù mình là “kẻ bạc mệnh”, “duyên phận hẩm hiu”, song vẫn đầy lòng tự trọng, mong thần sông thấu hiểu đức hạnh và chứng giám nỗi oan khuất của mình, từ đó, mong được minh oan cho tấm lòng thuỷ chung, trong trắng.

Câu 3: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ”. Theo em, việc nhắc đến hai điển tích ngọc Mị Nương và cỏ Ngu Mĩ trong câu văn trên mang lại hiệu quả gì?

Bài giải chi tiết:

Tác dụng: làm nổi bật tấm lòng trong trắng, thuỷ chung của Vũ Nương. Nàng muốn khẳng định dù có chết vẫn giữ sự trong sạch như ngọc trai trong giếng nước, vẫn thuỷ chung, son sắt như tấm lòng của nàng Ngu Cơ với Hạng Vương.

Câu 4: Tìm từ Hán Việt có yếu tố nghi đồng âm với nghi trong nghi oan.

Bài giải chi tiết:

Từ Hán Việt có yếu tố nghi đồng âm với yếu tố nghi trong nghi oannghi thức, uy nghi,..

Bài tập 3: Đọc từ câu “Bấy giờ Phan mới nhận đích người ấy là Vũ Nương và gạn hỏi duyên cớ” đến câu “Rồi trong chốc lát, bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.” trong văn bản Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (SGK, tr. 14 – 15) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Các sự việc trong đoạn trích trên được kể theo trình tự nào?

Bài giải chi tiết:

Các sự việc trong đoạn trích được kể theo trình tự tuyến tính, việc xảy ra trước kể trước, việc xảy ra sau, kể sau: Đầu tiên là việc Phan Lang gặp và nói chuyện với Vũ Nương, tiếp đó, ngày hôm sau Linh Phi sai sứ giả Xích Hỗn đưa Phan ra khỏi nước để trở về dương gian, Phan Lang đem chuyện kể lại với họ Trương, Trương Sinh lập đàn giải oan cho Vũ Nương, Vũ Nương trở về trên bến Hoàng Giang nói lời cuối cùng với Trương Sinh sau đó quay trở lại cung nước.

Câu 2: Cho biết Phan Lang trò chuyện với Vũ Nương trong hoàn cảnh nào.

Bài giải chi tiết:

Hoàn cảnh: Phan Lang được Linh Phi cứu, bày yến tiệc thết đãi. Trong buổi tiệc đó, Phan Lang gặp Vũ Nương.

Câu 3: Câu nói của Vũ Nương: “Thiếp cảm ơn đức của Linh Phi, đã thề sống chết cũng không bỏ. Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa.” cho em thấy được nét đẹp gì trong tính cách của nhân vật?

Bài giải chi tiết:

Góp phần bổ sung, hoàn thiện thêm nét đẹp của Vũ Nương – người phụ nữ thuỷ chung, nhân hậu, nghĩa tình, không quên ơn những người đã giúp đỡ mình lúc khó khăn, hoạn nạn.

Câu 4: So với truyện cổ mà Nguyễn Dữ dựa vào để sáng tác, Chuyện người con gái Nam Xương có thêm đoạn kết kì ảo (cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương chốn cung nước; lần gặp mặt ngắn ngủi của Vũ Nương và Trương Sinh, sau đó là chia li vĩnh viễn). Với cách kết như vậy, em thấy truyện kết thúc có hậu hay không? Vì sao?

Bài giải chi tiết:

Cách kết truyện như vậy không thể xem là có hậu, bởi vì, mặc dù Vũ Nương đã được minh oan, nhưng vẫn không được sống cuộc đời hạnh phúc như nàng hằng khao khát và xứng đáng được hưởng.

Câu 5: Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày.

Hãy cho biết câu văn trên nhắc đến điển tích, điển cố nào và việc sử dụng điển tích, điển cố đó có tác dụng gì.

Bài giải chi tiết:

Câu “Vả chăng, ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam. Cảm vì nỗi ấy, tôi tất phải tìm về có ngày” có nhắc đến điển tích “ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam”. Ngựa Hồ là ngựa ở đất Hồ - phương bắc (Trung Quốc). Ngựa Hồ tuy về trung nguyên, là nơi tương đối ấm áp nhưng vẫn nhớ đến đất Hồ lạnh giá mỗi độ đông về. Vì thế, mỗi khi có gió bắc thổi đến, tuyết rơi lả tả, dù ở nơi đâu, ngựa Hồ vẫn hí lên. Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt - phương nam (phía nam của Trung Quốc). Dù ở đâu, chim Việt cũng luôn nhớ khí hậu ấm áp ở phương nam nên thường tìm cành cây phía nam để đậu. Như vậy, ở đây, nàng Vũ Nương dùng điển tích “ngựa Hồ gầm gió bắc, chim Việt đậu cành nam” để bày tỏ: mặc dù ở nơi cung nước, có cuộc sống đủ đây, sung sướng, nàng vẫn luôn nhớ nhà, nhớ quê.

Bài tập 4: Đọc từ câu “Đời Tuyên Đức nhà Minh, trong cung rất chuộng trò chọi dế, hàng năm bắt dân gian dâng nộp” đến câu “Quan trên theo hạn trách phạt, qua hơn mười ngày Thành đã bị đánh trăm trượng, hai mông máu me bê bết, ngay cả sâu con cũng không sao đi mà bắt nữa, trăn trở trên giường chỉ nghĩ tới việc tự tử” trong văn bản Dế chọi của Bồ Tùng Linh (SGK, tr. 18 – 19) và trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Trong đoạn trích, có những thông tin nào về không gian và thời gian gắn với câu chuyện? Em có nhận xét gì về thông tin đó?

Bài giải chi tiết:

- Trong đoạn trích, có những từ ngữ cho biết thông tin về không gian và thời gian gắn với câu chuyện:

Không gian: trong cung vua, tỉnh Thiểm Tây, huyện Hoa Âm, làng quê của Thành, trong nhà Thành.

Thời gian: đời Tuyên Đức nhà Minh; hằng năm, dân gian phải dâng nộp đế cho quan; chưa đầy một năm, gia sản của Thành đã cạn kiệt; hằng ngày, từ sớm đến tối Thành phải tìm đủ mọi cách bắt dế; qua hơn mười ngày, Thành bị đánh trăm trượng, máu me bê bết.

- Nhận xét: Không gian và thời gian trong đoạn trích được nêu cụ thể, xác thực, gắn với cuộc sống của nhân vật. Điều này làm gia tăng tính chất hiện thực của tác phẩm.

Câu 2: Nhân vật chính được giới thiệu trong đoạn trích là ai? Đoạn trích giúp em hiểu gì về nhân vật đó?

Bài giải chi tiết:

- Nhân vật chính trong đoạn trích là Thành.

- Đoạn trích giúp người đọc hiểu về nhân vật Thành qua các thông tin cơ bản: Thành là một người trẻ tuổi, hiểu kinh sách (dự khoa Đồng tử); đã có gia đình riêng; tính chất phác nên bị ép giữ một chức nhỏ trong làng (lí chính); không dám sách nhiễu dân về chuyện nộp dế; gia sản mau chóng cạn kiệt, bị đánh đập tàn tệ đến mức bi quan, chán nản, muốn tự tử. Như vậy, nhân vật Thành được khắc hoạ qua cái nhìn cảm thông của nhà văn, tương thích với không gian và thời gian trong truyện, cùng làm nên giá trị hiện thực của tác phẩm.

Câu 3: Những chi tiết, sự việc nào trong đoạn trích phản ánh sự bất thường của hiện thực xã hội? Điều đó có ý nghĩa gì?

Bài giải chi tiết:

- Chỉ trong một đoạn trích ngắn, tác giả đã cho thấy hiện thực xã hội có nhiều điều bất thường: chọi dế vốn là một trò chơi dân gian bình thường nơi thôn dã, vậy mà ở thời này, đến cả vua cũng mê một cách kì lạ; chuyện mê chọi để trong cung đã chi phối sâu sắc cuộc sống của muôn dân: quan to thì ép quan nhỏ phải tìm cách nộp dễ để dâng vua; quan nhỏ thì không từ thủ đoạn nào để có để đem hiến quan to; vì trò chọi dế mà trong dân có người đến khuynh gia bại sản, thậm chí có thể mất mạng.

- Qua những chi tiết, sự việc ấy, ta bắt gặp cái nhìn và thái độ phê phán xã hội thâm thuý, sâu sắc của tác giả.

Câu 4: Nhận xét về ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Đoạn trích có cả ngôn ngữ của người kể chuyện và ngôn ngữ của nhân vật. Tuy nhiên, ngôn ngữ của nhân vật rất ít (chỉ có một câu nói của vợ Thành “Chết thì có ích gì, chẳng bằng cứ tự tìm bắt, biết đâu cũng được một con”, còn lại là lời của người kể chuyện ngôi thứ ba). Lời người kể chuyện có chức năng giới thiệu không gian, thời gian, nhân vật, miêu tả sự việc,... Lời người kể chuyện ở đoạn này không sử dụng điển tích, điển cố cho nên tương đố giản dị, có tác dụng tái hiện chân thực bức tranh xã hội. Tuy lời kể có tính khách quan, nhưng người kể chuyện cũng bộc lộ phần nào thái độ của mình trước những gì đang diễn ra: cảm thông với những nạn nhân của trò chơi chọi dế, căm ghét bọn quan lại lợi dụng việc nộp đế để ức hiếp dân lành, thể hiện thái độ phê phán xã hội kín đáo mà sâu sắc.

Câu 5: Yếu tố gian trong từ gian giảo có nghĩa là gì? Yếu tố đó đồng nghĩa với yếu tố gian trong từ nào sau đây: gian tham, gian nan, gian truân, gian ngoan, gian khổ, gian phi? Đặt câu có sử dụng một từ có yếu tố gian đồng nghĩa với gian trong gian giảo.

Bài giải chi tiết:

- Yếu tố gian trong từ gian giảo có nghĩa là dối trá, lừa lọc. Yếu tố đó đồng nghĩa với gian trong các từ: gian tham, gian ngoan, gian phi.

- Đặt câu có sử dụng một từ có yếu tố gian đồng nghĩa với gian trong gian giảo là: Trong truyện cổ tích, những kẻ gian phi bao giờ cũng chịu kết cục cay đắng.

Bài tập 5: Đọc từ câu “Bỗng nghe tiếng dế gáy ngoài cửa, Thành giật mình vùng dậy nhìn thì dế vẫn còn sờ sờ, mừng rỡ chụp lấy” đến câu “Thành càng kinh ngạc mừng rỡ, vội bắt dế bỏ vào lồng.” trong văn bản Dế chọi của Bồ Tùng Linh (SGK, tr. 20 – 21) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Liệt kê theo trật tự trước sau các sự việc được kể lại trong đoạn trích.

Bài giải chi tiết:

Các sự việc tuần tự được kể trong đoạn trích: Bỗng nghe tiếng dế gáy ngoài cửa, Thành mừng rỡ chụp lấy, tuy khó khăn nhưng cuối cùng cũng bắt được. Thành thấy con dế hình dáng như con chó, định đưa nộp quan nhưng không yên tâm, bèn nghĩ cách cho chọi thử. → Nhân có gã thiếu niên trong thôn đem con dế tốt đến thách đấu, Thành cho chọi thử, kết quả đế của Thành đã cắn cổ đối thủ và thắng một cách ngoạn mục. → Chợt có con gà xông tới định mổ con dế của Thành, không ngờ sau một lát, con dế đã cắn chặt mào gà, khiến con gà ngã lăn ra. → Thành kinh ngạc bắt dế bỏ vào lồng.

Câu 2: Những chi tiết nào trong đoạn trích cho thấy tác giả đã dùng yếu tố kì ảo để miêu tả con dế mà Thành mới bắt được?

Bài giải chi tiết:

Chi tiết: Con dế kêu to một tiếng; Thành chụp thì thấy trống không như không có gì, nhưng giơ tay ra thì nó lại vọt lên; con dế cứ thoắt ẩn thoắt hiện; bắt được thì thấy nó có hình dáng như con chó; đối diện với một con dế to khoẻ từng nhiều lần thắng cuộc, nó không hề động đậy, nhưng khi bị chọc giận, nó nhảy vào cắn cổ địch thủ, thậm chí còn cắn chặt mào con gà khiến gà rướn cổ lăn ra. Một con dế như thế quả là khác thường, chưa từng thấy trên đời. Các chi tiết đó báo hiệu những sự lạ lùng tiếp theo sắp xảy ra và cái kết sẽ rất bất ngờ.

Câu 3: Nhìn thấy con dế mới xuất hiện, Thành có tâm trạng và hành động như thế nào? Tâm trạng và hành động đó cho thấy điều gì?

Bài giải chi tiết:

- Trước đó, theo sự chỉ dẫn của bà đồng, Thành đã từng bắt được một con để quý. Nhưng con dế đó đã bị đứa con trai chín tuổi vô tình làm chết. Vì thế, khi nghe có tiếng dế gáy ngoài cửa, Thành mới “giật mình vùng dậy” rồi “mừng rỡ chụp lấy”. Thành cứ liên tục đuổi theo chụp con dế hết lần này đến lần khác, chưa bắt được thì “ngơ ngẩn” và khi bắt được thì “ngắm kĩ”, thấy “có vẻ như đế hay, bèn mừng giữ lại”.

- Tâm trạng và hành động của Thành cho thấy lúc này, điều hệ trọng nhất đối với nhân vật là làm sao có được con dế quý để nộp quan. Dù chưa biết con dế mới bắt được thực chất là như thế nào, nhưng có được dế là điều quan trọng, vì nó đem đến một niềm hi vọng.

Câu 4: Lí do nào khiến Thành quyết định cho dế của mình chọi với con dế xanh vỏ cua khoẻ mạnh của gã thiếu niên trong thôn? Trận đấu giữa hai con dế có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của câu chuyện?

Bài giải chi tiết:

- Khi nhìn thấy con dế to lớn, khoẻ mạnh của gã thiếu niên, so sánh với con đế mà mình mới bắt được, Thành cảm thấy xấu hổ, không dám cho chọi thử. Nhưng gã thiếu niên cứ ép, khiến Thành nghĩ rằng: Nuôi con dế dở như thế này thì cũng vô ích, vậy cứ cho nó chọi thử để mua vui. Hẳn Thành chẳng hề tiếc nếu dế của mình bị con dế to khoẻ kia hạ gục.

- Tuy nhiên, nhờ trận đấu này mà con dế nhỏ của Thành mới có cơ hội bộc lộ khả năng kì lạ: không những cắn cổ con dế to khoẻ kia mà còn nhảy lên cắn cả mào gà khiến con gà ngã lăn ra. Chứng kiến những sự lạ lùng đó Thành mới dám đem nộp con dế nhỏ cho tri huyện. Mọi diễn biến sau này của câu chuyện đều được quyết định bởi “chiến tích” của con dế.

Câu 5: Con dế nổi giận xông thẳng ra, lúc sắp đánh thì phùng cánh gáy lớn, rồi vểnh râu cong đuôi nhảy xổ tới cắn cổ địch thủ.

a. Giải nghĩa yếu tố thủ trong từ địch thủ.

b. Tìm một từ Hán Việt có yếu tố thủ đồng âm với thủ trong địch thủ và đặt câu có sử dụng từ đó.

Bài giải chi tiết:

a. Thủ trong địch thủ có nghĩa là người giỏi một nghề hoặc chuyên một việc.

b.

- Phòng thủ là một từ Hán Việt có yếu tố thủ đồng âm với yếu tố thủ trong địch thủ. Thủ trong phòng thủ có nghĩa là giữ.

- Đặt câu có sử dụng từ phòng thủ: Khi đánh cờ, phải luôn biết phối hợp nhịp nhàng giữa tấn công và phòng thủ.

Bài tập 6: Đọc từ câu “Hôm sau đem dâng tri huyện, quan thấy dế nhỏ quát Thành, Thành kể lại chuyện lạ, quan không tin, cho chọi thử với dế của người khác đều thắng, lại đem gà ra thử thì quả như lời Thành nói” đến câu “Quan tỉnh lại trọng thưởng, không quá vài năm nhà Thành ruộng vườn trăm khoảnh, lầu gác nguy nga, trâu dê cả ngàn con, ra khỏi nhà thì mặc áo cừu cưỡi ngựa tốt, giàu sang hơn cả các nhà thế gia.” trong văn bản Dế chọi của Bồ Tùng Linh (SGK, tr. 21) và chọn phương án trả lời đúng cho các câu hỏi:

Câu 1: Đoạn văn thuộc phần kết của truyện. Dấu hiệu nào sau đây cho thấy điều đó?

A. Đoạn văn có độ dài vừa phải, số nhân vật không nhiều.

B. Đoạn văn có những chi tiết mang tính chất kì ảo.

C. Đoạn văn cho thấy kết cục của nhân vật chính.

D. Đoạn văn tuy ngắn nhưng có nhiều sự việc được kể.

Bài giải chi tiết:

Đáp án C. Đoạn văn cho thấy kết cục của nhân vật chính.

Câu 2: So sánh tình cảnh nhân vật Thành ở đoạn trích của bài tập 4 và ở đoạn trích này, phương án nào sau đây nói đúng kết quả so sánh?

A. Hoàn toàn tương đồng

B. Hoàn toàn tương phản

C. Có một số điểm giống nhau

D. Có một số điểm khác nhau

Bài giải chi tiết:

Đáp án B. Hoàn toàn tương phản

Câu 3: Yếu tố kì ảo của truyện được thể hiện rõ nhất ở câu văn nào sau đây?

A. Vào tới cung cho chọi thử với đủ thứ dế kì lạ của các nơi dâng lên như hồ điệp (dế bướm), đường lang (dế bọ ngựa), du lợi đạt (dế đánh dầu), thanh ti đầu (dế trán tơ xanh) thì con nào cũng thua.

B. Mỗi khi nghe tiếng đàn sáo thì nó lại nhảy nhót theo điệu nhạc, mọi người càng lấy làm lạ.

C. Tuần phủ cả mừng liền cho dế vào lồng vàng hiến vua, dâng sớ tâu rõ cái hay của nó.

D. Hơn năm sau con Thành bình phục, kể rằng mình hóa thành dế, khoẻ mạnh chọi giỏi, nay mới sống lại.

Bài giải chi tiết:

Đáp án D. Hơn năm sau con Thành bình phục, kể rằng mình hóa thành dế, khoẻ mạnh chọi giỏi, nay mới sống lại.

Câu 4: Qua nội dung của đoạn trích, tác giả thể hiện thái độ gì?

A. Châm biếm kín đáo mà sâu sắc xã hội phong kiến đương thời

B. Đồng tình với cách ứng xử của tri huyện và tuần phủ đối với Thành

C. Vui mừng với kết cục tốt đẹp của số phận nhân vật Thành

D. Ngạc nhiên vì những sự việc lạ lùng xảy ra dẫn đến kết thúc có hậu

Bài giải chi tiết:

Đáp án A. Châm biếm kín đáo mà sâu sắc xã hội phong kiến đương thời.

Câu 5: Câu nào sau đây dùng từ bình phục KHÔNG hợp lí?

A. Bệnh tình của cô ấy rất nặng, nhưng do được điều trị đúng phương pháp nên đã dần dần bình phục.

B. Hơn năm sau con Thành bình phục, kể rằng mình hóa thành dế, khoẻ mạnh chọi giỏi, nay mới sống lại.

C. Hôm nay làm việc nhiều, tôi rất mệt, nhưng sau khi được nghỉ ngơi, tôi nhanh chóng bình phục.

D. Bác sĩ quả quyết rằng, sau khi mổ ruột thừa khoảng một tuần, bệnh nhân này sẽ bình phục.

Bài giải chi tiết:

Đáp án C. Hôm nay làm việc nhiều, tôi rất mệt, nhưng sau khi được nghỉ ngơi, tôi nhanh chóng bình phục.

Bài tập 7: Đọc lại truyện Ngọc nữ về tay chân chủ (SGK, tr. 35 – 38) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1: Em hình dung như thế nào về không gian và thời gian xảy ra sự kiện được thuật lại trong truyện?

Bài giải chi tiết:

- Không gian trong truyện là “nhà trời” (thiên đình). Ở“nhà trời” có cung khuyết – nơi Ngọc Hoàng ở, có sân rồng, có lầu đãi phượng – nơi tiếp khách đến ứng tuyển để được lấy Ngọc Tỷ, làm rể Ngọc Hoàng. Để đến được nơi đó, sơn thần phải “cưỡi xe hươu trắng” mà đi, thuỷ thần phải “cưỡi ngựa vẫy vùng, rẽ nước bay lên”. Trong truyện, chỉ có các sự việc xảy ra kế tiếp nhau, không có ý niệm về thời gian. Điều này cho thấy, theo quan niệm của tác giả, ở chốn thiên đình, mọi sự vật đều tồn tại vĩnh cửu, không đo bằng các đơn vị thời gian như ở trần thế.

Câu 2: Ngọc Hoàng có phản ứng như thế nào khi chứng kiến khả năng phi thường của sơn thần và thuỷ thần? Ngọc Hoàng gặp khó khăn gì trong việc quyết định chọn chồng cho Ngọc Tỷ?

Bài giải chi tiết:

- Phản ứng của Ngọc Hoàng khi chứng kiến khả năng phi thường của sơn thần và thủy thần: Ngọc Hoàng gật đầu khen: “Tài giỏi!”

- Ngọc Hoàng gặp khó khăn gì trong việc quyết định chọn chồng cho Ngọc Tỷ là: Việc không thể phần tài năng cao thấp của hai thần khiến Ngọc Hoàng khó quyết định ai là người xứng đáng làm chồng của Ngọc Tỷ.

Câu 3: So với sơn thần và thuỷ thần, nhân vật đến sau có những điểm khác biệt nào? Theo em, trong lời tâu với Ngọc Hoàng, người đó muốn nhấn mạnh điều gì khi đánh giá khả năng của sơn thần và thuỷ thần?

Bài giải chi tiết:

- Nhân vật đến sau chỉ là con người, không phải thần thánh, nhưng tướng mạo thì thật đặc biệt: “dáng rồng bước hổ, mắt Thuấn mày Nghiêu, có vẻ tĩnh trọng như núi, có lượng bao hàm như biển, và đứng sừng sững ở trước sân”.

- Tuy không hề có phép thuật gì, nhưng lời nói của người đó lại có sức mạnh chinh phục. Trong lời tâu với Ngọc Hoàng, đánh giá khả năng của sơn thần và thuỷ thần, người đến sau muốn nhấn mạnh: thần núi và thần nước chỉ là “một vật” mà thôi, phép thuật cũng chỉ là “một gáo nước đã khoe nhiều, một nắm đá đã khoe lớn”, không đáng đếm xỉa. Những thứ đó càng không thể sánh với cái cao rộng của khí thiêng sông núi, với “Thiên tử trị bên ngoài, hoàng hậu trị bên trong”, “biết tỏ lòng trung với trời”. Đó là sự khác nhau giữa giá trị thực với cái hư ảo.

Câu 4: Qua truyện Ngọc nữ về tay chân chủ, em nhận biết được những đặc điểm gì của thể loại truyện truyền kì?

Bài giải chi tiết:

Những đặc điểm của thể loại truyện truyền kì thể hiện qua truyện Ngọc nữ về tay chân chủ:

- Không gian và thời gian mang tính chất kì ảo.

- Có nhân vật là thần thánh, có nhân vật là người với khả năng đặc biệt.

- Có yếu tố kì ảo (phép thuật đầy biến hoá của sơn thần và thuỷ thần).

- Ngôn ngữ truyện dùng nhiều điển tích, điển cố.

Câu 5: Trong câu “Khách quý giường đông, phi người ấy thì còn ai?”, cụm từ “khách quý giường đông” đã được chú thích như thế nào? So sánh cách chú thích cụm từ này với cách chú thích từ “nghệ thuật” (SGK, tr. 37), từ đó rút ra nhận xét.

Bài giải chi tiết:

- “khách quý giường đông”: thời Tống (TQ), Hy Giản có con gái, muốn kén rể, cho người xem các con cháu của Vương Đạo, thấy người nào cũng giữ lễ, duy có Vương Hy Chi cứ ngồi phệ bụng ở giường bên đông, coi như không biết chuyện gì, Hy Giản liền gả con gái cho Hy Chi; do đó, người ta thường dùng “giường đông” để chỉ con rể.

“nghệ thuật”: ý nói phép thuật.

= > Ta thấy khi chú thích một từ ngữ thông thường, chỉ cần nói rõ nghĩa của nó; ngược lại, chú thích một điển tích, điển cố, phải tóm lược câu chuyện hoặc nói rõ xuất xứ của từ ngữ, lời thơ, kinh sách,.. được dẫn trong văn bản.

Bài tập 8: Đọc đoạn trích sau trong tác phẩm Truyện đền thiêng ở cửa bể (Hải khẩu linh từ lục) của Đoàn Thị Điểm và trả lời các câu hỏi:

(Lược một đoạn: Nguyễn Thị Bích Châu, con gái đại thần Nguyễn Tướng Công, sinh vào khoảng năm 1356, dưới thời vua Trần Dụ Tông. Nàng tư dung xinh đẹp, nổi tiếng thông tuệ, hiểu văn chương, biết thi phú, thạo âm luật, được vua Duệ Tông kén vào hậu cung và hết mực thương yêu, chiều chuộng. Năm 1376, Chiêm Thành đến cướp Hoá Châu. Trần Duệ Tông giận dữ xuống chiếu ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Bích Châu dâng biểu khuyên can không được đành xin đi theo hộ giá. Khi đoàn thuyền chiến của vua vừa đến cửa bể Kỳ Hoa (Kỳ Anh – Nghệ Tĩnh), trời bỗng nổi cơn phong ba bão táp, quân lính kinh hãi nản lòng. Nhà vua nhất quyết đợi tan cơn bão sẽ tiến binh tiếp. Đêm ấy, vua Duệ Tông mộng thấy một vị thần xưng là “Nam Minh Đô đốc”, thủ hạ của Quảng Lợi Vương, muốn xin vua ban cho một người thiếp, nếu được như ý nguyện, mới để thuyền vua đi qua. Nguyễn Thị Bích Châu tự nguyện hi sinh thân mình, nhảy xuống bể làm vợ Giao thần, nhờ đó sóng yên bề lặng. Về sau, vua Lê Thánh Tông đem quân đánh Chiêm Thành, đến cửa bể Kỳ Hoa, nàng báo mộng nhờ vua giải thoát mình khỏi cảnh tủi nhục nơi thuỷ phủ. Thánh Tông gửi thư tố cáo Giao thần đến Quảng Lợi Vương và Giao thần đã bị Quảng Lợi Vương trừng phạt. Nhờ đó, nàng Bích Châu được tự do, tiêu dao nơi tiên cảnh.)

Khi mặt trời đã chiếu vào cửa sổ trong thuyền, quân tiến đến cửa bể, bỗng có một trận gió lốc cuồn cuộn thổi vào thuyền vua, lá cờ bị gió cuốn sang phương nam. Nàng nói:

– Trận gió ấy lạ thay! Tiếng ào ào, sắc thảm đạm, chắc là một thứ gió gian tà.

Vua hỏi:

– Là nghĩa thế nào?

Nàng nói:

– Thiếp từ khi nhỏ đọc sách, đã biết phong giác. Vả lại, Thuỷ cùng cực ở ngôi Thìn, Mộc cùng cực ở ngôi Mùi. Tính Thuỷ khôn, khôn cùng cực thì làm gian, tính Mộc nhân, nhân cùng cực thì đi lệch. Bây giờ là giờ Mùi, thế mà gió từ ngôi Thìn đến, e xảy ra việc giết hại người! Xin nhà vua cấp tốc chuẩn bị lục quân để đối phó.

Nàng nói chưa hết lời, quả nhiên gió bão nổi lên, sóng bể gào thét. Vua hạ lệnh bỏ neo để lánh gió mạnh. Cuối canh ba bỗng thấy một người nanh to râu xồm, diện mạo hung tợn, đầu đội mũ lưu tinh, mình mặc áo gấm vây, bước vào, cúi đầu, nghiêng mình, lảo đảo đi thẳng đến trước mặt vua thi lễ. Vua hỏi:

– Người là ai? Đêm khuya tới đây tất có điều gì muốn hỏi? Người ấy thưa:

– Tôi là Đô đốc vùng Nam Hải, đi làm quan ở nơi giang hồ, hiện còn thiếu người nội trợ, nghe nói bệ hạ cung tần rất nhiều, nay bỗng gặp nhau, cho nên nổi cơn sóng mạnh để thay câu thơ “Hoa đường”. Vậy xin ban cho nàng Tử Vân, tôi sẽ kết cỏ ngậm vành mong có ngày báo đáp. Nếu bệ hạ chỉ để làm thú vui riêng, thì tôi không thể bỏ qua được vậy.

Vua gật đầu, bỗng thức dậy, liền vời phi tần, kể lại việc trong mộng, các cung phi thất sắc nhìn nhau im lặng không ai nói gì. Trong đó riêng nàng chứa chan nước mắt, nghẹn ngào nói không ra lời, dáng vẻ yếu như hoa lê gặp mưa, quỳ trước mặt vua tàu rằng:

– Ngôi đền thiêng liêng kia phụ lão đã trình bày, cái nguy sóng gió kia, chứng nghiệm đã báo trước. Nếu không phải là oan khiên ngày trước cũng tất là nghiệp chướng ngày nay. Thiếp đây không dám tham luyến phồn hoa, tiếc thân bồ liễu, xin trả cho xong cái nợ trước mặt vậy.

[..] Nói xong, liền nhảy xuống bể, trong tiếng gió gào, sóng cuộn, còn nghe vẳng tiếng nói: “Kính tạ quân vương, từ nay vĩnh biệt, không thể nào hầu bên vua được nữa”. Vua và các phi tần kinh hoàng luống cuống, ai cũng thương khóc. Bỗng chốc mây tạnh gió lặng, bể hết nổi sóng. Vua sai thuỷ quân mò tìm, đã không thấy tung tích nàng đâu cả...

(Đoàn Thị Điểm, Truyền kì tân phả, in trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Ngô Lập Chi dịch, Trần Nghĩa Chủ biên, tập 1, NXB Thế giới, Hà Nội, 1997, tr. 345 – 347)

Câu 1: Em hình dung như thế nào về không gian và thời gian xảy ra sự kiện được thuật lại trong đoạn trích?

Bài giải chi tiết:

- Không gian và thời gian xảy ra sự kiện được tác giả miêu tả: “khi mặt trời đã chiếu vào cửa sổ trong thuyền, quân tiến đến cửa bể, bỗng có một trận gió lốc cuồn cuộn thổi vào thuyền vua, lá cờ bị gió cuốn sang phương nam”; “gió bão nổi lên, sóng bể gào thét; tiếng gió gào, sóng cuộn”.... Những chi tiết đó cho ta hình dung không gian nơi cửa biển vào một buổi chiều dữ dội, sóng to gió lớn, thậm chí có phần bí ẩn.

Câu 2: Khả năng kì lạ của nàng Bích Châu được biểu hiện qua những chi tiết nào?

Bài giải chi tiết:

Khả năng kì lạ của nàng Bích Châu được biểu hiện qua câu nói của nàng “Trận gió ấy lạ thay! Tiếng ào ào, sắc thảm đạm, chắc là một thứ gió gian tà”; “Bảy giờ là giờ Mùi, thế mà gió từ ngói Thìn đến, e xảy ra việc giết hại người! Xin nhà vua cấp tốc chuẩn bị lục quân để đối phó”. Điều nàng nói lập tức ứng nghiệm “gió bão nổi lên, sóng bể gào thét. [...] Cuối canh ba bỗng thấy một người nanh to râu xồm, diện mạo hung tợn, đầu đội mũ lưu tinh, mình mặc áo gấm vây, bước vào, cúi đầu, nghiêng mình, lảo đảo đi thẳng đến trước mặt vua thi lễ”. Bích Châu có khả năng linh cảm, tiên đoán được những điều sẽ xảy ra. Những điều nàng nói đều đã trở thành sự thực.

Câu 3: Nêu bối cảnh xuất hiện và những hành động của nhân vật Đô đốc Nam Hải, Theo em, nhân vật này có vai trò gì trong đoạn trích?

Bài giải chi tiết:

Nhân vật này có vai trò rất quan trọng trong đoạn trích: vừa tạo màu sắc hoang đường, kì ảo, làm tăng thêm phần lung linh, hấp dẫn cho tác phẩm, vừa có tác dụng làm nổi bật phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật Bích Châu.

Câu 4: Khi nghe nhà vua kể lại việc nói chuyện trong mộng với Đô đốc Nam Hải, nàng Bích Châu đã có phản ứng như thế nào? Từ đó, em hiểu gì thêm về tính cách của nhân vật này?

Bài giải chi tiết:

Khi nghe nhà vua kể lại việc nói chuyện trong mộng với Đô đốc Nam Hải, nàng Bích Châu “chứa chan nước mắt, nghẹn ngào nói không ra lời, dáng vẻ yếu như hoa lê gặp mưa, quỳ trước mặt vua tâu rằng: – Ngôi đền thiêng liêng kia phụ lão đã trình bày, cái nguy sóng gió kia, chứng nghiệm đã báo trước. Nếu không phải là oan khiên ngày trước cũng tất là nghiệp chướng ngày nay. Thiếp đây không dám tham luyến phồn hoa, tiếc thân bộ liễu, xin trả cho xong cái nợ trước mặt vậy”. Nói xong, nàng liền nhảy xuống biển. Hành động này cho thấy Bích Châu là một người phụ nữ thông minh, có tài ứng đối, hiểu biết, khí chất kì lạ, có nghĩa khí, sẵn sàng hi sinh thân mình để giúp vua, giúp nước,...

Câu 5: Qua đoạn trích, em cảm nhận được tình cảm, tư tưởng gì của tác giả?

Bài giải chi tiết:

Khi nghe nhà vua kể lại việc nói chuyện trong mộng với Đô đốc Nam Hải, nàng Bích Châu “chứa chan nước mắt, nghẹn ngào nói không ra lời, dáng vẻ yếu như hoa lê gặp mưa, quỳ trước mặt vua tâu rằng: – Ngôi đền thiêng liêng kia phụ lão đã trình bày, cái nguy sóng gió kia, chứng nghiệm đã báo trước. Nếu không phải là oan khiên ngày trước cũng tất là nghiệp chướng ngày nay. Thiếp đây không dám tham luyến phồn hoa, tiếc thân bộ liễu, xin trả cho xong cái nợ trước mặt vậy”. Nói xong, nàng liền nhảy xuống biển. Hành động này cho thấy Bích Châu là một người phụ nữ thông minh, có tài ứng đối, hiểu biết, khí chất kì lạ, có nghĩa khí, sẵn sàng hi sinh thân mình để giúp vua, giúp nước,...

Câu 6: Những đặc điểm nào của truyện truyền kì được thể hiện trong đoạn trích trên?

Bài giải chi tiết:

Đoạn trích thể hiện một số đặc điểm của truyện truyền kì: các nhân vật có những nét kì lạ, biểu hiện ở nguồn gốc, ngoại hình như Đô đốc Nam Hải hay năng lực kì lạ như nàng Bích Châu; không gian cũng ẩn chứa nhiều nét lạ lùng; ngôn ngữ truyện có nhiều điển tích, điển cố, chẳng hạn trong lời của mình, Đô đốc Nam Hải nhắc đến “Hoa đường”, “kết cỏ ngậm vành”:,...

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức , Giải VBT Ngữ văn 9 KNTT, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 1: Đọc hiểu và thực hành tiếng

Bình luận

Giải bài tập những môn khác