Giải VBT Ngữ văn 9 chân trời Bài 1: Đọc

Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo Bài 1: Đọc. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

BÀI 1 – THƯƠNG NHỚ QUÊ HƯƠNG

Câu 1: Kết cấu của bài thơ là gì?

Bài giải chi tiết:

Kết cấu của bài thơ là toàn bộ tổ chức chặt chẽ và sinh động các yếu tố về nội dung và hình thức của bài thơ, của tác phẩm, tạo ra tính toàn vẹn và thể hiện một cách tốt nhất chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

Câu 2: Kết cấu của bài thơ được thể hiện ở những phương diện tổ chức nào trong tác phẩm?

Bài giải chi tiết:

Kết cấu của bài thơ được thể hiện ở mọi phương diện của tác phẩm, chẳng hạn:

(1)  Thể thơ

(2)  Bố cục

(3)  Sự triển khai mạch cảm xúc

(4)  Sự phối hợp của vần, nhịp, thanh điệu, ...

Câu 3: Ngôn ngữ thơ có đặc điểm gì?

Bài giải chi tiết:

Ngôn ngữ thơ có những đặc điểm như sau:

+ Hàm súc

+ Ngắn gọn

+ Giàu hình ảnh

+ Gợi nhiều hơn tả

+ Giàu nhạc điệu
+ Được tổ chức thành một cấu trúc đặc biệt có vần, nhịp, thanh điệu, …

Riêng thơ hiện đại thì không bắt buộc có vần, đối.

Câu 4: Vì sao bài thơ dễ dàng tác động trực tiếp đến cảm xúc của người đọc và khắc sâu trong tâm trí họ?

Bài giải chi tiết:

Bài thơ dễ dàng tác động trực tiếp đến cảm xúc của người đọc và khắc sâu trong tâm trí họ vì nội dung được thể hiện bằng những từ ngữ hàm súc, hình ảnh sống động, gieo vần và ngắt nhịp linh hoạt. Bên cạnh đó, thế giới nội tâm của nhà thơ không chỉ thể hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn được thể hiện qua âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ, những yếu tố đó góp phần làm tăng thêm hàm nghĩa cho bài thơ. Thơ ca là tiếng hát của trái tim bởi thế những tâm hồn đồng điệu dễ bị rung động bởi thơ ca.

Câu 5: Điền vào chỗ trống trong câu sau:

          Hình thức nghệ thuật của văn bản là cách …… mọi yếu tố (bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biên pháp tu từ, vần, nhịp…) nhằm tạo nên…… của tác phẩm

Bài giải chi tiết:

Hình thức nghệ thuật của văn bản là cách tổ chức, kết nối mọi yếu tố (bố cục, kết cấu, ngôn ngữ, biên pháp tu từ, vần, nhịp…) nhằm tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm.

Câu 6: Trong khổ thơ sau, tác giả đã sử dụng những hình ảnh so sánh nào? Tác dụng của nó là gì?

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió...

(Tế Hanh, Quê hương)

Bài giải chi tiết:

Trong khổ thơ, tác giả đã so sánh hình ảnh “chiếc thuyền” như “con tuấn mã”, “cánh buồm” như “mảnh hồn làng”.

Tác dụng: Làm cho hình ảnh chiếc thuyền trở nên sống động, thể hiện sức mạnh của chiếc thuyền trên hành trình ra khơi, rẽ sóng trên biển. Hình ảnh cánh buồm như là biểu tượng của quê hương, trở nên sinh động, có hồn hơn, giúp chạm đến trái tim của bạn đọc.

Câu 7: Xác định một vài biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong khổ thơ sau và nêu tác dụng của chúng:

Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...

(Bằng Việt, Bếp lửa)

Bài giải chi tiết:

Biện pháp tu từ được sử dụng trong khổ thơ là điệp từ “có” và phép liệt kê: ngọn khói trăm tàu, lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả, …

Tác dụng: Nêu những niềm vui, những điều mới mẻ mà người cháu được trải nghiệm khi sống xa bà, xa gia đình. Nhưng những hình ảnh ấy cũng chẳng làm cháu quên được kí ức bên bà, kí ức bên bếp lửa yêu thương, ấp iu những hi sinh và tình yêu của bà suốt thời thơ ấu của cháu.

Biện pháp tu từ hoán dụ “ngọn khói trăm tàu”, “lửa trăm nhà”

Tác dụng: Thể hiện những hành trình mới, những trải nghiệm mới của người cháu.

Câu 8: Xác định cách gieo vần và ngắt nhịp của bài thơ Quê hương (Tế Hanh)

Bài giải chi tiết:

Bài thơ Quê hương (Tế Hanh) gieo vần chân: liền (giang/ làng, sông/ hồng, trắng/nắng, xăm/nằm), vần cách (vôi/khơi).

Cách ngắt nhịp: 3/5 kết hợp với 3/2/3, 4/4

Tác dụng: tạo cho bài thơ nhịp điệu uyển chuyển, góp phần thể hiện tình yêu quê hương tha thiết, trong sáng của tác giả.

Câu 9: Vẽ sơ đồ bố cục của bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt)

Bài giải chi tiết:

BÀI 1 – THƯƠNG NHỚ QUÊ HƯƠNG

Câu 10: Chỉ ra một vài nét đặc sắc của kết cấu bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt).

Bài giải chi tiết:

Một vài nét đặc sắc của kết cấu bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt):

+ Xây dựng hình ảnh sóng đôi: “bà” và “bếp lửa”.

+ Kết hợp nhuần nhuyễn các phương thức tự sự, miêu tả, biểu cảm.

+ Sự phát triển của hình ảnh bếp lửa từ hình ảnh thực đến hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng cho tình yêu, niềm tin và những giá trị tốt đẹp mà người bà gửi gắm cho cháu.

Câu 11: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

NÓI VỚI CON

Y Phương

Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa
  Con đường cho những tấm lòng
Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.

1980

(Y Phương, in trong Thơ Việt Nam, 1945 – 1985, NXB Giáo dục, 1987)

a. Xác định bố cục của bài thơ. Bố cục đó có gì đặc sắc?

b. Tác giả đã nói đến những vẻ đẹp của “người đồng mình”? Dụng ý của việc nói đến vẻ đẹp đó là gì?

c. Lời dặn dò của người cha đối với con trong bài thơ thể hiện hình ảnh người cha như thế nào?

d. Cách diễn tả tình cảm, suy nghĩ của nhà thơ trong bài thơ có gì đặc sắc?

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?

e. Nêu chủ đề của bài thơ và một số căn cứ giúp em xác định chủ đề.

g. Theo em, tác giả muốn gửi đến người đọc thông điệp gì qua bài thơ này?

Bài giải chi tiết:

a. Bố cục bài thơ gồm hai phần:

+ Phần một (khổ 1): Lời người cha nói với con về quê hương, về cội nguồn sinh dưỡng của con. Con đã lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và người đồng mình.

+ Phần hai (khổ 2): Niềm tự hào của người cha về sức sống bền bĩ, mạnh mẽ của người đồng mình. Bên cạnh đó là niềm mong muốn con tiếp nối những truyền thống tốt đẹp đó.

Nét đặc sắc của bố cục: Bố cục bài thơ chặt chẽ, liên kết. Từ tình cảm gia đình mở rộng ra tình yêu quê hương, đất nước. Những lời dặn dò tâm tình của cha dành cho con, dặn con sống sao thể hiện được phẩm chất của “người đồng mình”.

b. Tác giả nói đến những vẻ đẹp của “người đồng mình” như sau:

+ Người đồng mình khéo tay, yêu lao động, yêu cuộc sống: đan lờ cài hoa, vách nhà ken câu hát.

+ Người đồng mình hiện lên với vẻ đẹp thủy chung với quê hương: sống trong đá không chê đá gập ghềnh/ sống trong thung không chê thung nghèo đói.

+ Người đồng mình mạnh mẽ, kiên cường, bất khuất: như sông như suối, lên thác xuống ghềnh, xa nuôi chí lớn.

+ Người đồng mình chất phát (thô sơ da thịt) và kiêu hãnh, nhân cách cao đẹp (chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con), có ý thức xây dựng quê hương, giữ gìn văn hóa dân tộc. (đục đá kê cao quê hương, làm nên phong tục).

Dụng ý của việc nói đến những vẻ đẹp đó: lời cha nói với con như nhắc nhớ con giữ gìn, tiếp nối những vẻ đẹp và phẩm chất của con người đối với quê hương mình. Hãy luôn nhớ quê hương là cội nguồn sinh dưỡng của con, là nơi con lớn lên và trưởng thành từ những điều tốt đẹp nhất.

c. Lời dặn dò của người cha đối với con cho thấy hình ảnh người cha trong bài là một người cha với tấm lòng yêu thương con vô bờ bến. Cha luôn yêu thương, tự hào về cuộc sống và truyền thống của người đồng mình. Lời cha dạy con ở những dòng thơ cuối Không bao giờ nhỏ bé được/ nghe con như một lời động viên, khích lệ, chứa đựng biết bao ý nghĩa: đó là cách sống kiên cường, bất khuất như người đồng mình. Qua lời dặn dò đó có thể thấy được tấm lòng yêu thương con vô bờ bến của người cha và một tâm hồn nồng nàn yêu quê hương, đất nước.

d. Cách diễn tả tình cảm, suy nghĩ của nhà thơ trong bài có điểm đặc sắc là:

+ Tình cảm của người cha trong bài thơ mộc mạc, chân thành, dễ chạm đến trái tim bạn đọc.

+ Mượn lời người cha nói với con để thể hiện tình yêu quê hương, đất nước.

+ Diễn tả khung cảnh gia đình hạnh phúc, đầm ấm, người con lớn lên trong sự yêu thương, che chở của cha mẹ: Chân phải bước đến cha/ Chân trái bước đến mẹ/ Một bước chạm tiếng nói/ Hai bước chạm tiếng cười.

+ Khắc họa chân thật hình ảnh người đồng mình với nhiều phẩm chất cao quý, tốt đẹp: yêu đời, chung thủy, mạnh mẽ (đan lờ cài hoa/ vách nhà ken câu hát, cao đo nỗi buồn/ xa nuôi chí lớn/ sống trên đá không chê đá gập gềnh/ sống trong thung không chê thung nghèo đói,…)

đ. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình yêu thương và tự hào về quê hương, những giá trị truyền thống và vẻ đẹp bất khuất, kiên cường của con người.

e. Chủ đề của bài thơ: Thông qua việc mượn hình ảnh người cha dặn dò đứa con bé nhỏ của mình, nhà thơ bày tỏ nỗi lòng của bản thân mình hi vọng thế hệ mai sau phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, luôn biết ơn quê hương và không ngừng phấn đấu để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Căn cứ xác định: Bố cục bài thơ, biện pháp tu từ, hình ảnh so sánh, ...

g. Thông điệp mà tác giả muốn gửi đến người đọc qua bài thơ: Mỗi người con thu thế hệ sau, phải luôn biết đề cao tình yêu quê hương, cội nguồn, gìn giữ và phát huy được những nét đẹp trong bản sắc dân tộc của quê hương mình.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Giải VBT Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo , Giải VBT Ngữ văn 9 CTST, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 1: Đọc

Bình luận

Giải bài tập những môn khác