Giải VBT Ngữ văn 9 chân trời Bài 10: Viết

Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo Bài 10: Viết. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

BÀI 10 VIẾT

Bài tập 1 (trang 91): Đọc ngữ liệu sau và trả lời câu hỏi bên dưới:

HIỂN LÂM CÁC

Theo Lê Đinh Phúc

Hiển Lâm Các (Ảnh: Shutterstock)

Có nhà nghiên cứu mĩ thuật Việt Nam cho rằng “Trong Đại nội, nổi bật nhất là Hiển Lâm Các, một công trình kiến trúc đẹp, gồm ba tầng, mười hai mái”. Đó là công trình kiến trúc thuộc quần thể di tích Cố đô Huế, nằm trong khu vực các miếu thờ.

Hiển Lâm Các được xây dựng cùng một lần với Thế Miếu (1821 – 1822) – thời vua Minh Mạng.

Hiển Lâm Các được xây dựng ngay phía trước Thế Miếu, trên khối nền cao hình chữ nhật, lát gạch Bát Tràng, xây bó bằng gạch vồ, vôi vữa và đắp nổi mảnh sành để trang trí. Từ dưới bước lên mặt nền bằng hai hệ thống bậc đá thanh ở trước và sau, mỗi hệ thống có chín bậc. Hai bên thành bậc được đắp hình rồng, lối đi ở giữa chỉ dành riêng cho vua.

Hiển Lâm Các được kiến trúc bằng gỗ cao tầng. Mặt bằng tầng một chia làm ba gian hai chái. Quanh ba mặt ngoài của hai chái được xây tường gạch để gia cố sức chịu lực của các hàng cột quân và bao che bớt phần nội thất. Ở hàng cột thứ ba tính từ mặt trước, dựng ở một dãy đố bản, giữa mỗi gian trổ một cửa vòm. Các hệ thống kèo, liên ba, đổ bản ở tầng này đều được chạm nổi các mô típ hình rồng cách điệu hoá thành dây leo lá cuốn. Trên cửa giữa treo tấm hoành phi lớn đề ba chữ “Hiển Lâm Các” trên nền sơn màu lục, khung chạm chín con rồng vờn mây sơn son thếp vàng.

Gian bên phải bắc chiếc cầu thang lên tầng trên. Cầu thang được trang trí rất đẹp. Hai tay vịn được chia thành các ô hộc trang trí hình chữ “thọ”, chữ “vạn” và đường nét kỉ hà. Đầu và cuối tay vịn đều được chạm nổi hình đầu và đuôi rồng uốn lượn mềm mại.

Tầng hai có ba gian. Trước đây đặt án thư và sập ngự sơn son thếp vàng. Hai mặt trước và sau đều có cửa lá sách, hai mặt bên nong ván, chung quanh là một hệ thống lan can bằng gỗ với những hàng con tiện trau chuốt tỉ mỉ. Đỡ giàn mái tầng này có bốn cột chính, bốn cột phụ với một hệ thống con sơn được chạm trổ đẹp mắt.

Tầng ba chỉ có một gian với lối đi lên là một cầu thang gỗ chín bậc. Mặt trước và mặt sau lầu dựng cửa lá sách. Có một hệ thống con sơn được đặt từ bên cột chính ở bốn góc vươn ra như những cánh tay để đỡ cho toàn bộ phần dưới của bộ mái trên cùng. Hệ thống con sơn này đã đưa các mái ra khá rộng, nó vừa có giá trị kết cấu vừa có giá trị trang trí, tạo ra nhiều mảng tối, sáng cho mặt ngoài của công trình kiến trúc, làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm của chốn cung đình. Trên nóc tầng ba, ở giữa trang trí bầu rượu bằng pháp lam màu vàng nhạt đặt trên một áng mây pháp lam ngũ sắc tươi thắm,...

Hiển Lâm Các là công trình kiến trúc có giá trị cả về kĩ thuật lẫn thẩm mĩ. Toà nhà cao tầng nhưng có tỉ lệ cân xứng, hài hoà giữa các tầng với nhau. Sự đứng vững của toà nhà gần hai thế kỉ đã thể hiện tài năng, sự khéo léo tuyệt vời của những người thợ mộc ở cả phương diện tạo nên độ bền chắc lẫn khả năng trang trí mĩ thuật.

Chức năng chính của Hiển Lâm Các được xem như là đài kỉ niệm để ghi nhớ công tích các vua Triều Nguyễn được thờ ở Thế Miếu và các đại thần có công được thờ ở hai nhà Tả Tùng tự và Hữu Bằng tự gần trước mặt.

Hiển Lâm Các là một trong số ít công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ đạt trình độ rất cao ở Huế. Cùng với Thế Miếu và Cửu Đỉnh, Hiển Lâm Các đã trở thành điểm nhấn trong toàn bộ quần thể di tích Cố đô Huế và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến tham quan Di sản văn hoá thế giới này ở Việt Nam.

(In trong Huế – di tích lịch sử – văn hoá – danh thắng, NXB Chính trị quốc gia, 1997)

Bài giải chi tiết:

a. Xác định bố cục của bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử được thể hiện trong bài viết trên và nội dung chính của từng phần.

Bố cục của bài văn

Nội dung chính của từng phần

Mở đầu: từ đầu đến “nằm trong khu vực các miếu thờ”Giới thiệu khái quát về di tích lịch sử Hiển Lâm Các
Nội dung: từ “Hiển Lâm Các được xây dựng cùng một lần với Thế Miếu” đến “các đại thần có công thờ ở hai nhà Tả Tùng tự và Hữu Tùng tự gần trước mặt”Trình bày các thông tin chi tiết về di tích lịch sử như: lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc, chức năng,...
Kết thúc: phần còn lạiĐánh giá khái quát và bày tỏ suy nghĩ về di tích lịch sử

b. Bài viết chủ yếu chọn trình bày thông tin theo cách nào? Tác dụng của cách trình bày thông tin ấy là gì?

Bài viết chủ yếu chọn trình bày thông tin theo trật tự không gian của di tích Hiển Lâm Các. Cách trình bày thông tin ấy giúp người đọc hình dung rõ hơn về bố cục không gian và đặc điểm kiến trúc của từng khu vực ở Hiển Lâm Các.

c. Chỉ ra tác dụng của việc sử dụng kết hợp các yếu tố miêu tả, biểu cảm, tự sự (nếu có) trong bài viết trên.

Trong bài viết trên, người viết đã thuyết minh kết hợp với yếu tố miêu tả, chẳng hạn như: Hệ thống con sơn này đã đưa các mái ra khá rộng, nó vừa có giá trị kết cấu vừa có giá trị trang trí, tạo ra nhiều mảng tối, sáng cho mặt ngoài của công trình kiến trúc, làm tăng thêm vẻ thâm nghiêm của chốn cung đình. Trên nóc tầng ba, ở giữa trang trí bầu rượu bằng pháp lam màu vàng nhạt đặt trên một áng mây pháp lam ngũ sắc tươi thắm,...

Tác dụng: Cung cấp thêm thông tin chi tiết để người đọc hình dung rõ hơn về đối tượng thuyết minh.

d. Nhận xét về vai trò của phương tiện phi ngôn ngữ trong bài viết. Hãy rút ra ít nhất một kinh nghiệm về việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ từ bài viết trên.

Loại phương tiện phi ngôn ngữ được sử dụng trong bài viết: hình ảnh.

Vai trò: Minh hoạ trực quan cho nội dung thông tin được trình bày trong văn bản, từ đó giúp văn bản trở nên dễ hiểu, dễ hình dung hơn với người đọc. Học sinh có thể rút ra một số kinh nghiệm về việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ từ bài viết như: Tìm được loại phương tiện phi ngôn ngữ phù hợp để hỗ trợ biểu đạt thông tin; xác định vị trí đặt phương tiện phi ngôn ngữ để thu hút sự quan tâm, chú ý của người đọc; trình bày phương tiện phi ngôn ngữ, đặt tên cho phương tiện và cung cấp thông tin đầy đủ về nguồn trích dẫn;...

đ. Trong bài viết trên, người viết đã chọn thuyết minh chi tiết về yếu tố nào của di tích Hiển Lâm Các? Ý nghĩa của việc lựa chọn ấy là gì?

Trong bài viết trên, người viết đã chọn thuyết minh chi tiết về kiến trúc của Hiển Lâm Các, bao gồm các tầng, trang trí và chức năng chính. Ý nghĩa của việc lựa chọn này là nhằm khắc họa giá trị nghệ thuật và kiến trúc của Hiển Lâm Các, từ đó thể hiện sự vĩ đại và độc đáo của di tích trong bối cảnh văn hóa lịch sử của Huế.

e. Em dựa vào Bảng kiểm dưới đây để đánh giá.

Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

 

Tiêu chí

Đạt

Chưa đạt

Mở bài

Nêu tên của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

  

Giới thiệu khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

  

Thân bài

Trình bày có hệ thống những thông tin liên quan đến các phương diện khác nhau của danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

  

Kết hợp thuyết minh với miêu tả, tự sự, biểu cảm, …

  

Kết bài

Đánh giá khái quát về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

  

Bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của người viết về danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử

  

Đưa ra lời mời gọi tham quan (nếu cần)

  

Hình thức và diễn đạt

Nhan đề và các đề mục nêu được thông tin chính của bài viết

  

Sử dụng hiệu quả phương tiện phi ngôn ngữ để làm rõ thông tin quan trọng

  

Sử dụng hiệu quả (các) cách trình bày thông tin

  

Chú thích tên cho các phương tiện phi ngôn ngữ và trích dẫn nguồn (nếu có)

  

Diễn đạt mạch lạc

  

Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, viết câu

  

Bài tập 2 (trang 94): So với Bài 3, em rút ra được thêm (những) kinh nghiệm/ lưu ý gì về kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử trong bài học này?

Bài giải chi tiết:

Những kinh nghiệm/ lưu ý về kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử trong bài học này:

- Nắm rõ lịch sử, văn hóa, kiến trúc và những đặc điểm nổi bật của địa điểm.

- Tham khảo sách, tài liệu, bài viết từ các trang web uy tín.

- Sử dụng từ ngữ gợi cảm, có sức cuốn hút, tạo cảm xúc cho người đọc.

 Bài tập 3 (trang 94): Thực hiện đề bài sau:

Đề bài: Trong vai trò phóng viên chuyên mục Du lịch của một tờ báo địa phương, em hãy chọn viết bài văn thuyết minh giới thiệu với bạn đọc trong và ngoài nước về một di tích lịch sử tiêu biểu của địa phương ấy.

Trả lời:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

– Xác định đề tài, người đọc, mục đích viết:

+ Đề tài bài viết ở đây là viết về một di tích lịch sử tiêu biểu cho một địa phương cụ thể của Việt Nam.

+ Người đọc: Bạn đọc chuyên mục Du lịch của tờ báo địa phương.

+ Mục đích viết: Giới thiệu về một di tích lịch sử tiêu biểu cho điểm đến của một địa phương trên đất nước ta.

– Thu thập tư liệu: Thực hiện theo hướng dẫn trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, đối với mục đích viết của bài văn này, học sinh nên chú ý thu thập những thông tin thể hiện rõ tính chất tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử ở địa phương mà em muốn giới thiệu. Chú ý thu thập tư liệu về những khía cạnh sau của di tích lịch sử: lịch sử hình thành, đặc điểm kiến trúc (kết cấu, bố cục, chất liệu xây dựng, hình dáng công trình, cách thức thi công,...), cảnh quan xung quanh, giá trị văn hoá, lịch sử, cách thức tham quan,... Khi thu thập tư liệu, em nên lưu ý kiểm tra tính chính xác, độ tin cậy và cập nhật của thông tin.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

– Tìm ý cho bài viết được thực hiện dựa trên việc hệ thống và phân loại các thông tin đã thu thập được có liên quan đến di tích lịch sử. Đối với mục đích viết của bài viết này, cần chú ý xác định rõ (những) thông tin quan trọng thể hiện được vẻ đẹp tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử mà em muốn giới thiệu.

– Lập dàn ý theo sơ đồ dàn ý trong sách giáo khoa. Em có thể sắp xếp ý theo cách trình bày thông tin phù hợp với từng nội dung/ phần cụ của bài viết. Ví dụ, phần nội dung liên quan đến lịch sử hình thành/ xây dựng của di tích lịch sử, em có thể sắp xếp thông tin theo trình tự thời gian; hoặc phần nội dung liên quan đến đặc điểm kiến trúc của di tích, em có thể tổ chức ý theo trình tự không gian;...

Bước 3: Viết bài

– Trước khi viết, em cần đọc lại một số lưu ý được trình bày trong sách giáo khoa và Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử (xem Bài 3) để hiểu rõ hơn về yêu cầu của kiểu bài.

– Dựa trên dàn ý đã lập, em tiến hành viết bài.

– Khi viết, chú ý thuyết minh chi tiết một số thông tin quan trọng làm rõ nét tiêu biểu của khu di tích lịch sử để tạo điểm nhấn cho bài viết. Chẳng hạn trong bài viết Hiển Lâm Các, người viết đã chọn trình bày cụ thể một vài chi tiết cho từng khu vực như chi tiết về tấm hoành phi lớn đề ba chữ “Hiển Lâm Các” ở cửa giữa của mặt bằng tầng một, chi tiết về cách trang trí tay vịn cầu thang bắc lên tầng ba, chi tiết hệ thống con sơn đỡ giàn mái của tầng ba hoặc cái bầu rượu pháp lam màu vàng nhạt đặt giữa nóc của tầng ba,... Tất cả những chi tiết ấy đã góp phần làm rõ tính chất tiêu biểu, độc đáo của khu di tích lịch sử này.

– Trong khi viết em nên thường xuyên đọc lại những phần đã viết, đối chiếu với những tiêu chí của bảng kiểm để đảm bảo bài viết luôn đáp ứng tốt các yêu cầu của kiểu bài.

* Bài văn mẫu tham khảo:

 Gắn liền với chiều dài ngàn năm văn hiến của thủ đô Hà Nội, ta không thể không nhắc đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của nước ta, là biểu tượng cho truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ta.

 Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng vào thế kỷ 11 dưới thời Lý, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Suốt hơn 800 năm, Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã đào tạo ra nhiều nhân tài cho từng thời đại, người đỗ Tiến sĩ qua các khoa thi thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung Hưng được dựng bia để tôn vinh các bậc hiền tài theo quan điểm Hiền tài là nguyên khí quốc gia.

 Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hiện nay Văn Miếu- Quốc Tử Giám đã có nhiều thay đổi về mặt kiến trúc so với thời nhà Lý với lối kiến trúc phương Đông, ảnh hưởng đậm nét bởi Nho giáo và Phật giáo. Nơi đây nằm giữa bốn dãy phố cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Văn miếu bao gồm hai di tích chính là Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, người thầy đầu tiên của trường học.

 Ban đầu nơi đây chỉ dành cho con vua và các bậc đại quyền quý, sau đã được mở rộng cho người ở cả nước. Toàn bộ kiến trúc Văn Miếu hiện nay đều là kiến trúc thời đầu nhà Nguyễn, khuôn viên được bao bọc bởi bốn bức tường xây bằng gạch vồ từ thời Hậu Lê. Hiện nay, quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chia làm ba khu vực chính: Văn hồ, vườn Giám và khu nội tự. Hồ Văn nằm đối diện với cổng chính của Quốc Tử Giám, đây là một hồ nước trong, quanh bờ cây cối râm mát tạo cho hồ một không khí mát mẻ, thư thái để giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc, học tập mệt mỏi.

BÀI 10 VIẾT

 Khu nội tự của Văn Miếu – Quốc Tử Giám được ngăn cách với Vườn Giám và không gian bên ngoài bởi bức tường gạch vồ, được chia làm năm lớp, mỗi lớp được giới hạn bằng tường gạch và các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.

 Trước khi khám phá kiến trúc bên trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, ta phải bước qua Văn Miếu môn, tức cổng tam quan ngoài cùng, cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng. Từ Văn Miếu môn vào là khu Nhập Đạo với ba cửa chính theo thứ tự từ trái sang phải là Đại Trung, Thành Đức và Đại Tài.

 Tiếp đến là Khuê Văn các với kiến trúc một lầu vuông tám mái, bao gồm bốn mái thượng và bốn mái hạ, cao gần chín thước được xây dựng dưới thời Nguyễn, là nơi khi xưa dùng để họp bình các bài văn hay của các sĩ tử đỗ kỳ thi hội. Khu tiếp theo là giếng Thiên Quang và hai vườn bia Tiến sĩ, nơi đây có 82 tấm bia Tiến sĩ hình con rùa bằng đá xanh theo quan niệm của ông cha ta rùa chính là thần Kim Quy biểu tượng cho tinh thần, sức mạnh, sự đùm bọc đoàn kết của dân tộc. Kế tiếp khu tiến sĩ và giếng Thiên Quang là Đại Thành môn với kiến trúc ba gian và hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa.

 Qua Đại Thành môn là đến khu điện thờ, đây là khu vực chính của di tích Quốc Tử Giám, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền v.v… và cũng là nơi giảng dạy của trường giám thời xưa. Khu Khải Thánh hay còn gọi là khu Thái học là khu sau cùng của di tích, không chỉ là nơi thờ cha mẹ của Khổng Tử mà còn là nơi rèn đúc nhân tài cho nhiều triều đại.

 Nhà Tiền Đường, Hậu Đường là công trình mới nằm trong công trình trùng tu khu Thái Học trong đó Tiền Đường là nơi trưng bày truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo ngày nay, đồng thời cũng là nơi tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, văn hoá nghệ thuật dân tộc, Hậu Đường là nơi tôn vinh vị danh sư Chu Văn An, tôn vinh nền giáo dục Nho học Việt Nam và tôn vinh những người đã có công xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

 Không chỉ có ý nghĩa khuyến khích hiền tài giúp nước mà Văn Miếu – Quốc Tử Giám còn là biểu tượng lưu dấu quá trình hình thành và phát triển của tầng lớp trí thức Nho học Việt Nam, những người đã tiếp thu và phát huy xuất sắc tinh hoa của các nền văn minh phương Đông để sáng tạo ra cả kho tàng văn hiến Hán Nôm giàu đậm tinh thần yêu nước và bản sắc dân tộc, nơi đây gắn liền với nhiều nét mộc mạc của thời đại phong kiến, chứa đựng tinh hoa văn hóa qua các triều đại, đóng vai trò sử đá của nền giáo dục khoa cử Việt Nam.

 Tuy có không ít sự đổi thay nhưng Văn Miếu – Quốc Tử Giám vẫn giữ nguyên được những nét đẹp truyền thống. Nơi đây mỗi độ tết đến xuân về, hình ảnh cổ xưa lại hiện về qua hình ảnh những ông đồ già với hoạt động xin chữ đầu năm _ nét văn hóa của người Hà Nội. Với những giá trị lịch sử và văn hóa như vậy, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành niềm tự hào của người dân thủ đô nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Sau khi viết, em tự đánh giá bài viết của mình bằng Bảng kiểm kĩ năng viết bài văn thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hay di tích lịch sử đã sử dụng ở bước 3. Sau đó, em có thể tưởng tượng mình là người đọc bài văn thuyết minh này và trả lời các câu hỏi sau:

– Bài viết có khiến tôi muốn tìm hiểu/ tham quan di tích lịch sử này không?

– Tôi có thể điều chính như thế nào để bài viết hấp dẫn, thu hút người đọc hơn nữa?

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Giải VBT Ngữ văn 9 chân trời sáng tạo , Giải VBT Ngữ văn 9 CTST, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 10: Viết

Bình luận

Giải bài tập những môn khác