Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 1: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 1: Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VĂN BẢN: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố trong truyện truyền kì như: không gian, thời gian, chi tiết, cốt truyện, nhân vật chính, lời người kể chuyện.

- Nêu được nội dung bao quát của văn bản; bước đầu biết phân tích các chi tiết tiêu biểu, để tài, câu chuyện, nhân vật trong tính chỉnh thể của tác phẩm.

- Vận dụng được một số hiểu biết về lịch sử văn học Việt Nam để đọc hiểu văn bản văn học.

PHẤN I: TÌM HIỂU CHUNG 

1. Tác giả Nguyễn Dữ

- Nguyễn Dữ quê ở Hải Dương, sống vào thế kỉ XVI. Ông học rộng, tài cao, nhưng chỉ làm quan một thời gian ngắn rồi xin nghỉ về quê sống ẩn dật.

- Ông có đóng góp quan trọng đối với thể loại truyện truyền kì.

2. Truyện truyền kì. 

- Khi đọc truyện truyền kì, cần tóm tắt truyện, xác định không gian, thời gian trong truyện, tìm hiểu các nhân vật, chỉ ra và nêu tác dụng của các chi tiết kì ảo, nêu chủ đề của truyện,…

3. Tác phẩm Truyền kì mạn lục và văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

- Truyền kì mạn lục (Ghi chép tản mạn những chuyện kì lạ được lưu truyền trong nhân gian), là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Dữ, viết bằng chữ Hán, được đánh giá là “thiên cổ kì bút”.

- “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16 trong số 20 truyện của tập Truyền kì mạn lục. Với việc kết hợp nhuần huyễn giữa yếu tố kì ảo và yếu tố hiện thực trong tác phẩm, tác giả thể hiện niềm xót thương với thân phận người phụ nữ đức hạnh, khao khát được sống hạnh phúc nhưng lại bị xã hội phong kiến xô đẩy vào cảnh oan khuất, bất hạnh cũng như trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của họ. 

PHẦN II: TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Cốt truyện 

Vũ Nương, một người phụ nữ đức hạnh, bị chồng là Trương Sinh nghi oan phản bội do tin lời ngây thơ của con trai. Uất ức, nàng tự vẫn ở sông Hoàng Giang và được Linh Phi cứu làm cung nữ dưới thủy cung. Sau này, Trương Sinh hiểu ra nỗi oan của nàng, lập đàn giải oan theo lời nhắn của Vũ Nương qua Phan Lang. Vũ Nương hiện về từ biệt rồi biến mất mãi mãi.

2. Ngôi kể

Chuyện được kể theo ngôi kể thứ 3.

3. Tìm hiểu nhân vật Vũ Nương và nguyên nhân dẫn đến bi kịch của nàng

3.1. Tìm hiểu nhân vật Vũ Nương

- Nhân vật Vũ Nương được giới thiệu: tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp.

- Trong cuộc sống vợ chồng: luôn giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà.

- Khi xa chồng, Vũ Nương là người vợ thuỷ chung, người con dâu hiếu thảo. Lời trăng trối của bà mẹ chồng đã thể hiện sự ghi nhận nhân cách và công lao của nàng đối với gia đình nhà chồng.

- Khi bị chồng nghi oan, Vũ Nương có ba lời thoại:

+ Lời thoại 1: Phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình, khẳng định sự thuỷ chung, trong trắng => Nàng hết lòng tìm cách hàn gắn hạnh phúc gia đình đang có nguy cơ tan vỡ.

+ Lời thoại 2: Nỗi đau đớn, thất vọng khi bị đối xử bất công.

+ Lời thoại 3: Lời than, cũng là lời nguyền mà Vũ Nương nói với thần sông để giãi bày nỗi niềm trước khi tự vẫn.

=> Nhận xét: Vũ Nương là người phụ nữ xinh đẹp, nết na, hiền thục, đảm đang, chung thủy, nhưng lại rơi vào bi kịch.

=> Lời người kể chuyện bộc lộ niềm cảm thông, thương xót cho Vũ Nương cũng như thân phận người phụ nữ trong xã hội lúc bấy giờ.

3.2. Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bi kịch của Vũ Nương

Nguyên nhân trực tiếp và nguyên nhân sâu xa:

- Câu nói ngây thơ của bé Đản.

- Chiếc bóng trên tường (Vũ Nương thường chỉ vào bóng của mình trên tường và bảo với con rằng đó là cha nó).

- Tính đa nghi và ghen tuông thái quá của Trương Sinh.

- Cuộc hôn nhân không bình đẳng.

- Chiến tranh khiến gia đình li tán.

- Tình trạng nam quyền của xã hội phong kiến.

=> Tính đa nghi, ghen tuông của Trương Sinh là nguyên nhân cơ bản đẩy Vũ Nương vào bước đường cùng, không còn cách nào khác ngoài việc tự vẫn.

4. Tìm hiểu yếu tố kì ảo và lời bình của tác giả

4.1. Yếu tố kì ảo

- Những yếu tố kì ảo trong tác phẩm: Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa; Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi, được đãi tiệc yến và gặp Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi rẽ nước đưa về dương thế; hình ảnh Vũ Nương hiện ra sau khi Trương Sinh lập đàn giải oan; bóng Vũ Nương mờ nhạt dần và biến mất.

- Cách thức sử dụng những yếu tố kì ảo trong tác phẩm: Các yếu tố kì ảo được sử dụng đan xen với yếu tố thực về địa danh (bến đò Hoàng Giang, ải Chi Lăng), thời điểm lịch sử (cuối đời Khai Đại nhà Hồ), sự kiện lịch sử (quân Minh xâm lược nước ta, nhiều người chạy trốn ra ngoài bể, rồi bị đắm thuyền), ...

- Ý nghĩa của những yếu tố kì ảo:

+ Tô đậm, làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp của nhân vật Vũ Nương: dù ở thế giới khác vẫn nặng tình với cuộc đời, khao khát được phục hồi danh dự. Khát vọng được giải oan là nỗi niềm đau đáu trong lòng nàng.

+ Làm câu chuyện trở nên lung linh, kì ảo, hấp dẫn, lôi cuốn hơn.

+ Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho tác phẩm, thể hiện ước mơ của nhân dân về sự công bằng trong cuộc đời: người tốt dù có trải qua bao oan khuất, dập vùi cuối cùng sẽ được minh oan. Tuy nhiên, kết thúc đó vẫn để lại sự xót xa, tiếc nuối vì tất cả chỉ là ảo ảnh mà thôi.

4.2. Lời bình của tác giả

- Lời bình nhấn mạnh ranh giới mơ hồ, khó rạch ròi, minh bạch giữa sự thật và giả dối ở đời.

- Lời bình phê phán những người đàn ông gia trưởng đã đẩy người phụ nữ vào đường cùng

PHẦN III: TỔNG KẾT

- Chủ đề: Thể hiện bi kịch tan vỡ hạnh phúc gia đình, qua đó phê phán xã hội phong kiến, đồng thời bày tỏ niềm thương cảm sâu sắc đối với sự bất hạnh của người phụ nữ.

- Đặc điểm của truyện truyền kì được thể hiện trong tác phẩm: cốt truyện được tổ chức theo trình tự tuyến tính, có sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 1: Chuyện người con gái Nam Xương, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 1: Chuyện người con gái Nam Xương, Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 1: Chuyện người con gái Nam Xương

Bình luận

Giải bài tập những môn khác