Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối Bài 4: Nói và nghe

Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức Bài 4: Nói và nghe. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.

BÀI 4 – KHÁM PHÁ VẺ ĐẸP VĂN CHƯƠNG – NÓI VÀ NGHE

Bài tập 1: Em hãy chuẩn bị nội dung cho hoạt động thảo luận với đề tài sau: Giá trị của những tác phẩm văn học kinh điển đối với học sinh.

Bài giải chi tiết:

* Để chuẩn bị nội dung cho đề tài thảo luận: Giá trị của những tác phẩm văn học kinh điển đối với học sinh, em cần tìm hiểu những vấn đề sau:

+ Thế nào là tác phẩm văn học kinh điển?

+ Việc đọc các tác phẩm văn học kinh điển mang lại cho học sinh điều gì?

+ Làm thế nào để tiếp nhận tác phẩm văn học kinh điển một cách hiệu quả?

+ Có quan niệm cho rằng không cần thiết phải đọc tác phẩm văn học kinh điển Cần nhìn nhận như thế nào về quan niệm này?

- Em có thể tham khảo gợi ý sau:

+ Tác phẩm văn học kinh điển là sáng tác có giá trị mẫu mực, tiêu biểu, đặt ra những vấn đề có ý nghĩa phổ quát, vĩnh cửu, có sức tác động và ảnh hưởng lớn.

+ Hiện nay, có quan niệm cho rằng tác phẩm văn học kinh điển khô khan, khó tiếp nhận, không dễ đọc và hấp dẫn như truyện tranh, truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám hay nhiều loại tác phẩm khác. Hơn nữa, tác phẩm kinh điển thường có dung lượng lớn, phải mất nhiều thời gian đọc, không lập tức ứng dụng được vào thực tế cuộc sống và học tập như các sách dạy kĩ năng sống hay kĩ năng làm văn. Vì thế, một số người quan niệm chỉ cần đọc tóm tắt hoặc đọc những bài viết mang tính giới thiệu để biết nội dung của tác phẩm văn học kinh điển chứ không cần đọc trọn vẹn tác phẩm. Tuy nhiên, đây là một quan điểm phiến diện bởi vì tác phẩm văn học kinh điển có giá trị rất lớn đối với mọi người, đặc biệt là với học sinh.

+ Tác phẩm văn học kinh điển có thể mang lại nhiều điều bổ ích cho học sinh:

• Tác phẩm văn học kinh điển giúp học sinh trưởng thành hơn trong nhận thức và tình cảm. Qua tác phẩm, học sinh nhận được nhiều bài học về cuộc sống, hiểu sâu sắc hơn về con người và chính bản thân mình. Chẳng hạn, Không gia đình của Héc-to Ma-lốt (Hector Malot) khiến học sinh biết yêu thương, đồng cảm với những số phận bất hạnh, hiểu được sức mạnh của tình người. Thép đã tôi thế đấy của Ni-cô-lai A-lếch-xây-ê-vích Ô-xtrốp-xki (Nikolai Alekseyevich Ostrovsky) giúp học sinh hiểu được cần rèn luyện ý chí, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách, đồng thời cần sống có lí tưởng để đời người không rơi vào tình trạng “sống hoài, sống phí”.

• Tác phẩm văn học kinh điển giúp học sinh phát triển ngôn ngữ, nâng cao kĩ năng diễn đạt. Văn học kinh điển thường có ngôn ngữ trau chuốt, mẫu mực. Điều này rất có ích cho việc phát triển vốn từ và năng lực biểu đạt của học sinh.

• Việc đọc trọn vẹn tác phẩm văn học kinh điển giúp học sinh thẩm thấu và cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới hình tượng, vẻ đẹp của văn chương, nghệ thuật.

+ Vì những lí do trên, có thể khẳng định việc đọc tác phẩm văn học kinh điển là rất cần thiết đối với học sinh.

Bài tập 2: Chọn thảo luận trong nhóm học tập về một trong các vấn đề sau:

- Xu hướng muốn tự do thể hiện cá tính trong giới trẻ.

- Thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh.

- Xác lập quan niệm về lối sống đẹp.

- Ý nghĩa của sự đồng cảm và chia sẻ.

Bài giải chi tiết:

Cuộc sống vốn rất đa dạng, phong phú, mỗi người có thể quan tâm đến những vấn đề đời sống khác nhau. Khi đang ở độ tuổi hình thành và bồi đắp những giá trị sống, em có thể quan tâm đến các vấn đề phù hợp với lứa tuổi của mình.

Em xem lại phần hướng dẫn thảo luận trong SGK (tr. 108 – 110), lựa chọn một vấn đề trong gợi ý của đề bài để tiến hành thảo luận.

Ví dụ, nếu thảo luận về thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh, em có thể tham khảo các câu hỏi gợi ý sau để chuẩn bị ý kiến tham gia thảo luận:

- Hoàn cảnh là gì? Thế nào là đổ lỗi cho hoàn cảnh?

(Hoàn cảnh là những nhân tố khách quan tác động đến con người hoặc sự vật, hiện tượng. Đổ lỗi cho hoàn cảnh là viện cớ lí do khách quan để chối bỏ trách nhiệm của mình.)

- Vì sao tồn tại thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh? Biểu hiện của nó là gì?

(Lí do khách quan: do con người sống trong một hoàn cảnh cụ thể và chịu sự tác động của hoàn cảnh đó; lí do chủ quan: do con người thiếu năng lực, ý chí, quyết tâm hành động.)

Thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh có tác hại như thế nào?

(Với cá nhân: khiến con người thiếu ý chí, nghị lực, quyết tâm, từ đó trở thành người vô trách nhiệm, tự giới hạn năng lực của bản thân, tự hạn chế cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân; với tập thể: khiến công việc đình trệ, ảnh hưởng đến nhiều người.)

- Làm thế nào để khắc phục tâm lí đổ lỗi cho hoàn cảnh?

(Nâng cao ý thức chủ động, tích cực thích nghi và cải tạo hoàn cảnh; rèn luyện ý chí, nghị lực vươn lên,...)

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức , Giải VBT Ngữ văn 9 KNTT, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 4: Nói và nghe

Bình luận

Giải bài tập những môn khác