Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối Bài 7: Viết
Giải chi tiết VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức Bài 7: Viết. Tech12h sẽ hướng dẫn giải tất cả câu hỏi và bài tập với cách giải nhanh và dễ hiểu nhất. Hi vọng, thông qua đó học sinh được củng cố kiến thức và nắm bài học tốt hơn.
BÀI 7: HỒN THƠ MUÔN ĐIỆU
Bài tập 1 (trang 13):
Bài thơ được viết theo thể thơ nào?
A. Thơ tự do
B. Thơ tám chữ
C. Thơ bảy chữ
D. Thơ lục bát
Bài giải chi tiết:
Đáp án: B. Thơ tám chữ.
Bài tập 2 (trang 13):
Cách gieo vần của bài thơ có đặc điểm gì?
A. Gieo vần chân, vần cách
B. Gieo vần chân, vần liền
C. Gieo vần lưng, vần liền
D. Gieo vần chân, vần hỗn hợp
Bài giải chi tiết:
Đáp án: D. Gieo vần chân, vần hỗn hợp.
Bài tập 3 (trang 13):
Bài thơ ngắt nhịp chủ yếu như thế nào?
A. 4/4
B. 3/3/2
C. 3/2/3
D. 2/2/2/2
Bài giải chi tiết:
Đáp án: C. 3/2/3.
Bài tập 4 (trang 13):
Chủ đề của bài thơ Tiếng Việt là gì?
A. Tình yêu cuộc sống, yêu gia đình gần gũi, thân thương
B. Tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống nơi thôn quê
C. Tình yêu làng quê, yêu đất nước tươi đẹp
D. Tình yêu tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, yêu quê hương, đất nước
Bài giải chi tiết:
Đáp án: D. Tình yêu tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ, yêu quê hương, đất nước.
Bài tập 5 (trang 13):
Biện pháp tu từ nào được sử dụng trong câu thơ “Ta như chim trong tiếng Việt như rừng”?
A. Nhân hoá
B. So sánh
C. Hoán dụ
D. Ẩn dụ
Bài giải chi tiết:
Đáp án: B. So sánh.
Bài tập 6 (trang 13):
Từ “chân” trong câu thơ “Ai phiêu bạt nơi chân trời góc bể” được dùng theo nghĩa chuyển. Tìm một số ví dụ cho thấy từ “chân” có thể được dùng theo những nghĩa chuyển khác. Giải thích mối quan hệ giữa các nghĩa khác nhau của từ “chân” mà em biết.
Bài giải chi tiết:
- Một số ví dụ cho thấy từ “chân” có thể được dùng theo những nghĩa chuyển khác: chân ngoài, kiềng ba chân, chân tường, chân núi,…
- Mối quan hệ giữa các nghĩa khác nhau của từ “chân”: Các nghĩa chuyển này đều có sự tương đồng về vị trí, đều liên quan đến phần dưới cùng của sự vật hoặc hiện tượng, thể hiện sự ổn định, căn bản trong cấu trúc của sự vật.
Đọc bài thơ Cây phong ba đảo Nam Yết của Trần Đăng Khoa và trả lời các câu hỏi:
Không phải lúc nào cũng bão
Bão tan. Trời lại biếc xanh
Chỉ thương bóng cây son trẻ
Vẫn mang bão táp trong mình
Thân cây sao mà mềm mại
Lá cây sao vẫn mượt mà
Mỗi năm hàng trăm trận bão
Trên mình cây,
đã đi qua...
Chiều nay tôi đứng trước cây
Lòng nghĩ về người chiến sĩ
Dáng cây sao mà dẻo dai
Vóc người sao mà bền bỉ
Tôi ngước nhìn lên ngọn cây
Lại thấy chòi quan sát đảo
Bóng chàng lính trẻ hiên ngang
In lên màu mây mang bão...
(Nhiều tác giả, Tinh hoa thơ Việt, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007, tr. 408 – 409)
Bài tập 1 (trang 14):
Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Cho biết đặc điểm của thể thơ đó được thể hiện qua bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Bài thơ được viết theo thể thơ sáu chữ.
- Đặc điểm của thể thơ sáu chữ thể hiện trong bài:
- Mỗi dòng thơ có 6 chữ (tiếng).
- Bài thơ sử dụng vần chân, vần cách: xanh – mình, mà – qua, sĩ – bỉ, đảo – bão.
- Nhịp thơ linh hoạt (4/2, 2/4, 3/3), phù hợp với nội dung, cảm xúc. Ví dụ:
Không phải lúc nào/ cũng bão
Bão tan/ Trời lại biếc xanh
Chỉ thương/ bóng cây son trẻ
Vẫn mang/ bão táp trong mình
Thân cây/ sao mà mềm mại
Lá cây/ sao vẫn mượt mà
Mỗi năm/ hàng trăm trận bão
Trên mình cây,/ đã đi qua...
Bài tập 2 (trang 14):
Xác định mạch cảm xúc của bài thơ.
Bài giải chi tiết:
Mạch cảm xúc của bài thơ là:
- Xuyên suốt bài thơ là tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của nhà thơ dành cho mỗi nhành cây, ngọn cỏ, con người trên biển đảo quê hương.
- Hai khổ thơ đầu: Tình cảm thương mến của nhà thơ dành cho cây phong ba trên đảo Nam Yết.
- Hai khổ thơ cuối: Lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ của nhà thơ đối với người chiến sĩ trên đảo Nam Yết.
Bài tập 3 (trang 14):
Hình ảnh cây phong ba trên đảo Nam Yết được khắc hoạ như thế nào trong hai khổ thơ đầu? Tình cảm của tác giả đối với cây ra sao?
Bài giải chi tiết:
- Hình ảnh cây phong ba được nhà thơ khắc hoạ trong hai khổ thơ đầu:
- Cây phong ba được miêu tả trong điều kiện khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, thất thường trên đảo Nam Yết. Do đặc điểm thời tiết, trên mình cây mang dấu vết của hàng trăm trận bão – vì thế, cây được các chiến sĩ trên đảo đặt tên là phong ba (phong là gió, ba là sóng). Tuy nhiên, cây vẫn hiện lên với những nét đẹp: bóng cây son trẻ, thân cây mềm mại, lá cây mượt mà, dáng cây dẻo dai.
- Để khắc hoạ hình ảnh cây phong ba, nhà thơ sử dụng các từ láy mềm mại, mượt mà làm nổi bật vẻ đẹp uyển chuyển với những đường nét cong tự nhiên của thân cây và những lá cây bóng láng, xanh dịu như nhung, đối lập với khí hậu khắc nghiệt trên đảo Nam Yết. Điệp ngữ (sao mà, sao vẫn) thể hiện thái độ ngưỡng mộ của nhà thơ trước vẻ đẹp của cây. Cách ngắt nhịp đặc biệt 3/3 ở câu thơ cuối khổ 2 nhấn mạnh những “bão táp” mà cây phải hứng chịu. Từ đó, nhà thơ làm nổi bật sức sống dẻo dai, bền bỉ của cây phong ba.
- Qua các từ ngữ chỉ thương, sao mà, sao vẫn và cách miêu tả hình ảnh cây, nhà thơ bộc lộ tình cảm thương mến, trân trọng, thán phục sức sống mãnh liệt của những cây phong ba trên đảo.
Bài tập 4 (trang 14):
Trong hai khổ thơ cuối, nhà thơ bộc lộ những suy nghĩ và tình cảm gì đối với người chiến sĩ trên đảo Nam Yết?
Bài giải chi tiết:
- Các câu thơ miêu tả hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong hai khổ thơ cuối:
- Vóc người sao mà bền bỉ
- Bóng chàng lính trẻ hiên ngang
In lên màu mây mang bão...
- Từ hình ảnh cây phong ba, nhà thơ liên tưởng tới sự bền bỉ, kiên cường của những người chiến sĩ. Họ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, những gian lao, nguy hiểm để vững vàng tay súng bảo vệ Tổ quốc. Hình ảnh các anh hiện lên trên bầu trời vần vũ với màu mây mang bão thật hiên ngang, kiêu hãnh.
- Nhà thơ thể hiện lòng biết ơn đối với những cống hiến, hi sinh của người chiến sĩ; ngưỡng mộ, cảm phục trước tinh thần dũng cảm, bền bỉ vượt lên khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, cao cả.
Bài tập 5 (trang 14):
Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Chủ đề của bài thơ: Tình yêu đối với từng nhành cây, ngọn cỏ và những con người đang bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; cũng là tình yêu tha thiết đối với non sông, đất nước.
- Cảm hứng chủ đạo: Ca ngợi những phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ hải quân trên đảo Nam Yết nói riêng và những người lính đang chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc trên mọi miền đất nước nói chung.
Bài tập 6 (trang 14):
Từ "bão" trong các câu thơ “Không phải lúc nào cũng bão/ Bão tan. Trời lại biếc xanh” được dùng theo nghĩa gốc hay nghĩa chuyển? Tìm một số ví dụ có từ "bão" được dùng theo nghĩa khác.
Bài giải chi tiết:
- Từ "bão" trong các câu thơ “Không phải lúc nào cũng bão/ Bão tan. Trời lại biếc xanh” được dùng theo nghĩa gốc.
- Một số ví dụ có từ "bão" được dùng theo nghĩa khác:
- Trong thời kì bão giá, chúng ta nên chi tiêu tiết kiệm.
- Mẹ sắp về rồi. Dọn dẹp nhà cửa đi, kẻo bão tràn về bây giờ.
- Cuốn sách “Lặng nhìn cuộc sống” của tác giả Trần Huy Hoàng giúp tâm hồn tìm lại sự yên tĩnh sau bão dông.
Và cơn bão lòng ta thổi mãi (Tế Hanh, Bão).
Đọc bài thơ Cánh đồng thơ ấu của Dương Kiều Minh và trả lời các câu hỏi:
Bài thơ: Cánh đồng thơ ấu
Ở giữa cánh đồng của mẹ
trong chiếc nôi màu thiên thanh
Mơ mơ cánh đồng thơ ấu
không không không cả bóng người
không bước chân ngày ngây dại
cậu bé bây giờ về nơi?
Em đấy, em cười, thôn nữ
chào ta như thể quen rồi
chốn này đâu là ta nữa
cánh đồng cậu bé ấy thôi!
Kia đôi nhân tình gần khuất
kia chiếc cầu cong thảnh thơi
kia những hàng cây thân trắng
kia toà nhà cổ im lời
Đấy cánh đồng ngày thơ ấu
ta chỉ như là khách thôi
tất cả kia là cậu bé
chìm trong mờ ảo sắc trời
(Thơ Dương Kiều Minh, NXB Văn học, Hà Nội, 2011, tr. 33)
Bài tập 1 (trang 15): Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Nêu căn cứ để xác định thể thơ.
Bài giải chi tiết:
- Bài thơ viết theo thể thơ sáu chữ.
- Căn cứ để xác định thể thơ:
- Mỗi dòng thơ có 6 chữ (tiếng).
- Bài thơ sử dụng vần chân, vần cách: người – nơi, rồi – thôi, thơi – lời.
- Nhịp thơ linh hoạt: 2/2/2, 3/3, 1/2/3 và 1/3/2.
Bài tập 2 (trang 15): Trong hai khổ thơ đầu, cánh đồng thời thơ ấu hiện lên như thế nào trong kí ức của “ta”? Xác định những biện pháp tu từ nổi bật trong hai khổ thơ và nêu tác dụng của các biện pháp tu từ đó.
Bài giải chi tiết:
- Trong hai khổ thơ đầu, cánh đồng thời thơ ấu hiện lên trong kí ức của “ta” như thuở khởi nguyên:
- Cánh đồng ấy được bao quanh bởi một màu thiên thanh. Biện pháp tu từ ẩn dụ ví bầu trời với chiếc nôi, gợi lên hình ảnh cánh đồng nằm thảnh thơi trong chiếc nôi bầu trời xanh biếc.
- Cánh đồng ấy vắng vẻ không một bóng người, cũng tuyệt không một dấu chân người qua lại. Biện pháp tu từ điệp ngữ (không không không cả bóng người; không bước chân) làm nổi bật không gian vắng lặng, tịch mịch, sâu thẳm của cánh đồng. Đồng thời, nó cũng gợi lên một thế giới tâm hồn trong trẻo, ngây thơ của cậu bé – “ta” thuở ấu thơ.
- “Ta” dành cho cánh đồng thơ ấu một tình cảm nhớ thương, luyến tiếc. Tình cảm ấy được thể hiện qua biện pháp tu từ điệp ngữ (mơ mơ). Điệp ngữ mơ mơ nhấn mạnh ước mong được trở về với cánh đồng ấu thơ, cũng là trở về với tuổi thơ đẹp đẽ, đồng thời thể hiện niềm bâng khuâng tiếc nuối tuổi thơ đã qua đi không trở lại.
Bài tập 3 (trang 15): Nêu những cảm nhận của “ta” về hình ảnh cánh đồng trong thực tại thể hiện ở khổ thơ thứ ba và thứ tư. Trong khổ thơ thứ tư, nhà thơ đã sử dụng những biện pháp tu từ nào? Phân tích tác dụng của những biện pháp tu từ đó.
Bài giải chi tiết:
- Những cảm nhận của “ta” về hình ảnh cánh đồng trong thực tại thể hiện ở khổ thơ thứ ba và thứ tư là:
- Trở về tìm lại cánh đồng thơ ấu, “ta” gặp cô thôn nữ thân thiện, tươi cười, vồn vã chào như thể đã quen biết. Nhưng “ta” lại cảm thấy xa lạ bởi “ta” không còn là cậu bé ngày xưa. Sau những năm tháng “theo dòng đời”, “phiêu bạt nơi phồn hoa” (Phó Đức Phương, Về quê), “ta” đã trưởng thành, đổi khác, không còn thuộc về nơi này – nơi của những tâm hồn ngây thơ, hồn nhiên, chân chất. Nhịp 2/2/2 của câu thơ “Em đấy, em cười, thôn nữ” diễn tả tâm trạng bối rối khi gặp người con gái vừa lạ vừa quen của “ta”.
- “Ta” cũng ngậm ngùi khi nhận thấy tình yêu trong sáng thuở nào đã lùi xa, mờ dần trong kí ức (Kia đôi nhân tình gần khuất), chỉ còn lại những hình ảnh ghi dấu tình yêu ban đầu như những chứng nhân lặng lẽ (chiếc cầu cong, hàng cây thân trắng, toà nhà cổ).
- Trong khổ thơ thứ tư, biện pháp tu từ điệp ngữ (kia) kết hợp liệt kê, nhân hoá (chiếc cầu cong thảnh thơi, toà nhà cổ im lời) gợi lên biết bao hình ảnh gắn với những kỉ niệm đẹp đẽ không thể nào quên, khiến cho ranh giới giữa hiện tại và quá khứ, thực và ảo, hiện hữu và kí ức dường như bị xoá nhoà. Người và cảnh như vẫn còn đây mà cũng như đã xa rồi.
Bài tập 4 (trang 15): Xác định chủ đề, cảm hứng chủ đạo của bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Chủ đề: Tình yêu tuổi thơ đẹp, chan hòa trong tình yêu quê hương, tình cảm gia đình và những rung động đầu đời.
- Cảm hứng chủ đạo: Nỗi lưu luyến, tiếc nhớ những kỉ niệm đẹp đẽ, trong sáng của tuổi thơ; sự gắn bó tha thiết, máu thịt với đồng đất quê hương, với cha mẹ, gia đình,…
Bài tập 5 (trang 15): Từ cảm nhận về bài thơ, em hãy nêu suy nghĩ của mình về vai trò của kí ức tuổi thơ đối với mỗi con người.
Bài giải chi tiết:
- Tuổi thơ rất quan trọng trong cuộc đời mỗi người vì đây là giai đoạn con người hình thành nhân cách từ những trải nghiệm khó quên.
- Gia đình, nhà trường, xã hội cần tạo môi trường tốt nhất để trẻ em có tuổi thơ đẹp. Mỗi cá nhân khi còn bé được cha mẹ, người thân nuôi dưỡng thì cần cố gắng học tập, rèn luyện và lưu giữ những kỉ niệm tốt đẹp; khi trưởng thành cần trân trọng những kỉ niệm đó và cố gắng tạo một môi trường tốt cho thế hệ tiếp theo. Những người có trải nghiệm tiêu cực trong tuổi thơ thì hãy lấy đó làm động lực để cố gắng vươn lên trong cuộc sống.
Bài tập 6 (trang 15): Tìm một số ví dụ cho thấy cụm từ chiếc nôi có thể được dùng với nghĩa khác so với nghĩa của cụm từ này trong dòng thơ “trong chiếc nôi màu thiên thanh”.
Bài giải chi tiết:
Một số ví dụ cho thấy cụm từ chiếc nôi có thể được dùng theo một nghĩa khác với nghĩa của nó trong dòng thơ “trong chiếc nôi màu thiên thanh”.
- Ai Cập cổ đại là một trong những chiếc nôi của văn minh nhân loại.
- Gia đình là điểm tựa yêu thương, là chiếc nôi của mỗi người.
- Kinh Bắc là chiếc nôi của nghệ thuật hát dân ca quan họ.
- Chúng ta luôn luôn nằm trong lòng chiếc nôi xanh của cây cối – đó là cái máy điều hòa khí hậu vĩ đại của chúng ta.
(Nguyễn Bát Can - Lã Vinh Quyên, sức khỏe của thanh niên)
Đọc bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư và trả lời các câu hỏi:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ me tôi thuở thiếu thời,
Lúc người còn sống, tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng me tôi chửa xoá mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa.
(Thi ca Việt Nam chọn lọc, Thơ Lưu Trọng Lư, NXB Đồng Nai, Đồng Nai, 2005, tr. 46)
Bài tập 1 (trang 16):
Xác định số chữ (tiếng) trong mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp của bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Mỗi dòng thơ gồm 7 chữ (tiếng).
- Bài thơ gieo vần chân (vẫn hỗn hợp).
- Bài thơ chủ yếu ngắt nhịp 4/3.
Bài tập 2 (trang 16):
Khổ thơ đầu thể hiện tâm trạng gì của nhân vật “tôi”? Tâm trạng ấy được khơi nguồn từ đâu?
Bài giải chi tiết:
- Trong khổ thơ đầu, tâm trạng của nhân vật “tôi” được diễn tả qua các từ ngữ như: lòng rượi buồn, chập chờn sống lại. Các từ ngữ ấy gợi cảm giác buồn thương, nhớ nhung da diết.
- Tâm trạng ấy được gợi lên từ thời gian, không gian thân quen ngày mẹ còn sống. Đó là vào thời điểm đầu hè, ánh nắng mới tinh khôi, dịu nhẹ bắt đầu bừng lên hắt vào song cửa, sưởi ấm cho ngôi nhà, mang đến cho tâm hồn con người niềm vui. Trong sân, tiếng gà xao xác, não nùng làm xao động không gian trưa hè, đồng thời gợi cảm giác buồn se sắt.
Bài tập 3 (trang 16):
Ở hai khổ thơ cuối, trong mường tượng của nhân vật “tôi”, hình ảnh người mẹ hiện lên với đặc điểm gì? Tình cảm của người con dành cho mẹ như thế nào?
Bài giải chi tiết:
- Ở hai khổ thơ cuối, trong mường tượng của nhân vật “tôi”, hình ảnh người mẹ hiện lên với đặc điểm sau:
- Mẹ hiện lên rất đẹp – một vẻ đẹp dịu dàng, e ấp của người phụ nữ xưa, hiền thục, vui tươi với nụ cười rạng rỡ: Nét cười đen nhánh sau tay áo.
- Mẹ yêu thương, chăm chút cho gia đình, cho các con: “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội”, mẹ lại mang áo ra phơi trước giậu.
- Tình cảm của người con dành cho mẹ là:
- Hạnh phúc khi được sống trong tình yêu thương của mẹ: “Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội” – câu thơ sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá, vừa gợi lên hình ảnh ánh nắng lấp lánh, ấm áp vừa gợi lên cuộc sống vui tươi của “tôi” khi mẹ còn sống. Khi còn được ở bên mẹ, thế giới của “tôi” tràn ngập niềm vui bởi nụ cười của mẹ và màu áo đỏ mẹ phơi.
- Buồn vì mẹ không còn ở bên: Hình ảnh “nắng mới hắt bên song” miêu tả một luồng ánh sáng rọi vào nhà nhưng không đủ sức xua đi bóng tối, cái lạnh, cái hiu hắt của không gian, cũng là của lòng người. Cụm từ mỗi lần diễn tả sự lặp lại đều đặn của hình ảnh, tâm trạng buồn bã khi thiếu vắng mẹ. Các từ láy xao xác, não nùng gợi lên âm thanh tiếng gà làm xao động không gian vắng lặng, gợi cảm giác buồn tê tái.
- “Tôi” luôn nhớ về mẹ: “Hình dáng me tôi chửa xoá mờ/ Hãy còn mường tượng lúc vào ra”. Hai câu thơ diễn tả nỗi nhớ thương mẹ sâu sắc của người con. Mẹ không còn nhưng hình bóng mẹ vẫn hiện diện đâu đây trong căn nhà. “Tôi” luôn lưu giữ trong tim những hình ảnh, những kí ức đẹp đẽ nhất về mẹ: “Nét cười đen nhánh sau tay áo/ Trong ánh trưa hè, trước giậu thưa”.
Bài tập 4 (trang 16):
Nêu cảm hứng chủ đạo, chủ đề và căn cứ xác định chủ đề của bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Cảm hứng chủ đạo của bài thơ: tình yêu thương, nỗi nhớ người mẹ đã khuất.
- Chủ đề của bài thơ: tình cảm của người con đối với người mẹ đã khuất, qua đó gửi gắm thông điệp: hãy dành tình cảm, sự chăm sóc cho những người thân yêu khi còn có thể.
Căn cứ xác định chủ đề: nhan đề, mạch cảm xúc, từ ngữ (lòng rượi buồn, nhớ,...), hình ảnh (nắng mới hắt bên song, nắng mới reo ngoài nội, áo đỏ [...] trước giậu phơi, nét cười đen nhánh sau tay áo,...).
Bài tập 5 (trang 16):
Tìm một số ví dụ sử dụng từ chập chờn có nghĩa giống với nghĩa của từ này trong câu thơ “Chập chờn sống lại những ngày không”.
Bài giải chi tiết:
Một số ví dụ sử dụng từ chập chờn có nghĩa giống với nghĩa của từ này trong câu thơ “Chập chờn sống lại những ngày không” là:
- Điện hôm nay chập chờn quá.
- Chập chờn cơn tỉnh cơn mê.
- Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn.
(Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Đọc bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu và trả lời các câu hỏi:
*Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng;
Đây mùa thu tới – mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng.
Hơn một loài hoa đã rụng cành,
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ...
Non xa khởi sự nhạt sương mờ...
Đã nghe rét mướt luồn trong gió...
Đã vắng người sang những chuyến đò...
Mây vẩn từng không, chim bay đi,
Khí trời u uất hận chia li.
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói,
Tựa cửa, nhìn xa, nghĩ ngợi gì.*
(Thơ Xuân Diệu, NXB Văn học, Hà Nội, 2016, tr. 22 – 23)
Bài tập 1 (trang 17):
Bài thơ được sáng tác theo thể thơ nào? Cho biết đặc điểm của thể thơ được thể hiện qua bài thơ.
Bài giải chi tiết:
- Bài thơ được viết theo thể thơ bảy chữ.
- Đặc điểm của thể thơ được thể hiện qua bài thơ là:
- Gieo vần chân, vần hỗn hợp (vần liền: tang – hàng, cành – xanh, ngơ – mờ, đi – li,...; vần cách: hàng – vàng, xanh – manh, mờ – đò, li – gì).
- Ngắt nhịp 4/3 đều đặn ở các dòng thơ.
Bài tập 2 (trang 17):
Trong hai khổ thơ đầu, cảnh sắc mùa thu trong vườn hiện lên như thế nào? Chỉ ra các biện pháp tu từ, các từ láy được sử dụng trong hai khổ thơ và nêu tác dụng của chúng.
Bài giải chi tiết:
Mặc dù bước đi của mùa thu rất chậm rãi, nhưng nhà thơ đã cảm nhận được những thay đổi tinh tế của cảnh sắc trong vườn:
- Rặng liễu rủ được nhân hoá thành hình ảnh những người phụ nữ đang đứng chịu tang: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”. Từ láy "đìu hiu" gợi lên cảm giác vắng vẻ, buồn bã.
- Lá cây chuyển vàng khiến mùa thu như khoác lên mình chiếc áo màu mơ phai thơ mộng được dệt nên từ muôn ngàn chiếc lá vàng. Biện pháp tu từ nhân hoá gợi lên sự thay đổi bất ngờ của cây lá mùa thu.
- Một vài loài hoa đã lác đác rụng. Chú ý cách sử dụng từ ngữ mới lạ (“hơn một loài hoa”) diễn tả hình ảnh chưa nhiều loài hoa tàn rụng.
- Sắc đỏ của lá thu đang lấn dần từng chút sắc xanh. Biện pháp tu từ nhân hoá miêu tả trạng thái chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ của lá thu.
- Những luồng gió thổi nhẹ làm rung rinh lá... Cành cây rụng lá để lộ “đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”. Cách kết hợp từ mới lạ "luồng run rẩy", "nhánh khô gầy" và từ láy "rung rinh", "mỏng manh" đã gợi lên những trạng thái vận động mơ hồ, tinh tế của vạn vật khi mùa thu tới.
Bài tập 3 (trang 17):
Trong hai khổ thơ cuối, mùa thu tới làm cảnh vật và con người thay đổi ra sao?
Bài giải chi tiết:
- Vầng trăng mùa thu khi mờ khi tỏ được nhân hoá thành cô thiếu nữ thỉnh thoảng “tự ngẩn ngơ”. Cụm từ "tự ngẩn ngơ" diễn tả trạng thái ngẩn ngơ một mình, ngẩn ngơ về chính mình, không còn chú ý gì đến xung quanh, vì vẻ đẹp của thiên nhiên mùa thu quá đỗi thơ mộng hay vì một duyên cớ mơ hồ nào đó.
- Núi non ở xa bắt đầu mờ dần vì sương mù bao phủ.
- Cái rét theo gió thấm đượm khắp không gian. Biện pháp tu từ ẩn dụ (“đã nghe rét mướt”) kết hợp với nhân hoá (“rét mướt luồn trong gió”) thể hiện cảm nhận tinh tế của nhà thơ về cái lạnh đầu mùa: Gió rét đầu mùa chưa thổi về ào ạt mà mới chỉ “lén lút” thâm nhập vào “lãnh địa” mùa thu.
- Trời lạnh nên người qua lại trên sông ít. Biện pháp tu từ đảo ngữ (“Đã vắng người sang những chuyến đò...”) nhấn mạnh tình trạng thưa thớt, vắng vẻ của những chuyến đò.
- Mây cuộn lên từng đám trên bầu trời. Những cánh chim di trú bay về phương nam. Mây và cánh chim gợi lên nỗi buồn chia li như “bèo dạt mây trôi” khắp bốn phương trời.
- Biện pháp tu từ nhân hoá (“Khí trời u uất hận chia li”) miêu tả vẻ âm u của bầu trời, đồng thời làm toát lên một nỗi buồn bao trùm khắp không gian.
- Cuối bài thơ là hình ảnh một vài thiếu nữ “buồn không nói”, “tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi”. Những người thiếu nữ tâm hồn trong trẻo, ngây thơ dường như để mặc cho những suy nghĩ bâng khuâng hoà cùng mây trời.
Bài tập 4 (trang 17):
Qua bài thơ, nhà thơ thể hiện cảm nhận như thế nào về thời gian?
Bài giải chi tiết:
Sự thay đổi của thiên nhiên trong bài thơ diễn ra nhanh hay chậm, nhiều hay ít? Vì sao nhà thơ lại chú ý đến sự thay đổi đó? Câu thơ “Đây mùa thu tới, mùa thu tới” thể hiện thái độ gì của nhà thơ đối với mùa thu và đối với thời gian?
Qua bài thơ, nhà thơ thể hiện cảm quan mới mẻ về thời gian so với thơ ca trung đại. Thời gian không tuần hoàn mà hữu hạn, một đi không trở lại như Xuân Diệu từng viết trong bài thơ Vội vàng: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Con người cần sống hết mình bởi đời người ngắn ngủi. Nhà thơ luôn chú ý từng bước đi của thời gian qua sự thay đổi của không gian dù chưa rõ ràng (hơn một, rũa, luồn,...). Khi thấy mùa thu đến trên rặng liễu, ông đã cấp báo: “Đây mùa thu tới, mùa thu tới”, để nhắc nhở mọi người đừng để hoài phí thời gian.
Bài tập 5 (trang 17):
Xác định nghĩa của từ "rũa" trong câu thơ “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”.
Bài giải chi tiết:
- Từ "rũa" là động từ có nghĩa gốc là mài (kim loại, móng tay,...) bằng giũa.
- Trong câu thơ này, "rũa" có nghĩa là lấn dần từng chút một.
Đọc bài thơ Chiếc lá đầu tiên của Hoàng Nhuận Cầm và trả lời các câu hỏi:
Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm – Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi.
“- Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi,
Với lại bảy chú lùn rất quấy”
“– Mười đấy chứ! Nhìn xem trong lớp ấy”
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).
Những chuyện năm nao, những chuyện năm nào
Cứ xúc động, cứ xôn xao biết mấy
Mùa hoa mơ rồi đến mùa phượng cháy
Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm.
Thôi hết thời bím tóc trắng ngủ quên
Hết thời cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ
Quả đã ngọt trên mấy cành đu đủ
Hoa đã vàng, hoa mướp của ta ơi.
Em đã yêu anh, anh đã xa vời
Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi
Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại
Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên.
(Hoàng Nhuận Cầm, Xúc xắc mùa thu, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992, tr. 11 – 12)
Bài tập 1 (trang 18):
Bài thơ được viết theo thể thơ nào? Nếu căn cứ để xác định thể thơ.
Bài giải chi tiết:
- Bài thơ được viết theo thể thơ tám chữ.
- Căn cứ xác định: Bài thơ chủ yếu gồm những dòng thơ có 8 chữ.
Bài tập 2 (trang 18):
Trong sáu khổ thơ đầu, nhà thơ đã nhắc lại những kỉ niệm sâu sắc nào của tuổi học trò? Cho biết cảm xúc của nhà thơ khi nhắc lại những kỉ niệm đó.
Bài giải chi tiết:
- Nhà thơ đã nhắc lại những kỉ niệm sâu sắc của tuổi học trò:
- Chùm phượng hồng yêu dấu được trao tặng cho người bạn thân.
- Những rung động mơ hồ đầu tiên của trái tim.
- Một lớp học dưới những tán cây màu xanh.
- Trái bàng rụng xuống sân trường lúc đêm khuya.
- Hình ảnh những người thân yêu: em, mẹ, thầy cô, trường lớp, bạn bè.
- Một buổi trò chuyện thú vị, các bạn trêu chọc nhau rất vô tư, hồn nhiên.
- Cảm xúc của nhà thơ khi nhắc lại những kỉ niệm thuở hoa niên:
- Nhớ thương, vương vấn: • Câu thơ “Em thấy không, tất cả đã xa rồi” thể hiện sự ngậm ngùi, tiếc nuối về khoảng thời gian đã xa, về quá khứ tươi đẹp nay chỉ còn trong kí ức. • Câu thơ thứ hai, thứ ba sử dụng biện pháp tu từ nhân hoá (tiếng thở của thời gian rất khẽ, tuổi thơ ra đi cao ngạo) diễn tả sự trôi qua rất nhanh, rất vội vã của tuổi thơ, đồng thời thể hiện cảm xúc tiếc nuối, hoài niệm. • Trong khổ thơ thứ tư, nhà thơ sử dụng lặp lại từ "nhớ" tới 9 lần để diễn tả nỗi nhớ da diết về “em”, về mẹ, về trường lớp, bạn bè,...
- Xúc động, xôn xao: • Biện pháp tu từ điệp ngữ (muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu; những chuyện năm nao, những chuyện năm nào; cứ xúc động, cứ xôn xao) diễn tả cảm xúc da diết, trào dâng của nhân vật trữ tình, đồng thời tạo nhạc điệu cho bài thơ. • Ước mong thầy giáo mãi trẻ, khoẻ: “Trên trán thầy, tóc chớ bạc thêm”.
Bài tập 3 (trang 18):
Trong hai khổ thơ cuối, khi nhận ra thực tại “tất cả đã xa rồi”, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc gì?
Bài giải chi tiết:
- Bâng khuâng, tiếc nuối khi nhận ra tuổi học trò đã trôi qua, tất cả chỉ còn là kỉ niệm:
- Từ "thôi" thể hiện cảm xúc hụt hẫng, tiếc nuối khi nghĩ về một thời vô tư “bím tóc trắng ngủ quên” trong lớp học, nghịch ngợm “cầm dao khắc lăng nhăng lên bàn ghế cũ”.
- Biện pháp tu từ điệp ngữ kết hợp ẩn dụ (quả đã ngọt, hoa đã vàng) nhấn mạnh thực tế tuổi thơ đã ra đi, những cô bé, cậu bé năm nào giờ đã trưởng thành.
- Lời gọi "hoa mướp của ta ơi" thể hiện nỗi bâng khuâng, tiếc nuối da diết.
- Buồn bã vì tình yêu tuổi học trò cũng chỉ còn là kỉ niệm: “Em đã yêu anh, anh đã xa vời”. Biện pháp tu từ điệp ngữ (đã) cho thấy tất cả đã thuộc về quá khứ, chỉ còn lại những lưu luyến, vấn vương: “Cây bàng hẹn hò chìa tay vẫy mãi”.
- Lo sợ những kỉ niệm đẹp thuở hoa niên rồi cũng sẽ tan biến: “Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường – chiếc lá buổi đầu tiên”.
Bài tập 4 (trang 18):
Nêu chủ đề của bài thơ và căn cứ xác định chủ đề.
Bài giải chi tiết:
- Chủ đề: Tình yêu đối với bạn bè, thầy cô, mái trường; trân trọng những kỉ niệm đẹp của tuổi hoa niên.
- Căn cứ xác định chủ đề:
- Nhan đề bài thơ "Chiếc lá đầu tiên" tượng trưng cho sự chớm nở của tình yêu ban đầu, cho những kỉ niệm đầu tiên không phai mờ trong tâm trí mỗi người.
- Các từ ngữ bộc lộ cảm xúc như: nhớ, khóc, xúc động, xôn xao,...; những hình ảnh gắn liền với tuổi học trò như: chùm phượng hồng, hoa súng tím, tiếng ve, lớp học, trái bàng,…
Bài tập 5 (trang 18):
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là gì?
Bài giải chi tiết:
Cảm hứng chủ đạo của bài thơ Chiếc lá đầu tiên là nỗi nhớ nhung, tiếc nuối tuổi học trò đã qua.
Thêm kiến thức môn học
Giải VBT Ngữ văn 9 kết nối tri thức , Giải VBT Ngữ văn 9 KNTT, Giải VBT Ngữ văn 9 Bài 7: Viết
Giải bài tập những môn khác
Môn học lớp 9 KNTT
5 phút giải toán 9 KNTT
5 phút soạn bài văn 9 KNTT
Văn mẫu 9 kết nối tri thức
5 phút giải KHTN 9 KNTT
5 phút giải lịch sử 9 KNTT
5 phút giải địa lí 9 KNTT
5 phút giải hướng nghiệp 9 KNTT
5 phút giải lắp mạng điện 9 KNTT
5 phút giải trồng trọt 9 KNTT
5 phút giải CN thực phẩm 9 KNTT
5 phút giải tin học 9 KNTT
5 phút giải GDCD 9 KNTT
5 phút giải HĐTN 9 KNTT
Môn học lớp 9 CTST
5 phút giải toán 9 CTST
5 phút soạn bài văn 9 CTST
Văn mẫu 9 chân trời sáng tạo
5 phút giải KHTN 9 CTST
5 phút giải lịch sử 9 CTST
5 phút giải địa lí 9 CTST
5 phút giải hướng nghiệp 9 CTST
5 phút giải lắp mạng điện 9 CTST
5 phút giải cắt may 9 CTST
5 phút giải nông nghiệp 9 CTST
5 phút giải tin học 9 CTST
5 phút giải GDCD 9 CTST
5 phút giải HĐTN 9 bản 1 CTST
5 phút giải HĐTN 9 bản 2 CTST
Môn học lớp 9 cánh diều
5 phút giải toán 9 CD
5 phút soạn bài văn 9 CD
Văn mẫu 9 cánh diều
5 phút giải KHTN 9 CD
5 phút giải lịch sử 9 CD
5 phút giải địa lí 9 CD
5 phút giải hướng nghiệp 9 CD
5 phút giải lắp mạng điện 9 CD
5 phút giải trồng trọt 9 CD
5 phút giải CN thực phẩm 9 CD
5 phút giải tin học 9 CD
5 phút giải GDCD 9 CD
5 phút giải HĐTN 9 CD
Trắc nghiệm 9 Kết nối tri thức
Trắc nghiệm 9 Chân trời sáng tạo
Trắc nghiệm 9 Cánh diều
Tài liệu lớp 9
Văn mẫu lớp 9
Đề thi lên 10 Toán
Đề thi môn Hóa 9
Đề thi môn Địa lớp 9
Đề thi môn vật lí 9
Tập bản đồ địa lí 9
Ôn toán 9 lên 10
Ôn Ngữ văn 9 lên 10
Ôn Tiếng Anh 9 lên 10
Đề thi lên 10 chuyên Toán
Chuyên đề ôn tập Hóa 9
Chuyên đề ôn tập Sử lớp 9
Chuyên đề toán 9
Chuyên đề Địa Lý 9
Phát triển năng lực toán 9 tập 1
Bài tập phát triển năng lực toán 9
Bình luận