Lý thuyết trọng tâm Ngữ văn 9 Kết nối bài 3: Kim – Kiều gặp gỡ (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)

Tổng hợp kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Kim – Kiều gặp gỡ (trích Truyện Kiều, Nguyễn Du). Tài liệu nhằm củng cố, ôn tập lại nội dung kiến thức bài học cho học sinh dễ nhớ, dễ ôn luyện. Kéo xuống để tham khảo


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

VĂN BẢN: KIM, KIỀU GẶP GỠ

MỤC TIÊU CẦN ĐẠT:

- Nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện thơ Nôm như: cốt truyện, nhân vật, lời thoại

- Nhận biết và phân biệt được lời người kể chuyện và lời nhân vật. 

PHẦN I: TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Khám phá tri thức ngữ văn.

1.1. Truyện thơ Nôm.

- Là thể loại tự sự bằng thơ, được viết bằng chữ Nôm.

- Hình thành vào thế kỉ XVI - XVII; phát triển mạnh mẽ vào thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX.

- Có đề tài, chủ đề rộng mở, phong phú; có giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc. 

- Là thể loại có đóng góp to lớn vào việc phát triển ngôn ngữ văn học và thể thơ lục bát của dân tộc. 

1.2. Chữ Nôm

- Là chữ viết cổ dùng để ghi âm tiếng Việt, được ông cha ta sáng tạo dựa theo kí hiệu văn tự Hán.

- Hình thành vào khoảng thế kỷ X và đã được sử dụng để sáng tác thơ văn khoảng từ thế kỉ XII - XIII. 

- Sự ra đời của chữ Nôm thể hiện tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về văn hóa và khẳng định vị trí, vai trò của tiếng Việt. 

1.3. Thể thơ 

- Đường luật, thể thơ song thất lục bát; thể thơ lục bát (chủ đạo).

1.4. Cốt truyện

- Tiếp thu từ văn học dân gian, văn học nước ngoài, do các tác giả tự sáng tạo; mô hình cốt truyện: gặp gỡ - chia li - đoàn tụ.

- Khi tiếp thu nguồn cốt truyện từ văn học dân gian hoặc văn học Trung Quốc, các tác giả truyện thơ Nôm đã có những đóng góp riêng, tạo nên những tác phẩm mới có giá trị nội dung và nghệ thuật đặc sắc.

1.5. Nhân vật chính 

- Là những cô gái, chàng trai có vẻ đẹp toàn diện nhưng gặp nhiều thử thách trong cuộc sống; nhiều nhân vật được khắc hoạ ở cả ngoại hình, lời nói, hành động và tâm trạng, suy nghĩ, cảm xúc; lời thoại của nhân vật được chú ý ở cả hai hình thức: đối thoại và độc thoại.

2. Tìm hiểu tác giả Nguyễn Du và “Truyện Kiều"

2.1 Tác giả Nguyễn Du

* Thân thế, thời đại

- Sinh năm 1765, mất năm 1820.

- Sinh ra, lớn lên trong thời đại lịch sử nhiều biến động.

- Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An (nay là huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh).

- Cuộc đời nhiều thăng trầm, vốn sống phong phú.

- Ông có vốn tri thức uyên bác, am hiểu sâu sắc về con người và trái tim luôn mang nặng nỗi thương đời. 

* Sự nghiệp văn học

- Tác phẩm chữ Hán: Thanh Hiên thi tập (78 bài); Nam trung tạp ngâm (40 bài); Bắc hành tạp lục (132 bài).

- Tác phẩm chữ Nôm tiêu biểu: Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh.

- Nguyễn Du được suy tôn là đại thi hào của dân tộc, được UNESCO vinh danh và kỉ niệm 250 năm ngày sinh của ông.

2.2. Truyện Kiều

- Nguồn gốc cốt truyện: sáng tạo dựa trên tiều thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

- Ngôn ngữ, thể loại: viết bằng chữ Nôm, theo thể loại truyện thơ Nôm.

- Cảm hứng: xót thương cho số phận bi kịch của người phụ nữ, khẳng định vẻ đẹp và giá trị của con người, trân trọng khát vọng chính đáng của họ, tố cáo thực trạng xã hội bất công, ngang trái.

- Giá trị: nổi bật về nội dung là giá trị  nhân đạo và giá trị hiện thực; nổi bật về hình thức là nghệ thuật xây dựng nhân vật, sử dụng ngôn ngữ và thể thơ, tổ chức cốt truyện, ...

3. Định hướng cách đọc hiểu một đoạn trích trong truyện thơ Nôm

Khi đọc hiều một đoạn trích trong truyện thơ Nôm, cần xác định được vị trí của đoạn trích trong tác phẩm, bố cục của đoạn trích, phân biệt lời người kể chuyện và lời nhân vật, khái quát được đặc điểm nhân vật và chủ đề của đoạn trích, chỉ ra những nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật và sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ.

4. Đọc văn bản, tìm hiểu từ ngữ khó

PHẦN II. TÌM HIỂU VĂN BẢN

1. Tìm hiểu vị trí, bố cục của đoạn trích và hệ thống nhân vật, sự việc được kể

1.1. Vị trí đoạn trích

- Đoạn trích gồm 36 câu, từ câu 141 đến câu 184 trong Truyện Kiều (có lược một

số câu).

- Đoạn trích nằm ở phần Gặp gỡ trong mô hình kết cấu thường gặp: Gặp go -

Chia li - Đoàn tụ của truyện thơ Nôm.

1.2. Bố cục đoạn trích

- 12 câu thơ đầu: giới thiệu sự xuất hiện và đặc điểm của nhân vật Kim Trọng.

- 10 câu thơ tiếp: miêu tả tâm trạng, cảm xúc của Thuý Kiều và Kim Trọng trong buổi đầu gặp gỡ.

- 14 câu thơ cuối: tâm trạng, cảm xúc của Thuý Kiều khi trở về nhà.

1.3. Hệ thống nhân vật và sự việc được kể

- Có 4 nhân vật xuất hiện trong buổi gặp gỡ đầu xuân: 3 chị em (Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan) và Kim Trọng - người bạn của Vương Quan. Trung tâm câu chuyện là Thuý Kiều và Kim Trọng.

- Đoạn trích miêu tả cuộc gặp gỡ giữa Thuý Kiều, Kim Trọng cùng diễn biến tâm lí của các nhân vật trong và sau cuộc gặp gỡ. Nhan đề và nội dung được kể trong đoạn trích thể hiện rõ điều đó.

2. Chân dung nhân vật Kim Trọng

- Kim Trọng xuất hiện trong khung cảnh thiên nhiên trong sáng, tươi đẹp. Dung mạo, cử chỉ, phong thái của chàng Kim làm bừng sáng cả không gian, làm “xinh đẹp cả một vùng” (Xuân Diệu): 

Hài văn lần bước dặm xanh 

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

- Chân dung Kim Trọng được khắc họa qua cử chỉ, hành động, ngoại hình và gia thế, địa vị, học thức. Cử chỉ, hành động lịch thiệp, nho nhã: xuống ngựa tới nơi tự tình. Trang phục, dung mạo trẻ trung, thanh lịch: hài văn lần bước dặm xanh. Gia thế giàu sang, quyền quý: nhà trâm anh, nền phú hậu. Tư chất thông minh, tài năng văn chương xuất chúng: văn chương nết đất, thông minh tính trời. Chân dung nhân vật toát lên vẻ hào hoa, lịch lãm và phong nhã.

- Kim Trọng được miêu tả và giới thiệu qua lời người kể chuyện. Nguyễn Du dẫn dắt người đọc đi từ vẻ đẹp ngoại hình đến vẻ đẹp của phẩm cách và tâm hồn nhân vật.

- Kim Trọng mang vẻ đẹp hoàn hảo, lí tưởng của mẫu người tài tử, văn nhân thời xưa. Sự kết hợp giữa yếu tố tĩnh (ngoại hình) và yếu tố động (cử chỉ, hành động) tạo nên bức chân dung thống nhất, hoàn mĩ.

3. Tâm trạng, cảm xúc của Thuý Kiều, Kim Trọng trong buổi hội ngộ

- Cuộc gặp gỡ đầu xuân có 4 nhân vật nhưng Nguyễn Du tập trung khám phá, thể hiện tâm trạng, cảm xúc của hai nhân vật chính: Kim Trọng và Thuý Kiều.

- Ấn tượng đầu tiên khi gặp gỡ: cảm giác ngỡ ngàng, ngưỡng mộ của Kim Trọng trước vẻ đẹp mặn mà, đằm thắm của hai chị em Thuý Kiều.

- Cảm xúc khi tình yêu chớm nở: từ trạng thái ngại ngùng, bối rối, e ấp của Thuý Kiều, Kim Trọng (Tình trong như đã mặt ngoài còn e) đến trạng thái đắm say, mãnh liệt (Chập chờn cơn tỉnh cơn mê), quyến luyến chẳng muốn chia xa (dứt về chỉn khôn). Những ràng buộc của lễ giáo không ngăn cản được hai tâm hồn trẻ trung, khao khát tình yêu và hạnh phúc.

- Cảm xúc lúc chia tay: vấn vương, không nỡ rời. Thời khắc ngày tàn khiến buổi hội ngộ đẹp đẽ, nên thơ giữa Thuý Kiều

- Kim Trọng phải kết thúc. Người trong cuộc không lên tiếng nhưng hành động dùng dằng của khách lên ngựa, đôi mắt dõi theo của người đứng trông đã thể hiện sâu sắc cảm giác lưu luyến, muốn níu kéo mãi phút giây gặp gỡ. Tình yêu giăng mắc lên cả cảnh vật thiên nhiên, khiến nhịp cầu, dòng nước, tơ liễu và bóng chiều cũng trở nên thơ mộng, trữ tình hơn.

- Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật của Nguyễn Du: sử dụng ngôn ngữ dân

tộc (đa số từ thuần Việt), kết hợp miêu tả trực tiếp cảm xúc của nhân vật với bút pháp tả cảnh ngụ tình.

4. Tâm trạng Thuý Kiều khi trở về khuê phòng

- Tâm trạng Thuý Kiều được miêu tả trên nền khung cảnh đêm trăng êm đềm, thơ mộng. Thời gian chuyển dần từ chiều muộn sang đêm tối. Không gian được mở rộng từ khuê phòng của người thiếu nữ đến bầu trời rộng lớn, mặt nước long lanh, vòm cây trước sân, tất cả đang ngập tràn sắc vàng lộng lẫy của ánh trăng. Bức

tranh thiên nhiên tươi đẹp, tràn đầy xuân sắc phản chiếu nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến và cảm giác hân hoan, rạo rực của người thiếu nữ bắt đầu yêu.

- Thế giới nội tâm nhân vật được khắc hoạ qua lời người kể chuyện (tả thiên nhiên để ngụ ý cảm xúc con người, kể hành động và diễn biến tâm lí nhân vật) và qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật (4 câu thơ trong dấu ngoặc kép). Con người nội cảm - con người với những cảm xúc tinh tế, phức tạp nhờ đó được biểu đạt sâu sắc, trọn vẹn.

- Qua bức tranh thiên nhiên và lời kể của người kể chuyện, người đọc có thể thấy được tâm trạng bồi hồi, ngổn ngang nhiều nỗi niềm tâm sự của Thuý Kiều. Qua lời độc thoại nội tâm của nhân vật, trạng thái rộng đường gần với nỗi xa bời của nhân vật được phơi bày rõ nét. Đó là sự cộng hưởng hai cảm xúc vừa thống nhất vừa đối lập:

+ Nỗi xót xa, thương cảm cho số phận bi kịch của nàng Đạm Tiên, niềm trăn trở về giá trị cuộc sống: 

Người mà đến thế thì thôi

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.

+ Niềm bâng khuâng, xao xuyến, chan chứa hi vọng nhưng cũng phấp phỏng lo âu khi nghĩ đến Kim Trọng: 

Người đâu gặp gỡ làm chi 

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

> Nguyễn Du đã sử dụng nhiều phương tiện như lời người kể chuyện, lời nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình để thể hiện thế giới nội tâm của nhân vật Thuý Kiểu.

PHẦN III: TỔNG KẾT

- Chủ đề:

+ Ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống, của tuổi trẻ và tình yêu tự do.

+ Thể hiện sự đồng cảm, đồng tình với khát vọng tình yêu; tình yêu thương và sự trân trọng con người, đặc biệt là người phụ nữ.

- Nghệ thuật:

+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật: khắc hoạ nhân vật ở cả hai phương diện: con người ngoại hiện với ngoại hình, cử chỉ, hành động và con người nội cảm với chiều sâu tâm lí. Tác giả kết hợp nhiều phương tiện nghệ thuật để khắc hoạ nhân vật: lời kể của người kể chuyện, lời độc thoại nội tâm của nhân vật, bút pháp tả cảnh ngụ tình ....

+ Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ: kết hợp nhuần nhuyễn từ Hán Việt và từ thuần Việt, khai thác giá trị biểu cảm của lớp từ láy trong việc tả cảnh thiên nhiên và nội tâm con người.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Tóm tắt kiến thức Ngữ văn 9 KNTT bài 3: Kim – Kiều gặp gỡ (trích, kiến thức trọng tâm Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Kim – Kiều gặp gỡ (trích, Ôn tập Ngữ văn 9 kết nối tri thức bài 3: Kim – Kiều gặp gỡ (trích

Bình luận

Giải bài tập những môn khác