Đề cương ôn tập Công dân 7 Cánh diều kì 2

Đề cương ôn tập môn Giáo dục công dân lớp 7 bộ sách Cánh diều mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức của môn Giáo dục công dân 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.

A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Ứng phó với tâm lý căng thẳng

- Tình huống gây căng thẳng là những tình huống tác động và gây ra các ảnh hưởng tiêu cực về thể chất và tinh thần của con người.

- Một số tình huống gây căng thẳng thường gặp: kết quả học tập, thi cử không mong muốn; bị bạn bè xa lánh; bị bố mẹ áp đặt, ngăn cấm; bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn;....

- Biểu hiện khi căng thẳng; cơ thể mệt mỏi; luôn cảm thấy chán nản, thiếu tập trung; hay lo lắng, buồn bực; dễ cáu gắt, tức giận; không muốn tiếp xúc với mọi người, thích ở một mình;...

- Nguyên nhân gây ra căng thẳng

+ Nguyên nhân khách quan; áp lực trong học tập và công việc lớn hơn khả năng của bản thân; sự kì vọng quá lớn của mọi người so với khả năng của bản thân; gặp khó khăn, thất bại, biến cô trong đời sống;...

+ Nguyên nhân chủ quan; tâm lí không ổn định, thể chất yếu đuối; luôn mặc cảm hoặc dồn ép bản thân về một vấn đề; tự đánh giá bản thân quá thấp hoặc quá cao;...

- Ảnh hưởng của căng thẳng: khi những căng thẳng vượt qua ngưỡng chịu đựng cảu con người thì sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực khiến con người rơi vào trạng thái mệt mỏi về cả thể chất và tinh thần, mất niềm tin và phương pháp trong cuộc sống.

*Để ứng phó với căng thẳng có thể áp dụng một số cách:

- Thư giãn và giải trí: luyện tập thể thao, làm những việc yêu thích, hít thở sâu,…

- Chia sẻ tâm sự và tìm kiếm sự trợ giúp từ những người thân, người xung quanh.

- Suy nghĩ tích cực.

- Viết nhật kí.

- Lập kế hoạch một cách khoa học và vừa sức.

- Ăn uống, nghỉ ngơi, học tập điều độ, hợp lí.

- Tìm sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn tâm lí, bác sĩ tâm lí.

2. Bạo lực học đường

- Biểu hiện của bạo lực học đường:

+ Các hành vi bạo lực thể chất: hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe và các hành vi khác cố ý gây tổn thất về thể chất của người khác.

+ Các hành vi bạo lực về tinh thần: lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn thất về tinh thần người khác.

+ Hành vi chiếm đoạt, hủy hoại gây tổn thất tài sản của người khác.

+ Các hành vi bạo lực trực tuyến: nhắn tin, gọi điện, sử dụng hình ảnh cá nhân để uy hiếp, đe dọa, ép buộc người khác làm theo ý mình hoặc lăng mạ, bôi nhọ nhân phẩm người khác; lập hoặc tham gia các hội nhóm trên mạng để cô lập, tẩy chay một cá nhân hoặc nhóm khác.

- Nguyên nhân của bạo lực học đường:

+ Nguyên nhân chủ quan: sự thiếu hụt kĩ năng sống, thiếu sự trải nghiệm, thích thể hiện bản thân, tính cách nông nổi, bồng bột.

+ Nguyên nhân khách quan: thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình; những tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.

- Hậu quả của bạo lực học đường.

+ Người gây ra bạo lực học đường cũng có thể bị tổn thương về thể chất, tinh thần; bị lệch lạc nhân cách; phải chịu các hình thức kỉ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

+ Người bị bạo lực học đường có thể bị tổn thương thể chất, tinh thần, giảm sút kết quả học tập và rèn luyện.

+ Đối với gia đình, bạo lực học đường có thể gây ra không khí căng thẳng, bất an, tổn hại về vật chất; xã hội thiếu an toàn và làng mạnh.

3. Ứng phó với bạo lực học đường

- Để phòng, chống bạo lực học đường, pháp luật nước ta quy định:

+ Không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường và người khác.

+ Không được đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

+ Nhà trường, cha mẹ học sinh có trách nhiệm giáo dục học sinh về phòng, chống bạo lực học đường; phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực học đường; ngăn ngừa, can thiệp kịp thời và bảo vệ quyền lợi chính đáng của học sinh trước các hành vi bạo lực học đường.

- Để phòng ngừa bạo lực học đường, mỗi học sinh cần;

+ Có lối sống lành mạnh tránh xa phim ảnh, trò chơi bạo lực và các tệ nạn xã hội.

+ Thân thiện, hòa đồng và xây dựng tình bạn lành mạnh.

+ Kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là các cảm xúc tiêu cực.

+ Khéo léo và kịp thời trong giải quyết các hiểu nhầm, xích mích nhỏ.

+ Nhận biết nguy cơ bị bạo lực học đường, tự chủ, không để bị lôi kéo, tham gia các vụ việc bạo lực học đường.

+ Tìm hiểu các thông tin pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực học đường.

- Để ứng phó với bạo lực học đường, mỗi học sinh cần:

+ Nhanh chóng nhận diện được dấu hiệu của bạo lực học đường.

+ Bình tĩnh, tìm cơ hội thoát ra hoặc kêu gọi sự giúp đỡ.

+ Thông báo sự việc cho gia đình, thầy cô hoặc trình báo cơ quan chức năng.

+ Gọi số điện thoại đường dây nóng bảo vệ trẻ em 111.

+ Đổi mật khẩu để bảo vệ tài khoản mạng xã hội của cá nhân.

+ Khi chứng kiến bạo lực học đường, không thờ ơ vô cảm, lôi kéo tham gia, cổ vũ các hành vi bạo lực học đường.

+ Không tìm cách trả thù, đánh lại, tỏ thái độ thách thức.

4. Tệ nạn xã hội

- Tệ nạn xã hội là hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật, mang tính phổ biến và gây hậu quả xấu đối với cá nhân, gia đình và xã hội.

- Tệ nạn xã hội phổ biến bao gồm: ma túy, cờ bạc, mại dâm và mê tín dị đoan....

- Tệ nạn xã hội bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:

+ Thiếu hiểu biết; ham chơi, đua đòi;

+ Bị dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc hoặc ép buộc;

+ Thiếu sự giáo dục phù hợp, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ, yêu thương của gia đình;

+ Thiếu môi trường vui chơi, giải trí lành mạnh,,....

Hậu quả của tệ nạn xã hội:

- Gây tổn hại nghiêm trọng về mặt sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, thậm chí là tính mạng con người.

- Dẫn đến những tổn thất về kinh tế, tình trạng bạo lực và phá vỡ hạnh phúc của gia đình.

- Ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; chuẩn mực đạo đức; thuần phong mĩ tục và vi phạm các quy định pháp luật của Nhà nước.

5. Thực hiện phòng, chống tệ nạn xã hội

- Để phòng, chống tệ nạn xã hội, pháp luật nước ta quy định:

+ Nghiêm cấm sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng, tổ chức trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Người nghiện ma túy bắt buộc phải đi cai nghiện.

+ Cấm đánh bạc dưới bất cứ hình thức nòa, nghiêm cấm tổ chức đánh bạc.

+ Nghiêm cấm các hành vi mê tín di đoạn.

+ Nghiêm cấm các hành vi mua dâm, bán dâm, chứa mại dâm, tổ chức hoạt động mại dâm, môi giới mại dâm, cưỡng bức bán dâm và bảo kê mại dâm.

+ Trẻ em không được uống rượu, hút thuốc, đánh bạc hay dùng các chất kích thích.

+ Nghiêm cấm lôi kéo trẻ em đánh bạc, uống rượu, hút thuốc, dùng chất kích thích, dụ dỗ và dẫn dắt trẻ em bán dâm hoặc cho trẻ em sử dụng các văn hóa phẩm đồi trụy, đồ chơi hoặc đồ chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội thì sẽ bị xử lí theo quy định của pháp luật.

* Trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tệ nạn xã hội:

- Thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn và tuân thủ pháp luật.

- Tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội do trường, lớp và địa phương tổ chức.

- Đấu tranh, phê phán các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với lứa tuổi.

6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình

- Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của pháp luật.

- Đối với mỗi người, gia đình chính là mái ấm yêu thương, là nơi hình thành và nuôi dưỡng nhân cách, là chỗ dựa vững chắc cho mọi thành viên.

- Đối với xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc. Mỗi một gia đình tốt là một tế bào lành mạnh cho xã hội.

- Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.

- Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi dạy con thành những công dân tốt, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng con; không được phân biệt đối xử giữa các con; không được ngược đãi, xúc phạm, ép buộc con làm điều trái đạo đức, trái pháp luật.

- Con có quyền được cha mẹ thương yêu, tôn trọng; có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ.

- Ông bà có quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu.

- Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà.

- Anh, chị, em có quyền và nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục con.

- Mỗi người phải tự giác, chủ động, bình đẳng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình, đồng thời tôn trọng quyền của người khác.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Trong phòng, chống tệ nạn xã hội, công dân có trách nhiệm như thế nào?

Câu 2: Có ý kiến cho rằng: “Nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc học sinh vướng vào tệ nạn xã hội là do thiếu một môi trường sống lành mạnh”. Em có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao?

Câu 3: Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. S được bố mẹ nuông chiều từ nhỏ nên S cho rằng mình có quyền đương nhiên như vậy. Hằng ngày, S không phải làm việc gì trong gia đình, kể cả việc chăm sóc bản thân cũng ỷ lại vào bố mẹ. S hay đòi hỏi bố mẹ phải mua cho nhiều thứ, kể cả những thứ đắt tiền, nếu không có là S lại vùng vằng, hờn dỗi. Bố mẹ và họ hàng trong gia đình có nói gì S cũng không nghe. S cho rằng, mình là con gia đình khá giả nên mình có quyền được hưởng mọi thứ mà không phải thực hiện nghĩa vụ gì.

Câu hỏi:

a) S đã thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình hay chưa? Vì sao?

b) Suy nghĩ của S về việc mình chỉ có quyền mà không có nghĩa vụ trong gia đình là đúng hay sai? Vì sao?

Câu 4: Tệ nạn xã hội là gì? Em hãy kể tên những tệ nạn xã hội phổ biến.

Câu 5: Em tán thành hay không tán thành với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

- Ý kiến A. Mỗi một gia đình tốt là sẽ là một tế bào lành mạnh cho xã hội.

- Ý kiến B. Gia đình là nơi bố mẹ yêu thương, chiều chuộng con vô điều kiện.

- Ý kiến C. Xã hội tiến bộ sẽ góp phần thúc đẩy mỗi người thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong gia đình.

- Ý kiến D. Chăm sóc con cái là việc của gia đình, còn dạy dỗ là việc của nhà trường.

Câu 6: Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Ông D là hàng xóm của gia đình T thường xuyên tổ chức sử dụng ma tuý cho thanh niên trong thôn. Thấy T hay sang chơi, ông D đã dụ dỗ T cùng thử ma tuý. Trước hành vi của ông D, T kiên quyết từ chối không dùng thử nên bị ông D cho mấy người nghiện ngập đe doạ. Thấy T có biểu hiện lo lắng, qua trò chuyện, bố mẹ biết được hành vi của ông D đối với con mình nên đã tố giác với cơ quan công an.

Câu hỏi:

a) Em hãy nhận xét hành vi của ông D, T và bố mẹ T

b) Có ý kiến cho rằng, hành vi của ông D chỉ bị xử phạt hành chính là không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?

Câu 7: Nếu chẳng may rơi vào trạng thái tâm lí căng thẳng, em cần làm gì để thoát khỏi trạng thái này?

Câu 8: Đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. L là học sinh lớp 7A. Tuy nhiên, do một số hiểu lầm nên L bị một số bạn trong lớp đã ganh ghét, thường xuyên bịa đặt những thông tin sai sự thật. Nhóm bạn đó bịa đặt rằng: L hay “ngầm báo cáo” với cô giáo chủ nhiệm về các bạn trong lớp nghỉ học đi chơi; chê bai, mỉa mai ngoại hình và gia cảnh khó khăn của L,… Chỉ một thời gian sau, những lời nói xấu L bị đăng tải lên Facebook. Lúc này, có rất nhiều người đã hùa theo nói xấu L mà chẳng cần biết chuyện đúng hay sai sự thật. Trước chuyện này, L vô cùng buồn chán, nhưng đành cam chịu.

Câu hỏi:

a) Em nhận xét thế nào về hành vi của những bạn trong lớp đối với L?

b) Em có thể tư vấn cho L như thế nào về cách ứng phó trong trường hợp này?

Câu 9:

a) Nêu các biểu hiện và nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

b) Em đồng tình hay không đồng tình với ý kiến nào dưới đây? Vì sao?

+ Ý kiến 1. Chế giễu bạn qua mạng xã hội hay qua tin nhắn không phải là bạo lực học đường.

+ Ý kiến 2. Tuyên truyền, phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm nhà trường và xã hội.

+ Ý kiến 3. Khi bắt gặp tình huống bạo lực học đường, chúng ta được phép cổ vũ, vì hành vi này không vi phạm pháp luật, không trực tiếp gây ra bạo lực học đường.

Câu 10: Em hãy nhận xét ngắn gọn về cách tạo thu nhập hoặc sử dụng tiền của các nhân vật trong những tình huống dưới đây:

Tình huống 1: Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, khi biết tin sẽ vào được trường chuyên của tỉnh. T quyết tâm sẽ học tập thật tốt để đạt được học bổng nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Tình huống 2: Bố mất sớm nên kinh tế gia đình của G rất khó khăn. Ngoài giờ học, G còn đi tìm rau tập tàng và bán cho những người trong xóm để kiếm thêm tiền phụ gia đình

Tình huống 3: K có năng khiếu về bơi lội. Ngoài giờ học trên lớp, K còn tham gia cuộc thi bơi lội dành cho học sinh do huyện M tổ chức và đạt được khá nhiều giải thưởng, K dùng một nửa số tiền thưởng gửi tặng cho các bạn trong lớp có hoàn cảnh khó khăn, số tiền còn lại K dành để đóng học phí vào năm học mới.

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Công dân 7 Cánh diều học kì 2, ôn tập Công dân 7 Cánh diều học kì 2, Kiến thức ôn tập Công dân 7 Cánh diều kì 2

Bình luận

Giải bài tập những môn khác