Đề cương ôn tập Địa lí 7 Cánh diều học kì 2

Đề cương ôn tập môn Địa lí lớp 7 bộ sách Cánh diều mới là tài liệu giúp các em ôn tập củng cố lại toàn bộ kiến thức được của môn Địa lí 7. Tài liệu bao gồm các kiến thức trọng tâm, giúp các bạn ôn tập lại lý thuyết và luyện tập các câu hỏi tổng hợp để chuẩn bị tốt cho kì thi cuối kì 2 sắp tới. Sau đây mời các em tham khảo đề cương chi tiết.

A. TRỌNG TÂM KIẾN THỨC

CHỦ ĐỀ 4: CHÂU MĨ

  • VỊ TRÍ ĐỊA LÍ, PHẠM VI VÀ VIỆC PHÁT KIẾN RA CHÂU MỸ

1. Vị trí địa lí và phạm vi châu Mỹ

- Nằm hoàn toàn  ở bán cầu Tây, kéo dài theo hướng bắc- nam, từ vùng cực Bắc đến vùng cận cực Nam. Được bao bọc bởi Bắc Băng Dương ở phía bắc, Đại Tây Dương ở phía đông, Thái Bình Dương ở phía tây.

- Gồm lục địa Bắc Mỹ, lục địa Nam Mỹ được nối với nhau qua eo đất hẹp Trung Mỹ.

2. Hệ quả địa lí- lịch sử của việc phát kiến ra châu Mỹ

- Mang lại  hiểu biết mới về những vùng đất mới, dân tộc mới, nền văn minh mới.

- Dẫn đến quá trình di cư từ châu Âu, châu Phi, châu Á đến châu Mỹ, đã làm thay đổi đặc  điểm dân cư, văn hóa, lịch sử của châu lục này.

  • ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN BẮC MỸ

1. Sự phân hóa địa hình

 - Có sự phân hóa: hệ thống Coóc-đi-e ở phía tây, miền đồng bằng trung tâm, miền núi già và sơn nguyên ở phía đông

2. Sự phân hóa khí hậu

+ Theo chiều bắc- nam khí hậu là cực và cận cực, ôn đới, cận nhiệt đới.

+ Theo chiều đông-tây, đới khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới lại có các kiểu khí hậu.

3. Đặc điểm sông, hồ

- Mạng lưới sông ngòi dày đặc phân bố tương đối đồng đều, đa số nguồn cung cấp nước hỗn hợp do mưa và do tuyết tan. 

- Bắc Mỹ là  khu vực có nhiều hồ nhất thế giới. Hồ Lớn là hệ thống hồ lớn nhất ở Bắc Mỹ.

4. Đặc điểm các đới thiên nhiên

- Đới lạnh: Thực vật nghèo nàn chủ yếu là rêu , địa y; Động vật: gấu bắc cực, tuần lộc, một số loài chim,..

- Đới ôn hòa: Khí hậu ôn hòa, thiên nhiên đa dạng thực vật có rừng lá kim, rừng lá rộng, rừng hỗn hợp, thảo nguyên; Động vật phong phú: thú ăn cỏ, thú ăn thịt, thú gặm nhấm, bò sát, các loài chim; Cao nguyên Cô-lô-ra-đô và Bồn Địa Lớn có khí hậu hoang mạc và bán hoang mạc nên thực, động vật nghèo nàn.

- Đới nóng: Thực vật có rừng cận nhiệt ẩm, rừng, cây bụi lá cứng cận nhiệt địa trung hải; Động vật phong phú đa dạng: linh miêu, sư tử, chó sói, gấu, thỏ, …

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI BẮC MỸ

1. Nhập cư và chủng tộc

* Nhập cư

-Chủ nhân Bắc Mỹ là người E-xki-mô và người Anh- điêng thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-ít.

- Các dòng nhập cư tự nguyện từ châu Á, châu Âu, khu vực Trung và Nam mỹ vào Bắc Mỹ

* Chủng tộc

- Dòng nhập cư đem lại sự đa dạng phong phú về văn hóa ở Bắc Mỹ, tuy nhiên cũng dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nhập cư và hệ quả đa dạng về chủng tộc là nguồn cội của sự bất đồng văn hóa, nạn phân biệt chủng tộc.

2. Đô thị hóa

- Bắc Mỹ là khu vực có mức độ đô thị hóa cao nhất trên thế giới. Năm 2019, khoảng 82% dân số Bắc Mỹ sống ở các đô thị.

- Một số đô thị ở Bắc Mỹ đặc biệt ở Hoa Kỳ quá trình đô thị hóa nhanh, làm tăng chi phí hạ tầng cơ sở vật chất-kĩ thuật, gia tăng sử dụng năng lượng và tài nguyên, gây tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường.

  • KHAI THÁC TỰ NHIÊN BỀN VỮNG Ở BẮC MỸ

1. Khai thác tài nguyên đất

- Bắc Mỹ đang áp dụng các phương thức khai thác tài nguyên đất bền vững: đa canh, luân canh bảo vệ tài nguyên đất, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt sản xuất nông- lâm kết hợp.

2. Khai thác tài nguyên rừng

- Bắc Mỹ đang áp dụng các phương pháp khai thác rừng bền vững, rừng được khai thác dần trong một thời gian dài để có thể tự tái sinh tự nhiên.

- Rừng cũng được khai thác bằng phương pháp khai thác chọn lọc, chặt cây theo yêu cầu sử dụng và phù hợp với khả năng tái sinh tự nhiên của rừng.

3. Khai thác tài nguyên khoáng sản

- Khoáng sản được khai thác trên cơ sở đánh giá trữ lượng tài nguyên, nhu cầu sử dụng trong nước, các tác động kinh tế-xã hội và môi trường.

- Bắc Mỹ chú trọng đến việc: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; Hạn chế xuất khẩu nguyên, nhiên liệu thô hoặc sơ chế; Phát triển các nguyên vật liệu thay thế và năng lượng tái tạo; Tăng cường nhập khẩu một số loại nguyên, nhiên liệu để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản của khu vực.

4. Một số trung tâm kinh tế quan trọng

- Một số trung tâm kinh tế quan trọng của Bắc Mỹ là Niu Y-oóc, Si-ca-gô, Xan Phran-xi-xcô,..

- Các trung tâm kinh tế tập trung ở ba khu vực chính: Đông Bắc Hoa Kỳ và Đông Nam Ca-na-đa; Đông Nam và ven vịnh Mê-hi-cô của Hoa Kỳ; Tây Nam Hoa Kỳ.

  • ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN TRUNG VÀ NAM MỸ

1. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều đông-tây

- Phía đông của Mê-hi-cô, eo đất Trung Mỹ, các quần đảo có lượng mưa nhiều, rừng rậm nhiệt đới phát triển. Phía tây mưa ít phát triển xa-van.

- Lục địa Nam Mỹ phân hóa từ đông sang tây: Ở phía đông là các sơn nguyên, đồi núi thấp xen các thung lũng, lượng mưa nhiều, rừng rậm phát triển ở rìa phía đông; Ở giữa là các đồng bằng trải dài trên nhiều khí hậu thiên nhiên phong phú đa dạng; Phía tây là miền núi trẻ An-đet cao và đồ sộ, thiên nhiên thay đổi rõ rệt giữa sườn đông và sườn tây.

2. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều bắc -nam

- Khu vực Trung và Nam Mỹ nằm trong đới nóng, nằm ở đới khí hậu cận xích đạo và kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao quanh năm mưa nhiều rừng phát triển rậm rạp.

- Đồng bằng duyên hải phía tây có khí hậu nhiệt đới khô mưa ít, thảm thực vật chủ yếu là xương rồng và cây bụi.

- Phần còn lại của lục địa Nam Mỹ nằm trong đới ôn hòa. Đồng bằng Pam-pa có khí hậu cận nhiệt đới, lượng mưa giảm, thảo nguyên phát triển. Cao nguyên Pa-ta-gô-ni nằm trong khí hậu ôn đới, mưa ít, bán hoang mạc phát triển.

3. Sự phân hóa tự nhiên theo chiều cao

- Thiên nhiên miền núi An-đet thay đổi phức tạp theo độ cao.

- Càng lên cao, nhiệt độ và độ ẩm càng thay đổi nên thiên nhiên cũng thay đổi theo.

4. Đặc điểm rừng nhiệt đới A-ma-dôn

 Là rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, diện tích khoảng 5,5 triệu km2 trải rộng trên nhiều quốc gia, nó cung cấp 20% lượng khí ô-xy và hấp thụ 10% lượng khí cac-bo-nic cho toàn cầu.

- Có hệ sinh thái phong phú nhất thế giới với rất nhiều loài chim, thú, bò sát, hàng triệu loài côn trùng, có nhiều loại cây lấy gỗ lớn, nhiều cây bụi thấp, cây dây leo tạo thành nhiều tầng tán khác nhau.

- Nhiều diên tích rừng bị chặt phá do hàng loạt hoạt động kinh tế của con người.

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI TRUNG VÀ NAM MỸ

1. Đặc điểm nguồn gốc dân cư

- Người bản địa là người Anh-điêng.

- Sau phát kiến tìm ra châu Mỹ đã có nhiều luồng di cư đến Trung và Nam Mỹ

2. Vấn đề đô thị hóa

-  Có tỉ lệ dân đô thị cao. Năm 2019, khoảng 80% dân  số của khu vực sống ở các đô thị, quá trình đô thị hóa tự phát  khiến dân số các đô thị tăng nhanh

- Có khoảng 40% dân số đô thị đang sống ở các vùng ngoại ô, các khu nhà ổ chuột tồi tàn với điều kiện sống khó khăn,…

3. Văn hóa Mỹ La-tinh

- Sự hòa quyện văn hóa của người bản địa, người châu Âu, người châu Phi, người châu Á đã tạo nên nét độc đáo của nền văn hóa Mỹ La-tinh.

- Hàng năm, nhiều lễ hội được tổ chức.

CHỦ ĐỀ 5: CHÂU ĐẠI DƯƠNG

  • VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, PHẠM VI VÀ ĐẶC ĐIỂM THIÊN NHIÊN CHÂU ĐẠI DƯƠNG

1. Các bộ phận của châu Đại Dương

- Gồm lục địa Ô-xtrây-li-a và hệ thống các đảo, quần đảo trải rộng khắp Thái Bình Dương.

- Hệ thống các đảo, quần đảo: nhóm đảo núi lửa Mê-la-nê-di, nhóm đảo san hô Mi-crô-nê-di, nhóm đảo núi lửa và san hô Pô-li-nê-di, quần đảo Niu Di-len.

2. Vị trí địa lí, hình dạng và kích thước lục địa Ô-xtrây-li-a

- Lục địa Ô-xtrây-li-a nằm ở bán cầu Nam, có diện tích nhỏ nhất thế giới.

- Có đường chí tuyến Nam chạy ngang qua lãnh thổ, tiếp giáp Ấn Độ Dương  và các biển của Thái Bình Dương.

3. Đặc điểm thiên nhiên các đảo và quần đảo

- Quần đảo Niu Di-len, nhóm đảo núi lửa có địa hình cao hơn các đảo và quần đảo san hô.

- Các đảo và quần dảo của châu Đại Dương không giàu có về tài nguyên khoáng sản.

- Khí hậu: Quần đảo Niu Di-len có khí hậu ôn đới và cận nhiệt hải dương; Phần lớn các đảo và quần đảo của châu Đại Dương có khí hậu nóng, ẩm quanh năm và điều hòa

- Trên các đảo, quần đảo hình thành rừng xích đạo, rừng mưa nhiệt đới.

- Biển nhiệt đới có nguồn lợi hải sản phong phú và là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng.

4. Đặc điểm thiên nhiên lục địa Ô-xtrây-li-a

a. Địa hình và khoáng sản

- Gồm ba khu vực địa hình: vùng núi phía đông, vùng núi cao nguyên phía tây, vùng đất thấp trung tâm.

- Có tài nguyên khoáng sản giàu có và phong phú: than, dầu mỏ, khí đốt, vàng,…

b. Khí hậu

- Lục địa Ô-xtrây-li-a có khí hậu khô hạn.

- Khí hậu nhiệt đới phân bố ở phía bắc của lục địa; Khí hậu cận nhiệt đới phân bố ở phía nam lục địa; Khí hậu ôn đới phân bố ở phía đông nam của lục địa.

c. Tài nguyên sinh vật

- Tài nguyên sinh vật đa dạng với nhiều loài đặc hữu quý hiếm: Một số loài động vật tiêu biểu là thú có túi, thú mỏ vịt, đà điểu; Một số loài thực vật đặc hữu: bạch đàn, keo hoan vàng, tràm, ngân hoa…

  • ĐẶC ĐIỂM DÂN CƯ, XÃ HỘI VÀ PHƯƠNG THỨC CON NGƯỜI KHAI THÁC, SỬ DỤNG VÀ BẢO VỆ THIÊN NHIÊN Ở Ô-XTRÂY-LI-A

1. Đặc điểm dân cư của Ô-xtrây-li-a

- Từ thế kỉ XVIII, Ô-xtrây-li-a trở thành đất nước của những người nhập cư từ châu Âu và châu Á. 

- Dân số không đông, tỉ lệ gia tăng và mật độ dân số thấp, năm 2019 có khoảng 25 triệu người, tỉ lệ gia tăng dân số 0,9%, mật độ dân số 3 người/km2.

- Mức độ đô thị hóa cao với tỉ lệ dân đô thị khoảng 86%.

2. Một số vấn đề về lịch sử và văn hóa độc đáo của Ô-xtrây-li-a

* Một số vấn đề về lịch sử

- Ô-xtrây-li-a được người Hà Lan phát hiện năm 1606, sau đó Vương quốc Anh đã đưa tù nhân và di dân đến định cư, khai phá Ô-xtrây-li-a.

* Văn hóa độc đáo

- Có di văn hóa độc đáo từ người dân bản địa.

- Các dòng nhập cư đã mang đến những đặc điểm văn hóa của họ, sự chung sống hòa huyết giữa người bản địa và người nhập cư đã tạo nên một nền văn hóa đa dạng.

3. Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ  thiên nhiên ở Ô-xtrây-li-a

* Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất

- Phát triển mạnh ngành chăn nuôi gia súc dựa trên các đồng cỏ tự nhiên ở những vùng đất bán khô hạn

- Vùng duyên hải phía bắc và phía đông chủ yếu được sử dụng để phát triển rừng và  trồng rừng

- Một phần nhỏ diên tích lãnh thổ trồng cây công nghiệp, cây lương thực, cây ăn quả.

* Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước

- Khai thác tài nguyên nước chủ yếu từ nguồn nước mặt và nước ngầm để sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt.

- Để gia tăng nguồn nước cung cấp xây dựng các đập và hồ trữ nước mưa, các nhà máy xử lí nước đã qua sử dụng và khử muối từ nước biển

* Khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản

- Phát triển công nghiệp khai thác dựa trên nguồn khoáng sản phong phú

- Trước nguy cơ suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường, Ô-xtrây-li-a đã giảm tốc độ khai thác khoáng sản.

CHỦ ĐỀ 6: CHÂU NAM CỰC

1. Vị trí địa lí châu Nam Cực

- Gồm lục địa Nam Cực và các đảo ven lục địa, nằm chủ yếu trong vòng cực Nam (66°33’N) được bao bọc bởi Nam Đại Dương, diện tích khoảng 14,1 triệu km2

- Là châu lục rộng thứ tư trên thế giới.

2. Lịch sử khám phá và nghiên cứu châu Nam Cực

- Được phát hiện vào cuối thế kỉ XIX. Từ năm 1957, việc nghiên cứu được xúc tiến mạnh mẽ và toàn diện.

- Năm 1959, có 12 quốc gia đã kí Hiệp ước Nam Cực nhằm bảo tồn lục địa Nam Cực có mục đích hòa bình và nghiên cứu khoa học.

- Châu Nam Cực hiện không có cư dân sinh sống thường xuyên.

3. Đặc điểm thiên nhiên châu Nam Cực

- Có độ cao trung bình lớn nhất, đại bộ phận lãnh thổ bị băng bao phủ, tạo thành các cao nguyên băng khổng lồ

- Giàu tài nguyên khoáng sản

- Có khí hậu lạnh nhất, nhiều bão nhất và khô nhất trên Trái Đất

- Thực vật rất nghèo nàn: rêu, địa y.

- Động vật chịu lạnh: chim cánh cụt, hải cẩu,..

4. Kịch bản về sự thay đổi thiên nhiên châu Nam Cực khi có biến đổi khí hậu toàn cầu

- Nhiệt độ tăng sẽ làm băng tan, dẫn đến: Sự thay đổi địa hình; Gia tăng mực nước biển; Thay đổi độ mặn của nước biển;  Làm biến đổi chuỗi thức ăn của sinh vật

- Nếu nền nhiệt độ tăng 2°C, dải băng Tây Nam Cực sẽ sụp đổ, mực nước biển sẽ dâng hơn 2m, nếu nhiệt độ tăng 6-9°C hơn 70% lượng băng ở Nam Cực  sẽ mất đi, mực nước biển sẽ dâng khoảng 40m.

B. Bài tập và hướng dẫn giải

Câu 1: Phân tích tác động tích cực của việc C. Cô-lôm-bô phát kiến ra châu Mỹ?

Câu 2: Chứng minh rằng châu Mỹ nằm hoàn toàn ở bán cầu Tây.

Câu 3: Giải thích vì sao Ô-xtrây-li-a là quốc gia có nền văn hóa độc đáo và đa dạng?

Câu 4: Hãy phân tích phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên khoáng sản ở Ô-xtrây-li-a.

Câu 5:

a.Vì sao các hoạt động kinh tế ở Bắc Mỹ có hiệu quả cao về kinh tế và môi trường?

b.Giải thích vì sao dân cư Trung và Nam Mỹ có nguồn gốc đa dạng?

Câu 6: Chứng minh rừng nhiệt đới A-ma-dôn có vai trò sinh thái rất quan trọng.

Câu 7: Giải thích tại sao phần lớn diện tích lục địa Ôxtray-li-a là hoang mạc?

Từ khóa tìm kiếm: Đề cương ôn tập Địa lí 7 cánh diều học kì 2, ôn tập Địa lí 7 cánh diều học kì 2, Kiến thức ôn tập Địa lí 7 cánh diều kì 2

Bình luận

Giải bài tập những môn khác