Cảm nhận của em về tội ác của thực dân Pháp qua văn bản Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc

Câu 2: Cảm nhận của em về tội ác của thực dân Pháp qua văn bản Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc


Dân tộc ta đã trải qua những tháng ngày sống dưới ách nô lệ và xiềng xích của thực dân Pháp. Trong gần trăm năm tăm tối ấy, chúng đã gây ra biết bao tội ác cho những người dân lao động. Văn bản Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc đã vạch trần bộ mặt gian xảo, tráo trở và đê mạt của bè lũ thực dân Pháp.

Trước chiến tranh, bọn thực dân xem những người dân thuộc địa là những người bẩn thỉu, chỉ biết kéo xe tay và bị đánh đập. Thế nhưng khi chiến tranh xảy ra, họ xem những người dân như “con yêu, “bạn hiền”, “chiến sĩ bảo vệ công lí tự do”. Những mĩ từ đó được tác giả miêu tả với sự châm biếm , hài hước bởi đó chỉ là bộ mặt giả dối, gian xảo của các nhà cầm quyền. Bởi có được vinh dự ấy, người dân xứ thuộc địa ấy đã phải đem thân mình đi chinh chiến khắp các chiến trường cho những cuộc chiến vô nghĩa, rời xa gia đình và quê hương. Họ vô tình trở vật thí thân và là tấm lá chắn cho những tham vọng của bè lũ thực dân: phơi thây trên các bãi chiến trường châu Âu, bỏ xác tại những miền hoang vu thơ mộng, trở thành mồi cho cá mập, vùi xác dưới những đáy biển lạnh lẻo,.... Những người không trực tiếp ra trận thì cũng bị vắt kiệt sức trong các xưởng thuốc súng ghê tởm hoặc bị nhiễm bệnh bởi muôn vàn các chất độc hại khác mà chết. Những thống kê số liệu về sự hi sinh của những người dân đen tội nghiệp ấy càng khắc sâu thêm tình cảnh bi thảm của họ: Tổng cộng có bảy mươi vạn người bản xứ đặt chân lên đất Pháp; và trong số ấy, tám vạn người không bao giờ còn trông thấy mặt trời trên quê hương đất nước mình nữa. Những con số đã nói lên sự man rợ, tàn nhẫn của bè lũ thực dân.

Và tội ác của chúng còn được thể hiện qua việc bắt lính, mà chúng gọi là “chế độ lính tình nguyện”. Bọn thực dân Pháp giao nhiệm vụ cao cả này cho những tên cầm quyền ở Đông Dương phải nộp đủ số người bằng mọi cách. Bằng những thủ đoạn đê hèn nhất,  Chúng mở cuộc lùng ráp, vây bắt và cưỡng chế bằng vũ lực để ép người dân đi lính. Không chỉ vậy, chúng còn dùng mánh khóe để trấn lột của cải của những người dân bằng luận điệu: không đi lính thì xì tiền ra. Khi bị bắt, chúng trói, xích, đánh đập như súc vật, sẵn sàng đàn áp dã man nếu họ chống đối. Đó là những hành đông vô nhân đạo, mất hết nhân tính, chúng coi mạng người như cỏ rác. Và trong hoàn cảnh đó, người dân tìm mọi cách để trốn thoát khỏi vòng vây của bọn thực dân, họ sẵn sàng làm cho mình bị nhiễm những căn bện năng nhất. Họ không hề tự nguyện, “tấp nập đầu quân” hay “không ngần ngại rời bỏ quê hương” như giọng điệu lừa bịp của bè lũ thực dân vẫn rao giảng trước toàn thế giới. Ta như thấy được thái độ căm phẫn của tác giả trước những tội ác man rợ của chúng với đồng bào ta trong những ngày tháng tăm tối của lịch sử dân tộc.

Và rồi, sau bao hi sinh, vùi da nướng thịt trên các chiến trường để đem lại của cải, đất đai và chiến thắng cho các nhà cầm quyền thực dân Pháp. Những người dân xứ thuộc địa được “trả ơn” thật xứng đáng: bị lột sạch tất cả của cải, họ cho ăn và ở  như loài lợn… Thậm chí, chúng thẳng thường tuyên bố: “Các anh đã bảo về Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ chúng tôi không cần các anh nữa, cút đi.” Chúng còn “ban ơn” cho những gia đình mất đi người thân là tấm môn bài bán lẻ thuộc phiện. Không chỉ khiến gia đình người dân tan nát họ còn sẵn sàng đầu độc cả dân tộc thuộc địa, để họ suy giảm sức khỏe và suy kiệt giống nòi. Hàng loạt câu hỏi nghi vấn như những lời tố cáo thẳng thắn, quyết liệt của tác giả trước tội ác của bọn thực dân gây ra. Sự châm biếm, mỉa mai đến cực độ của tác giả được thể hiện qua từng câu chữ trước sự gian xảo, độc ác của chúng.

Với ngòi bút sắc sảo, tác giả đã đưa ra những luận điểm, luận cứ rõ ràng, chân thực, những hình ảnh tiêu biểu, giàu giá trị biểu cảm đã nói lên tội ác tày trời của thực dân Pháp. Tác giả đã thể hiện thái độ căm phẫn với bè lũ thực dân đồng thời cũng bộc lộ tình yêu thương, đồng cảm với những khốn khổ mà đồng bào ta phải trải qua trong đêm trường lịch sử.

Văn bản “Thuế máu” chính là nhát dao sắc bén của Nguyễn Ái Quốc, đâm thẳng vào “tim đen” của bọn thực dân và sự đau khổ của người dân các nước thuộc địa. Đó cũng là tiếng nói chung của bao lớp người khổ cực khi sống dưới sự đàn áp, áp bức của bè lũ thực dân


Trắc nghiệm ngữ văn 8: bài Thuế máu

Giải những bài tập khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác