Nghị luận xã hội về "bệnh thành tích" đối với sự phát triển xã hội

Đề bài: Anh chị trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh thành tích” – một “căn bệnh” gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.


Trong cuộc sống bất cứ ai đều thích được khen thưởng, được đề cao và đánh giá tốt. Bởi lẽ nó chính là nguồn cổ vũ tinh thần lớn lao giúp con người sống tốt đẹp và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên bên cạnh những khía cạnh tích cực của việc khen thưởng thì vẫn còn đó những cá nhân những tổ chức đang cố gắng chạy theo thành tích. Thậm chí nó còn trở thành một căn “bệnh” trong xã hội hiện thời. Vậy bệnh thành tích là gì? Và nó đã tác động đến xã hội thế nào thì chúng ta phải cùng nhau đi sâu và tìm hiểu nó.

Thành tích có nghĩa là những nỗ lực, những kết quả tích cực mà con người, tập thể đã cố gắng phấn đấu để đạt được. Nó thường mang những ý nghĩa tích cực để phản ánh sự lao động miệt mài và cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi người. Thế nhưng nếu đặt nó cùng với chữ “bệnh” thì lại trở nên vô cùng đáng sợ. Và hiện nay nó là điều mà cả xã hội chúng ta phải nhức nhối tìm cách loại bỏ dần dần.

Bệnh thành tích là việc cá nhân hoặc tổ chức không tuân thủ đúng thực tế mà chỉ chạy theo lượng không quan tâm về “chất”. Nó tương tự với câu tục ngữ “thùng rỗng kêu to”. Tức là chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài hào nhoáng, bóng bẩy mà bỏ qua cái cốt lõi bên trong. Trên thực tế, hiện nay đây là một trong những “tệ nạn” những sâu mọt mà các cấp các ngành vô cùng trăn trở. Phải nói bệnh thành tích diễn ra rất nhiều trong cuộc sống. Tuy nhiên có lẽ nó thường gặp nhất ở môi trường giáo dục, các cơ quan nhà nước.

Điều đó phản ánh ở những kì thi thử tốt nghiệp trung học phổ thông, các kì thi sát hạch đánh giá chất lượng. Các thầy cô tất bật lo lắng cho việc thành tích của học sinh vì nó chính là thước đo phản ánh chất lượng dạy học, là bộ mặt của nhà trường. Và vì thế mới có việc các giáo viên ném phao vào cho học trò, chạy trọt, gian lận trong thi cử. Các cơ quan công quyền làm chẳng được bao nhiêu thế nhưng trong những cuộc họp tổng kết thành tích báo cáo bao giờ cũng là “hoàn thành tốt”, “vượt chỉ tiêu”…. Trên thực tế họ chỉ đang vui mừng với những con số 99, 100% mà quên mất rằng điều đó có thể hủy hoại cả một thế hệ cả một nền kinh tế đất nước.

Bệnh thành tích mang lại một hậu quả vô cùng nặng nề cho cá nhân và cho xã hội. Đầu tiên nó khiến cho con người trở nên tự mãn không hiểu rõ giá trị bản thân mình. Luôn ảo tưởng về những gì mình đã đạt được. Thế rồi dần dần họ trở nên tự cao tự đại không còn biết lắng nghe tiếp thu và sửa đổi và hậu quả là việc trở nên thụt lùi so với xã hội. Bởi thế xa xưa các cụ ta đã có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Hình thức co thể xấu xí nhưng chất lượng bên trong không được phép mối mọt. Bởi lẽ một cái cây sâu mục thì sớm muộn gì sự xanh tốt cũng không còn và sẽ chết dần chết mòn trong khô héo. Đối với tập thể thì bệnh thành tích lại càng trở nên nguy hiểm hơn gấp bội.

Đầu tiên đó là phía các nhà trường. Chạy theo bệnh thành tích trong giáo dục sẽ làm hủy hoại cả một tập thể. Tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp diễn ra thường xuyên và trở thành “chuyện thường như ở huyện”. Có những em học sinh chẳng biết đọc biết viết thế nhưng vẫn ngồi đến lớp 7 như thường. Vậy xin hỏi sau này các em sẽ làm gì cho xã hội? và phải chăng chúng ta đang phải oằn mình để bù đắp cho những thiếu hụt này? Một đất nước nếu có những quan chức chỉ toàn người “thùng rỗng kêu to” thì thử hỏi bao giờ dân mới hết khổ? Bao giờ hai tiếng công bằng mới có trong xã hội ta? Rồi các cơ quan công quyền chỉ chạy theo thành tích thì bao giờ đất nước mới thoát được nghèo đói? Xã hội mới trở nên văn minh?

Bác Hồ là một người lên án mạnh mẽ vấn nạn của căn bệnh thành tích. Còn nhớ một câu chuyện về Bác được rất nhiều thế hệ sau chia sẻ đó là việc Bác về thăm một hợp tác xã lao động giỏi. Khi đến thăm chuồng lợn của xã đó Người thấy những con lợn trong chuồng cắn nhau. Người liền mở cửa chuồng thì có một con lợn chạy vọt ra bên ngoài. Sau đó Bác đã hỏi lại ngay vị chủ tịch xã thì biết được rằng để lấy thành tích với Bác, nên ông đã bắt lợn của người dân về thả vào chuồng vì thế mới dẫn đến việc lợn trong đàn cắn nhau. Bác đã nghiêm khắc phê bình và chỉ ra những tác hại khôn lường của bệnh thành tích. Một con người có tầm nhìn xa trông rộng như Bác mà còn phải lo lắng trước những hậu quả nghiêm trọng của nó thì đủ biết nó đã làm cho xã hội trở nên xấu xí đến mức nào rồi.

Nhận rõ hậu quả của bệnh thành tích thì con người chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn và ý chí hơn. Chính vì thế ngay bây giờ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường chúng ta hãy tìm cách loại bỏ nó bằng việc nghiêm túc trong thi cử, không quay cóp không chạy trọt mua điểm. Bởi  chỉ khi nào đẩy lùi được căn bệnh này thì xã hội chúng ta mới trở nên trong sạch văn minh được.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác