Đề 1 bài viết số 6 văn lớp 11 trang 35 sgk: bệnh vô cảm...

Đề 1: Trang 35 sgk ngữ văn 11 tập 2- nghị luận xã hội

Anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về "bệnh vô cảm" trong xã hội hiện nay


Dưới sự phát triển vội vã của cuộc sống hiện đại, những vấn đề về con người và cuộc sống của con người trở thành trung tâm thu hút sự quan tâm của dư luận. Đặc biệt, “bệnh vô cảm” đã trở thành một trong những điểm nóng xã hội suốt nhiều năm qua.

Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu: “bệnh vô cảm” là gì? Bệnh vô cảm là một trạng thái tinh thần mà ở đó, con người không nảy sinh cảm xúc đối với những sự vật, sự việc xung quanh mình. Họ hoàn toàn lạnh lùng, thờ ơ, không mảy may xúc động. Một số người gọi đây là hiện tượng “robot hóa” và thường xảy ra ở giới trẻ. Người ta gọi đây là một căn bệnh đáng sợ của xã hội, một cái chết từ trong tâm hồn. Ban đầu, nó chỉ là một hiện tượng nổi lên với một ít trường hợp cụ thể. Dần dà, nó trở nên lan rộng và âm thầm trở thành một căn bệnh của con người, của xã hội. Người sống vô cảm thu mình trong thế giới ích kỉ của cá nhân, ngại va chạm, sợ phiền toái, không xót thương cho những cảnh đời bất hạnh thậm chí còn tàn nhẫn gieo rắc khổ đau cho người khác.

Thực trạng căn bệnh vô cảm diễn ra vô cùng phức tạp trong xã hội. Hằng ngày, truyền thống đa phương tiện đưa tin chóng mặt những cuộc ẩu đá đánh nhau, những mâu thuẫn cá nhân được giải quyết bằng tay chân, những vụ bạo lực học đường xảy ra hàng loại, những đứa trẻ thờ ơ đối với chính gia đình của mình, những kẻ thấy người tai nạn chỉ đưa mắt trơ trơ…. Đó là muôn hình vạn trạng gương mặt của căn bệnh nơi tâm hồn kia. Dư luận ngày càng bàng hoàng, lo lắng trước hậu quả những khôn lường. Và đã có những trả giá nặng nề bằng cả tính mạng. Còn đáng buồn hơn khi những người ngoài cuộc còn tham gia vào bằng sự vô tâm, tiếp tay quay và đăng tải những clip kèm theo những lời bình luận hời hợt, khiếm nhã, đẩy các giá trị đạo đức ngàn xưa đi vào con đường băng hoại.

Có thể lấy một số minh chứng để thấy bệnh vô cảm đã trở thành báo động chung của xã hội, trở thành câu chuyện không của riêng ai. Một con số đã khiến mọi người phải bảng hoàng: Việt Nam xếp hạng 123/176 về chỉ số cảm nhận tham nhũng và đứng thứ 13 trong bảng xếp hạng những quốc gia mà người dân ít có cảm xúc nhất. Vụ “hôi của tập thể” của anh Vũ Trường Chính ở thành phố Hồ Chí Minh. Anh bị cướp lấy 50 triệu đồng trong lúc dừng xe đường đỏ và giằng co qua lại khiến túi tiền văng tung tóe ra khắp đường. Lúc đó, những kẻ qua đường đã lợi dụng cơ hội để nhặt tiền và bỏ chạy. Và những câu chuyện máu lạnh tương tự như vụ những người “hôi bia” (hơn 1400 két) ở Đồng Nai, bỏ mặc những lời van nài thảm thương của tài xế. Một ví dụ khác để thấy sự vô cảm chẳng những xảy ra chẳng những nơi đầu ngõ, ngoài đường mà đã ăn sâu vào những mối quan hệ gần gũi hằng ngày, đó là những câu chuyện bạo lực học đường đã gây ra biết bao phẫn nộ. Kẻ trong cuộc đôi khi chỉ vì lời một xích mích nhỏ mà xử nhau ra vẻ đàn chị, đàn anh. Người bên ngoài thản nhiên quan sát, quay clip đăng tải lên mạng xã hội để câu like, câu view.

Tất nhiên, thực trạng đau lòng trên đã dẫn tới những hậu quả, những hệ lụy đầy đau thương, mất mát. Mối quan hệ giữa con người và con người ngày càng trở nên lỏng lẻo, rời rạc. Những câu ca dao, tục ngữ răn dạy như “thương người như thể thương thân” ngày càng trở nên xa rời với xã hội. Căn bệnh vô cảm khiến họ sẵn sàng làm ngơ hay quay lưng với những bất hạnh, mất mát đang hiển hiện trước mắt mình. Những hành vi tư lợi cá nhân ngày càng nhiều, lối sống ích kỉ ngày càng được vun vén tốt tươi. Đã có biết bao lời lên án nhưng tất cả dường như còn quá yếu ớt. Những quan hệ đổ vỡ thậm chí là những cái chết đã gây ra biết bao nhiêu phẫn nộ và lấy đi biết bao nhiêu nước mắt của những người yêu thương mình.

Vậy, nguyên nhân nào đã gây ra căn bệnh vô cảm trên? Có hai yếu tố: chủ quan và khách quan, nhưng ở đây, yếu tố khách quan gây tác động chủ đạo. Sự phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ cùng với những áp lực về cơm, áo, gạo, tiền trong thời buổi kinh tế thị trường đã làm cho người trở nên ích kỉ, thờ ơ, vô cảm, chỉ biết chăm chút cho chính mình. Cộng với đó, thái độ tương tự “không nghe, không thấy, không biết của những người xung quanh càng đẩy vấn đề càng trở nên trầm trọng, bế tắc hơn.

Đã có nhiều giải pháp được đề xuất và thực hiện. Trước nhất, cần sự tham gia mạnh mẽ của truyền thông để có thể chuyển tải từng câu chuyện thương tâm đã xảy ra đến từng người. Lời khuyên, lời cảnh báo từ những chuyên gia tâm lí hi vọng sẽ khiến mọi người có thể mở rộng lòng mình để giao hòa với xã hội, sống từng phút từng giây với những sự kiện nóng hỏi bên ngoài. Bên cạnh đó, nhân tố gia đình vô cùng quan trọng. Sự quan tâm lo lắng và răn dạy của phụ huynh sẽ góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách, tình cảm của mỗi con người.

Tóm lại, câu chuyện căn bệnh vô cảm sẽ là câu chuyện dài chưa biết đến khi nào có thể chấm dứt nhưng tôi tin, những hành động nho nhỏ của mỗi cá nhân sẽ góp phần cải thiện mạnh mẽ cả một cộng đồng. Trước những thực trạng, hậu quả, nguyên nhân nêu trên, mỗi con người cần xây dựng sự ý thức cho mình. Và có thể, hãy lan truyền sự sẻ chia, yêu thương để cái chết từ trong tâm hồn kia mãi mãi lui vào quá khứ.


Bình luận

Giải bài tập những môn khác