Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nhận của em về một chi tiết thú vị trong đoạn trích Đi lấy mật, Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi.
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ sách kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nhận của em về một chi tiết thú vị trong đoạn trích Đi lấy mật, Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi.
Đề bài: Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) trình bày cảm nhận của em về một chi tiết thú vị trong đoạn trích Đi lấy mật, Đất rừng phương Nam, Đoàn Giỏi.
Bài làm
Bài tham khảo 1:
Đoạn trích “Đi lấy mật” nằm trong cuốn tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi có rất nhiều chi tiết thú vị. Nhưng đối với em, em ấn tượng nhất với chi tiết miêu tả khung cảnh thiên nhiên qua cái nhìn của nhân vật An trong đầu tác phẩm. Đó là một buổi sáng với đất trời vô cùng yên tĩnh. Trời trong hòa cùng bầu không khí mát lạnh với hơi nước của sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và không khí thảo mộc thở ra từ trong bình minh. Những tia sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tram rung rung, điều đó đã khiến nhân vật An nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh. Đọc những câu văn miêu tả đó, em hình dung ra khung cảnh thiên nhiên đất rừng phương Nam vô cùng rộng lớn, tươi đẹp và ngập tràn sức sống cho một ngày mới.
Bài tham khảo 2:
Sau khi đọc xong đoạn trích “Đi lấy mật” trong tác phẩm “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, em vô cùng ấn tượng với chi tiết An và Cò đi “ăn ong”. Đó là một quá trình vất vả và mệt mỏi hơn nhiều so với những gì An đã nghe kể từ má và qua sách vở ghi chép. Khi đi được nửa đoạn đường, An tò mò với câu hỏi của Cò: “Đồ mày biết con ong mật là con nào?”. Sau đó là một khoảng không gian rừng cây yên tĩnh hiện ra trước mắt An. Không gian tĩnh mịch mà một tiếng lá rơi cũng khiến người ta giật mình, chim chóc không kêu ra tiếng, chỉ có những con ruồi xanh đang bay mà không thấy một con ong mật nào cả. Thì ra phải hết sức tinh mắt, thính tai và nhìn kĩ vào khoảng cách giữa hai nhành chàm cao kia, ta mới thấy lần lượt từng đàn con ong bay nối đuôi nhau ồ ạt với những tiếng kêu eo…eo…eo… thật nhỏ. Cảnh tượng đó khiến em cảm nhận được sự tinh tế trong việc quan sát và miêu tả chi tiết độc đáo của tác giả.
Bài tham khảo 3:
Vẻ đẹp phong phú và sống động của rừng trong đoạn trích “Đi lấy mật” của tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi “Đất rừng phương Nam” đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó phai nhất. Sau những giây phút yên tĩnh của rừng lúc ban mai biến đi cùng làn gió thổi rao rao với khối mặt trời tròn tuôn ánh sáng vài và làn hơi đất nhè nhẹ tỏa hương rồi tan dần theo hơi ấm mặt trời. Rừng cây đã bắt đầu trở nên sống động với những màu sắc và âm thanh đa dạng hơn của tiếng chím hót líu lo, hương hoa ngọt ngào cùng làn gió, động vật thì cũng bắt đầu động đậy. Nơi đây rộn ràng và nhộn nhịp các loài chim trông thật đẹp mắt biết bao khiến An phải thốt lên: “Chim đẹp quá, Cò ơi!”. Đứng trước khung cảnh tươi mới, sống động đó cũng khiến cho lòng người cảm thấy xao xuyến và cảm thán. Tác giả đã dùng những câu văn miêu tả hết sức tinh tế và chọn lọc để mang đến những cảm xúc bình dị nhất.
Bài tham khảo 4:
Đến với “Đất rừng phương Nam” (Đoàn Giỏi), ta sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, và có lẽ cảnh sau khi lấy mật trong đoạn trích “Đi lấy mật” mang lại cho em nhiều ấn tượng thú vị nhất. Những tổ ong mà nhân vật An nhìn thấy cũng giống như trong sách, chỉ khác là nó đóng trên cành cây nào đó. Sau đó, ta còn được đến với những kiến thức lịch sử của sự ra đời tổ ong phong phú và bổ ích. Nhưng tác giả khẳng định không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như đất rừng vùng U Minh này. Hình ảnh những con ong nối cánh nhau bay về tổ rồi lượn một vòng tròn trước khi đáp xuống giống như vũ điệu báo hiệu của loài ong để lại cho em sự thích thú. Cảnh tượng ấy thật đẹp và cũng như tạo nên điểm nhấn của đoạn trích và gợi nên nhiều niềm cảm xúc trong lòng người đọc.
Bình luận