Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ sách kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

 

Đề bài: Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Bài làm

Bài tham khảo 1: Có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình thích. Em có suy nghĩ thế không?

Chương trình giáo dục luôn không ngừng thay đổi để cho phù hợp với thực trạng chung của cả nước, nhưng nhìn chung vẫn giữ nguyên và không thay đổi các môn học cơ bản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng có thể bỏ qua một số môn và chỉ nên học những môn mà mình thích. Em không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này.

Chúng ta đều biết rằng học tập một lúc với rất nhiều môn sẽ gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng và tạo áp lực cho từng học sinh. Không thể nào vừa học Toán lại vừa học Văn được, như thế sẽ gây ra sự xao nhãng, mất tập trung và kiến thức bị xáo trộn. Hơn nữa, học các môn mình không yêu thích, không đam mê theo đuổi sẽ khiến cho học sinh chán nản, mệt mỏi, học qua loa mà không đọng lại chút kiến thức nào. Thay vào đó, nhiều người chọn tập trung chỉ học một số môn mà mình yêu thích để có thể phát triển duy nhất những môn học đó. Chính vì vậy, nhiều người mới nảy sinh ra tâm lí nên bỏ qua một số môn học không cần thiết, mà chỉ tập trung, đầu tư thời gian vào các môn học mình yêu thích.

Nhưng xét theo một khía cạnh nào đó, em cho rằng quan điểm đó không đúng. Việc bỏ đi một số môn học kể cả bắt buộc như Toán, Văn, Anh hay các bộ môn tổ hợp, bộ môn năng khiếu sẽ khiến học sinh bị học lệch, không cân bằng được. Điển hình như môn Lịch Sử sắp tới được cho là môn tự chọn, không còn bắt buộc phải học như trước. Vốn dĩ môn Lịch Sử khá bị cứng nhắc, gò bó, nhiều chữ và phải học thuộc lòng khá nhiều sự kiện, thời gian lịch sử. Điều này gây ra sự nhàm chán, mệt mỏi và không phải học sinh nào cũng có hứng thú để ghi nhớ được. Nhưng nếu như bỏ đi hoặc xếp môn Lịch Sử là môn tự chọn không bắt buộc, thì thế hệ trẻ sau này sẽ không thể biết được lịch sử nước nhà. Các em sẽ không hiểu được dân tộc ta đã có truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng như thế nào để có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay. Việc bỏ đi môn Lịch Sử không khác gì tự hủy hoại chính niềm tự hào dân tộc nước nhà. Chính vì vậy, chúng ta vẫn cần phải học bộ môn này cho dù có thích hay là không thích. Bởi nếu như các thầy cô giáo có phương pháp giảng dạy phù hợp, học sinh sẽ có hứng thú, quan tâm học hơn. Các em sẽ không còn chán ghét hay bỏ mặc bộ môn này nữa, hơn cả thế sẽ giúp các em có thêm tinh thần, trách nhiệm bảo vệ và dựng xây đất nước mai sau.

Bản thân em nghĩ rằng, việc bỏ những môn không quan trọng và chỉ học những môn mình thích sẽ tùy vào từng cấp học. Đối với cấp tiểu học, cần phải học hết tất cả các môn để các em có thể tiếp xúc và làm quen được hết các môn học. Các em sẽ có những kiến thức nền cơ bản nhất để có thể vững bước cho các cấp học sau. Còn sang đến cấp trung học thì có thể phân hóa dần, chúng ta có thể thiên về học các môn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội hơn. Nhưng nên nhớ rằng, dù có học nghiêng về bên nào đi nữa, những môn học còn lại chúng ta vẫn phải nắm được chắc kiến thức, không cần phải quá sâu, chỉ cần đủ để sau này ki đi làm, ra cuộc sống vẫn có thể phục vụ được cho bản thân, cho xã hội. Đối với các môn học mình yêu thích, phải xác định đúng môn học, xác định mình sẽ lấy môn đó để làm đòn bẩy, công cụ cho tương lai sau này của mình. Có như thế chúng ta mới tạo được động lực học tập, niềm yêu thích, say mê theo đuổi và đạt được những mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, những môn học khác cũng có thể hỗ trợ được phần nào cho những môn học mình yêu thích, nên tuyệt đối không được bỏ qua hay lơ là.

Tóm lại, em không đồng tình với quan điểm “có thể bỏ qua một số môn, chỉ nên học những môn mình thích” bởi vì nó sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng học tập của mỗi học sinh và gây ra nhiều hậu quả. Chúng ta cần phải xác định và lựa chọn học các môn học đúng đắn, hiệu quả và phù hợp nhất.

      

Bài tham khảo 2: Suy nghĩ của em về quan điểm: “Vệ sinh trường học là trách nghiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương”

Để có được môi trường học sạch sẽ là sự đóng góp, công lao to lớn của những người lao công hàng ngày quét dọn. Cũng chính vì thế, có vài ý kiến cổ súy việc vệ sinh trường học là trách nhiệm của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Đối với em, em hoàn toàn không đồng tình với ý kiến này.

Em đồng ý rằng, trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh trường học sao cho sạch sẽ, gọn gàng là phần lớn thuộc về những người lao công. Bởi bản thân công việc của họ là phải làm vậy, họ được trả lương từ nhà trường đàng hoàng, nên phải có trách nhiệm. Nhưng việc giữ gìn, dọn dẹp vệ sinh trường học không phải chỉ của những người lao công đó. Mà trách nhiệm ấy còn thuộc về học sinh, thầy cô giáo và cán bộ trong nhà trường. Bởi vì môi trường trường học là của chung, là nơi mọi người cùng chung sống, làm việc và học tập, nên trách nhiệm giữ gìn vệ sinh phải là của chung, không thuộc về riêng một đội ngũ nào cả.

Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng đó là trách nhiệm và công việc của những người lao công đã được nhà trường trả lương. Chính vì thế mà họ ngang nhiên vứt rác, giấy tờ bừa bãi trong lớp học, ngoài hàng lang, trên sân trường. Nhiều bạn học sinh còn tự ý vẽ bậy lên bàn ghế, lên tường. Trong nhà vệ sinh, các bạn học sinh cùng không có ý thức giữ gìn, sử dụng cẩn thận nên bốc mùi hôi khó chịu. Thậm chí, vài bạn còn tụ tập hút thuốc lá và vứt đầy trong nhà vệ sinh. Những hành động đó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường trường học. Không những thế, nó còn khiến cho những người lao công phải dọn dẹp hết sức vất vả.

Chính vì vậy, trách nhiệm dọn dẹp vệ sinh trường học không chỉ thuộc về những người lao công, mà nó còn thuộc về tất cả thành viên trong trường. Là học sinh, chúng ta cần phải giữ gìn ý thức bảo vệ môi trường thật tốt, không xả rác, giấy tờ bừa bãi mà phải vứt đúng nơi quy định. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, đôn thúc nhau quét dọn, trực nhật lớp học và sân trường. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải phối hợp, kiểm soát chặt chẽ, có những hình thức kỉ luật đúng đắn đối với những hành vi cố ý làm mất vệ sinh trường học.

Việc giữ gìn vệ sinh môi trường là của tất cả mọi người, không chỉ riêng trong môi trường trường học. Nó xuất phát từ ý thức và trách nhiệm của bản thân mỗi người, chứ không phải của riêng từng lực lượng nào.

 

Bài tham khảo 3: Suy nghĩ của em về ý kiến: tắt thiết bị điện trong giờ Trái đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu

Để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, hàng năm vào cuối tháng 3, trên toàn thế giới đều diễn ra giờ Trái Đất. Nhưng ở đâu đó vẫn có một vài ý kiến cho rằng tắt thiết bị điện trong giờ Trái đất chỉ là việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu.

Với ý kiến trên, em rất không đồng tình. Việc thực hiện tắt hết các thiết bị điện trong khi giờ Trái đất diễn ra là một việc làm cần thiết. Theo nhiều số liệu thống kê, sản lượng điện tiết kiệm được trên cả nước trong một giờ thực hiện hành động tắt đèn vào khoảng 500.000 kWh. Đây có lẽ không phải là con số lớn, nhưng có ý nghĩa tinh thần tích cực. Ngày càng có nhiều người tham gia vào sự kiện Tắt đèn và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch giờ Trái đất. Điều đó cho thấy ý thức của người dân, doanh nghiệp về vấn đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường được nâng lên. Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, giờ Trái đất còn góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của người dân. Tất cả nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Với ý nghĩa quan trọng như vậy, việc tắt hết các thiết bị điện trong một giờ diễn ra giờ Trái đất là hết sức cần thiết và nên làm. Không như ý kiến cho rằng việc tắt đèn chỉ là một việc làm hình thức, không có tác dụng, vì chẳng tiết kiệm được bao nhiêu. Mà việc tắt đèn còn mang nhiều mục đích hơn nữa, nó không phải là cách duy nhất để tiết kiệm điện. Thông qua việc tắt đèn trong một giờ, chúng ta sẽ được nâng cao tinh thần sử dụng năng lượng tiết kiệm, bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính được lan tỏa, không chỉ trong một giờ mà ở mọi lúc, mọi họat động sử dụng năng lượng của các cá nhân, tổ chức.

Đặc biệt là đối với mỗi cá nhân, có rất nhiều cách đơn giản để có thể tiết kiệm điện. Cách đơn giản nhất là luôn ghi nhớ sử dụng năng lượng tiết kiệm mọi lúc, mọi nơi bằng cách tắt đèn khi ra khỏi phòng, tắt các thiết bị không sử dụng, để điều hòa ở chế độ phù hợp… Ngoài ra, việc thay thế các thiết bị điện cũ, tiêu tốn nhiều điện năng lượng bằng các thiết bị hiệu suất cao cũng là một cách đơn giản và hiệu quả.

 Tóm lại, việc tắt hết các thiết bị điện nói chung trong giờ Trái đất là một việc làm mang tính thiết thực và nên được duy trì, nhắc nhở thường xuyên. Điều đó không chỉ là một việc làm mang tính hình thức, không có tác dụng, mà nó mang rất nhiều ý nghĩa tích cực hơn thế. 

 

Bài tham khảo 4: Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn mình có thể viết, vẽ vào đó. Em đồng ý hay phản đối ý kiến đó? Nêu quan điểm của em

Có nhiều ý kiến cho rằng: “Sách giáo khoa bố mẹ đã bỏ tiền mua, trở thành sở hữu của mình, nếu muốn mình có thể viết, vẽ vào đó”. Em không hoàn toàn đồng ý với ý kiến đó.

Sách giáo khoa là một phương tiện, công cụ hỗ trợ hết sức cần thiết, bắt buộc đối với học sinh. Nó đã trở thành “vật bất li thân” của mỗi người học, các em đều phải mang theo nó mỗi khi tới trường. Sách giáo khoa cung cấp những kiến thức cơ bản về tự nhiên và xã hội. Đồng thời còn là cơ sở để giáo viên và học sinh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực và chủ động của học sinh. Điều đó đã chứng tỏ rằng sách giáo khoa có vai trò rất quan trọng đối với cả học sinh và giáo viên. Các phụ huynh nên đầu tư, mua đầy đủ bộ sách giáo khoa cho con mình để có thể học tập và trở thành vật sở hữu riêng.

Bởi vì sách giáo khoa là của riêng mỗi cá nhân học sinh, nên cá em hoàn toàn có quyền sử dụng chúng theo cách riêng của mình. Học sinh có thể viết, gạch chân những tiêu mục lớn, từ khóa trong sách theo từng bài để đánh dấu cho dễ nhìn, dễ đọc và dễ kiểm soát nội dung trọng tâm kiến thức hơn. Các em cũng có thể dùng những kí hiệu hình vẽ riêng để làm nổi bật cho đoạn kiến thức đang được học, biến những mặt chữ khô khan thành những hình vẽ sinh động hơn. Như thế sẽ giúp cho học sinh tăng khả năng sáng tạo và tiếp thu tri thức mà sách giáo khoa đem lại một cách linh hoạt, chủ động hơn.

Nhưng không phải vì sách giáo khoa là của riêng mỗi cá nhân học sinh mà các em lại sử dụng nó như một “quyển vở nháp”. Có nhiều em học sinh vì thiếu và quên mang sách vở khác mà nháp luôn cả vào trong sách giáo khoa khiến cho quyển sách trông rất bề bộn, nghuệch ngoạc chữ viết. Nhiều trường hợp trong giờ các em quá chán nản, rảnh rỗi nên viết và vẽ linh tinh cho một vài trang sách. Thậm chí, nhiều em còn xé trang sách làm nháp, để kê vở, để ném nhau hay để gấp máy bay. Những điều này thật sự không tốt chút nào. Bởi sách giáo khoa là tiêu chuẩn cho một ngành học mà bắt buộc mỗi học sinh phải có. Nếu như chúng ta sử dụng và giữ gìn không đúng cách, thích làm gì thì làm, thì đến một ngày sách hỏng, không dùng được nữa, chúng ta không còn cách nào khác để mà học.

Em nghĩ rằng mỗi học sinh chúng ta nên lựa chọn, giữ gìn và sử dụng sách giáo khoa một cách hợp lí nhất. Bởi sách giáo khoa nắm giữ vai trò hết sức quan trọng, một quyển sách đẹp như thế nào sẽ đánh giá được người sử dụng là người ra sao. Hẫy bảo vệ tài sản riêng đó một cách phù hợp nhất nhé!

 

Từ khóa tìm kiếm: Văn mẫu 7, văn hay lớp 7 sách kết nối tri thức, Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống (trình bày ý kiến phản đối)

Bình luận

Giải bài tập những môn khác