Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật

Đề bài: Phân tích đặc điểm nhân vật An trong Đi lấy mật.

Bài tham khảo 1:

Văn bản “Đi lấy mật” được trích trong tiểu thuyết Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Nổi bật trong đó là nhân vật cậu bé An đã để lại nhiều ấn tượng.

Nội dung của đoạn trích kể về một lần An và Cò theo người tía nuôi đi lấy mật. Trên đường đi, An cảm nhận được vẻ đẹp của núi rừng. Tía nuôi đi trước dẫn đường, An và Cò theo sau. Khi An thấy mệt, họ ngồi lại nghỉ ngơi, ăn trưa rồi mới tiếp tục hành trình. Lúc đó, Cò đã chỉ cho An cách xem đàn ong mật. Trên đường đi, họ tới một cái trảng rộng, nhìn thấy biết bao là chim. An vô cùng thích thú, nhưng khi nghe Cò nói đến “sân chim”, cậu lại im lặng vì từ cái nghĩ nếu cái gì cũng hỏi thì Cò sẽ khinh mình dốt. Bắt gặp một kèo ong, An nhớ lại lời má nuôi dạy cách “thuần hóa” ong rất đặc biệt của người dân vùng U Minh.

An là nhân vật chính, cũng đóng vai là người kể chuyện. Cậu đã được nhà văn khắc họa qua nhiều phương diện khác nhau. Trong hành trình đi lấy mật cùng với tía nuôi và Cò, An đã có được một nhiều nghiệm thú vị. Trước hết, An cũng giống như bao đứa trẻ khác, nghịch ngợm nên đã có những hành động như: “Chen vào giữa, quảy tòn ten một cái gùi bé”; “Đảo mắt khắp nơi để tìm bầy ong mật”; “Reo lên khi nhìn thấy bầy chim đẹp”; “Ngước nhìn tổ ong như cái thúng… ”. Qua những hành động này, có thể thấy An là một đứa trẻ khá hiếu động và nghịch ngợm.

Hồn nhiên là vậy nhưng An vẫn biết suy nghĩ, ham tìm hiểu. Cậu luôn nhớ về lời má nuôi dạy, về cách lấy mật, lời thằng Cò nói về cách xem ong, về sân chim. Khi nghe má nuôi dạy cách lấy mật, nếu không hiểu gì, An lại hỏi ngay: “Sao biết nó về cây này mà gác kèo”, “Kèo là gì, hở má?”, “Coi bộ cũng không khó lắm hở má?”, “Ủa, tại sao vậy má?”... Bên cạnh đó, không chỉ tinh nghịch và ưa khám phá, cậu còn có con mắt quan sát thật tinh tế và sâu sắc. Dưới con mắt của An, cảnh rừng U Minh hiện lên sống động và hoang sơ, trù phú: “Buổi sáng, đất rừng yên tĩnh”, còn “ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng giống như là nó bao qua một lớp thủy tinh”. Điều này cho thấy, An là một cậu bé có tinh tế, biết phát hiện ra những cái đẹp của thiên nhiên.

Có thể thấy rằng, cậu bé An hiện lên với vẻ hồn nhiên, trong sáng nhưng cũng rất ham học hỏi, tìm hiểu.

Bài tham khảo 2:

Đoạn trích “Đi lấy mật” được trích trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, kể về cuộc sống của cậu bé An, lấy bối cảnh là miền Tây Nam Bộ những năm 50 của thế kỉ XX. Vì chiến tranh, An bị lạc mất gia đình và trở thành một đứa trẻ lang thang. Cậu được bố mẹ Cò cưu mang và trở thành con nuôi của họ. Sống với gia đình Cò, An được yêu thương như con đẻ và cũng học hỏi được nhiều điều mới lạ, thú vị. Qua đoạn trích “Đi lấy mật”, người đọc có dịp tham quan rừng U Minh và cảm nhận hai nhân vật An, Cò trong hành trình cùng cha nuôi đi lấy mật ong rừng đầy thú vị.

“Đi lấy mật” kể về một lần An cùng Cò và cha nuôi cùng nhau vào rừng U Minh đi lấy mật ong. Xuyên suốt đoạn trích là cảnh sắc đất rừng phương Nam được tác giả miêu tả hiện lên vô cùng sinh động, vừa bí ẩn, hùng vĩ, lại vừa thân thuộc, gắn liền với cuộc sống của người dân nơi đây qua những suy nghĩ của cậu bé An.

An là một cậu bé lanh lợi, yêu thiên nhiên và có những quan sát đầy tinh tế, mới mẻ. Khung cảnh thiên nhiên buổi sáng qua cái nhìn của nhân vật An cũng vì thế mà trở nên độc đáo, với không gian yên tĩnh, ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm. Trời không gió, không khí mát lạnh bởi hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ẩm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh. Trong không gian ban mai đó, người tía hiện lên với những chi tiết như đi trước, dẫn đường cho An và Cò, đeo bên hông lủng lẳng chiếc túi, mang cái gùi bằng tre đan đã trát chai trên lưng và tay cầm chả gạc, vừa đi vừa phạt nhánh gai mở đường đi cho các con. An là một cậu bé lễ phép và ngoan ngoãn, thể hiện qua cách xưng hô với tía và má rất ôn hòa, lễ độ. Những hành động của cậu với ba mẹ nuôi vô cùng lễ phép, thể hiện thái độ trân trọng, biết ơn. An cũng là một cậu bé ngoan ngoãn, ham học hỏi, khi liên tục hỏi tía, má những điều mà cậu còn thắc mắc hay vẫn muốn khám phá.

Đối với Cò, An coi cậu là một người bạn, vừa là anh em trong nhà, cách xưng hô mày-tao vừa thân quen, vừa gần gũi: "Chịu thua mày đó! Tao không thấy con ong mật đâu cả." Khi đối diện với một người am hiểu vùng đất này như Cò, An luôn có thái độ tôn trọng, đôi lúc còn tự ái, không dám hỏi nhiều, âm thầm ghi nhớ những kinh nghiệm đã học được.

Tuy An thể hiện là một cậu bé khá trầm tĩnh và hiền lành, nhưng trong cậu có những suy nghĩ rất phong phú, bên cạnh việc cảm nhận tốt vẻ đẹp thiên nhiên, cậu còn có những cảm nhận, so sánh đặc biệt về cách nuôi ong và lấy mật từ khắp nơi trên thế giới, từ đó rút ra kết luận về sự đặc biệt trong cách “thuần hóa” ong rừng của người dân vùng U Minh.

Bài tham khảo 3:

Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời phiêu bạt của cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là miền Tây Nam Bộ, Việt Nam vào những năm 1945, sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Nam Bộ. Trong chương trình phổ thông, em được học đoạn trích “Đi lấy mật”, cũng chính là tên chương 9, kể lại một lần An theo tia nuôi (cha nuôi) và Cò đi lấy mật ong trong rừng U Minh. Bằng việc đọc hiểu đoạn trích này, em không chỉ cảm nhận được cảnh sắc đất rừng phương Nam đặc sắc, mà còn cảm nhận được những nét đặc biệt trong tính cách, hình dáng, cử chỉ của hai nhân vật An và Cò.

Văn bản Đi lấy mật kể về câu chuyện 3 cha con Cò An đi vào rừng lấy mật, qua đó tác giả bật mí cho chúng ta về cách làm tổ cho loài ong mật. Trong đoạn trích có 4 nhân vật gồm tía nuôi, má nuôi An, An và Cò, với mối quan hệ hết sức đặc biệt: Cò là con đẻ của tía má, An là con nuôi của tía má. Vì chiến tranh, An bị lạc mất gia đình và trở thành một đứa trẻ lang thang. Cậu được bố mẹ Cò cưu mang và trở thành con nuôi của họ. Sống với gia đình Cò, An được yêu thương như con đẻ và cũng học hỏi được nhiều điều mới lạ, thú vị.

An là một cậu bé thông minh với những hiểu biết, cảm nhận vô cùng tinh tế. Qua cái nhìn của nhân vật An, khung cảnh thiên nhiên của rừng U Minh được hiện lên tràn đầy nhựa sống, có sự kết hợp giữa vẻ đẹp của các loài vật, loài cây cũng như những sự vật của thiên nhiên như trời, ánh sáng, đầu hoa tràm, sông ngòi…khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh. Điều đó cho thấy khả năng quan sát và cảm nhận về thiên nhiên của nhân vật An vô cùng tinh tế và sâu sắc.

An cũng là một cậu bé ngoan ngoãn, lễ độ, cậu bé lắng nghe và lễ phép với cha mẹ. Từ đó, An cũng học được rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ cả tía và má. Má nuôi An có dặn dò và chỉ An cách nhận biết được bầy ong, lấy mật bằng cách quan sát nhành cây, hướng gió, tính trước đường bay của ong mật.

Từ câu chuyện của mẹ, cậu bé An bộc lộ những hiểu biết của mình về cách lấy mật, nuôi ong ở khắp nơi trên thế giới. Nếu người La Mã xưa nuôi ong trong những cái tổ bằng đồng hình chiếc vại, người Mễ Tây Cơ xây tổ ong bằn đất nung, treo lên cành cây, người Ai Cập làm tổ ong bằng sành, hình ống dài, xếp lên nhau trên bãi cỏ, ở châu Phi người ta đục ruỗng thân cây, vít kín hai đầu, treo lên bằng một đoạn dây nhỏ có mấu, Xứ Tây Âu bện tổ ong bằng rơm đủ kiểu, hình thù khác nhau…thì người U Minh có cách “thuần hóa” ong rừng vô cùng khác biệt: Tính toán, gác kèo để ong rừng tự bay về làm tổ, quá trình gác kèo cũng cần kỹ lưỡng, cẩn thận từng chi tiết. Cách lấy mật này đòi hỏi kinh nghiệm, mắt nhìn và đầu óc tính toán cực kì chi tiết, kỹ lưỡng của những “dân ăn ong” lành nghề, từng thất bại. Tất cả những chi tiết từ câu chuyện của mẹ đã cho ta thấy An là một cậu bé ngoan ngoãn, ham học hỏi, thích quan sát và yêu thiên nhiên.

Bài tham khảo 4:

Đất rừng phương nam là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi viết về cuộc đời của một cậu bé tên An. Bối cảnh của tiểu thuyết là các tỉnh Tây Nam, Việt Nam vào năm 1945, sau khi thực dân Pháp trở về xâm chiếm miền Nam.​Trong chuyến lưu lạc của mình An đã được gặp và tiếp xúc với nhiều người, trong đó phải kể đến tía, má nuôi và Cò. Trong đoạn trích từ chương 9, “Đi lấy mật” là hành trình vào rừng lấy mật, “ăn ong” của ba cha con, hai nhân vật An và Cò đã đưa người đọc tới những trải nghiệm thú vị nơi đất rừng U Minh.

 

Đoạn trích “Đi lấy mật” kể về trải nghiệm đi lấy mật ong rừng của An cùng Cò và cha nuôi. Trong hành trình này, phong cảnh rừng núi phương Nam được tác giả tái hiện vô cùng sinh động, huyền bí, hùng vĩ nhưng cũng rất thân thuộc, gắn liền với cuộc sống của người dân vùng U Minh.

Trước hết, An là một cậu bé yêu thiên nhiên và có những quan sát vô cùng tinh tế. Dưới con mắt của An, rừng núi U Minh hiện lên với vẻ hoang sơ, kì vĩ song cũng rất thơ mộng, trữ tình. Trên đường đi lấy mật, cậu luôn chăm chú, để ý khung cảnh xung quanh. Bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất, bức tranh thiên nhiên rừng U Minh được thu vào đôi mắt hồn nhiên của An. Các đoạn văn miêu tả như những thước phim quay chậm vô cùng sống động, sắc nét. An đưa mắt quan sát ở trên cao với hình ảnh bầu trời "Ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như nó là bao qua một lớp thủy tinh.". Cậu tiếp tục cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác, xúc giác, thị giác: "ăn xong, bấy giờ bóng nắng mới bắt đầu lên. Gió cũng bắt đầu thổi rao rao theo với khối mặt trời tròn đang tuôn ánh sáng vàng rực xuống mặt đất. Một làn hơi đất nhè nhẹ tỏa lên, phủ mờ những bụi cây cúc áo, rồi nhè nhẹ tan dần theo hơi ấm mặt trời.",... Màu sắc, đặc điểm của sự vật, hiện tượng được miêu tả chi tiết cho thấy sự nhạy cảm trong tâm hồn của nhân vật An.

Tiếp đến, An rất ham học hỏi, tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Lần đầu tiên, An được theo tía nuôi vào rừng lấy mật. Trên quãng đường đi, An luôn nhớ lại những lời má nuôi kể về cách gác kèo ong như thế nào. Thậm chí, An đã có những so sánh giữa việc học trong sách với thực tiễn bên ngoài. Cậu nhận ra việc học trong sách giáo khoa chỉ có những khái niệm chung chung về loài ong, không giống như cách má nuôi bảo. Qua đoạn trích An nhớ lại những lời má nuôi kể, ta có thể thấy cậu đặt ra rất nhiều những câu hỏi thể hiện sự tò mò và mong muốn tìm hiểu thế giới xung quanh. Cuối cùng, cậu đã đúc kết ra được sự khác biệt trong cách "thuần hóa" ong rừng của người dân vùng U Minh so với những cách nuôi ong trên thế giới: "Không có nơi nào, xứ nào có kiểu tổ ong hình nhánh kèo như vùng U Minh này cả.".

Có thể thấy, nhà văn Đoàn Giỏi đã xây dựng thành công nhân vật An thông qua lời nói, hành động cụ thể kết hợp với ngôi kể thứ nhất. Qua nhân vật An, tác giả đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người sâu sắc và ngợi ca tâm hồn trong sáng của trẻ thơ.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác