Tưởng tượng em là một nhà phê bình, hãy viết đoạn văn (khoảng 6-8 câu) nêu ý kiến của em về một tác phẩm văn học về đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, đất nước mà em đã đọc

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ sách kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Tưởng tượng em là một nhà phê bình, hãy viết đoạn văn (khoảng 6-8 câu) nêu ý kiến của em về một tác phẩm văn học về đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, đất nước mà em đã đọc

Đề bài: Tưởng tượng em là một nhà phê bình, hãy viết đoạn văn (khoảng 6-8 câu) nêu ý kiến của em về một tác phẩm văn học về đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, đất nước mà em đã đọc

Bài làm

Bài tham khảo 1:

“Dế mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm kinh điển của nhà văn Tô Hoài đã gắn liền với tuổi thơ của rất nhiều người, trong đó có em. Tác phẩm miêu tả về cuộc phiêu lưu của một chú Dế Mèn qua thế giới loài vật và loài người. Truyện đề cập đến nhiều vấn đề nóng hổi như: cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc. Dế Mèn trong truyện đã phải trải qua những cuộc phiêu lưu vào thế giới các loài vật, vượt qua nhiều rủi ro và biến cố. Những điều đó đã giúp Dế Mèn từng bước vươn lên tự điều chỉnh, nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết với bản lĩnh kiên cường của một trai tráng đầu đội trời, chân đập đất. Thông qua tác phẩm, tài năng của Tô Hoài đã được thể hiện ở khả năng nắm bắt và mô tả đời sống tâm lí của lứa tuổi thiếu nhi và cả thanh niên. Ông đã vẽ nên một thế giới muôn vàn những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và phiêu lưu, cùng những rung động tinh tế trước vẻ đẹp của thiên nhiên và của cuộc đời.

Bài tham khảo 2:

“Bài thơ Bắc Hải” của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ hay viết về chủ đề quê hương, đất nước. Có thể nói, vẻ đẹp thiên nhiên và con người Việt Nam đã được nhà thơ thể hiện một cách hết sức tài tình trong văn bản qua hình thức thơ lục bát – một hình thức thơ đậm chất Việt Nam. Hầu hết mọi người khi đọc thì đều sẽ nhớ đến bốn câu thơ đầu:

“Việt Nam đất nước ta ơi

Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn

Cánh cò bay lả rập rờn

Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”.

Mở đầu bài thơ là một tiếng gọi tha thiết, đầy rung cảm trước vẻ đẹp quê hương qua vừa tả cảnh, vừa tả ngụ tình. Nhà thơ đã thốt lên những lời như vậy hẳn vì quê hương Việt Nam tươi đẹp lắm. Cũng tương tự như cảnh, con người Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp kiên trung, bất khuất nhưng cũng rất hiền lành, nghĩa tình và thơ mộng trong những câu thơ: “Chim trong máu lửa lại vùng đứng lên/Đạp quân thù xuống bùn đen”, “Yêu ai yêu trọn tấm tình thủy chung”, “Trên xe lá cũng dệt nghìn bài thơ”. Bài thơ viết theo thể lục bát quen thuộc, ít sáng tạo nhưng đã thành công trong việc chuyển tải tâm ý của tác giả. Vì thế mà bài thơ xứng đáng để lại những dấu ấn khó phai trong lòng người đọc.

Bài tham khảo 3:

Đề tài tuổi thơ luôn là đề tài phổ biến trong các sáng tác văn học. Em đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài này, nhưng trong đó em ấn tượng và yêu thích nhất tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Đoàn Giỏi mang tên “Đất rừng phương Nam”. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh ở miền Tây Nam Bộ vào những năm 1945 tập trung kể về cuộc đời của cậu bé tên An. Em thực sự xót thương cho cậu bé An khi cậu bị lạc mất bố mẹ trong một lần chạy giặc, từ đó, An phải đi lang thang và phiêu bạt khắp mọi nơi. Đọc từng trang văn, chúng ta sẽ được đi theo dấu chân cậu bé An đi qua nhiều miền đất nước: từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Rạch Giá, rồi xuống rừng U Minh. Ngoài ra, chúng ta còn được đến với những con người miền Tây chân chất, trung hậu, trí dũng và một lòng một dạ theo kháng chiến. Thông qua nhân vật An, chúng ta cũng cảm nhận được cuộc đời nhiều sóng gió, bấp bênh những cũng có nhiều tiếng cười đùa hạnh phúc. Tóm lại, “Đất rừng phương Nam” là một tác phẩm hay và tâm đắc, ai cũng nên đọc ít nhất một lần trong đời.

Bài tham khảo 4:

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết rất nhiều về đề tài tuổi thơ, trong đó em yêu thích nhất tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của ông. Tác phẩm chính là những trang nhật ký về cuộc sống và tâm tư của Thiều – cậu bé học lớp 7 ở một vùng quê nghèo khó. Thiều đã phải trải qua tuổi thơ khắc khổ, khi cha mẹ phải thường xuyên đi làm ăn xa những vẫn rất thú vị, vẫn đẹp và hồn nhiên. Tuổi thơ qua lời kể của Thiều còn có Tường – cậu em trai tốt bụng, hiền lành, hay mơ mộng và giàu lòng nhân ái, hay Mận – cô bé hiền lành, xinh xắn, nhạy cảm và có tâm hồn tinh tế. Bên cạnh đó còn nhiều nhân vật khác như chú Đàn, chị Vinh, ông Tám Tàng, thầy Nhãn… Từng trang văn hiện lên rất giản dị, từ chuyện con Cóc là cậu ông Trời, đến chuyện cháy nhà, đến cảnh đói ăn, chạy lụt… nhưng vẫn hấp dẫn bạn đọc từ người lớn đến trẻ em. Với lời kể tự nhiên, mộc mạc, đến với tác phẩm, chúng ta sẽ được trải nghiệm trên chuyến tàu tuyệt vời quay về tuổi thơ.

Từ khóa tìm kiếm: Văn mẫu 7, văn hay lớp 7 sách kết nối tri thức, Tưởng tượng em là một nhà phê bình, hãy viết đoạn văn nêu ý kiến của em về một tác phẩm văn học về đề tài tuổi thơ hoặc quê hương, đất nước mà em đã đọc

Bình luận

Giải bài tập những môn khác