Phân tích tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Phân tích tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.
Đề bài: Phân tích tình yêu của người con đối với mẹ trong bài thơ Gặp lá cơm nếp.
Bài tham khảo 1:
Sau khi đọc xong bài thơ Gặp lá cơm nếp của Thanh Thảo, người đọc có thể thấy được tình yêu của người con đối với người mẹ. Đó là “nỗi nhớ thương”, “làm sao quên được”, là tiếng thảng thốt để phải kêu lên: “ôi mùi vị quê hương”, hay ngay cả việc “thèm bát xôi mùa gặt”. Người mẹ hiện lên với những hình ảnh giản dị, tảo tần: “nhặt lá về đun bếp”, “thổi cơm nếp”. Chỉ là những hình ảnh giản dị vậy thôi nhưng nó là hình ảnh gắn bó, quen thuộc với người con suốt thuở chưa “xa nhà đã mấy năm”. Vì vậy mà người con càng nhớ thương mẹ nhiều hơn. “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương” nhưng ta có thể thấy hình ảnh mẹ quen thuộc cũng như đất nước, mẹ già và đất nước ở đây như cũng đã hóa làm một, trở thành điều thiêng liêng nhất.
Bài tham khảo 2:
Đi hết cuộc đời dài rộng này, chúng ta cũng không thể hiểu được hết công lao của mẹ cha. Bởi vậy, đã có biết bao sáng tác ra đời để ca ngợi công ơn trời bể ấy. Tác giả Thanh Thảo cũng viết về đề tài ấy, ngắn gọn nhưng đầy cảm xúc trong bài thơ Gặp lá cơm nếp. Bài thơ đã ghi lại cảm xúc của người con tình cờ nghĩ đến hương vị của mùi xôi và nhớ về mẹ. Tác giả đã xa nhà nhiều năm, thèm một bát xôi nếp mùa gặt và nhớ về mẹ cùng những hương vị yêu dấu của làng quê. Trong tâm hồn các anh, người mẹ là hình ảnh lớn lao nhất, đẹp đẽ nhất của quê hương. Với người lính, mẹ là suối nguồn của yêu thương, là ánh sáng diệu kì dõi theo con suốt cuộc đời. Câu thơ “Mẹ già và đất nước/ Chia đều nỗi nhớ thương” như cảm xúc òa khóc trong lòng nhân vật khi nghĩ về người mẹ tảo tần và đất nước bình dị. Mẹ đã chịu một đời lam lũ, hi sinh để dành cho con những điều đẹp đẽ nhất. Những câu thơ giản dị, ngắn gọn mà vời vợi nỗi nhớ thương. Bài thơ “Gặp lá cơm nếp” được viết lên từ nỗi nhớ, tình yêu mà nhà thơ dành cho mẹ. Bài thơ đã để lại nhiều cảm xúc trong lòng độc giả.
Bài tham khảo 3:
Cha mẹ là người có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta nên người, vì thế dù có đi bất cứ nơi đâu thì chúng ta cũng luôn hướng về cha mẹ. Thanh Thảo đã khéo nói hộ chúng ta nỗi nhớ ấy thông qua bài thơ Gặp lá cơm nếp. Khi xa nhà, bỗng dưng gặp lá nếp mà nỗi nhớ mẹ, nhớ quê hương cứ thế ùa về. Nhớ về mẹ là nhớ món xôi của mẹ “bát xôi mùa gặt/ mùi xôi sao lạ lùng”. Mùi xôi của mẹ hay chính là vị quê hương quen thuộc luôn thường trực trong con “thơm suốt đường con”. Tình yêu mẹ, yêu quê hương đất nước không chỉ được thể hiện qua món xôi, qua mùi vị quê hương, tình yêu thương đó đã dâng trào bộc trực ra lời nói “ôi mùi vị quê hương/ con làm sao quên được/ mẹ già và đất nước/ chia đều nỗi nhớ thương”. Mẹ được đặt ngang với đất nước, được người con chia đều nỗi nhớ thương, qua đó chúng ta thấy được tình cảm sâu nặng của người con dành cho người mẹ già yêu quý của mình.
Bài tham khảo 4:
Trên cõi đời này có vô số những điều tốt đẹp, có trăm nghìn loài hoa, có nghìn vạn ngôi sao, nhưng mẹ ta “chỉ có một trên đời” con luôn nhớ thương mẹ:
Ôi mùi vị quê hương
Con quên làm sao được
Mẹ già và đất nước
Chia đều nỗi nhớ thương.
Từ cảm thán “ôi” diễn tả nỗi nhớ cồn cào da diết của tác giả. Đó là “mùi vị quê hương”, là nồi xôi mẹ nấu, là dáng mẹ hao gầy mỗi sớm mai. Con yêu quê hương và không lúc nào con quên tình yêu với mẹ, con yêu mẹ như yêu quê hương. Tác giả đặt quê hương cùng đất nước để nhấn mạnh vào trách nhiệm của con: Mẹ già và đất nước.
Đất nước vẫn chưa độc lập, con còn mang rong lòng trách nhiệm với quê hương, con như một cây nhỏ phải đem sức mình giữ đất quê hương, mong mẹ hiểu cho tấm lòng của con. Lời thơ giản dị tâm tình:
Cây nhỏ lòng Trường Sơn
Hiểu lòng nên thơm mãi…
Trường Sơn dãy núi huyền thoại của cả thế hệ, nơi bao người con đã ngã xuống, đã ra đi từ đó không về, để mẹ già ngóng chờ. Đất nước có chiến tranh, mẹ đã không tiếc những đứa con của mình, sẵn sàng động viên các con cầm súng ra trận. Tình cảm của mẹ giản dị mà lớn lao, tình cảm ấy hòa vào tình yêu đất nước. Con trân trọng tình của mẹ. Người mẹ riêng của anh chiến sĩ đã hòa nhập làm một và trở thành người mẹ chung, người mẹ nhân dân, người mẹ đất nước – mẹ là điểm tựa vững chắc nơi hậu phương.
Thông qua hình ảnh nồi xôi mới, với các biện pháp tu từ so sánh, liệt kê, điệp ngữ làm rõ khiến ta thấy được sự gần gũi, thân thuộc, bình dị, gợi lên những tình cảm quê hương, gia đình cao đẹp. Bài thơ thể hiện tình cảm sâu sắc của tác giả dành cho quê hương và cho người mẹ kính yêu của mình.
Bình luận