Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ sách kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Đề bài: Trình bày ý kiến về vấn đề văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại
Bài làm
Bài tham khảo 1:
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi giới trẻ được làm quen và tiếp cận nhiều với nền văn minh mới hiện đại và tiên tiến hơn, thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trở nên cần thiết hơn bất cứ khi nào hết.
Thực trạng đang diễn ra mà ai cũng cảm nhận thấy đó là xã hội đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Con người chúng ta ngày càng được hòa nhập, cởi mở hơn với những nền văn hóa mới của nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, đôi lúc chúng ta lại quên đi nét đẹp, truyền thống văn hóa của chính đất nước mà chúng ta sinh ra và lớn lên. Nhiều bản sắc đã bị mai một, giới trẻ lại ngày càng ít quan tâm và tìm hiểu về những truyền thống, bản sắc đó. Thay vào đó, giới trẻ có xu hướng theo đuổi và ưa chuộng những văn hóa các nước khác.
Hậu quả của việc chạy theo những nền văn hóa khác nhau là những giá trị truyền thống tốt đẹp sẽ ngày càng bị mai một và mất dần đi. Những lễ hội, cuộc thi dân gian không còn được nhận nhiều sự quan tâm của con người hoặc chỉ mang dáng dấp hình thức. Nhiều đứa trẻ hiện nay không hiểu nền văn hóa truyền thống của đất nước mình bằng sự tân tiến của các nước trên thế giới. Chính những điều này đã làm con người đánh mất đi giá trị cốt lõi của đất nước mình.
Đứng trước thực trạng đáng báo động trên, là những người trẻ chúng ta cần làm gì để khắc phục? Trước hết, mỗi cá nhân đặc biệt là học sinh cần phải tìm hiểu, trau dồi những bản sắc văn hóa vốn có của dân tộc, có trách nhiệm giữ gìn và phát huy thật tốt những giá trị đó với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, nhà trường cần phải tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền, mang đến cho học sinh nguồn tri thức đúng đắn về giữ gìn bản sắc dân tộc. Gia đình, cộng đồng cũng phải cùng chung sức, đồng lòng để tô đậm thêm nữa những giá trị văn hóa đó để không bị phai nhạt trong các luồng văn hóa khác.
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm chung của tất cả những con người Việt Nam chúng ta. Vì thế, chúng ta cần có ý thức giữ gìn và phát huy những truyền thống đó để nó ngày càng đẹp đẽ và phát triển rộng rãi hơn.
Bài tham khảo 2:
Cùng với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, xã hội đang ngày càng thay đổi một cách chóng mặt. Kéo theo đó là những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày càng bị mai một. Đó là một thực trạng đáng báo động đối với một đất nước vốn giàu truyền thống văn hóa như Việt Nam.
Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển gắn với lịch sử dựng nước, giữ nước cùng quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó là tổng hòa của những giá trị văn hóa bền vững, phản ánh diện mạo, sắc thái, tâm hồn… của một dân tộc. Những giá trị đó được thường xuyên bổ sung và lan tỏa trong lịch sử của dân tộc, trở thành tài sản tinh thần quý giá. Tất cả những điều đó tạo nên sức mạnh gắn kết cộng đồng và giúp phân biệt giữa các dân tộc trong cộng đồng.
Nhưng bên cạnh những mặt tích cực thì còn tồn tại rất nhiều mặt tiêu cực. Đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp những thanh niên với lối sống xa rời bản sắc dân tộc. Họ thờ ơ với những giá trị truyền thống kể cả vật chất lẫn tinh thần, mà đề cao những giá trị văn hóa du nhập từ nước ngoài qua sự thần tượng, sính ngoại quá ngưỡng. Ví dụ như việc các bạn trẻ vô tư dùng những ngôn từ nước ngoài xen kẽ với tiếng Việt, điều đó không sai nhưng nó sẽ tạo nên sự khó hiểu và mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Tất cả những điều đó vô tình tác động xấu đến việc duy trì và phát huy bản sắc nền văn hóa của dân tộc.
Vậy thế hệ trẻ chúng ta cần ý thức được vai trò, ý nghĩa của bản sắc dân tộc mình để nâng cao tinh thần gìn giữ những giá trị tốt đẹp đó. Đồng thời, cần tích cực rèn luyện lối sống, những hành động tích cực phù hợp với những truyền thống đạo lí tốt đẹp, phát huy những giá trị riêng đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, cần lên án mạnh mẽ những hành vi làm mai mọt bản sắc dân tộc và có thái độ đấu tranh quyết liệt để bài trừ và tẩy chay những hoạt động văn hóa không lành mạnh.
Tóm lại việc giữ gìn bản sắc văn hóa trong xã hội hiện nay không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng nhân loại, mà còn mang lại ý nghĩ đối với mỗi con người. Bởi vì những giá trị văn hóa được thể hiện trong nếp sống, nếp nghĩ hàng ngày mỗi người.
Bình luận