Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 7 bộ sách kết nối tri thức. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Đề bài: Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Bài làm

Bài tham khảo 1:

Sau khi đọc xong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” em đã cảm nhận được sâu sắc tiếng lòng đầy tha thiết yêu mến và gắn bó với quê hương đất nước, đồng thời là ước nguyện cống hiến chân thành từ tận đáy lòng của nhà thơ Thanh Hải.

Mở đầu nhà thơ đã vẽ nên bức tranh mùa xuân của thiên nhiên với những nét chấm phá rất đỗi bình dị:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc, 

Ơi con chim chiền chiện

 Hót chi mà vang trời”

 Chỉ với vài nét vẽ đơn giản cùng những hình ảnh thân quen, bức tranh mùa xuân đang về hiện lên thật thơ mộng và mang đậm phong vị xứ Huế. Đó là bức tranh có sự kết hợp của không gian thoáng đãng tràn ngập sắc màu tươi tắn, cùng với âm thanh thanh rộn rã tươi vui của tiếng chim chiền chiện. Nhà thơ thật tinh tế khi lựa chọn hình ảnh “dòng sông xanh” và “bông hoa tím” kết hợp với các từ ngữ “ơi”, “chi” đi sau động từ “hót”. Điều đó khiến người đọc liên tưởng đến quê hương xứ Huế với tâm trạng say đắm hân hoan của tác giả. Thấp thoáng ở đâu đó là màu xanh của dòng sông Hương Giang mềm mại, uyển chuyển với những tà áo dài tím biếc của những cô gái Huế mộng mơ. Cảm xúc đó còn được miêu tả ở những chi tiết hết sức tạo hình ở hai dòng thơ sau: 

“Từng giọt long lanh rơi

 Tôi đưa tay tôi hứng”

 Hình ảnh ấn dụ “giọt long lanh” chính là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang giữa không gian, đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc. Nhà thơ ngắm nhìn và đưa tay hứng với tất cả sự trân trọng. Sự chuyển đổi cảm giác đó đã khiến hình ảnh thơ trở nên lung linh, diễn tả trọn vẹn niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước vẻ đẹp thiên nhiên và đất trời khi vào xuân.

  Từ mùa xuân của thiên nhiên, đất trời, nhà thơ đã chuyển sang cảm nhận về mùa xuân của đất nước. Ông hướng tình cảm của mình tới những con người đang ngày ngày cống hiến làm đẹp mùa xuân:

“Mùa xuân người cầm súng

Lộc dắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ”.

Hình ảnh “lộc” theo bước chân người cầm súng ra trận, theo bàn tay người lao động ra đồng và gieo mùa xuân tới khắp mọi miền đất nước trong không khí lao động đầy rộn ràng, say mê:

“Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao”.

Điệp từ “tất cả” cùng từ láy “hối hả”, “xôn xao” đã tạo nên nhịp điệu mùa xuân hối hả, hào hùng mở ra những cảm nhận chan chứa niềm tự hào về đất nước:

“Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước”.

Hình ảnh “Đất nước bốn nghìn năm” đã gợi nên lịch sử lâu đời của dân tộc. Trong suốt bốn nghìn năm đó, đất nước đã phải trải qua rất nhiều “vất vả” và “gian lao” để dựng nước và giữ nước. Cũng nhờ có bốn nghìn năm vất vả đó mà ngày hôm nay đất nước giống như “vì sao” tỏa sáng giữa bầu trời rộng lớn. Từ “cứ” thể hiện sự quyết tâm vươn lên phía trước và không chịu khuất phục trước mọi khó khăn.

Trước mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, nhà thơ đã bộc lộ niềm khát vọng được hiến dâng của mình:

“Ta làm con chim hót 

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”.

Nhà thơ xin làm một tiếng chim hót hòa trong môn tiếng chim cất cao tiếng hót chào mừng xuân mới. Xin làm một cành hoa trong muôn vạn cánh hoa âm thầm khoe sắc tỏa hương thơm cho cuộc đời chung. Xin làm một nốt nhạc trầm trong bản đồng ca của dân tộc đẩ ca ngợi non sông đất nước đang dần đổi mới. Ước nguyện đó thật gần gũi đến kì lạ. Đó chính là sự chiếu ứng của hình ảnh “bông hoa tím biếc” và âm thanh của tiếng chim chiền chiện ở khổ thơ thứ nhất. Ta cảm nhận được qua từng câu thơ với nhịp hối hả, gấp rút như nhịp sống quê hương, như ước mong cháy bỏng nhưng khiêm tốn của nhà thơ được dâng hiến cho cuộc đời.

Khổ thơ tiếp theo đã làm chậm lại nhịp cảm xúc lắng đọng của bài thơ:

“Một mùa xuân nho nhỏ 

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”.

Bao trùm lên tất cả, nhà thơ ước nguyện hóa thành “một mùa xuân nho nhỏ” lặng lẽ, âm thầm dâng hiến tâm hồn, trí tuệ, sức lực và sự sống của mình góp cùng mọi người. Đó tuy là khát vọng khiêm nhường qua hình ảnh nho nhỏ, lặng lẽ, nhưng lại thể hiện một tiếng lòng cao cả, nhân sinh quan cao đẹp: phải cống hiến cho đất nước, dù là nhỏ bé và phải không ngừng cống hiến cho cuộc đời. Mỗi người chúng ta hãy là một mùa xuân nho nhỏ để làm nên mùa xuân bất diện của đất nước. Đây cũng chính là tâm niệm và khát vọng của nhà thơ trước khi đi xa vĩnh biệt cuộc đời.

Ở khổ thơ cuối cùng, trong cái ngây ngất trước mùa xuân của đất trời quê hương, dân tộc, nhà thơ đã cất lên tiếng hát:

“Mùa xuân, ta xin hát 

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”.

Đến với làn điệu xứ Huế, với câu hát truyền thống khúc Nam ai, Nam bình, đất nước quê hương sẽ mãi rạng rỡ và ấm áp trong tâm hồn nhà thơ, mãi là tình yêu cuộc sống. Điệp ngữ “Nước non ngàn dặm” được láy lại như lời chân thành ngợi ca đất nước, ngợi ca mùa xuân của dân tộc Việt nam.

Tóm lại, đến với “Mùa xuân nho nhỏ” chúng ta nhận ra được một tâm hồn thơ đầy yêu đời của Thanh Hải. Bài thơ đã khép lại nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không phai về “một mùa xuân nho nhỏ”.

Bài tham khảo 2:

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là một trong những bài thơ hay nhất về mùa xuân. Bài thơ được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt khi vào thời điểm nhà thơ Thanh Hải đang nằm trên giường bệnh. Qua bài thơ, nhà thơ không chỉ mở ra trước mắt người đọc bức tranh sống động về mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, mà còn gửi gắm những suy nghĩ và ước nguyện thật đẹp. Điều đó đã gợi cho em nhiều suy nghĩ và cảm xúc sâu sắc. Trong hai khổ thơ bốn và năm được coi là hay và nổi bật nhất bài thơ, nhà thơ thể hiện ước nguyện hòa nhập, dâng hiến cho cuộc đời, cho mùa xuân chung của đất nước và non sông. Nhà thơ bày tỏ khát vọng được hòa nhập, mong muốn được mang đến niềm vui cho cuộc đời. Điệp từ “ta làm” đã gợi ra sự hối hả cho nhịp thơ, đồng thời, diễn tả sự mãnh liệt trong khát vọng dâng hiến của nhà thơ. Ông muốn được “làm con chim hót”, “làm một cành hoa” để đóng góp cho cuộc đời tiếng hót vui tươi và hương sắc rực rỡ nhất. Đại từ “ta” thể hiện trong câu thơ không chỉ thể hiện tâm nguyện của tác giả, mà mở rộng ra là khát vọng chung của rất nhiều người. Không chỉ dừng lại ở khát khao dâng hiến những gì đẹp nhất cho cuộc đời, trong khổ thơ thứ năm, nhà thơ còn thể hiện ước nguyện cống hiến chân thành, mãnh liệt không kể tuổi tác. Nhà thơ đã “lặng lẽ” dâng hiến cho cuộc đời những gì đẹp đẽ nhất, cho dù là “tuổi hai mươi” hay “khi tóc bạc” thì ước nguyện ấy vẫn không thay đổi. Hình ảnh “mùa xuân nhỏ nhỏ” đó còn mang ý nghĩa ẩn dụ, đó là tuổi xuân của con người, đồng thời đó cũng là phần đẹp nhất mà nhà thơ Thanh Hải muốn “dâng cho đời”. Qua ước nguyện của nhà thơ, chúng ta thấy được một con người tha thiết yêu đời, một tâm hồn và một nhân cách cao đẹp.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Văn mẫu 7, văn hay lớp 7 sách kết nối tri thức, Cảm nhận và suy ngẫm của em về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác