Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 1

Trọn bộ Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 1 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Một vụ bắt cóc

Cúc rớm nước mắt, nói:

- Cháu nó bị bắt cóc đi rồi!

Tôi vội hỏi:

- Chết chửa, bị bắt tự bao giờ?

Nhưng Kỳ Phát đã điềm tĩnh bảo tôi rằng:

- Chúng ta phải để Cúc thong thả kể lại từ đầu câu chuyện thì mới được, chứ nếu cứ hỏi luôn thì rồi không còn hiểu mạch lạc ra sao nữa đâu.

Và quay lại phía Cúc, Kỳ Phát mở đầu:

- Trước hết Cúc hãy cho chúng tôi biết Cúc về ở Hà Đông tự bao giờ? Và Hoàn cũng theo về đây đi học chứ?

Cúc gật đầu:

- Tôi và cháu về đây ở từ tháng sáu, nhà tôi mất đi, ở nhà ngoài Hà Nội thấy lạnh lẽo lắm nên hai mẹ con mới về đây ở. Về được mấy hôm, muốn cho cháu khỏi dở dang sự học, tôi xin cho cháu vào một trường tư ngay gần đây. Hàng ngày cháu vẫn đi học, không hề có xẩy ra một sự gì cả, vì tuy nó còn non tuổi nhưng đã biết nghĩ, ngoan ngoãn, vâng lời…

Ngừng lại một lát, Cúc lại tiếp:

- Nhưng bỗng trưa ngày hôm kia, giờ học đã tan. Tôi hơi ngạc nhiên, chẳng lẽ nào cháu vốn chăm chỉ mà lại vì không thuộc bài bị phạt ở lại. Dẫu vậy, tôi cũng cho người nhà lại hỏi thì ông giáo nói cháu đã về cùng với các bạn khi tan giờ rồi. Trước tôi còn phỏng đoán rằng có lẽ cháu đi lại nhà một người bạn nào để mượn sách vở gì chăng, song như mọi khi, lúc cần phải đi đâu, cháu vẫn thường dặn tôi trước; sau đợi mãi, không thấy cháu về, cả đến lúc vào học chiều, lại trường hỏi cũng không thấy, tôi mới cuống cuồng cho người đi lùng tìm các nơi…

Ngừng lại như muốn gượng cho dòng nước mắt khỏi trào ra, lát sau, Cúc mới lại tiếp:

- Như vậy chắc là có kẻ nào lừa bắt cóc cháu đi đâu rồi, khốn nạn, không biết đến bao giờ mẹ con mới được gặp nhau, hay là người ta đã mang nó đi tận đâu rồi? Tôi chỉ có một mình nó, bây giờ mà nó mệnh hệ nào thì thực tôi không sao sống được!

Kỳ Phát hỏi:

- Nhưng Cúc có biết liệu có một kẻ thù nào xưa nay vẫn rắp tâm hại Cúc không?

Cúc lắc đầu:

- Anh nghĩ xem, hiền lành như tôi thì còn làm gì có kẻ thù nữa.

………………….

Bỗng Kỳ Phát sực nhớ, hỏi Cúc:

- Suýt nữa quên không hỏi Cúc, trước hôm Hoàn mất tích, Cúc có biết có ai là người lạ mặt đến chơi đây, hoặc hỏi han gì Hoàn không?

Cúc vội vàng nói:

- Nếu anh không hỏi đến thì tôi cũng không nhớ nữa… A, bây giờ tôi mới nhận ra có một sự, không chừng mà có liên can tới việc Hoàn bị mất tích thực… Trước hai hôm xẩy ra việc bắt cóc, Hoàn có về kể chuyện với tôi rằng khi vừa tan học ra Hoàn có gặp một ông già đeo kính đen, gọi Hoàn lại hỏi có phải tên là Hoàn không, sau đó lại hỏi bao nhiêu tuổi…

Cúc ngừng lại một lát rồi nói tiếp:

- Mà cái ông già ấy mới thực là quái lạ, hỏi tuổi xong lại hỏi cả ngày sinh tháng đẻ nữa.

Kỳ Phát hai mắt quắc sáng khi nghe lời Cúc nói. Tôi biết ngay rằng tất nhiên việc xẩy ra này phải có liên can mật thiết với vụ Hoàn bị bắt cóc mà không biết chừng nhờ đó Kỳ Phát sẽ tìm ra manh mối.

Ngẫm nghĩ một lúc lâu, Kỳ Phát lẩm bẩm gật gù, rồi bỗng hỏi lại Cúc:

- Thế Hoàn có nói rõ rằng ông già ấy hỏi đi hỏi lại nhiều lần về cái ngày sinh tháng đẻ của Hoàn không?

Cúc gật đầu:

- Hình như Hoàn nói rằng ông cụ ấy có hỏi cẩn thận rằng có chắc ngày sinh kia khai thực đúng không. Lẽ tất nhiên là Hoàn trả lời không biết, lúc ấy ông già kia mới chịu đi.

Kỳ Phát xoa tay mà nói rằng:

- Thế Hoàn không tả hình dạng ông già cho Cúc nghe à?

Cúc lắc đầu:

- Không, cháu nó chỉ nói ông già ấy đi gù gù như còng lưng và đeo kính đen thôi… (Trích chương 3 trong truyện Kỳ Phát giết người nằm trong bộ Thám tử Kỳ Phát– Phạm Cao Củng)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2 (0.5 điểm): Tình huống truyện trong đoạn trích là gì?

Câu 3 (1.0 điểm): Liệt kê và nhận xét về những câu hỏi mà nhân vật Kỳ Phát đã hỏi bà Cúc. 

Câu 4 (1.0 điểm): Chi tiết “ông già đeo kính đen hỏi về ngày sinh tháng đẻ của Hoàn” có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy diễn biến câu chuyện?

Câu 5 (1.0 điểm): Từ đoạn trích trên, hãy nêu suy nghĩ của em về những tính cách cần có của một người thám tử.

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn 200 từ trình bày cảm nhận của em về cách điều tra của nhân vật Kỳ Phát trong đoạn trích trên.

Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về niềm tin, sự hi vọng trong cuộc sống ngày nay.  

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

  •  Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.

Câu 2

- Tình huống truyện trong đoạn trích là: Vụ bắt cóc cháu bé Hoàn – con của bà Cúc, với những chi tiết bất thường và bí ẩn liên quan đến một ông già đeo kính đen.

Câu 3

- Các câu hỏi của Kỳ Phát: 

  • “Trước hết Cúc hãy cho chúng tôi biết Cúc về ở Hà Đông tự bao giờ? Và Hoàn cũng theo về đây đi học chứ?”

  • “Nhưng Cúc có biết liệu có một kẻ thù nào xưa nay vẫn rắp tâm hại Cúc không?”

  • “Trước hôm Hoàn mất tích, Cúc có biết có ai là người lạ mặt đến chơi đây, hoặc hỏi han gì Hoàn không?”

  • “Thế Hoàn có nói rõ rằng ông già ấy hỏi đi hỏi lại nhiều lần về cái ngày sinh tháng đẻ của Hoàn không?”

  • “Thế Hoàn không tả hình dạng ông già cho Cúc nghe à?”

- Nhận xét: Các câu hỏi của Kỳ Phát được đặt ra một cách có trình tự và logic, nhằm thu thập thông tin chi tiết và xác định các manh mối. Ông luôn lắng nghe kỹ và khơi gợi ký ức của bà Cúc, giúp câu chuyện trở nên mạch lạc và đầy đủ hơn. Điều này cho thấy sự tỉnh táo, nhạy bén và khả năng tư duy logic của một thám tử chuyên nghiệp.

Câu 4

Chi tiết “ông già đeo kính đen hỏi về ngày sinh tháng đẻ của Hoàn” có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy diễn biến câu chuyện:

  • Đây là một manh mối quan trọng, giúp nhân vật Kỳ Phát nhận định rằng vụ bắt cóc không phải ngẫu nhiên mà có thể liên quan đến mục đích cụ thể (như tìm kiếm hoặc lợi dụng Hoàn vì lý do nào đó).

  • Chi tiết này làm rõ sự bất thường trong hành động của ông già, từ đó tạo cơ sở để thám tử Kỳ Phát phân tích và tiếp tục điều tra.

  • Việc một người lạ mặt đeo kính đen, dáng vẻ bí ẩn, xuất hiện và hỏi về thông tin riêng tư của Hoàn làm tăng sự tò mò và hồi hộp cho người đọc.

  • Chi tiết này đặt ra nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, khiến người đọc tiếp tục theo dõi để tìm hiểu động cơ và danh tính của ông già.

=> Chi tiết “ông già đeo kính đen hỏi về ngày sinh tháng đẻ của Hoàn” là một mắt xích quan trọng, thúc đẩy câu chuyện phát triển, đồng thời khơi gợi sự hồi hộp và định hình hướng điều tra của Kỳ Phát. Nó không chỉ làm tăng tính logic trong mạch truyện mà còn góp phần xây dựng sự hấp dẫn của tác phẩm.

Câu 5

Từ đoạn trích trên, em rút ra rằng một người thám tử cần có những tính cách sau:

  • Bình tĩnh và kiên nhẫn: Thám tử không nóng vội mà lắng nghe câu chuyện một cách cẩn thận, từng bước sắp xếp các sự kiện.

  • Quan sát và suy luận nhạy bén: Kỳ Phát đặt ra những câu hỏi trọng tâm, khơi gợi thông tin quan trọng từ nhân chứng.

  • Khả năng phân tích logic: Từ chi tiết nhỏ như việc hỏi ngày sinh tháng đẻ, thám tử có thể suy ra mối liên hệ và manh mối tiềm năng.

  • Nhạy cảm và đồng cảm: Kỳ Phát vừa điều tra vừa giữ sự tôn trọng và chia sẻ với cảm xúc của bà Cúc, giúp bà an tâm kể lại câu chuyện.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

  • Nội dung: 

+ Là người có khả năng phán đoán tài tình, nhạy bén trong phân tích manh mối: 

  • Qua những chi tiết nhỏ, ông mở ra những hướng đi quan trọng trong việc điều tra.

  • Chi tiết “ông già đeo kính đen hỏi ngày sinh tháng đẻ” được Kỳ Phát nhanh chóng nhận ra là một manh mối quan trọng.

  • Ông lập tức đặt câu hỏi liên quan và suy luận khả năng có sự tính toán kỹ lưỡng của kẻ bắt cóc.

+ Là người thông minh và tinh tế: Ông không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào, luôn lắng nghe cẩn thận và có hướng phân tích rõ ràng.

+ Luôn bình tĩnh và có kỹ năng đặt câu hỏi logic: 

  • Dù sự việc nghiêm trọng, Kỳ Phát không hốt hoảng mà yêu cầu bà Cúc kể lại từ đầu một cách mạch lạc.

  • Điều này cho thấy sự bình tĩnh và khả năng tổ chức suy nghĩ theo trình tự logic.

  • Các câu hỏi của Kỳ Phát đi từ khái quát (thời gian, sự kiện) đến cụ thể (người lạ mặt, các chi tiết nhỏ).

  • Ví dụ: Hỏi về người lạ mặt, ngày sinh tháng đẻ của bé Hoàn, hình dáng ông già.

  • Các câu hỏi có mục đích rõ ràng, gợi mở thông tin mà nhân chứng có thể không tự nhận ra.

  • Mở rộng liên hệ: 

+ Liên hệ với hình ảnh Kỳ Phát với các nhân vật thám tử nổi tiếng khác trong văn học, như Sherlock Holmes, Hercule Poirot, hay những thám tử trong các truyện trinh thám khác. Từ đó, bạn có thể phân tích sự tương đồng và khác biệt giữa các nhân vật, đồng thời nêu bật những điểm đặc trưng làm nên hình ảnh Kỳ Phát trong tác phẩm của Phạm Cao Củng.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về niềm tin và sự hi vọng trong cuộc sống. 

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  Dưới đây là một số gợi ý cần hướng tới:

  1. Mở bài

– Đặt vấn đề.

2. Thân bài

- Giải thích:

+ Niềm tin là gì? là sự tin tưởng vào bản thân, người khác, hoặc tương lai tốt đẹp, giúp con người duy trì sự kiên định trong hành động và suy nghĩ. 

+ Sự hy vọng là gì? là niềm mong mỏi, kỳ vọng về một điều tốt đẹp sẽ xảy đến, tiếp thêm năng lượng tích cực cho con người.

- Bàn luận:

+ Niềm tin và sự hi vọng giúp con người vượt qua khó khăn: niềm tin vào bản thân giúp con người không chùn bước trước thất bại, còn hy vọng là ánh sáng dẫn lối trong những lúc đen tối nhất. 

+ Niềm tin và sự hi vọng tạo động lực để con người phấn đấu không ngừng tiến lên để đạt được mục tiêu, còn niềm tin tạo nền tảng vững chắc cho những nỗ lực ấy.  

+ Niềm tin và sự hi vọng giúp gắn kết cộng đồng, lan tỏa giá trị tích cực.  

- Bài học nhận thức, hành động:

+ Là một học sinh trước hết chúng ta cần xây dựng niềm tin vào bản thân, tự nhận thức về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để đặt niềm tin đúng chỗ, không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng để củng cố sự tự tin. 

  1. + Có nhận thức đúng đắn về niềm tin và sự hi vọng: niềm tin cần phải dựa trên cơ sở thực tế, không phải là sự cả tin hay mù quáng. Sự hi vọng cần đi đôi với kế hoạch và hành động cụ thể, tránh chỉ là những mơ mộng viển vông. Cần phải hiểu được vai trò của niềm tin và sự hi vọng bởi chúng chính là sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua khó khăn, tạo động lực để vươn lên trong cuộc sống; giúp con người giữ thái độ lạc quan và không chùn bước trước những thất bại. 

  2. 3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, Đề thi giữa kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác