Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 1

Trọn bộ Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 1 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1

NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

(Tóm tắt phần đầu: Nguyễn sinh người Thanh Trì, diện mạo đẹp đẽ, tư chất thông minh, giọng hát ngọt ngào. Chàng sớm mồ cô cha, nhà nghèo nên học hành dang dở, chàng làm nghề chèo đò. Vì say đắm giọng hát và vẻ ưa nhìn của chàng nên cô con gái một nhà giàu họ Trần đã đem lòng yêu mến, sai người hầu đem khăn tay đến tặng, dặn chàng nhờ người mối manh đến hỏi. Nguyễn sinh nhờ mẹ bảo người mối manh đến nhà nàng nhưng bố nàng chê chàng nghèo nên không nhận lời, còn dùng lời lẽ không hay để mắng bà mối. Chàng phẫn chí bỏ đi xa để lập nghiệp; cô gái biết chuyện âm thầm đau khổ chẳng thể giãi bày cùng ai, dần sinh bệnh, hơn một năm sau thì nàng qua đời.) 

Trước khi nhắm mắt, nàng dặn cha: 

- Trong ngực con chắc có một vật lạ. Sau khi con nhắm mắt, xin cha cho hỏa táng để xem vật đó là vật gì? 

 Ông làm theo lời con. Khi lửa thiêu đã lụi, ông thấy trong nắm xương tàn, sót lại một vật, to bằng cái đấu, sắc đỏ như son, không phải ngọc cũng chẳng phải đá, nó trong như gương, búa đập không vỡ. Nhìn kĩ thì thấy trong khối ấy có hình một con đò, trên đò một chàng trai trẻ tuổi đang ngả đầu tựa mái chèo nằm hát. Nhớ lại việc nhân duyên trước kia của con, ông chợt hiểu ra vì chàng lái đò mà con gái ông chết, hối thì không kịp nữa. Ông bèn đóng một chiếc hộp con, cất khối đỏ ấy vào trong, đặt lên giường của con gái. 

 Nguyễn sinh bỏ nhà lên Cao Bằng làm khách của trấn tướng. Chàng vì hát hay nên được trấn tướng yêu quý. Hơn một năm sau, chàng dần dần có của nả, rồi lại mấy năm nữa tích cóp lại được hơn hai trăm lạng vàng. Chàng nghĩ: “Số vàng này đủ để chi dùng cho việc cưới xin”. Xong, chàng sửa soạn hành trang trở về. Đến nhà, chàng hỏi thăm ngay cô gái nọ. Được nghe tất cả đầu đuôi về nàng, chàng vô cùng đau đớn, vội sắm sửa lễ vật đến điếu nàng. Khi chàng làm lễ xong, bố cô có mời chàng ở lại dùng cơm. Chàng xin ông cho xem vật đã được cất giấu trong hộp con. Ông mở hộp lấy ra đưa chàng. Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng. Chàng cảm kích mối tình của nàng, thề không lấy ai nữa. 

 (Trích Chuyện tình ở Thanh Trì, Lan Trì kiến văn lục, Vũ Trinh, in trong cuốn Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 1, Nguyễn Đăng Na giới thiệu và tuyển soạn, NXB Giáo dục, 1997,  tr 424-426) 

Câu 1 (0.5 điểm): Đoạn trích trên thuộc thể loại văn học nào?

Câu 2 (0.5 điểm): Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 3 (1.0 điểm): Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh nào?

Câu 4 (1.0 điểm): Nêu cảm nhận của em về chi tiết “Chàng nâng niu cầm lấy, lòng vô cùng xúc động, hai dòng lệ trào ra nhỏ xuống khối đá đỏ. Bỗng khối đá tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng.” 

Câu 5 (1.0 điểm): Từ câu chuyện tình ở Thanh Trì, em có suy nghĩ gì về khát vọng tình yêu thời phong kiến?  

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn 200 chữ trình bày cảm nhận của em về nhân vật Nguyễn Sinh trong đoạn trích trên.

Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vai trò của tình yêu thương trong cuộc sống.

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 1 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

       A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

  •  Thể loại: truyện truyền kỳ

Câu 2

- Chủ đề của truyện: Qua câu chuyện tình yêu bi kịch của chàng trai và cô gái ở Thanh Trì, tác giả Vũ Trinh muốn thể hiện khát vọng tình yêu tự do của lứa đôi thời phong kiến và phê phán sự ngăn cản của gia đình đại diện cho sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội xưa.   

Câu 3

Chàng trai xem chiếc hộp con chứa khối đỏ trong hoàn cảnh: Sau vài năm chàng trai đi xa, nay có đủ vàng về lo chuyện cưới xin, đến nhà cô gái mới hay cô đã chết vì nỗi oan tình. Chàng đến viếng nàng và được bố cô đem cho xem chiếc hộp con chứa khối đỏ mà thể xác con gái sau khi chết đã để lại.  

Câu 4

- Chi tiết kì ảo, gây ấn tượng sâu sắc cho người đọc. 

- Chi tiết cho thấy nỗi đau đớn của chàng trai trước sự ra đi của cô gái. Giọt nước mắt của chàng trai là giọt nước mắt của sự thấu hiểu, của yêu thương và đau xót vô hạn khi người mình yêu vĩnh viễn ra đi. 

- Khối đỏ kia tan ra thành nước, giọt giọt đều biến thành máu tươi, chảy đầm đìa vào tay áo chàng đem đến liên tưởng cho người đọc về sự hóa giải oan tình, để người ra đi được thanh thản.   

Câu 5

- Câu chuyện tình ở Thành Trì là mối tình giữa chàng trai nghèo làm nghề chèo đò với cô gái con nhà giàu. Cô gái chủ động mong muốn kết duyên với chàng trai, chàng trai cũng mong kết duyên cùng nàng, điều đó thể hiện khát vọng tình yêu tự do vượt lên trên những hà khắc của lễ giáo phong kiến, định kiến phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Kết thúc của mối tình là kết thúc bi kịch. 

- Suy nghĩ về khát vọng tình yêu trong xã hội phong kiến: 

+ Khát vọng tình yêu là khát vọng chính đáng của con người ở mọi thời. Những đôi lứa sống trong xã hội phong kiến mong muốn tình yêu tự do, muốn vượt lên khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “môn đăng hộ đối”,... 

+ Tình yêu của nhiều cặp đôi vấp phải những sự ngăn cản, cấm đoán đến từ gia đình, xã hội.   

+ Dù cho bị ngăn cản, nhưng những đôi lứa vẫn dành tình yêu trọn vẹn cho nhau, cái chết cũng không thể chia lìa tình yêu của họ... 

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình. Sau đây là đáp án gợi mở:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

  • Nội dung

+ Nhân vật Nguyễn Sinh trong truyện Chuyện tình ở Thanh Trì trích Lan trì kiến văn Lục là một nhân vật được xây dựng theo hình tượng điển hình, đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng đọc giả. 

+ Là một chàng trai tuy gia cảnh nghèo khó, học hành dở dang nhưng chàng trai ấy luôn mang trong mình một ý chí, không ngại khó ngại khổ vượt qua khó khăn, luôn có mục tiêu và hết mình vì mục tiêu ấy. 

+ Đó là một tấm gương sáng, một bài học về tinh thần bền bì, dũng cảm và không chịu khuất phục trước nghịch cảnh. Không những vậy, chàng Nguyễn Sinh còn mang một trái tim chung thủy và một tình yêu cháy bỏng với người thương.

+ Đó cũng là nguồn động lực giúp chàng trai có một sức mạnh vượt trội và kiên định để vượt qua nhiều thử thách và dành được niềm hạnh phúc của chính mình. 

+ Bên cạnh đó, Nguyễn Sinh còn truyền niềm tin về tình yêu, về cuộc sống cho biết bao những con người khác.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vai trò của tình yêu thương trong cuộc sống.

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  Dưới đây là một số gợi ý cần hướng tới:

  1. Mở bài

– Đặt vấn đề.

2. Thân bài

- Giải thích: Tình yêu thương là gì?  

Tình yêu thương là một giá trị tinh thần cao quý, gắn bó mật thiết với đời sống con người. Đó không chỉ là tình cảm giữa người thân, bạn bè mà còn là sự đồng cảm, sẻ chia với mọi người xung quanh. Trong xã hội hiện đại, khi con người dễ bị cuốn vào vòng xoáy của danh lợi và vật chất, tình yêu thương lại càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. 

=> Nó chính là sợi dây kết nối trái tim với trái tim, là nguồn động lực to lớn giúp mỗi cá nhân và cộng đồng vượt qua khó khăn, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

- Bàn luận:

+ Tình yêu thương mang lại sự an ủi và nâng đỡ cho con người. Trong những thời điểm khó khăn hay đau khổ, một lời động viên, một cái ôm hay một cử chỉ quan tâm nhỏ bé cũng có thể làm dịu đi nỗi đau và mang lại niềm hy vọng. Tình yêu thương giúp chúng ta cảm nhận được rằng mình không cô đơn, rằng vẫn còn những người sẵn lòng đồng hành và sẻ chia.

+ Tình yêu thương giúp tạo nên một xã hội đoàn kết, phát triển và bền vững. Khi con người biết yêu thương và quan tâm đến nhau, những giá trị như lòng nhân ái, sự tha thứ, và lòng trắc ẩn sẽ lan tỏa, giúp giảm thiểu các mâu thuẫn, xung đột. Một xã hội được xây dựng trên nền tảng yêu thương sẽ không còn chỗ cho sự thờ ơ, ích kỷ hay bạo lực.

+ Chúng ta đã từng chứng kiến những hình ảnh cảm động về tình đoàn kết trong thiên tai, khi người dân cả nước cùng chung tay quyên góp giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt. Những hành động ấy chứng minh rằng yêu thương không chỉ là cảm xúc, mà còn là trách nhiệm xã hội và sức mạnh tạo nên những thay đổi tích cực.

+ Tình yêu thương không phải lúc nào cũng dễ dàng có được. Đôi khi, nó đòi hỏi sự hy sinh, lòng kiên nhẫn và khả năng thấu hiểu người khác. Trong một xã hội hiện đại, nơi áp lực cuộc sống dễ khiến con người trở nên ích kỷ và vô cảm, việc duy trì và lan tỏa tình yêu thương càng trở nên thách thức.

- Bài học nhận thức, hành động:

+ Mỗi người cần ý thức nuôi dưỡng tình yêu thương từ những điều nhỏ bé, như biết lắng nghe, chia sẻ với người thân, hay giúp đỡ những người gặp khó khăn.

  1. 3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác