Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

SÔNG BẠCH ĐẰNG LỊCH SỬ

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

(Bạch Đằng thuở trước máu còn loang)

Giang Văn Minh (1573 - 1638)

Sông Bạch Đằng là con sông nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Sông có “tên hiệu” là sông Vân Cừ và tên “dân dã” là sông Rừng. Người Quảng Yên trước đây từng lưu truyền câu “Con ơi, nhớ lấy lời cha / Gió nồm, nước rặc chớ qua sông Rừng” để nói lên sự hiểm yếu của con sông này.

Cha ông ta xưa kia hiểu rất rõ “thủy chế” của sông Bạch Đằng dưới tác động của thủy triều, nên đã vận dụng vào những trận chiến bảo vệ Tổ quốc, đánh đuổi kẻ thù ở nơi cửa ngõ này. Sông đã ba lần lập chiến công, là mồ chôn quân giặc từ phương Bắc tới.

1. Trận Bạch Đằng năm 938

Năm 938, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm phong cho con là Lưu Hoằng Tháo thống lĩnh hai vạn quân, tiến vào cửa sông Bạch Đằng, đánh chiếm nước ta.

Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thủy triều lên, bãi cọc không bị lộ.

Quân Nam Hán tiến vào. Ngô Quyền ra lệnh cho quân rút lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, quân ta đổ ra đánh. Nhiều thuyền chiến lớn của quân Nam Hán bị mắc cạn và bị cọc đâm thủng. Lúc ấy Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.

2. Trận Bạch Đằng năm 981

Cuối năm 979, Đinh Tiên Hoàng và con là Đinh Liễn bị ám hại. Nhân khi Đại Cồ Việt có nội loạn, mùa thu năm 980, nhà Tống đem quân chia làm hai đạo tiến vào theo đường bộ và đường thủy. Cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy tiến vào cửa sông Bạch Đằng.

Ngày 28-4-981, trận quyết chiến diễn ra trên sông. Lê Hoàn cho một cánh quân ra khiêu chiến với Hầu Nhân Bảo, giả thua nhử quân địch đuổi theo. Khi đoàn chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn tung quân từ khắp các ngả tấn công quân Tống. Hầu Nhân Bảo bị giết chết trong cuộc hỗn chiến. Đám tàn quân hoảng sợ vội tháo lui ra biển. Nghe tin thất trận, các đạo quân Tống hoảng sợ rút lui, bị quân Đại Cồ Việt truy kích tiêu diệt quá nửa.

3. Trận Bạch Đằng năm 1288

Năm 1287, nhà Nguyên mở cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ ba, nhưng chỉ chiếm được kinh thành Thăng Long không một bóng người. Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ bị thủy quân Trần do Trần Khánh Dư chỉ huy đánh tan trong trận Vân Đồn. Trước tình thế bất lợi, quân Nguyên định tổ chức rút về Trung Quốc theo các hướng khác nhau.

Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt chuẩn bị trận địa mai phục trên sông Bạch Đằng. Các cây gỗ lim, gỗ táu đốn từ trên rừng được kéo về bến sông, tại đây cây được đẽo nhọn và cắm xuống lòng sông ở các cửa dẫn ra biển, chỉ để trống sông Đá Bạc cho quân Nguyên kéo vào.

Nhân lúc nước lớn, Ô Mã Nhi dẫn đoàn thuyền tiến vào sông Bạch Đằng. Thủy quân Trần tràn ra giao chiến, rồi giả thua chạy vào sâu bên trong. Ô Mã Nhi trúng kế thúc quân đuổi theo, tiến sâu vào khúc sông đã đóng cọc. Quân Trần đợi cho thủy triều xuống, nhất loạt quay thuyền lại đánh thẳng vào đội hình địch. Quân Nguyên hoảng loạn, bỏ thuyền lên bờ tìm đường chạy trốn, nhưng lại rơi vào ổ phục kích của quân Trần.

Hơn 4 vạn quân Nguyên bị loại khỏi vòng chiến, nhiều tướng Nguyên trong đó có Ô Mã Nhi bị bắt sống. Trận đại thắng trên sông Bạch Đằng của Trần Hưng Đạo được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông.

Gắn liền với những chiến thắng oanh liệt của dân tộc, sông Bạch Đằng xứng đáng được vinh danh trong bảng vàng lịch sử. Năm 1835, vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh đặt ở Thái Miếu trong kinh thành Huế. Nhà vua đã - cho chạm chín dòng sông tiêu biểu của Việt Nam lên Cửu đỉnh, gồm các sông Bến Nghé, sông Hương, sông Gianh, sông Mã, sông Lô, Bạch Đằng, Thạch Hãn, sông Lam, sông Hồng. Trong đó sông Bạch Đằng được khắc lên Nghị đỉnh.

(Nguyễn Như Mai, Nguyễn Huy Thắng, Nguyễn Quốc Tín, Dạt dào sông nước, NXB Kim Đồng, 2015)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong thơ.

Câu 2 (0.5 điểm): Nội dung chính của văn bản trên là?  

Câu 3 (1.0 điểm): Vì sao sông Bạch Đằng được coi là một vị trí quan trọng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc?

Câu 4 (1.0 điểm): Hình ảnh “cọc gỗ nhọn bịt sắt” trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng có ý nghĩa gì?

Câu 5 (1.0 điểm): Dựa vào ba trận chiến trên sông Bạch Đằng, bài đọc có muốn nhắc nhở chúng ta về điều gì trong việc bảo vệ độc lập dân tộc hiện nay?

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn 200 từ trình bày cảm nhận của anh/ chị về tinh thần và chiến thắng của dân tộc qua ba trận Bạch Đằng. 

Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về lối sống vô trách nhiệm của giới trẻ. 

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

  •  Phương thức biểu đạt chính: Thuyết minh. 

Câu 2

- Nội dung chính: Giới thiệu về các chiến thắng trên sông Bạch Đằng. 

Câu 3

- Đây là nơi diễn ra ba trận chiến oanh liệt giúp bảo vệ độc lập dân tộc:

+ Trận Bạch Đằng năm 938 dưới sự chỉ huy của Ngô Quyền. 

+ Trận Bạch Đằng năm 981 dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn.

+ Trận Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo.

- Đây là nơi có địa thế hiểm trở, thủy triều thay đổi mạnh mẽ đã giúp quân dân ta lợi dụng yếu tố tự nhiên để tiêu diệt kẻ thù, giành lại độc lập. 

Câu 4

- Hình ảnh “cọc gỗ nhọn bịt sắt” trong các trận chiến trên sông Bạch Đằng có ý nghĩa tượng trưng cho chiến thuật thông minh, sáng tạo của quân dân ta trong việc sử dụng thiên nhiên làm lợi thế.

- Cọc gỗ nhọn bịt sắt được đóng xuống lòng sông khi thủy triều lên, khiến chúng không lộ ra ngoài, và chỉ khi thủy triều xuống, quân địch mới rơi vào cái bẫy mà quân ta đã chuẩn bị từ trước. Đây là biểu tượng của sự kiên trì, mưu lược trong chiến đấu, nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến thuật trong các cuộc kháng chiến.

Câu 5

- Bài đọc nhắc nhở chúng ta về tinh thần đoàn kết, sự sáng tạo trong chiến đấu và quan trọng hơn là việc tận dụng các điều kiện tự nhiên, chiến lược thông minh trong bảo vệ độc lập dân tộc. 

- Ba trận chiến trên sông Bạch Đằng là minh chứng cho ý chí kiên cường, khéo léo và lòng yêu nước của nhân dân ta. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần duy trì tinh thần đó, kết hợp với khoa học, công nghệ và sự đoàn kết dân tộc để bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trước những thách thức và nguy cơ từ bên ngoài.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

  • Nội dung: 

+ Tinh thần yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước: tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân dân ta và luôn sẵn sàng đối mặt với kẻ thù mạnh mẽ (như quân Nam Hán, quân Tống, quân Nguyên). 

+ Sự sáng tạo và mưu trí trong chiến thuật: các chiến lược như dùng "cọc gỗ nhọn bịt sắt" để tiêu diệt thuyền giặc, hay kế mai phục đánh bất ngờ dưới sự tác động của thủy triều đều là những minh chứng cho trí tuệ và khả năng chỉ huy tài ba của các tướng lĩnh Việt Nam.

+ Đoàn kết và lòng tin vào chiến thắng. 

  • Mở rộng liên hệ: 

+ Liên hệ với bài học về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và việc bảo vệ chủ quyền đất nước trong thời đại hiện nay. 

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về lối sống vô trách nhiệm của giới trẻ. 

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  Dưới đây là một số gợi ý cần hướng tới:

  1. Mở bài

– Đặt vấn đề.

2. Thân bài

- Giải thích:

+ Lối sống vô trách nhiệm là gì? là không có trách nhiệm đối với hành động, công việc, hay hành vi của mình trong cuộc sống, gia đình và xã hội.

- Bàn luận:

+ Với bản thân: lười học, không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai, không cố gắng phấn đấu trong công việc, sống thiếu kỷ luật, ăn chơi, nghiện game, sa đà vào các thú vui tiêu cực, không chăm sóc sức khỏe bản thân. 

+ Với gia đình: ít quan tâm, chăm sóc cha mẹ, sống thiếu tôn trọng, không có trách nhiệm với các công việc trong gia đình.

+ Với xã hội: không tham gia các hoạt động cộng đồng, ích kỷ và thờ ơ với những vấn đề xã hội, không có ý thức công dân.

+ Lối sống vô trách nhiệm sẽ khiến ta mất đi  cơ hội phát triển bản thân, không xây dựng được sự nghiệp, đời sống không có mục tiêu rõ ràng; tạo ra gánh nặng cho cha mẹ, khi họ phải lo lắng, chăm sóc mà không nhận được sự quan tâm, chăm sóc từ con cái. 

- Bài học nhận thức, hành động:

+ Là một học sinh trước hết chúng ta cần phải xây dựng kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, tập trung vào việc phát triển bản thân, chịu trách nhiệm với hành động của mình, tham gia vào các hoạt động cộng đồng, xã hội.

  1. + Cần hiểu rõ trách nhiệm của bản thân, lối sống đó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mà còn có tác động lớn đến gia đình và xã hội. Lối sống vô trách nhiệm có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như đánh mất cơ hội, phá vỡ các mối quan hệ và tạo gánh nặng cho người khác.

  2. 3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác