Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 3

Trọn bộ Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 3 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 1

NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

“Chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt 

chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan 

bằng chén cơm ăn mắm ruốc

bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc 

bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân 

có những thằng con trai mười tám tuổi 

chưa từng biết nụ hôn người con gái 

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời 

câu nói đượm nhiều hơi sách vở 

khi nằm xuống 

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời 

hạnh phúc nào cho tôi 

hạnh phúc nào cho anh 

hạnh phúc nào cho chúng ta 

hạnh phúc nào cho đất nước 

có những thằng con trai mười tám tuổi 

nhiều khi cực quá, khóc ào 

nhiều lúc tức mình chửi bâng quơ 

phanh ngực áo và mở trần bản chất 

mỉm cười trước những lời lẽ quá to 

nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc.”

(Thanh Thảo, Trích Thử nói về hạnh phúc, Thơ hay Việt Nam thế kỷ XX, 

NXB Văn hóa Thông tin, 2006)

Câu 1 (0.5 điểm): Văn bản trên được viết theo thể thơ nào?

Câu 2 (0.5 điểm): Tìm những hình ảnh diễn tả hiện thực gian khổ của người lính trong chiến tranh ở văn bản trên?

Câu 3 (1.0 điểm): Đoạn thơ sau sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ đó.

“hạnh phúc nào cho tôi 

hạnh phúc nào cho anh 

hạnh phúc nào cho chúng ta 

hạnh phúc nào cho đất nước”. 

Câu 4 (1.0 điểm): Anh/chị hiểu gì về tâm hồn “những thằng con trai mười tám tuổi” trong những dòng thơ sau?

“có những thằng con trai mười tám tuổi 

chưa từng biết nụ hôn người con gái 

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời 

câu nói đượm nhiều hơi sách vở 

khi nằm xuống 

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời”

Câu 5 (1.0 điểm): Qua văn bản, theo anh/chị giữa “hạnh phúc… cho tôi” và “hạnh phúc… cho đất nước” điều nào quan trọng hơn? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích nghệ thuật sử dụng hình ảnh trong bài thơ sau:

Nõn  sương ngọc quanh thềm đậu;

Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì. 

Hư vô bóng khói trên đầu hạnh; 

Cành biếc run run chân ý nhi.

Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa, 

Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà. 

Buồn ở sông xanh nghe đã lại, 

Mơ hồ trong một tiếng chim qua.

Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm, 

Hây hây thục nữ mắt như thuyền. 

Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,

Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên.

(Trích: Thu, Xuân Diệu, in trong tập Gửi hương cho gió, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 1992) 

Câu 2 (4.0 điểm): 

Tuổi trẻ không là khái niệm chỉ một giai đoạn trong đời người, mà chỉ một trạng thái tâm hồn. Tuổi trẻ không nhất thiết phải gắn liền với sức khỏe và vẻ tráng kiện bên ngoài, mà lại gắn với ý chí mạnh mẽ, trí tưởng tượng phong phú, sự mãnh liệt của tình cảm và cảm nhận phấn khởi với suối nguồn cuộc sống.

Tuổi trẻ thể hiện ở lòng can đảm chứ không phải tính nhút nhát, sở thích phiêu lưu trải nghiệm hơn là ở sự tìm kiếm an nhàn. Những đức tính đó thường dễ thấy ở những người năm sáu mươi hơn là ở đa số thanh niên tuổi đôi mươi. Không ai già đi vì tuổi tác, chúng ta chỉ già đi khi để tâm hồn mình héo hon. [...]

(Trích Điều kỳ diệu của thái độ sống – Mac Anderson, tr.68, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017)

Anh/Chị có đồng tình với quan điểm trên không? Hãy trình bày suy nghĩ của bản thân qua một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ).

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 1 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

       A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

Văn bản trên được viết theo thể thơ: Tự do.

Câu 2

Những hình ảnh diễn tả hiện thực gian khổ của người lính trong chiến tranh: chén cơm ăn mắm ruốc, giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc, những nắm đất mọc theo đường hành quân.

Câu 3

Tâm hồn “những thằng con trai mười tám tuổi”: Tâm hồn trong sáng và lãng mạn.

Câu 4

- Biện pháp tu từ: Phép điệp

- Hiệu quả của phép điệp:

+ Nhấn mạnh những trăn trở của con người về sự lựa chọn hạnh phúc.

+ Tạo nhịp điệu, âm hưởng cho lời thơ.  

Câu 5

HS có thể trả lời theo cách hiểu và lựa chọn của bản thân, nhưng cần đảm bảo sự lí giải hợp lí và thuyết phục:

- Chọn “hạnh phúc cho tôi” vì cá nhân hạnh phúc sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng, đất nước.

- Chọn “hạnh phúc cho đất nước” vì chỉ khi đất nước “hạnh phúc” thì mỗi cá nhân mới có được hạnh phúc trọn vẹn.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình. Sau đây là đáp án gợi mở:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

Nội dung:  

+ Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, sau đây là một số gợi ý: 

* Hình ảnh thiên nhiên mùa thu:

+ Sử dụng những hình ảnh thiên nhiên như: sương, nắng, khói, cành biếc, gió, mây, mưa, tiếng chim, hoa cúc vàng.

+ Những hình ảnh đó được miêu tả một cách đặc sắc, gợi lên không khí đặc trưng của mùa thu: đó là một mùa thu thơ mộng, yên tĩnh và buồn man mác: sương thì trong vắt (nõn nà sương ngọc), nắng thì dịu nhẹ (nắng nhỏ bâng khuâng), không gian mờ ảo huyền hoặc (hư vô bóng khói), cành cây lay động nhẹ nhàng (cành biếc run run), gió nhẹ (gió thầm), mây tựa hồ đứng yên (mây lặng), tiếng chim cũng xa xăm vô định (mơ hồ trong một tiếng chim qua), ngày trở nên ngắn ngủi hơn (mới tạnh mưa trưa đã chiều tà), hoa cúc thì nở rộ (sắc mạnh huy hoàng).

* Hình ảnh con người mùa thu:

+ Mùa thu được miêu tả gắn với hình ảnh người thục nữ. Hòa mình vào thiên nhiên mùa thu, người con gái ấy cũng toát lên vẻ trầm lặng (ngừng thêu bức gấm), mơ mộng xa xăm (mắt như thuyền). Có lẽ cái lạnh của mùa thu khiến nàng đang mơ tưởng về hạnh phúc lứa đôi, về chàng trạng nguyên trong tưởng tượng của mình.

+ Hình ảnh thiên nhiên và con người đã làm cho bức tranh thu vừa mang phong vị cổ điển, vừa có vẻ đẹp lãng mạn hiện đại.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về vấn đề sức sống của tâm hồn được đặt ra trong ngữ liệu.

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng. 

- Xác định được các ý chính của bài viết

- Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận theo các ý chính: Tuổi trẻ là khái niệm rộng, miêu tả trạng thái của cn người, biết nuôi dưỡng tâm hồn để cuộc sống tươi trẻ, sức sống mạnh mẽ, v.v...

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

- Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

- Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, Đề thi cuối kì 1 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác