Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 5

Trọn bộ Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9 KNTT: Đề tham khảo số 5 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ 2

NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

  1. PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Cho ngữ liệu sau đọc và trả lời câu hỏi:

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tôi viết sách để kéo tuổi thơ về với mình

Đọc tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, chúng ta sẽ chiêm nghiệm thế giới câu chuyện và có thể nhìn thấy hình ảnh của chính mình - đó là điều đặc biệt khi đến với “câu chuyện nhiều tập” của ông. Có lẽ chính sự chân thật, nồng nhiệt, sâu lắng, an yên và gần gũi toát lên từ nhịp thở câu văn đã làm nên cái tên Nguyễn Nhật Anh hôm nay. Nhân dịp lễ hội sách Đà Nẵng 2019, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có buổi giao lưu, ký tặng sách cho bạn đọc và dành cho Báo Công an TP Đà Nẵng cuộc phỏng vấn ngắn.

Phóng viên: Được biết đây là lần thứ 4 ông trở lại Đà Nẵng giao lưu và ký tặng sách cho bạn dọc. Vậy lần này cảm xúc của ông thế nào? 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Đây là lần thứ 4 tôi về Đà Nẵng giao lưu và ký tặng sách cho độc giả. Lần đầu do Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng tổ chức, ba lần gần nhất là tại Hội sách Hải Châu. Tôi từng nhiều lần gặp gỡ bạn đọc Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Vũng Tàu, Biên Hòa, ... nhưng có lẽ bạn đọc Đà Nẵng đem lại cho tôi cảm xúc đặc biệt nhất. Đó là vì tôi là người con xứ Quảng và rất nhiều tác phẩm của tôi lấy bối cảnh Thăng Bình, Tam Kỳ, Đà Nẵng - những nơi tôi từng sống. Lần nào cũng vậy, đang cắm cúi ký tặng, thỉnh thoảng tôi lại nghe vang lên bên tai những tiếng reo vui của các bạn trẻ: “Con người Tam Kỳ nè bác”, “Hồi trước con học trường Tiểu La đó bác”, “Bác ơi, con là người làng Đo Đo nè”, “Nhà con ở đường Bạch Đằng nè bác".... Những tiếng reo hớn hở đó tôi chỉ có thể bắt gặp khi gặp gỡ bạn đọc Đà Nẵng. Điều đó luôn khiến tôi cảm động, có cảm giác mình đang trở về nhà.

Phóng viên: Hầu hết các tác phẩm của ông sáng tác là dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên, vậy ông có nghĩ là mình sẽ thay đổi cách viết để đáp ứng nhu cầu của nhiều bạn đọc?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Từ năm 14 tuổi, tôi đã xa quê hương nên lúc nào cũng nhớ tiếc những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà. Tôi viết sách để kéo tuổi thơ trở về gần với mình. Nói cách khác, tôi sáng tác về đề tài này là để thỏa nỗi niềm trong lòng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình viết sách là để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Có điều, những gì tôi thích, có lẽ bạn đọc cũng thích. Hầu hết tác phẩm của tôi có sự đồng cảm tự nhiên giữa tâm hồn người viết và tâm hồn người đọc. Đó là may mắn trong đời viết văn của tôi.

Phóng viên: Hiện nay, có rất nhiều nhà văn trẻ nổi tiếng như Nguyễn Minh Nhật, Kim Hòa với nhiều tác phẩm thú vị xoay quanh đề tài về tuổi học trò được bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Vậy ông có lo ngại một ngày nào đó những tác phẩm của mình không còn đủ sức “níu chân” bạn đọc? 

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Càng có nhiều nhà văn viết thành công về đề tài thanh thiếu niên thì bức tranh văn học càng phong phú, đa dạng và bạn đọc trẻ càng có thêm cơ hội để chọn lựa và thưởng thức các món ăn tinh thần. Tôi rất hào hứng với viễn cảnh đó và không có gì phải ngại. Mỗi nhà văn có một sở trường nhất định và thái độ đúng đắn nhất của một nhà văn là giữ gìn phong độ để phát huy sở trường của mình chứ không phải ngồi lo nghĩ vẩn vơ. 

Phóng viên: Tiếp nối thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thì “Mắt biếc” là câu chuyện tiếp theo của ông được chuyên thể thành phim. Vậy theo ông, điều gì đặc biệt ở tác phẩm này lại thu hút được sự quan tâm của nhà sản xuất phim?

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Truyện của tôi hướng đến tuổi thơ và các câu chuyện hầu hết xảy ra ở thôn quê. Có lẽ đề tài đó dễ chạm đến tâm thức của đa số người Việt. Bởi ai cũng có tuổi thơ và tuổi thanh xuân trong ngăn chứa ký ức mình. Bên cạnh những bộ bộ phim hành động hay hài hước, khán giả cũng có nhu cầu để lòng mình lắng lại trước những thước phim trong trẻo, những hình ảnh gần gũi, bình dị, có khả năng đánh thức kỷ niệm. Các nhà làm phim chọn tác phẩm của tôi để chuyển thể có lẽ vì lý do đó. 

Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Xin chúc nhà văn luôn giữ phong độ để ngày càng có nhiều tác phẩm hay dành cho giới trẻ.

(Thùy Trang – Lan Phương, Nguồn: https://cadn.com.vn)

Câu 1 (0.5 điểm): Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2 (0.5 điểm): Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trở lại Đà Nẵng bao nhiêu lần để giao lưu, ký tặng sách cho bạn đọc?

Câu 3 (1.0 điểm): Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tại sao ông viết sách cho lứa tuổi thanh thiếu niên?

Câu 4 (1.0 điểm): Nguyễn Nhật Ánh có thái độ như thế nào trước sự xuất hiện của các nhà văn trẻ viết về tuổi học trò?

Câu 5 (1.0 điểm): Từ câu nói của Nguyễn Nhật Ánh: “Tôi viết sách để kéo tuổi thơ trở về gần với mình”, anh/chị rút ra bài học gì về giá trị của tuổi thơ trong đời sống mỗi con người?

B. PHẦN VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm): Viết đoạn văn 200 từ trình bày cảm nhận của anh/ chị về vai trò của Nguyễn Nhật Ánh đối với văn học thiếu nhi Việt Nam. 

Câu 2 (4.0 điểm): Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về văn hóa đọc sách của thế hệ trẻ hiện nay. 

TRƯỜNG THCS ........

HƯỚNG DẪN CHẤM KIỂM TRA HỌC KÌ 2 (2024 – 2025)

MÔN: NGỮ VĂN 9 – KẾT NỐI TRI THỨC VÀ CUỘC SỐNG

        A. PHẦN ĐỌC HIỂU: (4.0 điểm) 

Câu

Đáp án

Câu 1

  •  Phương thức biểu đạt chính: Tự sự. 

Câu 2

- Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở lại Đà Nẵng bốn lần để giao lưu và ký tặng sách cho bạn đọc.

Câu 3

- Từ năm 14 tuổi, ông đã xa quê hương nên luôn nhớ tiếc những năm tháng ấu thơ nơi quê nhà.

- Việc viết sách giúp ông kéo tuổi thơ trở về gần với mình, thỏa nỗi niềm trong lòng.

- Đây là sự đồng cảm tự nhiên giữa tâm hồn người viết và tâm hồn người đọc, mang lại thành công cho các tác phẩm của ông.

Câu 4

- Ông cảm thấy hào hứng với viễn cảnh văn học phong phú, đa dạng.

- Ông không lo ngại về việc mất độc giả mà cho rằng mỗi nhà văn có sở trường riêng.

- Quan trọng nhất là giữ vững phong độ và phát huy sở trường của bản thân.

Câu 5

- Tuổi thơ là miền ký ức thiêng liêng: Gắn bó với tuổi thơ giúp mỗi người tìm lại những cảm xúc hồn nhiên, trong trẻo và yên bình giữa cuộc sống nhiều áp lực.

- Tuổi thơ là nguồn cảm hứng bất tận: Những kỷ niệm tuổi thơ có thể trở thành động lực để con người sáng tạo và phát triển trong nhiều lĩnh vực.

- Bảo vệ và trân trọng tuổi thơ: Là trách nhiệm của mỗi cá nhân và cộng đồng để nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ trẻ.

B.PHẦN VIẾT: (6.0 điểm)

Đáp án

Câu 1:

HS trình bày cảm nhận dựa trên suy nghĩ của mình song cần đảm bảo các ý sau:

  • Hình thức:

+ Đúng độ dài 200 từ.

+ Đảm bảo bố cục 3 phần.

+ Không sai chính tả, lặp từ….

  • Nội dung:

+ Ông là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà văn trẻ sáng tác về đề tài tuổi thơ và tuổi học trò. 

+ Ông đưa người đọc trở về với những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, làm sống lại những kỷ niệm và giá trị nhân văn. 

+ Ông tạo nên sự đồng cảm tự nhiên giữa tác giả và độc giả, giúp văn học thiếu nhi Việt Nam trở thành “món ăn tinh thần” của nhiều thế hệ.

+ Các tác phẩm không chỉ giải trí mà còn giáo dục tinh thần yêu thương, tình bạn, sự sẻ chia và những giá trị sống tích cực. 

+ Tác phẩm của ông đã tạo ra một hệ giá trị đặc trưng trong văn học thiếu nhi Việt Nam, giúp phát triển và định hình dòng văn học này.

+ Thành công của các tác phẩm được chuyển thể thành phim (Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) càng khẳng định giá trị lâu bền của ông đối với văn học và nghệ thuật nước nhà.

  • Mở rộng liên hệ: 

+ Liên hệ với những tác giả như J.K. Rowling với Harry Potter hay Antoine de Saint-Exupéry với Hoàng tử bé cũng đã tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn tuổi thơ và chạm đến trái tim của độc giả toàn cầu. Điểm chung của họ là khả năng xây dựng những câu chuyện không chỉ dành riêng cho trẻ em mà còn truyền tải thông điệp sâu sắc về tình yêu, lòng nhân ái và những giá trị sống bất biến.

+ Liên hệ thực trạng văn học Việt Nam hiện nay: có những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng văn học dành cho trẻ em vẫn chưa thực sự phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Nhật Ánh chính là tấm gương sáng cho các nhà văn trẻ noi theo trong việc khai thác đề tài thiếu nhi một cách sáng tạo, nhân văn và gần gũi.

Câu 2: 

  1. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận 

Cấu trúc bài cần nêu được đặt vấn đề, giải quyết vấn đề và kết luận. 

  1. Xác định đúng vấn đề cần thể hiện

Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về văn hóa đọc sách của thế hệ trẻ hiện nay. 

Hướng dẫn chấm:

  • HS xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0.5 điểm.

  • HS xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0 điểm.

  1. Triển khai vấn đề thành các luận điểm trong bài văn nghị luận

HS có thể triển khai theo nhiều cách nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ lí lẽ và dẫn chứng.  Dưới đây là một số gợi ý cần hướng tới:

  1. Mở bài

– Đặt vấn đề.

2. Thân bài

- Giải thích:

+ Văn hóa đọc là gì?  Nghĩa rộng là sự ứng xử, giá trị, chuẩn mực đọc của cộng đồng, trong khi nghĩa hẹp là ứng xử, chuẩn mực, giá trị của cá nhân thể hiện qua thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc.

=> Văn hóa đọc sách là một yếu tố quan trọng giúp con người phát triển trí thức và hoàn thiện nhân cách.

- Bàn luận:

+ Thực trạng: 

  • Tích cực: một bộ phận giới trẻ vẫn yêu thích đọc sách, tham gia các câu lạc bộ đọc sách, tìm đến những tác phẩm văn học, sách kỹ năng, sách chuyên ngành...; các thư viện, không gian đọc sách được đầu tư, phát triển. 

  • Tiêu cực: xu hướng giảm sút thói quen đọc sách, thay vào đó là việc sử dụng các thiết bị điện tử (smartphone, máy tính bảng, TV...) làm phương tiện giải trí chính; chỉ đọc những bài viết ngắn, không tìm hiểu sâu, thiếu sự đầu tư vào sách vở.

+ Nguyên nhân: 

  • Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ: Các thiết bị điện tử giúp việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn, nhưng lại làm giảm đi sự chú tâm vào việc đọc sách.

  • Thiếu thói quen đọc sách từ nhỏ: Nhiều gia đình không chú trọng vào việc khuyến khích trẻ đọc sách từ nhỏ, thiếu những không gian đọc sách thuận lợi.

  • Tác động của môi trường xung quanh: Xã hội hiện nay coi trọng việc thành công ngay lập tức, sách không thể đáp ứng nhu cầu "lợi ích nhanh chóng" như các nền tảng trực tuyến, khiến nhiều bạn trẻ bỏ qua sách.

+ Hậu quả: 

  • Giảm khả năng tư duy, sáng tạo: Việc đọc sách giúp phát triển tư duy logic, khả năng phân tích, tư duy sáng tạo. Thiếu đọc sách sẽ khiến khả năng này bị hạn chế.

  • Thiếu kiến thức nền tảng: Sách cung cấp kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, giúp hình thành thế giới quan, nhân sinh quan vững chắc. Việc thiếu văn hóa đọc sách khiến nhiều bạn trẻ thiếu kiến thức tổng quát.

  • Mất đi giá trị văn hóa truyền thống: Sách là một phần không thể thiếu trong việc giữ gìn và truyền tải các giá trị văn hóa của dân tộc. 

+Giải pháp: 

  • Khuyến khích đọc sách từ gia đình, nhà trường: Tạo dựng thói quen đọc sách cho trẻ em từ khi còn nhỏ, tổ chức các hoạt động khuyến đọc.

  • Sử dụng công nghệ để thúc đẩy văn hóa đọc: Phát triển các ứng dụng đọc sách điện tử, tạo ra các nền tảng kết nối sách với giới trẻ.

  • Đưa sách vào đời sống thường xuyên: Tổ chức các hoạt động giao lưu văn học, câu lạc bộ sách, sự kiện ra mắt sách, nhằm khuyến khích giới trẻ tiếp cận sách.

  • Lựa chọn sách phù hợp và hấp dẫn: Tạo ra những ấn phẩm sách đa dạng về thể loại, hấp dẫn với giới trẻ, như sách kỹ năng, sách về các chủ đề đương đại, sách văn học hấp dẫn.

- Bài học nhận thức, hành động:

+ Là một học sinh trước hết chúng ta cần rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày, lựa chọn sách đọc phù hợp, thường xuyên tham gia các hội sách.

  1. + Cần hiểu đúng về giá trị của sách, đọc sách không chỉ giúp chúng ta tiếp thu kiến thức mà còn giúp hình thành tư duy sáng tạo, mở rộng thế giới quan và nâng cao năng lực nhận thức. 

  2. 3. Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

- Phân tích đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 2 điểm.

- Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1 điểm – 1.75 điểm.

- Phân tích chung chung, sơ sài: 0.5 - 1.0 điểm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

e. Sáng tạo

- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Ngữ văn 9 Kết nối tri thức, Đề thi cuối kì 2 Ngữ văn 9

Bình luận

Giải bài tập những môn khác