Đề thi cuối kì 1 Tiếng việt 4 KNTT: Đề tham khảo số 10

Trọn bộ đề thi cuối kì 1 Tiếng việt 4 KNTT: Đề tham khảo số 10 bộ sách mới Kết nối tri thức gồm nhiều câu hỏi ôn tập hay, các dạng bài tập phong phú giúp các em củng cố ôn luyện lại kiến thức thật tốt chuẩn bị tốt cho kì thi sắp tới. Tài liệu có kèm theo đáp án và lời giải chi tiết. Hi vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em đạt điểm cao. Thầy cô và các em kéo xuống để tham khảo ôn luyện

A. TIẾNG VIỆT (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi trắc nghiệm:

TRUNG THU ĐỘC LẬP

Đêm nay anh đứng gác ở trại. Trăng ngàn và gió núi bao la khiến lòng anh man mác nghĩ tới trung thu và nghĩ tới các em. Trăng đêm nay soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý của các em. Trăng sáng mùa thu vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng, nơi quê hương thân thiết của các em…

Anh nhìn trăng và nghĩ tới ngày mai…

Ngày mai, các em có quyền mơ tưởng một cuộc sống tươi đẹp vô cùng. Mươi mười lăm năm nữa thôi, các em sẽ thấy cũng dưới ánh trăng này, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; ở giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn. Trăng của các em sẽ soi sáng những ống khói nhà máy chi chít, cao thẳm, rải trên đồng lúa bát ngát vàng thơm, cùng với nông trường to lớn, vui tươi.

Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn. Anh mừng cho các em vui Tết Trung thu độc lập đầu tiên và anh mong ước ngày mai đây, những tết trung thu tươi đẹp hơn nữa sẽ đến với các em.

(Thép Mới)

Câu 1 (0,5 điểm). Anh chiến sĩ nghĩ tới trung thu và các em nhỏ vào thời điểm nào?

  • A. Vào thời điểm anh đứng gác ở trại trong đêm trăng trung thu độc lập đầu tiên.
  • B. Vào thời điểm anh đang ngủ.
  • C. Vào thời điểm anh đứng gác trên biển.

Câu 2 (0,5 điểm). Những câu nào cho thấy vẻ đẹp của đêm trăng trung thu độc lập?

  • A. Đêm trăng trung thu, trẻ em trên khắp đất nước cùng rước đèn, phá cỗ.
  • B. Trăng ngàn và gió núi bao la; trăng soi sáng xuống nước Việt Nam độc lập yêu quý; trăng vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng.
  • C. Trăng mùa thu sáng vằng vặc chiếu khắp thành phố, làng mạc, núi rừng.

Câu 3 (0,5 điểm). Anh chiến sĩ tưởng tượng đất nước trong những đêm trăng tương lai ra sao?

  • A. Dưới ánh trăng trung thu, trẻ em trên khắp đất nước cùng rước đèn, phá cỗ.
  • B. Dưới ánh trăng, đất nước không có sự thay đổi.
  • C. Dưới ánh trăng, dòng thác nước đổ xuống làm chạy máy phát điện; giữa biển rộng, cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên những con tàu lớn; ống khói nhà máy chi chít.

Câu 4 (0,5 điểm). Đất nước trong mơ ước của anh chiến sĩ năm xưa với đất nước ta hiện nay giống nhau như thế nào?

  • A. Giống hệt nhau, không hơn, không kém.
  • B. Giống nhau một phần, phần không giống là nước ta ngày nay còn có nhiều thay đổi hiện đại hơn, to lớn hơn.
  • C. Gần giống, một số cảnh chưa to lớn, hiện đại như ước mơ.

Câu 5 (2,0 điểm). Tìm sự vật được nhân hóa và nêu tác dụng của biện pháp nhân hóa được sử dụng trong các câu thơ, câu văn dưới đây:

a.                                       Gió vườn không mải chơi xa

Nhắc chị cửa sổ mở ra suốt ngày,

Gió đi lắc lắc cành cây

Giục bác cổ thụ kể ngày xa xưa.

Tìm hoa làn gió nhẹ đưa

Hương thơm tặng bướm ong vừa bay qua

(Lê Thị Mây)

  • b. Mùa xuân, ngày nào cũng là ngày hội. Muôn loài vật trên đồng lũ lượt kéo nhau đi. Những anh chuồn ớt đỏ thắm như ngọn lửa. Những cô chuồn chuồn kim nhịn ăn để thân hình mảnh dẻ, mắt to, mình nhỏ xíu, thướt tha bay lượn. Các chú bọ ngựa vung gươm tập múa võ trên những chiếc lá to. Các ả cánh cam diêm dúa, các chị cào cào xoè áo lụa đỏm dáng,... Đạo mạo như bác giang, bác dế cũng vui vẻ dạo chơi trên bờ đầm.

(Theo Xuân Quỳnh)

Câu 6 (1,0 điểm). Tìm tính từ trong đoạn văn dưới đây:

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra mắt đồng bào. Đó là một cụ già gầy gò, trán cao, mắt sáng, râu thưa. Cụ đội chiếc mũ đã cũ, mặc áo ka ki cao cổ, đi dép cao su trắng, ông cụ có dáng đi nhanh nhẹn. Lời nói của Cụ điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng.

(Theo Võ Nguyên Giáp)

Câu 7 (1,0 điểm). Nêu công dụng của dấu gạch ngang trong đoạn sau:

Tiếng rì rào bất tận của những khu rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối – thứ âm thanh đơn điệu triền miên ấy ru ngủ thính giác, càng làm mòn mỏi và làm đuối dần đi tác dụng phân biệt của thị giác con người trước cái quang cảnh chỉ lặng lẽ một màu xanh đơn điệu.

(Đoàn Giỏi)

B. TẬP LÀM VĂN (4,0 điểm)

Đề bài: Miêu tả một con vật mà em đã được quan sát trên ti vi hoặc trong phim ảnh.

Hướng dẫn giải

A. TIẾNG VIỆT: (6,0 điểm)

1. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.  

Câu 1

Câu 2

Câu 3

Câu 4

A

B

C

B

2. Luyện từ và câu (4,0 điểm)

Câu 5 (2,0 điểm)

a. Sự vật được nhân hóa: gió vườn, cửa sổ, cổ thụ.

=> Tác dụng của biện pháp nhân hóa: Giúp cho sự vật trở nên gần gũi, sinh động, đáng yêu hơn.

b. Các sự vật được nhân hóa trong đoạn văn: chuồn chuồn, bọ ngựa, cánh cam, cào cào, giang, dế.

=> Tác dụng của biện pháp nhân hóa: giúp cho thế giới loài vật trở nên gần gũi và sinh động hơn.

Câu 6 (1,0 điểm)

Tính từ trong đoạn văn: Già, gầy gò, cao, sáng, thưa, cũ, trắng, nhanh nhẹn, điềm đạm, đầm ấm, khúc chiết, rõ ràng.

Câu 7 (1,0 điểm)

Dấu gạch ngang dùng để đánh dấu phần chú thích.

B. LÀM VĂN: (4,0 điểm)

Không xem thế giới động vật thì thôi, đã vào thì rất hay gặp và xem những con gấu. Đó là những con vật đáng sợ nhưng trông lại rất hiền lành, dễ thương.

Gấu cũng là một chàng vệ sĩ. Từ chân đến bụng, ngực, phần nào của thân thể nó cũng nở nang, to lớn, khỏe mạnh. Khi đi, gấu giống như một khối thịt đen chùi chũi có bốn chân ngắn ngủn. Đầu gấu dính vào thân bằng một cái cổ to khỏe. Mặt gấu hơi giống hình tam giác, mõm nó giống mõm một con chó lớn. Vì béo quá, hai mắt gấu có vẽ nhỏ lại, trông ti hí, nên gấu có vẻ lờ đờ.

Gấu đi lại chậm chạp. Thỉnh thoảng, đang đi, nó đứng lại, đứng bằng hai chân sau. Lúc ấy, hai chân trước của gấu khua khua để giữ thăng bằng, trông vụng về đến ngộ nghĩnh. Đi lại trên đất một lúc, gấu tiến đến bên cái trụ xây giữa chuồng, cao chừng một mét. Bám hai chân trước rồi hai chân sau vào cột, gấu trèo một cách chậm chạp nhưng chắc chắn. Cuối cùng thì gấu ngồi chễm chệ và gọn gàng trên cái chỗ ngồi nhỏ hẹp dành cho mình, rồi đưa đôi mắt lim dìm bất cần đời nhìn về phía trước mặt.

Nghe nói gấu rất khoái ăn mật ong. Nhưng ở đây thì làm gì có mật ong cho gấu, chỉ có các thứ trái cây thôi. Thỉnh thoảng, trong số khách xem, có người ném cho gấu mấy quả chuối. Đang nằm như ngủ, gấu vội hếch mõm và giơ tay vồ lấy. Nếu vồ trượt, gấu chậm chạp leo xuống nhặt ăn rồi lại leo lên. Gấu làm việc gì cũng có vẻ chậm chạp, ra vẻ ta đây không hề biết sợ ai. Mà gấu còn sợ ai nữa? Với bộ da dày và lớp lông bao phủ đen bóng, dày mượt như những sợi thép, gấu như một pháo đài được bảo vệ hoàn hảo.

Nhìn gấu đi lại chậm chạp trong chuồng, đôi khi là mục tiêu cho những trò chọc phá nghịch ngợm của trẻ con, em thường nghĩ tới hình ảnh những con gấu sống giữa rừng rậm. Ở đó, gấu đúng là một dũng sĩ của rừng xanh.

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm:

Đề thi Tiếng việt 4 kết nối tri thức, trọn bộ đề thi Tiếng việt 4 kết nối, đề thi cuối kì 1 Tiếng việt 4 KNTT: Đề

Bình luận

Giải bài tập những môn khác