Phân tích tác dụng của việc vận dụng thao tác lập luận bác bỏ trong đoạn văn sau và thử viết một đoạn văn bác bỏ với chủ đề tự chọn.

Bài tập 3: trang 124 sgk Ngữ Văn 11 tập hai

Phân tích tác dụng của việc vận dụng thao tác lập luận bác bỏ trong đoạn văn sau và thử viết một đoạn văn bác bỏ với chủ đề tự chọn.

[...] Thử nghĩ mà xem, con người không biết sợ cái gì trên đời này cả, liệu có phải là con người không? Cái gì cũng "vô úy", cũng tỏ thái độ sắt thép, nghĩa là không biết mềm lòng trước bất cứ một cái gì, đấy là loài quỷ sứ chứ đâu phải là người. "Chữ người tử tù" của Nguyễn Tuân dạy cho ta hiểu rằng, muốn nên người phải biết kính sợ ba điều này: cái tài, cái đẹp và cái thiên tính tốt của con người (thiên lương). Vậy, kẻ nào không biết sợ cái gì hết là loài quỷ sứ. Loại người này, thực ra rất hiếm hoi, hay nói đúng hơn, không thể có được. Những loại người sau đấy thì chắc không ít: sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền, nhưng đối mặt với cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thì lại không biết sợ, thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giày xéo. Đấy là hạng người hèn hạ nhất, thô bỉ nhất, đồi bại nhất. 

(Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006)


  • Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng thao tác lập luận bác bỏ rất nhuần nhuyễn để bác bỏ những hiện tượng, sự thật sai trái. Việc tác giả liên tiếp sử dụng những câu văn phủ định (với sự xuất hiện của các từ phủ định không biết sợ, không biết mềm lòng, chứ đâu phải, không biết sợ cái gì hết, không thế có được, không ít, không biết sợ...) để khẳng định chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Tác giả đã đưa ra hai hạng người và phủ nhận sự tồn tại (không nên có) của chúng:
    • Hạng người thứ nhất là những kẻ không biết sợ là gì, cái gì cũng "vô úy" thì không phải là người mà là loài quỷ sứ
    • Hạng người thứ hai là những kẻ sợ rất nhiều thứ, nhất là quyền thế và đồng tiền nhưng lại không sợ cái tài, cái đẹp, cái thiên lương thậm chí sẵn sàng lăng mạ, giày xéo thì là những kẻ hèn hạ, thô bỉ, đồi bại nhất.

=> Tác giả đã sử dụng phép lập luận bác bỏ đê phủ định những loại người không biết sợ, sợ nhiều thứ không đáng sợ. Cũng là một cách để ông khẳng định giá trị của cái tài, cái đẹp, cái thiên lương (bản tính tốt đẹp) của con người.

  • Đoạn văn sử dụng thao tác lập luận bác bỏ

Không phải ai sinh ra cũng đã được sống trong cảnh giàu sang, sung sướng, trong cảnh nhung lụa, gấm hoa. Có rất ít người có được may mắn như thế. Còn phần lớn con người ta sinh ra trong một gia đình bình thường, thậm chí có những gia đình không được nhìn nhận như những gia đình bình thường. Nhưng sinh ra ở đâu, trong hoàn cảnh thế nào không quan trọng. Điều quan trọng nhất là chúng ta sống như thế nào. Có những người sinh ra trong giàu sang, được tạo mọi điều kiện tốt nhất nhưng họ lại không thể trở thành một người tử tế. Bởi trong thế giới giàu sang, họ bị những thứ hào nhoáng, lung linh của nó che mắt, khiến họ không còn đủ tỉnh táo để nhận ra hệ lụy đằng sau đó. Kết quả là họ lao vào những cuộc ăn chơi, sa đọa thâu đêm suốt sáng. Họ trở thành những kẻ ăn không ngồi rồi, tiêu tiền như nước mà không biết cách để kiếm ra nó. Vì vậy, dù có được thừa hưởng một số tiền kếch sù trong tài khoản chỉ vài tháng hoặc vài năm sau họ đã thành kẻ trắng tay, không có nổi một đồng trong túi. Nhưng có những con người kém may mắn hơn, họ sinh ra trong nghèo khó, thiệt thòi đủ thứ, không có điều kiện tốt nhất nhưng họ không hề bị quật ngã bởi số phận. Trái lại, họ lựa chọn cách đối mặt và vươn lên, mạnh mẽ như loài cỏ dại với sức sống bền bỉ, bất diệt. Đa số họ đều thành công và chiến thắng được chính mình trên đường đời của họ. Vì thế mà, đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh đã biến bạn trở thành con người thế nào. Chỉ có chính bạn chấp nhận mình là con người thế nào mà thôi!


Bình luận

Giải bài tập những môn khác