Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây.

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 9 bộ kết nối . Có nhiều bài viết hay khác nhau để các em tham khảo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây.

Bài mẫu 1: Trôi - Nguyễn Ngọc Tư (2023)

Tập truyện ngắn “Trôi” của Nguyễn Ngọc Tư vừa phát hành gồm 13 truyện ngắn, trình bày rất nhã và bên trong ẩn chứa nhiều câu chuyện không dễ dàng tưởng tượng ra. Được tác giả sáng tác vào năm 2023 và được bình chọn là những tác phẩm văn học hay nhất Việt Nam năm 2023. 

Khái niệm “trôi” hiện diện trong văn Nguyễn Ngọc Tư khá sớm, có lẽ ngay từ đầu nhà văn đã cảm nhận điều ấy. Có thể, cho đến “Trôi” (NXB Trẻ - 2023) mọi thứ mới đậm nét hơn. Là lúc mọi thứ vỡ ra và trôi, theo mọi hướng. Một sự bùng vỡ và rồi, mỗi người, mỗi vật, mỗi việc, mỗi câu chuyến trôi đi một cách khác nhau, vô cùng khác nhau mà có lẽ điển hình nhất là kiểu trôi của một cô em gái, trôi đi mải miết trong “tâm thế say”. “Đùng cái cả xứ nứt làm bảy mảnh, ruột hóa ra bìa. Tư Điền trôi cùng cái máy may của vợ, một rổ chỉ đủ màu, mấy bộ đồ chưa kịp giao cho khách… Chương móm mặc độc cái quần cộc, trôi với bộ bàn đá có mặt kẻ ô cờ, mấy bó cỏ cho dê ăn và một cặp ngỗng già… Ông già Ba Hào trôi trên cái ghế cẩn xà cừ, khóc ngất từng hồi khi rẻo đất ông ngồi cứ chia tách không thôi. Thằng nhỏ Mười Hai thì trôi nhẹ từ Bình Di về, người trụi lủi không mảnh vải… Thằng con trôi chung với mấy chục học trò cùng lớp, cô giáo gọi về cho mình bảo phụ huynh khỏi chừa cơm… Ba mình trôi với chùm bóng bay khi ngang qua chợ Bà Cát. Mình trôi với cây mù u”. Rồi có thể sẽ “mắc kẹt” lại đâu đó, hoặc không, cứ trôi tuốt ra Biển Nước.

Một lát cắt đời sống đương đại cứ hiện diện đâu đó, quanh quất mỗi phận người. Cái tâm thế “đợi” mệt mỏi kéo dài ngày này qua tháng khác khi nhân vật mang tư thế chờ ra đi sang thế giới khác của không ít người trong đời sống đương đại xô bồ này. Ngày đầu còn “đợi ai đó tới thăm”, nên Lý cứ nhìn ra cửa, cho đến lúc “đi”. “Cứ thấy ai ngồi trông cửa y như là dân mới. Họ còn chờ đợi những bóng người tới thăm. Lưu lại viện dưỡng lão nửa năm sẽ biết, không có gì ngoài đó”. Ở đó ngày tháng chừng như không tồn tại nữa. Mở đầu truyện ngắn “Đợi”, Nguyễn Ngọc Tư mở ra không gian đa chiều để bạn đọc soi góc nào cũng có thể nhận ra đâu đó có bóng dáng mình: “Mình đang ngồi ngay tháng Sáu. Hoặc đã tháng Mười Một. Mà ngày tháng với mình quan trọng gì, ngày nào mà chẳng in hệt nhau…”; hay như: “Mình đang chờ ở giữa tháng Sáu. Hoặc giờ tháng Chín rồi, không chừng”. Trạng thái đợi của các nhân vật khác nhau, từ việc đợi “một tiếng ợ” của bệnh nhân Niềm, đợi đến lúc “đi” của nhân vật Lý… cứ lồng ghép, dồn nén nhiều xúc cảm cho bạn đọc.

Tứ truyện của Nguyễn Ngọc Tư rất lạ, được chọn lọc kỹ càng. Vì thế, có khi cô đọng về mỗi một từ: “Trôi”, “Đợi”, “Nợ”. Nhiều truyện khác mang đầy sức gợi: “Giữa đây và kia”, “Giữa vật chất này”, “Về phía không đâu”, “Mơ người”, “Đói xa xôi”… Rồi thêm những: “Khởi đầu của gió”, “Đong đưa trong kén”, “Lửa nguội giữa trời”, “Mưa diệp lục” hay “Bên cửa”.

Những câu chuyện không thể dễ dàng nghĩ ra. Một cặp vợ chồng bỗng muốn đổ bánh xèo trên máy bay để rồi sau đó là cuộc chia tay dài ngày mà với cô vợ có khi chẳng hiểu vì sao? Đó là món nợ khó hiểu truyền từ đời này qua đời khác trong truyện “Nợ”, riết rồi người ta cũng không hiểu và cũng không muốn nhận lại món nợ ấy. Ở “Đong đưa trong kén” xuất hiện ông già kỳ lạ: Suốt đời ghiền và không muốn bước ra khỏi chiếc võng. Ở “Về phía không đâu” là câu chuyện những người Li quái dị. Một người bị bắt đi tù chỉ đơn giản vì có ý thích đột nhập nhà người khác để nhìn người ta ngủ trong “Mơ người”.

Với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư thì: “Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn thì cũng có kẻ nhận lời”.

“Năng lượng chữ” của Nguyễn Ngọc Tư trong “Trôi” chứa đựng trong mỗi truyện ngắn khá lớn, đọc xong sẽ nhận ra bao nhiêu điều phải ngẫm nghĩ. Đó là chất văn rất đặc biệt làm nên thương hiệu Nguyễn Ngọc Tư, mỗi chữ đều đáng để chúng ta đọc.

Bài mẫu 2: Người Thầy - Nguyễn Chí Vịnh (2023)

Tác phẩm Người Thầy được viết bởi Thượng tướng GS.TS Nguyễn Chí Vịnh, Người thầy không chỉ nói về công lao của Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức mà còn kể về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò... những bài học về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành. Tác phẩm như một lời nhắc nhớ cho những người còn sống, về một nhà tình báo đặc biệt của Việt Nam. Sách đã được công chúng đón đợi, và được tái bản ngay sau khi ra mắt, trở thành hiện tượng xuất bản của năm.

Không phải vì tác giả vừa qua đời nên mình mới biết đến cuốn sách. Mình đã bị thu hút bởi phong cách kể chuyện của tác giả từ lâu, từ các bài phỏng vấn về chiến lược đối ngoại quốc phòng, về cuộc đời thời trai trẻ của ông nên mình luôn theo dõi các phát ngôn của ông. Từ khi cuốn sách ra mắt, mình đã rất muốn đọc nhưng lúc đó do đang bận, mà sự thật là do ... lười.

Ông là một chính khách đặc biệt, là "con ông cháu cha" đúng nghĩa, là một "hạt giống đỏ" đã quen biết từ thời thơ ấu với những khai quốc công thần, lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước cùng thời với bố mình - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh - 1 trong 2 người đầu tiên được phong hàm Đại tướng bởi chính Bác Hồ. Nhưng điều đặc biệt là người dân không cho rằng do sức ảnh hưởng của người cha mà giúp ông leo cao trong hệ thống chính trị mà là do chính năng lực của ông, hoặc ít nhất, truyền thống gia đình chỉ là một yếu tố cộng thêm giúp ông nhận được sự tin tưởng của tổ chức để đưa ông vào một vị trí rất nhạy cảm, rất cần sự trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, đó là vị trí người đứng đầu tổ chức tình báo chiến lược của đất nước. Cho nên ngay thời điểm ông mất, trên mạng xã hội, người ta đều thể hiện sự thương tiếc với những cống hiến của ông cho đất nước

Trở lại với cuốn sách, cần nói trước, để thực sự hiểu những chi tiết được đề cập trong sách, người đọc cần có kiến thức cơ bản về lịch sử đất nước trong những năm sau giải phóng, về quan hệ với các nước láng giềng, các nước XHCN, dù thực tế, cách diễn đạt trong sách cũng rất dễ hiểu. 

Xuyên suốt cuốn sách đề cập đến mối quan hệ của tác giả với ông Ba Quốc (Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Đặng Trần Đức) trong suốt 20 năm từ khi tác giả là một Trung uý mới ra trường đến khi trở thành người đứng đầu lực lượng tình báo. 

Cách kể chuyện của tác giả cuốn thật sự, một chất kể chuyển không lẫn vào đâu được, pha một chút hài hước, phải nói là rất khác biệt nếu bạn đã đọc những sách của các chính khách khác. Không biết sao tác giả có thể nhớ lại được chi tiết nhiều câu chuyện từ mấy chục năm trước như vậy, từ chuyện những cuộc gặp ban đầu với ông Ba Quốc, đồng đội ở chiến trường Campuchia như thế nào, cảm giác lúc đó như thế nào, ... cho đến những sự vụ tác giả tham gia nguy hiểm đến mức nào, những câu chuyện được ông Ba Quốc kể lại lúc hoạt động trong lòng địch, ... Mình sẽ không đi sâu vào chi tiết, nếu muốn tìm hiểu thì các bạn có thể tìm mua sách để hiểu thêm

Cuốn sách cũng làm cho độc giả hiểu hơn về nghề tình báo, một nghề bí mật, thầm lặng và rất nguy hiểm. Tất nhiên, trong sách thì chỉ hé lộ một phần rất nhỏ về những công việc chính của ngành tình báo, như chính tác giả đã chia sẻ, ông đã "rất tiếc khi phải cắt bỏ bớt chương cuối vì yêu cầu nghề nghiệp". Tất nhiên, độc giả cũng nên thông cảm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia. 

Tác giả cũng lồng ghép vào sách về chính bản thân mình, về hành trình đi lên của bản thân. Từ những chuyện rất nguy hiểm tưởng chỉ có trong phim hành động, cho đến những khoảnh khắc đời thường được lồng ghép khéo léo nhưng có chừng mực, không để cho độc giả chú ý quá về mình. 

Bài mẫu 3: Hồi ức Phú Nhuận - Phạm Công Luận (2023)

Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 câu chuyện nhỏ về  Phú Nhuận theo trục thời gian từ xưa đến nay, bao quát mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này. Với giọng văn giàu cảm xúc và nhiều tư liệu, Phạm Công Luận đã đưa người đọc tìm về những ấn tượng từng hiện diện ở Phú Nhuận. Một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, một số tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong ký ức người Phú Nhuận và trong góc khuất đời sống.

Không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị vùng đất Sài Gòn - TPHCM trong trăm năm qua, sách Hồi ức Phú Nhuận trở thành một bộ sưu tập công phu về đời sống đô thị.

Tác giả chia sẻ: “Tôi đã ấp ủ viết sách riêng về Phú Nhuận từ nhiều năm trước. Hai năm gần đây, tôi bắt đầu tập hợp tư liệu, bài vở đã có rồi hệ thống lại, lập đề cương, viết thêm bài, tìm thêm tư liệu mới. Hoàn thành bản thảo từ sáu tháng trước, dự định ra trước tết Quý Mão nhưng đọc lại thấy chưa ưng ý nên tôi giữ lại để chỉnh sửa, bổ sung tài liệu cho đến lúc này”.

Tôi, người viết bài, may mắn được tác giả cho xem từ bản thảo đầu tiên, nếu đem so với ấn bản phát hành đã thấy có nhiều thay đổi lớn, lý thú hơn, đặc sắc hơn. Có lẽ vì vùng đất Phú Nhuận là một góc quê hương nên tác giả cầu toàn hơn, muốn nó được ra đời chỉn chu trong điều kiện có thể.

Hồi ức Phú Nhuận của Phạm Công Luận là ký ức về ngôi trường tiểu học hơn trăm năm tuổi, xưa nhất Phú Nhuận – trường Võ Tánh (nay là trường tiểu học Trung Nhất) nơi tác giả theo học từ 1968 – 1973. Anh viết: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là được phụ trách tủ sách của lớp Nhứt (lớp 5) do cô Bích Trà phân công, đợi khi nào có giờ trống thì mở ra lấy sách phân phát cho các bạn đọc. Nhớ những dịp gần Tết, đi học rất vui vì trường nằm trên đoạn đường bày bán chợ Tết. Học sinh chưa nghỉ Tết đã thấy nôn nao khi thấy người ta dựng sạp dọc theo vỉa hè rồi đưa bưởi, dưa hấu, từng túi mứt, lạp xưởng đến để bày bán.”

Đó là Chợ Xã Tài đã có lịch sử gần trăm năm, nay là chợ Phú Nhuận (trên đường Phan Đình Phùng). Nhà văn Hồ Biểu Chánh, một cư dân của Phú Nhuận, đã ghi lại cuộc sống của quá khứ của ngôi chợ Xã Tài và khu phố quanh đó qua dòng chữ: “Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thanh phát, nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điện rần rần, nhà gạch phố lầu chớm chở”.

Đó là hẻm Hàng Dương trên đường Võ Tánh (nay là hẻm 132 Hoàng Văn Thụ), thuở nhỏ tác giả thường theo Má, băng qua con hẻm này để đến chợ Ga, nơi bà có một sạp bán hàng. Ra chợ, tác giả thích được má gọi cho ăn món bánh cuốn hàng cô Bính, bánh cuốn không nhiều nhân thịt nên khá thanh cảnh, rau giá không đầy tú hụ, chả lụa ngon và mỏng chứ không dày để nửa thế kỷ sau tác giả vẫn nhớ.

Khi lớn lên, sáng trưa hai buổi, tác giả vẫn ra chợ Ga phụ má dọn hàng. Đó là Chợ Ga - ngôi chợ thể hiện tấm lòng hào hiệp của người miền Nam. Năm 1954, thấy bà con miền Bắc mới di cư vào Nam chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí và đề nghị ông cho mượn mảnh vườn nói trên để nhà nước xây lên một cái chợ cho đồng bào mới đến có chỗ mua bán. Ông Lê Tài Chí, thường được gọi là ông Mười hay ông Mười chủ đất.

Tác phẩm xoay quanh kí ức của tác giả về hình ảnh Phú Nhuận. Đó là một mỗi miền tuổi thơ cũng như một mảnh ghép không thể thiếu của tác giả. Và mỗi người chúng ta chắc chắn cũng đề có mảnh ghép đó trong trái tim mang tên “quê hương”.

Tác giả đưa bạn đọc đến thăm Cư xá Chu Mạnh Trinh (gần ngã tư Phú Nhuận), nơi sinh sống của nhiều văn nhân tài tử lừng danh. Từ đó, đi ngược đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ) trước đây có quán phở Bắc Huỳnh từng được nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển nhớ và nhắc đến trong cuốn Sài Gòn tạp pín lù và ca tụng: “… mấy cô con gái đứng dọn ăn, mỹ miều như mấy cành lai-dơn (glaieul) từ Đà Lạt di cư về đây. Phở Huỳnh có hương vị pha Tây, vì nước lèo là nước xúp, nửa pha Tàu vì để nhiều hương liệu thơm tho.”

Nhưng ấn tượng sâu đậm của tác giả từ thuở bé được ôn lại về những xe mì người Hoa của mấy tiệm Nam Tường, Quảng Huê Viên, Dìn Ký, … ở Phú Nhuận: “Hầu hết các xe mì đều có tranh kiếng. Khách đến ăn tự tay kéo cái ghế xếp và gọi tô mì, tô hoành thánh hay tô mì vịt tiềm. Trong lúc ông chủ tiệm nấu mì, khách ngắm tranh mê mải và nhận ra những tuồng tích từng xem trong truyện Tam Quốc”.

Phú Nhuận đã từng có nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng nổi tiếng trên đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) mở cửa suốt từ năm 1954 cho đến khi đóng cửa năm 1975. Tuy trải qua nhiều nhiều biến động của thời cuộc, nhà hàng vẫn mở và luôn đông khách. Thực đơn đơn giản chỉ với bảy món bò chế biến theo công thức riêng, nhà hàng Ánh Hồng là địa chỉ lui tới thường xuyên của các văn nghệ sĩ thời bấy giờ: Anh Bằng, Nguyễn Đình Toàn, Vũ Thành An, Thanh Thúy, Thanh Lan, các họa sĩ trong Hội Họa sĩ Trẻ… Nhà hàng này cùng với các hãng, tiệm, quán xá khác, tiệm ảnh Mỹ Lai, nhà thuốc Ông Tiên, tiệm giày Mạnh Cung, Hãng sơn mài Lam Sơn và rất nhiều địa điểm nữa … đã và tạo nên sự trù phú của Phú Nhuận cách đây hơn nửa thế kỷ. Đúng như tác giả viết, dù nhỏ và ở vùng ngoại ô, Phú Nhuận là nơi thu hút được nhiều nhân tài đến đó sống và có những địa chỉ mà người từ khắp nơi phải tìm đến.  

Hồi ức Phú Nhuận còn giới thiệu với bạn đọc nhiều ảnh tư liệu độc, lạ do tác giả sưu tập được và những tranh đẹp về Phú Nhuận xưa qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm, người anh của tác giả.

Nội dung quan tâm khác

Từ khóa tìm kiếm: Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây tiếng việt 9 kết nối, tiếng việt 9 kết nối Viết bài văn nghị luận phân tích một truyện ngắn được sáng tác trong những năm gần đây.

Bình luận

Giải bài tập những môn khác