Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch).

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương trình Tiếng Việt lớp 9 bộ kết nối . Có nhiều bài viết hay khác nhau để các em tham khảo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch).


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Bài mẫu 1: Vở kịch Rô-mê-ô và Giu-li-ét

Rô-mê-ô và Giu-li-ét là vở kịch của nhà soạn kịch thiên tài Sếch-xpia trong thời đại Phục hưng. Đây là thời kỳ tiến bộ nhất mà nhân loại gọi là bước ngoặt của nhân loại. Chưa bao giờ tình yêu, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa nhân văn lên ngôi và được phản ánh mạnh mẽ trong thời kỳ này đến thế. Rô-mê-ô và Giu-li-ét cũng không nằm ngoài mạch cảm hứng sáng tác ấy. Vở kịch khá đồ sộ song có một số phân đoạn tiêu biểu như Thề nguyền và vĩnh biệt.

Vở kịch này nói về tình yêu thắm thiết, khăng khít của đôi bạn trẻ Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Nhưng trớ trêu thay họ lại sinh ra từ hai dòng họ có mối hiềm khích với nhau từ rất lâu. Thế nên tình yêu của họ bị cả dòng họ hết sức cấm cảm, chia lìa. Để bảo vệ tình yêu đôi bạn trẻ đã đi đến hành động quyết liệt tự tử, không thể bên nhau lúc còn sống thì trọn đời bên nhau ngay cả lúc chết. Chính cái chết của họ đã giúp cả hai dòng họ hoá giải mọi oán hờn. Qua đó tác phẩm đã tố cáo tội ác của chế độ phong kiến chà đạp lên hạnh phúc của con người, những định kiến cổ hủ giống như chiếc cùm gông khóa chặt ước mơ, khát vọng của con người. Đồng thời cũng ca ngợi tình yêu, ước mơ, dám thể hiện, dám đấu tranh của con người trước các thế lực phong kiến. Khẳng định giá trị của tình yêu đích thực sẽ giúp con người xóa bỏ mọi hận thù và xích lại gần nhau hơn.

Đoạn trích Thề nguyền và vĩnh biệt tập trung tái hiện cảnh đôi trai tài gái sắc gặp nhau sau đêm vũ hội. Trúng phải tiếng sét ái tình, họ đã tìm gặp nhau, trao cho nhau tình yêu, những lời thề nguyền hẹn ước đầy ân tình, rồi chia tay nhau trong nhớ thương. Mặc dù khi nghe danh xưng cả hai đều biết họ sẽ khó có thể đến được với nhau. Thế nhưng hai người vẫn yêu nhau một cách mãnh liệt, không thể chối bỏ được tình cảm của mình.

Trước mắt Romeo là một thiếu nữ xinh đẹp, ngọt ngào, chàng như đắm chìm vào trong vẻ đẹp đến u mê của nàng Giu-li-ét. Dưới con mắt của kẻ si tình nàng hiện lên giống như vầng mặt trời, làm lu mờ ánh sáng của mọi vị tinh tú khác. Đôi mắt nàng giống như hai ngôi sao đẹp nhất trên bầu trời, vẻ đẹp ấy khiến cho Romeo chết lặng và chàng cũng chẳng ngần ngại thổ lộ tình cảm của mình dành cho nàng.

Về phía Juliet nàng cũng có cảm mến với chàng trai này, trong tình yêu nàng cũng vô cùng chủ động, đáp lại tình cảm chân thành ấy. Không rụt rè, không e ngại, không giấu diếm, chủ nghĩa cá nhân, tự do trong tình yêu và hôn nhân đã được thể hiện qua hành động chủ động của đôi bạn trẻ. Dẫu biết rằng phía trước sẽ có rất nhiều chông gai, rào cản, mọi thứ sẽ không suôn sẻ nhưng đôi trẻ đã bỏ qua tất cả, chỉ trong giây phút này sống đúng với con tim của mình

Đôi trẻ thể hiện tình yêu trong một không gian đặc biệt: vắng vẻ, kín đáo nhằm trốn tránh ánh mắt dò xét theo dõi của hai bên gia đình. Giữa một khung cảnh éo le như thế đôi trẻ đã bày tỏ tình cảm, hứa hẹn những điều tốt đẹp ở tương lai phía trước. Vì tình yêu đôi trẻ sẵn sàng hoá giải mọi thù hận của hai dòng họ. Điều đó chứng tỏ sức mạnh của tình yêu có giá trị và ý nghĩa lớn như thế nào.

Đoạn trích thề nguyền và vĩnh biệt tập trung xây dựng các cuộc đối thoại mang tính kịch giữa hai nhân vật Rô-mê-ô và Giu-li-ét. Ngôn ngữ đã được dịch nên chúng tôi không bàn nhiều, chúng tôi chỉ quan tâm đến kết cấu, tình huống được xây dựng. Với một tình huống, bối cảnh độc đáo và một kết cấu khá chặt chẽ, đoạn trích xứng đáng được đánh giá là một trong những đoạn trích hay nhất của vở kịch này.

Bài mẫu 2: Vở kịch Vũ Như Tô

Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là một nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng ở Việt Nam với một khối lượng tác phẩm và giá trị văn học phong phú. Triết lí sống và quan điểm sáng tác của ông là viết văn để bày tỏ lòng yêu nước: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có việc viết văn quốc ngữ thôi”. Một trong những tác phẩm đặc sắc của ông không thể không kể đến vở kịch nổi tiếng “Vũ Như Tô”. Đoạn trích “Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài” đã thể hiện rất sâu sắc quan niệm nghệ thuật của ông.

Vở kịch “Vũ Như Tô” gồm 5 hồi viết về một sự kiện xảy ra ở Thăng Long khoảng năm 1516 – 1517. Tác phẩm được Nguyễn Huy Tưởng viết xong vào mùa hè năm 1941, tựa đề vào tháng 6 năm 1942. Vở kịch kể về Vũ Như Tô - một kiến trúc sư tài giỏi, bị Lê Tương Dực – tên vua tàn bạo bắt xây Cửu Trùng Đài thành nơi để hắn ăn chơi, hưởng lạc. Tuy nhiên, là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã không nhận lời dù có bị hắn đe dọa sẽ giết chết. Nhưng Đan Thiềm một cung nữ đã thuyết phục được ông xây Cửu Trùng Đài. Việc Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu cũng đồng nghĩa với việc lòng dân oán hận Vũ Như Tô bấy nhiêu. Lợi dụng tình thế đó, quận công Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn triều đình. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là bức tranh tiếp nối các sự kiện cao trào ấy.

Thể loại kịch đã không còn xa lạ với kho tàng văn chương Việt Nam. Đây là một loại hình nghệ thuật tổng hợp, có sự kết hợp ăn ý của nhiều ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, sân khấu điện ảnh,.... Và mâu thuẫn xung đột kịch được coi là yếu tố “linh hồn” của mỗi vở kịch, một yếu tố quan trọng góp phần khắc họa nhân vật và xây dựng cốt truyện.

Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng được mâu thuẫn trực tiếp cho văn bản, được thể hiện ở cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình. Đó là mâu thuẫn giữa đời sống xa hoa trụy lạc của Lê Tương Dực với đời sống cơ cực thống khổ của nhân dân lao động. Những mâu thuẫn ấy đã có từ trước đấy, đè nén cuộc sống cực khổ của của người dân, nhưng đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài thì nó lại càng trở nên căng thẳng hơn. Để xây dựng cửu Trùng Đài, triều đình đã tăng sưu thuế, bắt thêm thợ giỏi, tróc nã, hành hạ những người chống đối, thợ phải làm việc cật lực mà vẫn đói khát. Người dân căm phẫn vua làm cho dân cùng, nước kiệt, còn Vũ Như Tô bị thợ thuyền oán trách do nhiều người chết vì tai nạn hay chết vì bị chém đầu do chạy trốn. Khi ấy, Trịnh Duy Sản cũng đã can ngăn Lê Tương Dực, đòi đuổi bọn cung nữ, giết Vũ Như Tô nhưng không thành mà còn bị đánh đòn.

Mâu thuẫn thứ hai được tác giả xây dựng là mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật thuần túy và lợi ích thiết thực của nhân dân thể hiện ở mục đích xây dựng Cửu trùng đài của Vũ Như Tô và của triều đình Lê Tương Dực.

Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài năng, có khả năng "tranh tinh xảo với hóa công" nhưng ông không có đất dụng võ trong một xã hội thối nát, trong khi nhân dân còn đói khổ lầm than. Nghe theo lời khuyên của Đan Thiềm, Vũ Như đã Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão xây dựng một công trình nguy nga, vĩ đại. Nhưng niềm khao khát được cống hiến, được sáng tạo chân thành đã đẩy Vũ Như Tô vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân, bị những người thợ coi như kẻ thù.

Nguyễn Huy Tưởng đã mở đầu tác phẩm bằng cuộc đối thoại giữa Đan Thiềm và Vũ Như Tô. Đan Thiềm đã thốt lên tiếng kêu hoảng hốt và khuyên Vũ Như Tô mau chạy trốn. Cung nữ Đan Thiềm mặt cắt không còn hạt máu vào cầu xin, van nài Vũ Như Tô chạy trốn đầy chân thành, tha thiết: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được”. Tất cả hành động của nàng đều chứng tỏ cô là một người quý trọng người tài, biết lo trước lo sau cho tài năng đất nước. Cô cầu xin, van nài, chắp tay lạy ông và khẳng định rằng: “Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”

Tình thế biến loạn ở kinh thành rất nguy hiểm và gay gắt nhưng ông lại nhất quyết không trốn và cho rằng: “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Cửu Trùng Đài là một thứ vô cùng quý giá đối với Vũ Như Tô, ông coi nó như là cả phần linh hồn và thể xác mà mình cùng với Đan Thiềm đã gây dựng nên. Tuy nhiên, nó cũng đã khiến ông mù quáng và mê hoặc đến mức không thể thoát ra khỏi ảo tưởng của mình để trở về tình thế thực tại. Ông tin rằng mình không có tội, vẫn cố cãi lý với đời: “Có lý gì để họ giết tôi?”, đứng trước quân khởi loạn vẫn tự trấn an mình và mọi người: “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài để tạ lòng tri kỷ”. Lúc này, Vũ Như Tô đang đứng trên lập trường người nghệ sĩ mà vô tình bác bỏ lập trường của nhân dân. Ông không nghĩ mình bị nhân dân oán hận, căm ghét, ông vẫn nghĩ rằng Cửu Trùng Đài chẳng phải đang tô điểm cho đất nước đây sao?

Đến khi kinh thành bốc hỏa theo lệnh của An Hòa Hầu, Vũ Như Tô đã rơi vào tuyệt vọng khi tận mắt chứng kiến cảnh Đài Cửu Trùng bốc cháy như giàn thiêu: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì?”. Ông gào lên đầu đau đớn, đỉnh điểm sự tuyệt vọng và bất lực. Nhưng đến khi chết, ông vẫn không hiểu tại vì sao lại ra nông nỗi này: “Ta tội gì? Ta không có tội! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài!”. Ông là một tài năng, một thiên tài có khát vọng hoài bão đem đến cái đẹp cho dân, nhưng chính vì không giải quyết được mâu thuẫn giữa nghệ thuật và cuộc sống nên ông đã phải trả một cái giá rất đắt. Mâu thuẫn đối lập ngay trong chính con người Vũ Như Tô.

Việc đưa ra hai mâu thuẫn trong vở kịch này, liệu đã thực sự được Nguyễn Huy Tưởng giải quyết?

Về mâu thuẫn giữa cuộc nổi dậy của binh lính và nhân dân chống lại triều đình đã được giải quyết một cách dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài và giết vua. Nhưng mâu thuẫn trong con người Vũ Như Tô vẫn chưa được giải quyết. Trong lời tựa đề vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng có viết: "Than ôi! Như Tô phải hay những người giết Như Tô phải? Ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm". Qua lời tựa ấy, Nguyễn Huy Tưởng đã bộc lộ chân thành những băn khoăn của mình: “Lẽ phải thuộc về Vũ Như Tô hay những kẻ giết Vũ Như Tô?”. Việc Vũ Như Tô có tội hay có công, cõ lẽ tác giả cũng không thể đưa ra một lời giải đáp thỏa đáng cho độc giả.

Bằng tài năng và cây bút tài hoa, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng mâu thuẫn kịch tập trung dẫn đến cao trào, phát triển thành đỉnh điểm với hàng loạt hành động kịch dồn dập, kịch tính. Ông cũng sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện, có tính tổng hợp cao. Từ đó, ông đã xây dựng nhân vật kịch đặc sắc, khắc họa rõ tính cách, miêu tả đúng tâm trạng qua ngôn ngữ và hành động. Tiêu biểu là Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, tác giả đã đặt ra vấn đề sâu sắc, có ý nghĩa muôn thuở về mối quan hệ giữa nghệ thuật với cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy cao siêu muôn đời với lợi ích thiết thực của nhân dân. Thật đúng như Grandi từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Đây chính là một bài học đắt giá về nghệ thuật dành cho những người nghệ sĩ.

Bài mẫu 3: Vở kịch Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục

Mô-li-e được coi là nhà viết kịch có nhiều tác phẩm đạt đến mức kinh điển của thế giới. Vở kịch “Trưởng giả học làm sang” là một tác phẩm nổi tiếng của ông, trong đó trích đoạn “Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục” là một trích đoạn tiêu biểu.

Ông Giuốc-đanh hám danh muốn trang bị cho mình cái vỏ bề ngoài như những người quý tộc. Ông thuê một kíp thợ vườn để may sắm trang phục cho mình. Kíp thợ vườn hiểu biết về giới quý tộc cũng chẳng nhiều nhặn gì hơn ông Giuốc-đanh. Đã thế, cái gì họ cũng phán bừa, làm bừa, nhưng ông Giuốc-đanh dốt nát, thiển cận đều cho xuôi ráo! Ông Giuốc-đanh có phẩm tước gì mà may áo lễ phục để mặc? Rõ ràng ông chẳng hiểu gì về trào phục, nhưng lại tấp tểnh muốn làm quý tộc, nên ông bất chấp tất cả, cứ thuê may và cứ mặc, mặc vào là phải thành quý tộc, ít nhất cũng là quý tộc áo. Ông Giuốc-đanh hám danh đến mức cứ cái gì dính líu đến quý tộc để ông giống được quý tộc là ông mê và làm theo ngay. Vì thế, đi bít tất chật, bị đứt mất hai mắt, nhưng nghe phó may phỉnh vài lời: Nó giãn ra thì lại rộng quá ấy chứ thì ông Giuốc- đanh xuôi tai liền. Đi giày tuột, kêu đau chân, nhưng phó may bảo không đau, Ngài tưởng tượng ra thế rồi phó may lờ đi, chuyển phát sang chiếc áo lễ phục. Ông Giuốc-đanh muốn nói thêm về sự đau chân cũng không được nữa.

Những tràng cười bít tất rách, giày chật chân đau vừa đứt, người xem được những tràng cười khác khi ông mặc lễ phục. Ông Giuốc-đanh phát hiện hoa trên áo bị may ngược, nhưng nghe phó may phỉnh bừa vì những người quý phái đều mặc như thế này cả, thì ông Giuốc-đanh vững tâm ngay. Người xem không thể nhịn được cười khi phó may và thợ bạn cởi quần đùi, lột áo cánh để mặc áo trào cho ông Giuốc-đanh. Ông ta như một thằng hề, súng sính đi lại theo nhịp đàn, vì đó là nghi thức dành cho quý tộc. Ông Giuốc-đanh nhận ra rằng ăn mặc ra người quý phái có hơn vì mặc áo trào mà ông được gọi ngay là Ông lớn, rồi Cụ lớn, rồi Đức ông! Ông Giuốc-đanh lấy làm khoái chí với những tiếng tôn xưng ấy và liên tục móc tiền để ban thưởng, hay nói cách khác, ông đã bỏ tiền ra mua những tiếng mà bấy nay ông hằng khao khát! Trong thâm tâm, ông còn định ban thưởng cho bọn thợ may cả túi tiền nếu được tôn xưng là Tướng công! Nhưng nực cười là ông Giuốc-đanh sực tỉnh, tự thú với chính mình: như thế là phải chăng, nếu không ta đến mất trắng cả tiền. Vậy ra Giuốc-đanh cũng chẳng hào phóng gì, ông muốn mua danh nhưng cũng sợ mất nhiều tiền, ông chỉ dừng ở tiếng Đức ông để giữ lại tiền và cũng là để giữ lấy cải bản chất tham tiền và hà tiện của ông!

Mô-li-e đã sắp xếp các pha cười theo từng cung bậc khác nhau trong những tình huống được chọn lựa khá đắt để cho mỗi pha cười khắc họa được một nét đặc biệt của anh trưởng giả nhố nhăng muốn học đòi làm quý tộc. Tiếng cười đối với bọn phó may hám lợi cũng không kém phần rôm rả. Bản thân bọn phó may cũng chẳng có hiểu biết gì về trang phục của giới quý tộc, vì chúng chỉ là hạng thợ vườn, nhưng bọn này biết lợi dụng triệt để để tính hám danh của gã trưởng giả để moi tiền. Mô-li-e đã cho người xem những mẻ cười về bọn này ở những khía cạnh sau đây:

Tính ba hoa khoác lác: Phó may bảo rằng hắn phải cho hai mươi thợ bạn làm cái áo lễ phục cho ông Giuốc-đanh. Hắn tuyên bố đây là cái áo đẹp nhất trong triều, may đúng kiểu nhất và dám chấp nhận các thợ may giỏi nhất, hắn còn đố họa sĩ nào vẽ được một cái nào vừa vặn hơn cái áo này. Hắn biện bác đủ cách để lừa ông Giuốc-đanh thiển cận. Áo may ngược hoa nhưng phó may lại bảo là người sang trọng đều mặc thế, rồi nếu ông Giuốc- đanh kêu giày chật, đau chân thì phó may bảo ông tưởng tượng ra như vậy, ông Giuốc-đanh cãi thì hắn lảng đi để bắt vào chuyện chiếc áo lễ phục, ông Giuốc-đanh phát hiện phó may ăn bớt vải và mặc áo bằng vải ăn bớt đó ngay trước mặt ông ta, thì phó may trơ tráo thừa nhận, rồi lấn lướt không trả lời câu hỏi của ông Giuốc-đanh, hắn mời ông ta thử áo. Rõ ràng đây là hạng lừa phỉnh đã thành nghề để kiếm ăn. Tệ xun xoe nịnh bợ: Bọn thợ may biết rõ gan ruột ông Giuốc- đanh đang muốn gì. Chúng vòi vĩnh ông cho ít nhiều để uống rượu, vì đã may cho ông chiếc áo lễ phục nhưng ông Giuốc-đanh lại thương cho chúng vì tiếng Ông lớn. Biết thóp thế, bọn thợ bạn lại tuôn ra những tiếng Cụ lớn rồi Đức ông! Chúng có tiếc gì mấy cái tiếng nịnh bợ, tâng bốc ấy đâu, chỉ cốt làm mát lòng ông Giuốc- đanh hám danh và để vơ tiền một cách hợp lý mà thôi.

Mô-li-e đã đem đến cho người xem những tiếng cười có ý nghĩa phê phán thật giá trị. Ông phê phán, những thói rởm cả trong tầng lớp quý tộc, cả trong bọn giả danh của giai cấp tư sản, bọn trưởng giả muốn học làm sang, và đứng về phía nhân dân tỉnh táo – tức khán giả – để chửi thẳng vào bọn dốt nát, ngu xuẩn đó. Ông đã dựng lên hai loại người với những nét tâm lý khác nhau, nhưng lại biết kiếm chác những cái cần thiết. Ông Giuốc-đanh thừa tiền, vô học, muốn kiếm cái danh vì ông rất háo danh. Bọn phó may vô tài, biển lận, muốn kiếm thật nhiều tiền vì chúng rất hám tiền. Hai bên đều đạt mục đích cả. Một bên được cái danh hão, còn một bên được tiền thật. Cái đáng mỉa mai hài hước cũng toát lên từ đó.

Sự chênh lệch, mất cân xứng giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và bên ngoài là nguyên tắc cơ bản để nhà văn tạo ra cái hài. Ở lớp kịch này cũng vậy, Mô-li-e đã xây dựng một nhân vật hài kịch bất hủ khi tạo ra sự khập khiễng, bất hoà giữa cái ngu dốt, ngớ ngẩn và cái sang trọng học đòi ở nhân vật ông Giuốc-đanh, với hàng loạt các tình tiết gây cười: bộ lễ phục với những bông hoa ngược, tiền thưởng cho những tiếng tôn xưng quý phái hão, vẻ vênh váo rởm hợm của ông Giuốc-đanh khi mặc lễ phục cũng như khi 

Bài mẫu 4: Vở kịch thầy bói xem voi

Câu chuyện ngụ ngôn kể về năm thầy bói đến xem con voi rất nổi tiếng trong dân gian và được chuyển thể thành kịch rất thành công. Câu chuyện xoay quanh 5 thầy bói quyết định cùng đóng góp tiền để biếu người quản voi và xem xem con voi có hình dạng như thế nào.

Mỗi người thầy xem một phần khác nhau, và sau cùng, họ tranh cãi với nhau. Không ai thừa nhận ý kiến của người kia: một người sờ vòi và nói rằng voi giống con đỉa; người khác sờ ngà và cho rằng nó giống cái đòn càn; một người khác sờ tai và nói nó giống cái quạt thóc; người kia sờ chân và nói rằng voi to như một cái cột đình; cuối cùng, người thứ năm sờ đuôi và nói rằng voi như một cái chổi sể cùn. Cuối cùng, sau cuộc cãi vã không thể giải quyết, năm người thầy đánh nhau dữ dội, chảy máu. Cách tiếp cận “xem voi” như vậy thật kỳ quặc và đầy những sai lầm cơ bản. Bài học rút ra từ câu chuyện này rất hữu ích.

Vì họ là những thầy bói mù, họ không thể nhìn bằng mắt mà chỉ có thể “sờ” bằng tay. Con người có năm giác quan, nhưng những người thầy này bị mất đi giác quan quan trọng nhất trong việc “xem”, đó là thị giác. Nhưng cuối cùng, họ chỉ có thể sử dụng giác quan duy nhất để làm công việc đó: xúc giác. Điều này dẫn đến việc họ “xem” voi bằng cách sờ! Và do con voi quá lớn, nên tất cả điều đó dẫn đến việc mỗi thầy chỉ có thể sờ một phần nhỏ của nó, không thể nhận biết được toàn diện về đối tượng. Vì vậy, cùng một con voi, những ý kiến của các thầy không giống nhau.

Thái độ của các thầy không phải là tự tin mà chủ quan đến mức cực đoan: mỗi người đều cho rằng mình đúng nhất, người sau đó phản bác ý kiến của người trước để khẳng định quan điểm của mình, không ai chịu ai, và điều này dẫn đến các cãi vã, cuối cùng là một cuộc đánh nhau dữ dội, máu chảy.

Rõ ràng, sai lầm của các thầy bói nằm ở chỗ: thay vì chỉ xem một phần của con voi, họ nên xem toàn bộ con voi thì mới có thể đưa ra đúng đắn. Dù vòi, chân, tai, ngà, đuôi đều là của con voi, nhưng chỉ riêng lẻ một phần, chưa phải là toàn bộ con voi.

Quan trọng hơn, nếu các thầy lắng nghe ý kiến của nhau, hỏi ý kiến của người quản lý, kết hợp với sự mô tả và nhận thức của mỗi người, họ sẽ hiểu rõ hơn về con voi!

Câu chuyện ngụ ngôn của người xưa mang lại cho người đọc những bài học quý giá trong cuộc sống. Trong việc xem xét một sự vật hoặc sự việc, ta cần kết hợp cả những giác quan khác nhau như thính giác, thị giác… Nhưng nếu không có điều kiện sử dụng đầy đủ các giác quan, thì phải xem xét một cách toàn diện, không lấy một phần nhỏ để đại diện cho toàn bộ. Đặc biệt, không nên quá chủ quan khi xem xét, đánh giá một sự vật hay sự việc, mà cần phải lắng nghe ý kiến của người khác, kết hợp với phân tích, đánh giá và tổng hợp của bản thân.

Bài mẫu 5: Vở kịch chèo Thị Mầu lên chùa

Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật chèo nói riêng và của nghệ thuật kịch hát Việt Nam nói chung. Sự đặc sắc của Thị Mầu lên chùa là sự đặc sắc đến từ đề tài, nội dung đến hình thức nghệ thuật thể hiện.

Cái hay trong đề tài của trích đoạn Thị Mầu lên chùa nằm ở chỗ, Thị Mầu đã say đắm và tìm cách hãm hại tiểu Kính Tâm. Nghĩa là, giữa lề cấm, lễ giáo phong kiến đè nặng lên người con gái, vẫn có một Thị Mầu dám khát khao và bộc lộ tình cảm của mình ra bên ngoài. Thị Mầu đã là một sự đặc sắc, sự khác biệt với Thị Kính. Cái độc đáo khác ở đây là, Thị Mầu đã đi yêu tiểu Kính Tâm! Thật ngược đời, éo le. Nhưng dẫu trớ trêu như thế nào thì trích đoạn này cũng tràn đầy sự vui tươi, đặc sắc so với các trích đoạn khác trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Quan điểm của tác giả dân gian, như cách để cởi trói những người đàn bà trong xã hội cũ, khỏi các ràng buộc của vòng nô lệ, đã được thể hiện thông qua nhân vật Thị Mầu.

Nét độc đáo trong hình thức nghệ thuật của trích đoạn chèo được thể hiện rõ ràng nhất chính là ở sự thể hiện. Nói một cách khác là nghệ thuật sân khấu. Nếu chỉ soi xét về cốt truyện của Thị Mầu lên chùa, ta sẽ thấy được những điều đáng tiếc. So với nghệ thuật Tuồng, ngôn ngữ trong Chèo dễ hiểu hơn, gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng. Đó là những câu thơ, điệu hò mà có thể lồng ghép, chèn vào được thơ cổ, mang nặng tâm tình người Việt.

Cái hay là của chèo cũng khác biệt với kịch nói ở chỗ đó là có thêm nhạc đệm. Tiếng gọi này là sự đồng cảm của khán giả, là một sự cộng hưởng, thuộc tác giả. Giới hạn của nghệ sĩ và khán giả ở Việt Nam bị bó hẹp. Trong khi đó, ở kịch nói mà chủ yếu là tác động từ phương Tây, khán giả không được quyền lên tiếng, đồng sáng tác với vở kịch ấy. Điều này cũng đã được thể hiện trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

Có thể thấy, những nét độc đáo trong nghệ thuật chèo đã được thể hiện khá rõ ràng qua trích đoạn Thị Mầu lên chùa. Những sự độc đáo ấy đến từ đề tài trữ tình có phần trái ngược (một cô gái đang tán tỉnh chú tiểu), và từ sự thể hiện của loại hình chèo. Kịch nói là sự ảnh hưởng, du nhập của phương Tây trong quá trình hiện đại hoá văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, kịch hát cũng có sức hút riêng biệt, không chỉ bởi đó là nét riêng, mà còn bởi giá trị nghệ thuật của nó.


Nếu chưa hiểu - hãy xem: => Lời giải chi tiết ở đây

Nội dung quan tâm khác

Thêm kiến thức môn học

Từ khóa tìm kiếm: Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch) tiếng việt 9 kết nối, tiếng việt 9 kết nối Viết bài văn nghị luận phân tích một tác phẩm văn học (kịch).

Bình luận

Giải bài tập những môn khác