Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh và tâm hồn của nhân vật "ta" trong đoạn thơ?

Tuyển tập những bài tập làm văn hay nhất trong chương Ngữ văn lớp 8 bộ sách chân trời sáng tạo. Sau đây, mời bạn đọc cùng tham khảo bài: Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh và tâm hồn của nhân vật "ta" trong đoạn thơ?

Đề bài: Em cảm nhận như thế nào về hình ảnh và tâm hồn của nhân vật "ta" trong đoạn thơ?

Bài tham khảo 1:

Nhân vật trữ tình đã xuất hiện với chân dung là cái ta - một cái ta nhàn và một cái ta thi sĩ.

Lúc thì ta mơ màng lắng nghe suối chảy, chim hót:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.

Lúc thì mượn đá để ngồi (Hoàng Phủ Ngọc Tường) ngắm cảnh hoặc đánh cờ một mình:

Côn Sơn có đá rêu phơi

Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm

Có lúc thì lại tha thẩn giữa đồi thông, tìm bóng mát nằm thảnh thơi:

Trong ghềnh thông mọc như nêm

Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm.

Rồi lại trầm mặc đứng dưới bóng trúc rợp mát màu xanh mà ngâm thơ, vịnh cảnh:

Trong rừng có trúc bóng râm

Trong màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn.

Thật là lãng mạn và thi vị. Một cái ta thi sĩ ngâm thơ nhàn, lắng nghe mọi rung động tinh tế của thiên nhiên và cảm nhận nó bằng tâm hồn nghệ sĩ (nghe tiếng suối mà như nghe tiếng đàn, ngồi trên đá lại tưởng ngồi chiếu êm).

Một cái ta thảnh thơi (dù là trong khoảnh khắc) dạo chơi, ngắm cảnh, nằm dưới bóng râm, ngâm thơ... Dường như Nguyễn Trãi đã quên đi hết mọi ưu phiền. Không còn cảnh bon chen giành giật của chốn cửa quyền nhiều hiểm hóc, lòng người cực hiểm, chỉ có người và cảnh quấn quýt giao hoà với nhau. Với nhân vật ta, cuộc sống ấy thật hạnh phúc và có ý nghĩa. Côn Sơn đã trở thành nhà của nhân vật ta - một ngôi nhà thân thương, ấm áp tình người.

Trong cảm quan của nhân vật ta, một thế giới nhân gian rộng mở để tâm hồn thi nhân tìm đến, đón nhận thi nhân trở về với chính mình.

Bài tham khảo 2:

Khi đọc và cảm nhận bài thơ, điều đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được là một bức tranh thiên nhiên rất nên thơ. Thể thơ lục bát ngọt ngào đã mở ra trước mắt ta phong cảnh Côn Sơn. Đó là âm thanh “suối chảy rì rầm” êm êm ru hồn người. Đó là “đá rêu phơi” trầm mặc cổ kính. Đó còn là “thông mọc như nêm” xanh rì mát rượi, và “bóng trúc râm” hiền hòa như người quân tử chân phương… Cảm nhận thiên nhiên từ thính giác, thị giác đã đem lại ấn tượng một vùng quê thanh bình, nguyên sơ, rất đỗi trong lành và yên tĩnh.

Đó chính là cái nền để nhân vật “ta” xuất hiện. Ta thấy nhà thơ sử dụng một nghệ thuật đối xứng giữa cảnh và người: Côn Sơn có tiếng “suối chảy” thì “ta nghe”. Nghe là một động từ thể hiện sự thưởng thức âm thanh của thiên nhiên, âm thanh ấy qua tai nghe của nhà thơ như trở thành “tiếng đàn cầm”. Cách so sánh tài hoa một âm thanh của thiên nhiên với âm thanh của nhạc cụ vừa gợi tả được cái hay của tiếng đàn, vừa bộc lộ tình yêu thiên nhiên của “ta”, tức là nhà thơ Ngyễn Trãi. Và khi Côn Sơn đẹp với những “đá rêu phơi” thì “ta” sẽ ngồi trên đá ấy để thưởng thức cái êm ái và ngắm nhìn cảnh vật khoáng đạt xung quanh. Thiên nhiên đem đến cho người thưởng thức vẻ hùng tráng của những dáng thông cao, lúc đó, nhân vật “ta” sẽ “nằm” dưới bóng thông mà ngắm mây trời phía trên những tán lá kim tươi đẹp. Cảm giác ấy có lẽ thật sảng khoái và tuyệt vời. Rồi trong rừng Côn Sơn còn có trúc xanh râm mát, như bày sẵn cho nhân vật “ta” có cảm hứng để “ngâm thơ nhàn”, để mơ màng cho thời gian qua đi trong yên ả, và ngẫm nghĩ những lẽ đời, ngẫm nghĩ mãi vể đạo của người quân tử, trong một thời kỳ mà xã hội phong kiến còn nhiều nhiễu nhương.

Thế đấy, nhân vật “ta” và thiên nhiên Côn Sơn như hòa làm một. Một loạt động từ: nghe, ngồi, nằm, ngâm… miêu tả hành động của nhân vật trữ tình, mà đó cũng là sự thể hiện một tâm thế tự chủ, thoải mái, sảng khoái của một thi sĩ yêu thiên nhiên và thưởng thức thiên nhiên bằng tất cả trái tim mình. Cảnh đẹp Côn Sơn đem thi hứng tràn đầy vào tâm hồn nhà thơ, thôi thúc nhân vật trữ tình khao khát hòa với thiên nhiên làm một. “Ta” cũng trở thành một phần không thể thiếu của bức tranh Côn Sơn. 

Bài tham khảo 3:

“Ta” chính là Nguyễn Trãi. Trong đoạn thơ tám dòng lục bát mà xuất hiện năm lần đại từ ta. Ta hiện ra liền mạch, nối tiếp trong những dòng thơ sáu âm tiết, riêng dòng thứ sáu, “ta” điệp hai lần liền: “ta lên ta nằm”. Nếu để ý sẽ thấy kết cấu đoạn thơ khá chặt chẽ. Câu sáu tả cảnh, câu tám xuất hiện “ta” với những hành động cụ thể mang ý nghĩa tác giả tự họa chân dung mình. Điều đó gợi cảm giác giữa thiên nhiên cây rừng, đá núi, suối reo của Côn Sơn , hình ảnh Nguyễn Trãi thấp thoáng, đan cài, vấn vít, hòa quyện không phút nào rời xa. Con người và thiên nhiên như muốn nhập làm một, tạo thành sự sống toàn cảnh cho Côn Sơn. 

Bài tham khảo 4:

Trong bài thơ, ta thấy đại từ “ta” xuất hiện đến năm lần,và đó chính là tác giả, hình ảnh đó khiến cho tác giả giống như một nhà hiền triết hoặc một Tiên ông đang đắm mình vào thiên nhiên tuyệt mĩ. Nhà thơ đã hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ, bao nhiêu lo lắng muộn phiền của cuộc đời dường như được trút sạch, còn người và thiên nhiên đã hòa vào làm một. Nhà thơ không chỉ cảm nhận cảnh vật thiên nhiên ấy bằng thị giác và thính giác mà còn cảm nhận bằng cả trái tim, ta có thể nhận thấy cái “tâm” trong sáng và cái tài độc đáo của Nguyễn Trãi qua bài thơ này. 

Nội dung quan tâm khác

Bình luận

Giải bài tập những môn khác